Tại sao tương tác là vấn đề sống còn của nhóm?

Một phần của tài liệu Khảo sát và đánh giá một số kỹ năng tương tác trong tổ chức của sinh viên khoa sư phạm trường đại học tiền giang (Trang 44 - 45)

7 Cấu trúc nội dung Luận văn

2.1.2Tại sao tương tác là vấn đề sống còn của nhóm?

Nhóm được định nghĩa là: “có từ hai người trở lên, có sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau, cùng làm việc để đạt tới một mục tiêu đặc biệt” [57, tr.371]. Nhóm có thể là một đơn vị trực thuộc tổ chức, có chức năng nhiệm vụ nhất định, hành vi của nhóm được quyết định bởi mục tiêu của tổ chức, đó là các nhóm chính thức. Các nhóm không chính thức là các liên minh không có cấu trúc chính thức. Các nhóm này xuất hiện một cách tự nhiên trong môi trường làm việc để đáp ứng nhu cầu tương tác xã hội hoặc sự tương đồng về sở thích [57, tr.371]. Nhóm quan trọng trên cả phương diện cá nhân và xã hội. Xã hội được tổ chức bởi các nhóm hơn là bởi các cá nhân. “Tất cả các hình thái xã hội từ săn bắt hái lượm cho đến công nghiệp, đều được đặc trưng bởi sự bao gồm các nhóm nhỏ. Các giá trị và chuẩn mực không trực tiếp tác động đến cá nhân, mà luôn thông qua nhóm” [39, tr.xi]. Các cá nhân luôn thuộc về các nhóm. Cá nhân sống, học tập, làm việc, giải trí trong các nhóm. Cá nhân được xã hội hoá trong các nhóm. Chính vì những lý do đó mà nhóm (chứ không phải là tập thể hay tổ chức) là khái niệm cơ bản của các nghiên cứu về mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

Nhóm đa dạng và không lặp lại. Mọi đặc điểm của nhóm đều có ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của nhóm. Larson và LaFasto (1989) cho thấy những vấn đề có thể xem là thiết yếu nhất của nhóm khi chỉ ra rằng các nhóm thành công thường có

6 đặc điểm sau:

1. Có mục tiêu rõ ràng và đánh giá được. 2. Có cấu trúc hiệu quả

3. Có sự cạnh tranh giữa các thành viên 4. Có sự cam kết nhất quán

5. Có bầu không khí hợp tác

6. Có các tiêu chuẩn để phấn đấu [46, tr.174].

Trong danh sách trên, ngoài vấn đề về mục tiêu thì có đến 5/6 vấn đề về mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm được cho là có ảnh hưởng quyết định đến thành công chung của nhóm. Nhóm tác giả quyển Các Tổ chức Mở (Open Organizations) cũng khẳng định: “Nhóm không thể hoàn thành được nhiệm vụ trừ phi một mối quan hệ chất lượng được xây dựng trong nội bộ” [49, tr.101]. Cohen và các cộng sự (1995) cũng nêu lên 13 vấn đề mà bất kỳ nhóm nào cũng phải đối mặt, trong đó bao gồm: sự lắng nghe và chia sẻ thông tin, ứng xử với những bất đồng và xung đột, cách thức ra các quyết định, chức năng lãnh đạo,…[34, tr.7] - đây là các vấn đề của tương tác, có ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí quyết định đến hiệu suất làm việc của nhóm. Các thành viên trong nhóm phải làm gì để xây dựng được “mối quan hệ chất lượng” trong nhóm? Chìa khóa nằm ở kỹ năng tương tác của các cá nhân.

Một phần của tài liệu Khảo sát và đánh giá một số kỹ năng tương tác trong tổ chức của sinh viên khoa sư phạm trường đại học tiền giang (Trang 44 - 45)