Mô hình ước lượng đầu tiên nhận được:
LOG(BAD) = 4.9104 + 0.6495*LOG(LOAN) - 0.1170*ROTHAS + 0.0900*MMR - 0.3394* RGDP
Kết quả kiểm định của mô hình Tác động của các nhân tố dư nợ tín dụng, tỷ lệ thu nhập thuần phi lãi suất trên tổng tài sản, lãi suất thị trường tiền tệ, và tăng trưởng GDP thực đến nợ xấu của các NHTM có trụ sở tại Tp.HCM không hoàn toàn trùng khớp với kết quả nghiên cứu của Xiaofen Chen.
Dư nợ tín dụng (LOAN) và lãi suất thị trường tiền tệ (MMR) có quan hệ tuyến tính cùng chiều với nợ xấu (BAD), tăng trưởng GDP thực ( RGDP) có quan hệ tuyến tính ngược chiều với sự gia tăng nợ xấu. Kết quả này hoàn toàn giống với kết quả nghiên cứu của Xiaofen Chen.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu nhập thuần phi lãi suất trên tổng tài sản (ROTHAS) có quan hệ tuyến tính ngược chiều với nợ xấu, nhưng theo kết quả của Xiaofen Chen thì chúng lại có quan hệ cùng chiều. Tuy nhiên, khác nhau lớn nhất giữa kết quả kiểm định ở Việt Nam và kết quả nghiên cứu của Xiaofen Chen đó là biến này lại không giải thích được cho biến nợ xấu trong trường hợp ở Việt Nam.
Đối với mô hình hồi quy được viết lại:
LOG(BAD) = 5.4791 + 0.6325*LOG(LOAN) + 1.0673*LOG(MMR) - 2.2808*LOG( RGDP)
Thứ nhất, dư nợ tín dụng có quan hệ tuyến tính cùng chiều với nợ xấu của các NHTMCP có trụ sở tại Tp.HCM. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP thực và lãi suất huy động không đổi qua các năm thì dư nợ tín dụng tăng lên 1% nợ xấu tăng lên 0.6325%. Con số này khá cao và cũng phản ánh được dư nợ tín dụng là yếu tố tác động mạnh đến nợ xấu. Kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế trong hệ thống NHTMCP ở Tp.HCM hiện nay vì nó phản ánh đúng với tình hình nợ xấu thực tế của các NHTMCP có trụ sở tại Tp.HCM trong những năm gần đây.
Thứ hai, lãi suất huy động cũng có quan hệ tuyến tính cùng chiều với sự gia tăng nợ xấu. Khi lãi suất tăng 1% sẽ dẫn đến nợ xấu tăng 1.0673% nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP thực không đổi. Qua con số này, có thể khẳng định nợ xấu bị tác động rất mạnh bởi yếu tố lãi suất huy động. Thực tế trong những năm 2008-2010 cũng cho thấy được điều này. Các ngân hàng chạy đua lãi suất huy động và đẩy lãi suất cho vay lên cao. Đó cũng là một tác đưa nợ xấu ngân hàng tăng cao trong những năm này.
Thứ ba, tăng trưởng GDP thực có quan hệ tuyến tính ngược chiều với sự gia tăng nợ xấu. Con số - 2.2808 cho biết khi tốc độ tăng trưởng RGDP tăng lên 1% thì nợ xấu giảm xuống 2.2808% nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng và lãi suất huy động không đổi. Rõ ràng ta thấy rằng, tốc độ tăng trưởng GDP thực có tác động đến sự gia tăng nợ xấu của các ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, đây là yếu tố vĩ mô mà bản thân mỗi NHTM không thể kiểm soát được. Vì vậy, để hạn chế nợ xấu gia tăng các NHTM phải kiểm soát chất lượng tín dụng mà họ cung cấp cho khách hàng.