Qua quá trình tìm hiểu, ta thấy rằng các biện pháp xử lý nợ xấu ở Việt Nam không đạt hiệu quả đạt cao, kết quả nhìn chung không khả quan. Các ngân hàng thực chất tìm cách che giấu các khoản nợ bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đảo nợ. Vì thế một khoản nợ từ xấu trở thành nợ trong khoảng an toàn. Khi hết thời hạn trả nợ số các nợ thu hồi được rất thấp, các ngân hàng lại tiếp tục vòng quay đảo nợ, cơ cấu nợ. Các con số mà ngân hàng công bố ra thấp hơn nhiều so với thực tế về nợ xấu tạo ra sự đánh giá không đúng về hoạt động của các ngân hàng.
Các biện pháp cấp thêm vốn tín dụng, nuôi nợ chỉ nên sử dụng đối với những doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau khi được ngân hàng hỗ trợ. Nhưng số doanh
nghiệp thỏa điều kiện này không nhiều vì bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp hiện nay có thể không thể phục hồi trong tương lai, như vậy sẽ tăng thêm gánh nặng nợ xấu cho ngân hàng.
Việc cắt giảm lãi suất đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp trả nợ nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong đó. Tuy lãi suất huy động trần giảm xuống nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao, các ngân hàng không giảm hoặc giảm rất ít đối với các khoản tín dụng cũ. Tình hình này diễn ra khiến cho các doanh nghiệp vẫn đang lao đao vì lãi vay còn ngân hàng thu được một nguồn lợi nhuận lớn trong hiện tại. Nhưng hệ quả để lại về sau là các doanh nghiệp không có điều kiện phục hồi sẽ phá sản hàng loạt khiến cho nợ xấu tăng lên rất nhanh. Nếu như ngân hàng nào thực hiện đúng chính sách giảm lãi suất cho khách hàng thì vẫn có khả năng thu hồi nợ nhưng ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận.
Khởi kiện cũng là một phương pháp có tác dụng răn đe những khách hàng có ý trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nhưng sẽ mất nhiều thời gian, công sức để theo đuổi vụ kiện. Thanh lý tài sản đảm bảo cũng khiến cho ngân hàng tốn kém chi phí, thời gian nhưng khoản thu hồi thấp vì tài sản bị giảm giá trị.
Việc thành lập các AMC chưa đạt nhiều kết quả mong đợi, hoạt động chưa đa dạng, đơn giản chỉ là cách xử lý truyền thống với tài sản đảm bảo và khởi kiện, đội ngũ nhân viên còn thiếu kinh nghiệm, lực lượng mỏng. Công ty xử lý nợ trực thuộc Bộ Tài chính có quy mô chưa xứng tầm vì vậy khả năng xử lý nợ vẫn còn kém. Bên cạnh nguồn vốn chưa dồi dào, các cơ chế chính sách vẫn chưa hỗ trợ đúng mức.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là việc minh bạch thông tin của hệ thống ngân hàng hiện nay. Các ngân hàng có xu hướng che giấu nợ xấu vì thế sẽ tạo khó khăn trong việc tìm ra phương án giải quyết triệt để và hiệu quả. Các kế hoạch cơ cấu, sáp nhập ngân hàng cũng được xem như bí mật nội bộ của NHNN. Nếu không cải thiện được vấn đề này thì vấn đề giải quyết nợ xấu còn nhiều khó khăn.