Những yếu tố tạo nên tính luận đề

Một phần của tài liệu Tính luận đề trong tiểu thuyết của nhất linh trong thời trước cách mạng (Trang 51 - 53)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.1 Những yếu tố tạo nên tính luận đề

Suy cho cùng, mọi sáng tác văn học có giá trị đều mang tính luận đề. Lúc này, tính luận đề được hiểu là tính có vấn đề - một tính chất hiện diện trong sáng tạo ngôn từ đầy chủ ý, thể hiện rõ nét vai trò quan trọng của chủ thể trong việc nhìn nhận, đánh giá, suy xét, can thiệp vào mọi vấn đề của cuộc sống tự nhiên và xã hội. Ngay cả khi nhà văn không có ý thức bàn định thật tập trung vào vấn đề, tính luận đề của tác phẩm vẫn cứ hiển lộ. Nhưng nhìn theo nghĩa hẹp, tính luận đề trong sáng tác văn học là một sản phẩm hoàn toàn được ý thức, được xây dựng một

cách logic, dựa trên nền tảng một quan điểm, một quan niệm có cấu trúc chặt chẽ. Với một tác phẩm có tính luận đề (hiểu theo nghĩa hẹp), tác giả không hề giấu diếm ý đồ, ý định của mình, thậm chí tìm mọi cách làm cho nó hiển lộ. Điều tác giả mong muốn nhất không phải là sự ám gợi, ám chỉ mập mờ, chập chờn, bất định mà là sự rõ ràng, có tầng, có bậc rất khúc chiết của vấn đề được nói đến. Hơn lúc nào hết, khi sáng tác một tác phẩm có tính luận đề hay một tác phẩm luận đề là lúc nhà văn tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng tác động xã hội lớn lao của văn học. Nếu không tin như thế, hẳn Phan Bội Châu không viết Trùng Quang tâm sử, Nguyễn Trọng Thuật không viết Quả dưa đỏ, Nam Cao không viết Đôi mắt, Nguyễn Minh Châu không viết Chiếc thuyền ngoài xa, Bức tranh…

Yếu tố đầu tiên tạo nên tính luận đề là vấn đề, là thông điệp - một vấn đề, thông điệp đủ “lớn”, đủ rõ ràng để khiến người ta quan tâm nhằm điều chỉnh một cách nghĩ, cách nhìn, một hành vi, thái độ… Không phải ngẫu nhiên mà khi đi vào tìm hiểu các tác phẩm có luận đề hay có tính luận đề, điều đầu tiên các nhà phê bình, nghiên cứu phải làm là cố gắng tìm cho ra thông điệp cốt lõi của tác giả.

Yếu tố thứ hai tạo nên tính luận đề là nội hàm xác định của hình tượng được xây dựng. Trong sáng tác luận đề, hình tượng không được hoạt động quá tự do. Những gợi mở từ hình tượng gần như đã được nhà văn tiên lượng và nhà văn luôn muốn độc giả hiểu hình tượng theo cách mình đã hiểu. Các hình tượng trong tác phẩm luận đề thường tồn tại tương đương với ý niệm, nó có thể được tóm tắt và sự tóm tắt đó không làm phương hại nhiều đến giá trị của nó.

Yếu tố thứ ba tạo nên tính luận đề là màu sắc biện luận logic của ngôn từ, bất kể đó là ngôn từ của người kể chuyện hay của nhân vật. Nhiều khi, những sắc thái cá biệt, cá thể của ngôn từ nhân vật bị nhoà lẫn vào ngôn từ uyên bác của tác giả, của người kể chuyện được tác giả trao cho những quyền tối thượng.

Tất nhiên, trên chỉ là những yếu tố cơ bản nhất. Để nhận ra tính luận đề của một sáng tác, người ta có thể căn cứ vào cách đặt tên văn bản, tên nhân vật, cách

kết cấu logic sáng sủa, cách “sa đà” với những đoạn thường được gọi là “trữ tình ngoại đề”…

Một phần của tài liệu Tính luận đề trong tiểu thuyết của nhất linh trong thời trước cách mạng (Trang 51 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w