Luận đề về đường đi của văn học nghệ thuật

Một phần của tài liệu Tính luận đề trong tiểu thuyết của nhất linh trong thời trước cách mạng (Trang 70 - 73)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.3 Luận đề về đường đi của văn học nghệ thuật

Trước năm 1932, Nhất Linh theo quan niệm của các nhà nho: văn gắn với đạo, với mệnh trời, “văn dĩ tải đạo”, “văn dĩ hướng đạo”. Ông noi gương các nhà nho tiền bối: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu… dùng con thuyền văn để chở đạo.

Văn học trước hết có chức năng truyền đạt, rồi mới đến phát hiện, khám phá. Đối tượng văn học không phải là cuộc sống thực mà là khuôn mẫu của đạo đức, truyền thống, đạo nho là: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của người quân tử; là công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ. Ông quan niệm cái đẹp là hoàn hảo, toàn diện, tuyệt đối, thống nhất với cái có ích, đề cao cái đẹp nội dung hơn hình thức. Cuộc sống được đánh giá qua con mắt đạo lý, nhân vật được xây dựng theo chuẩn mực đạo

đức: Thiện - ác, trung, hiếu, tiết nghĩa - bất trung, bất nghĩa, thật thà - gian dối… Văn học chú trọng chức năng giao dục theo đuổi đạo lý có tính chất quy phạm, khuôn mẫu. Tiểu thuyết Nho phong (1926) và tập truyện ngắn Người quay tơ

(1927) thể hiện khá rõ luận đề trên.

Sau khi du học ở Pháp về, Nhất Linh đổi mới quan niệm văn chương. Ông có hoài bão dùng văn chương góp phần cải tạo xã hội, theo chủ trương dân chủ tư sản, ý tưởng của ông thể hiện rất rõ trong mười điều tôn chỉ của Tự lực văn đoàn.

Ta thấy Nhất Linh từ giã quan niệm truyền thống để đi vào quan niệm mới về văn học. Ông chuyển hướng từ tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật, đề tài đến lối viết. Số phận con người cá nhân, quyền sống, quyền tự do dân chủ, quyền được hưởng hạnh phúc, lòng khao khát lý tưởng được nhà văn quan tâm thể hiện trong hàng loạt tác phẩm: Nắng thu, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Bướm trắng và hai tác phẩm viết chung với Khái Hưng, Gánh hàng hoa, Đời mưa gió.

Từ Nho phong đến nay Nắng thu đánh dấu một chặng đường mới rõ rệt, toàn diện của Nhất Linh ở thể loại tiểu thuyết: Từ quan niệm nghệ thuật tới nội dung tư tưởng, đề tài đến kết cấu, hành văn… Đáng chú ý hơn cả là từ mô tả con người của cộng đồng, của luân lý, đạo đức nho giáo đến con người cá nhân của xã hội tư sản mang những mầm mống đối lập với gia đình, xã hội phong kiến, càng đi sâu mô tả con người cá nhân.

Hai cuốn tiểu thuyết Đọan tuyệtLạnh lùng được kết cấu theo quy luật tâm lý, không theo trình tự thời gian. Tác giả đi sâu vào mô tả diễn biến tâm lý nhân vật. Cốt truyện Đoạn tuyệt khá chặt chẽ, giản dị. Ở Lạnh lùng, tác giả không gò cốt truyện, dàn nhân vật minh hoạ cho luận đề. Ở đây, có rất ít sự việc: hai lần Nhung giỗ chồng, hai lần ra chùa xem đúc chuông, hái lộc năm mới, một lần đám cưới em gái. Các diễn biến sự việc được mô tả đơn giản, chủ yếu là diễn biến trong thế giới nội tâm, những suy tư thầm kín, những rung động khát khao trong lòng goá phụ trẻ.

Đoạn tuyệt có hai câu chuyện lồng vào nhau, câu chuyện xung đột mới – cũ quyết liệt và câu chuyện tình Loan - Dũng. Chất tiểu thuyết luận đề được kết cấu đan xen tương ứng. Tương ứng với cảnh đau khổ của cuộc đời Loan vì cuộc hôn nhân mua bán là mối tình thơ mộng với Dũng. Tương ứng với không gian chật chội tù túng, đầy hận thù, uất ức ở nhà chồng là không gian bao la, thoáng đãng làm dịu tâm hồn con người.

Tương ứng với những cuộc xô xát, những lời thoái mạ, sỉ vả là sự cảm thông, yêu thương, ân cần trân trọng, tha thiết của Dũng, của bạn bè với Loan. Tương ứng chuỗi ngày sống tẻ nhạt bên người chồng tầm thường bất đắc dĩ và cuộc đời khổ sai là thể xác lẫn tinh thần của Loan là cuộc gặp bất ngờ như trong mơ trên rừng Yên Bái. Tình yêu của Loan – Dũng là sự tương ứng vang vọng của trái tim chân thành, kín đáo và cảm động, chàng dứt tình riêng để theo đuổi lý tưởng. Kết cấu tương ứng đan xen giữa tiểu thuyết và luận đề, tình yêu của Loan -Dũng tương ứng với sự vang vọng của tâm hồn hai người tạo màu sắc lãng mạn.

Qua Đoạn tuyệtLạnh lùng, Nhất Linh đấu tranh quyết liệt với đại gia đình và lễ giáo phong kiến. Ông hướng vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội đương thời: quyền con người, quyền tự do hôn nhân, quyền được hưởng hạnh phúc (nhất là đối với người phụ nữ) và đề ra một quan niệm mới, một lối sống mới vươn tới những giá trị tinh thần mới mẻ, tự do dân chủ trong xã hội. Ở đây luận đề mới – cũ được thể hiện một cách rõ rệt, mạnh mẽ.

Ở tiểu thuyết Đôi bạn tác giả thể hiện được cuộc vận động trữ tình trong tâm hồn của con người, hướng tới nhiều khát vọng lãng mạn về tình yêu, về lý tưởng. Nhất Linh đã gửi gắm tâm sự của nhiều thanh niên trí thức trước một xã hội đang thay đổi. Con người cứ đi tìm kiếm, tìm kiếm không ngừng lý tưởng cho lẽ sống và hành động. Đôi bạn được coi là một cuốn tiểu thuyết hướng nội trong sáng nhất thể hiện rõ nhất khuynh hướng nghệ thuật của Tự lực văn đoàn lúc đó.

Qua tiểu thuyết Bướm trắng (1940 – 1941) Nhất Linh đi sâu vào bi kịch và số phận cá nhân. Ông để nhân vật tự hình thành, khám phá, soi tỏ qua cuộc hành trình của tấn bi kịch lương tâm, của bản năng ý thức, vô thức, tiềm thức, tâm linh, trước quy luật muôn đời của bệnh tật và cái chết với cuộc sống và tình yêu. Qua đó nhà văn muốn gửi gắm tâm tư, niềm tin về số phận con người trước hiểm hoạ khôn lường của căn bệnh đồng nghĩa với cái chết. Nhất Linh vẫn tin ở con người sẽ tìm ra lối thoát để phục sinh. Có lẽ đó là đóng góp mang ý nghĩa nhân văn của tiểu thuyết Bướm trắng còn lại đến ngày nay.

Như vậy, luận đề về đường đi của văn học nghệ thuật được Nhất Linh thể hiện trong tác phẩm của mình đã góp phần đưa tiểu thuyết tiến thêm vào con đường hiện đại hoá. Qua kết cấu cốt truyện theo dòng tâm lý, lối kết thúc mở, để ngỏ, bước đầu đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật, kỹ thuật sử dụng những khoảng trống, những quãng ngưng nghỉ, sử dụng ký hiệu ngôn ngữ, nhấn mạnh thời gian hiện tại,… không chỉ làm cao thêm lâu đài tiểu thuyết của Nhất Linh mà còn góp phần làm phong phú cho dòng văn xuôi lãng mạn Việt Nam.

Một phần của tài liệu Tính luận đề trong tiểu thuyết của nhất linh trong thời trước cách mạng (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w