6. Cấu trúc của luận văn
2.2.1 Luận đề về quyền sống của con người cá nhân
Nhân vật trong tiểu thuyết của Nhất Linh thể hiện ý thức của con người cá nhân, công khai bứt phá ràng buộc của gia đình phong kiến một cách mạnh mẽ, vươn tới được tự do, sống theo quan niệm mới. Họ là những con người cá nhân đang hoàn thiện nhân cách. Họ có vẻ đẹp thể chất, khoẻ khoắn, thông minh, nhạy cảm, mang tính đô thị, có lý tưởng của con người hiện đại. Ở xã hội phong kiến, cá nhân không có quyền sống riêng, cá nhân bị hoà tan trong đại gia đình, bị trói buộc bởi những quy phạm luân lý lễ giáo. Con người cá nhân của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát cũng đã lên tiếng đấu tranh cho quyền sống, quyền tự do đã bị xã hội phong kiến coi là nghịch tử, là giặc. Những năm 20, Tản Đà đem một cái “Tôi” cá nhân vào văn học “không chút dấu diếm”. Tiếp đến Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm là cái “tôi” đòi quyền tự do yêu đương, nhưng tình yêu ấy mong manh, chịu bao áp bức của xã hội phong kiến, cuối cùng tan nát. Sang những năm 30, Thơ mới và văn xuôi lãng mạn, thể hiện cái “tôi” cá nhân
không chỉ ở nhu cầu tự do yêu đương mà là một vấn đề xã hội, một tư tưởng, một triết lý nhân sinh, vươn tới những giá trị tinh thần mới mẻ về quyền con người.
Nhân vật trong tiểu thuyết Nhất Linh là con người cá nhân đang được trưởng thành. Với tác phẩm Đoạn tuyệt (1935), Nhất Linh đã trở thành chiến sỹ đi đầu trong công cuộc đấu tranh giữa mới và cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu, nhất là quyền làm người, quyền được sống, được yêu của con người, nhất là người phụ nữ. “Có thể coi Đoạn tuyệt là tác phẩm tiêu biểu nhất của Tự lực văn đoàn thời kỳ đầu, là bản tuyên ngôn đầy đủ nhất của nhóm về vấn đề “mới - cũ”, về “nhân sinh, xã hội” [48, 30].
Đoạn tuyệt xoay quanh cuộc đời của cô Loan - một cô gái có học, ảnh hưởng văn hoá phương Tây: “Giữ lấy gia đình! Nhưng xin đừng lầm giữ gia đình với lại giữ nô lệ” [48, 161]. Đó là tuyên ngôn của Tự lực văn đoàn nói chung, Nhất Linh nói riêng trong giai đoạn mở chiến dịch chống lại chế độ đại gia đình ở thập niên 30 của thế kỷ này.
Loan yêu Dũng, người bạn học cùng lớp, nhưng không lấy được Dũng mà phải lấy Thân - con trai bà Phán Lợi giàu có - theo sự sắp đặt của gia đình. Và sự xung đột giữa mới - cũ giữa lớp già - lớp trẻ đã xảy ra: “Ông Hai, bà Hai tuy thấy con nói có lý nhưng không khỏi ngạc nhiên, lo sợ. Ông bà mang máng thấy con mình xa cách hẳn mình, thành một người ở xã hội khác, khác hẳn cái xã hội Việt Nam bình thường… Ông Hai, bà Hai thuộc vê hạng trung lưu, vốn sinh nhai về nghề buôn chiếu, chỉ biết theo những tục lệ của cha ông để lại, không để ý thấy rằng ở trong xã hội hiện có một sự thay đổi to tát. Từ ngày cho con gái đi học, ông bà mới dần dần tiếp xúc với sự thay đổi đó. Đến nay, trước một việc quan trọng ông bà càng cảm thấy rõ và lo sợ mà nhận ra rằng con mình không cùng một quan niệm về cuộc đời như mình nữa, cách biệt xa lắm” [48, 40]. Bản thân Loan muốn “Mình phải tạo ra một hoàn cảnh hợp với quan niệm mới của mình” [48, 23]. Và Loan tin vào bản thân, vào cách xử thế của mình. Khi nghe tin Minh Nguyệt tự tử,
Loan đã chê trách: “Việc gì mà hết hy vọng. Mẹ chồng ác thì đi chỗ khác mà ở, chồng ghét thì nên đi lắm. Khổ là vì cứ tưởng mình là thân con gái thì phải lấy gia đình chồng làm gia đình mình, nếu mất gia đình ấy là đời mình bỏ đi. Sao lại thế được. Mình sống, mình sống thì không thể một mình mình sống được sao, nếu các gia đình kia không cho mình được sung sướng. Sao đàn ông họ bỏ vợ này, lấy vợ khác lại là sự thường” [48, 8]. Đó là một quan niệm mới về quyền cá nhân. Nhưng mọi việc có dễ như Loan mong muốn. Vì không để cho cha mẹ buồn, Loan đành về làm dâu nhà bà Phán Lợi, về làm vợ Thân “Người mà nàng không yêu hay cố yêu mà chưa thể yêu được” [48, 67].
Về nhà chồng, Loan vẫn còn tin ở mình. Loan nghĩ mình sẽ làm vừa lòng mẹ chồng, sẽ yêu thương chồng, sẽ tạo dựng được một cuộc đời hạnh phúc như cô muốn. Nhưng khi mới bước chân vào cửa nhà chồng, Loan đã không chịu được những hủ tục lâu đời còn tồn tại mà cô là nạn nhân. Loan đã hất đổ cái hoả lò, đã ngồi ngang hàng với Thân khi hai vợ chồng làm lễ tơ hồng - điều mà xưa nay chưa có người phụ nữ nào dám làm. Và sự thực cuộc đời đã không cho Loan ngang hàng với chồng, với những người trong nhà chồng, kể cả cô em chồng nhỏ tuổi. Chế độ đại gia đình đã bắt Loan hiểu rằng về làm dâu là làm cái máy đẻ để tìm người nối dõi tông đường nhà chồng và là một con ở tin cậy của nhà chồng, là người hầu của mẹ chồng, em chồng. Nếu người phụ nữ nào cản lại thì cũng sẽ như mấy viên than hồng lăn lốc trên mặt đất khi Loan hất đổ cái hoả lò. Càng ngày Loan càng thấy mình trơ trọi sống trong một xã hội cũ kỹ, mà người nào cũng tỏ cho nàng biết người ta có quyền đối với nàng... Nhất Linh có ý phổ biến nhân sinh quan, thái độ của mình đối với những vấn đề cá nhân, xã hội, gia đình. Ở cuốn tiểu thuyết này, vấn đề đòi quyền sống cá nhân được Nhất Linh quan tâm, đầu tư đúng mức. Những nhân vật như Loan, Dũng, Trạng Sư, nhà báo Hoạch, Lâm, Thảo là những người phát ngôn cho tác giả về những quan niệm mới về quyền cá nhân. Tính chất luận đề thể hiện rõ rệt trong chương II, phần thứ 3 tác phẩm (chương tường thuật
phiên toà xử Loan “tội giết chồng”). Tác giả tổ chức đối thoại mới - cũ qua lời buộc tội của ông chưởng lý, lời phản bác của trạng sư, lời nhà báo Hoạch, lời phát biểu của Loan,… tất cả đều nói về xung đột mới - cũ. Những lời đối thoại vang lên trong phiên toà, thể hiện những quan niệm riêng biệt đối lập nhau.
Đoạn tuyệt với cuộc sống cũ, với quan niệm hôn nhân lỗi thời và những hủ tục khác, đòi hỏi giải phóng cá nhân ra khỏi xiềng xích của đại gia đình phong kiến, đòi quyền tự lập, quyền được hưởng hạnh phúc. Đó là lập trường táo bạo, mới mẻ của Nhất Linh ý nghĩa của tác giả rõ ràng, chính xác, không cần đa âm, dễ thuyết phục người đọc.
Nếu Đoạn tuyệt khẳng định phẩm giá con người trong xã hội, lên án chế độ hà khắc, lỗi thời của gia đình phong kiến, thì cũng từ mạch nguồn ấy, Nhất Linh đấu tranh cho quyền được sống, quyền được yêu của người phụ nữ trong cuốn
Lạnh lùng.
Lạnh lùng xoay quanh cuộc đời Nhung - người phụ nữ goá chồng lúc 20 tuổi. Vì tập tục cổ truyền, vì chút danh hờ, vì tấm biển tiết hạnh khả phong có từ đời bà tổ mẫu nhà chồng… mà Nhung phải dối mình, dối người để được tiếng khen của người đời. Tác giả đã tạo nên những xung đột, những giằng xé giữa đạo đức truyền thống và tính nhân đạo và đòi hỏi con người phải quyết định ngay bởi càng do dự chừng nào thì càng gánh lấy đau khổ chừng ấy. “Có gì nhơ nhuốc…vả lại nếu mà xấu nữa thì cái xấu ấy còn hơn cái đẹp giả dối đánh lừa mọi người [49, 27]. Qua tác phẩm này, Nhất Linh đã cho mọi người thấy mọi suy nghĩ và hành động của Nhung trong suốt những năm được gọi là “thủ tiết” mà nào có “thủ tiết” được đâu. Nhung vẫn yêu, vẫn lén lút hẹn hò. Điều mà Nhất Linh muốn nói đến trong Lạnh lùng là phải sống thật với lòng, tránh cái hội chứng “người thứ ba tưởng tượng” cho mình. Nhung còn trẻ, được yêu và đang yêu, thì hà cớ gì những lề thói lỗi thời kia ngăn cản? Và thực tế đâu có thiếu goá phụ đi bước nữa vẫn nuôi dạy đứa con riêng nên người?
Luận đề mà Nhất Linh thể hiện ở tác phẩm này là một thiên biện hộ cảm động não nùng để van lơn giùm cho các cô gái goá chồng. Các cụ xưa nay ít hay tha thứ những tội thất tiết của dâu con mình, cho dẫu là thất tiết trong vòng pháp luật, thất tiết “chính thức” cũng vậy, là bởi các cụ chỉ trông thấy một nỗi cái hay, là cái tiếng thơm, là bầu danh vọng mà người ta đã theo thói quen trùm lên đầu sương phụ thủ tiết với chồng, mà chưa bao giờ nghĩ đến, chưa hề nghe ai bảo cho mà biết bao nỗi cay đắng, đau khổ, ê chề, bao nỗi lạnh lùng, các cô đã chịu đựng để giữ cho được tiếng thơm, cái bầu danh vọng ấy.
Ở Lạnh lùng, trình độ tiểu thuyết của Nhất Linh “già giặn thành thục”, luận đề hoà nhập với tiểu thuyết trong dòng tâm lý của nhân vật. Mạch luận đề không lộ liễu, nó như chìm trong diễn biến cốt truyện, toát lên trong hành động suy nghĩ, lời nói của nhân vật một cách tự nhiên. Đọc xong tác phẩm người ta thấy rõ ràng “đạo Khổng không hợp thời nữa, và luân lý đạo đức phong kiến không còn chỗ đứng trong tư tưởng thế hệ mới. Quyền đòi hỏi được sống hạnh phúc của người goá phụ là chính đáng, “danh thơm”, “tiết hạnh” dành cho họ lắm khi hết sức giả dối, mỉa mai.
Thông qua những bi kịch cá nhân, tác giả đã nâng lên thành vấn đề xã hội bức xúc: Vấn đề giải phóng phụ nữ khỏi chế độ đại gia đình. Nhất Linh xây dựng hai bức tranh chế độ đại gia đình về bề nổi (Đoạn tuyệt), vè bề chìm (Lạnh lùng). Ở
Đoạn tuyệt, chế độ đại gia đình hiện lên rõ nhất là bằng hình ảnh “cái dây xích của cảnh mẹ chồng nàng dâu. Nhất Linh đã nói nhiều lần: “Cái vòng luẩn quẩn, cái móc xích dài những mẹ chồng nàng dâu nối tiếp để hành hạ nhau”, “Cái vòng luẩn quẩn dây xích dài không bao giờ hết”, dây xích cứ tồn tại mãi: “vì xưa kia bà về làm dâu, bà đã chịu khổ sở nên bà muốn bắt người khác cũng khổ sở như mình cho được thăng bằng”. Trong Lạnh lùng, chế độ đại gia đình là sự đè nén khốc liệt bằng lễ giáo, luân lý hà khắc. Cái dây xích “tiết hạnh khả phong” xuất hiện ba lần: Ở đầu tác phẩm, giữa và cuối tác phẩm trói chặt cuộc đời Nhung, cũng như bao thế
hệ phụ nữ chịu sự đè nén vô nhân đạo. Nhất Linh đã đặt nhân đạo lên trên luân thường đạo lý phong kiến, đấu tranh cho quyền hưởng hạnh phúc của phụ nữ.
Khi mới ra đời, Đoạn tuyệt và Lạnh lùng được xem là thành công rực rỡ, “được báo chí ca ngợi”. Đây là những tác phẩm ra đời vào lúc thích hợp, vì luận đề của nó là vấn đề nóng bỏng xã hội lúc bấy giờ: vấn đề giải phóng con người, giải phóng phụ nữ, vấn đề về quyền cá nhân. Nhưng hơn hết tác phẩm đã khuấy động tâm hồn sâu xa của lớp thanh niên đô thị, học sinh, sinh viên, nam nữ, trí thức… Hình ảnh nhân vật Loan, Dũng, Nhung… với cuộc đời thoát ly, tự lập hành động, và khát khao tình yêu hạnh phúc có sức lôi cuốn người đọc.
Đọc Đôi bạn, ta thấy những người phụ nữ ở tác phẩm này có khác với những người phụ nữ ở những tác phẩm khác của Nhất Linh. Những người phụ nữ trong
Đôi bạn như: Loan, Hà, Phương… họ không lấy làm xấu hổ với cảnh sống của mình, họ không hề sĩ diện hão và họ cũng đã hiểu thế nào là hội kín. Cô Phương “bị bắt vì tình nghi có dự vào mấy cuộc phiến động (…) Phương được tha, về nhà được ít lâu nàng mắc bệnh ho lao rồi chết” [47, 168]. Họ đã biết khẳng định mình: “Đàn bà chúng tôi cũng có người hơn đàn ông” [47, 186]. Đọc đến đây, nếu hệ thống lại tất cả những tác phẩm trước, ta thấy Nhất Linh muốn cải cách từng bước một cho phụ nữ: cách ăn mặc, cái tóc, cái răng… cách nghĩ và hành động. Họ kiên quyết chống lại quan niệm “phải chọn nhà chồng chứ không được chọn chồng” như bao đời qua.
Trong tình yêu, họ cũng có những suy nghĩ táo bạo: “Có lẽ Dũng sẽ đi trốn và sẽ rủ nàng cùng đi; hai người liều bỏ hết cả vì đã không thể nào yêu nhau được thì chỉ còn một cách trốn đi biệt để yêu nhau. Loan nhìn Dũng và thấy cái ý tưởng ấy không có gì là táo bạo, liều lĩnh nữa; nếu Dũng ngỏ lời tha thiết muốn nàng cùng đi thì chắc Loan sẽ có đủ can đảm… Loan không sợ hãi gì khi nghĩ đến những sự trốn tránh, ẩn núp, một đời sống biệt lập hẳn ra ngoài khuôn sáo tầm thường nếu lúc nào cũng có Dũng bên cạnh nàng” [47, 320]. Và có lúc thấy cần
“Thì cứ ngồi đấy suốt đêm, mãi mãi” [47, 321]. Nếu những người phụ nữ như Loan, như Phương dám sống theo cách nghĩ của mình thì người phụ nữ như Hiền - một người con hiếu thảo, một người chị tốt nhưng cứ mãi quẩn quanh ở nhà và do cái lề thói lỗi thời mà “không được đi học, không được đi chơi đâu, quanh năm ở nhà hầu hạ mọi người, sống trong sự sợ hãi một ông bố nghiêm nghị và sống để chịu những sự hành hạ của hai bà gì ghẻ chỉ vì nhà người chồng sắp cưới có đám tang.
Tuy sự đối lập giữa cái cũ và cái mới, giữa những người con gái như Hiền và Phương hoặc Loan… không nhiều, nhưng cũng mở ra một chương mới trong quá trình đấu tranh giải phóng phụ nữ lúc bấy giờ.
Bướm trắng là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Nhất Linh trong thời kỳ hưng thịnh của Tự lực văn đoàn. Tính luận đề ở tác phẩm này Nhất Linh không những đấu tranh đòi giải phóng cá nhân, đòi nhân quyền mà còn có xu hướng đẩy con người vào chủ nghĩa duy tâm và định mệnh. Qua Bướm trắng, chúng ta có thể thấy sự giằng xé nội tâm của nhân vật: thói ích kỷ và lòng nhân hậu, tính phóng đáng và lòng tự trọng, sự giả dối và lòng chân thành… mọi cái cứ đan xen nhau, quyện chặt lấy nhau, thậm chí có lúc chơi vơi giữa đôi bờ hư thực. Thế nhưng rồi cuộc sống vẫn là cuộc sống, con người không từ bỏ nó được và phải cố vươn lên.
Cũng như các nhân vật Loan, Dũng, Nhung… Trương mang sẵn nỗi cô đơn, nỗi buồn của con người cá nhân. Thấy mình trơ trọi, buồn khổ, Trương thấy một nỗi buồn lạnh lẽo thấm vào tâm hồn lạnh lẽo. Ngay đầu tác phẩm “Trương cảm thấy nỗi hiu quạnh của cuộc đời cô độc” [50, 12]. Nỗi buồn cô đơn của Trương cũng như nỗi buồn của các nhân vật lãng mạn khác của Nhất Linh. Họ cảm thấy sự bất tiện trước hoàn cảnh xã hội, hay vì tình yêu không thanh sạch, bị mất phương hướng do cuộc sống không lý tưởng. Nhưng Loan, Nhung còn có hy vọng ở tình yêu, Dũng còn có mơ ước thoát ly làm cách mạng còn Trương phải đối mặt với cái chết, lại bị khát vọng tình yêu dày vò. Vì thế, sự cô đơn, đau khổ của Trương khốc
liệt hơn, đẩy chàng vào những lầm lạc thái quá. Bản chất người, lý trí, lương tâm, ý thức khiến Trương luôn tự dằn vặt, đấu tranh với bản thân. Trong cuộc hành trình của thế giới bên trong, Trương phân thân thành hai, thành ba con người để đối thoại với chính mình. Con người của lý trí đạo đức, phản bác lên án hành vi của con người bản năng, con người của tình cảm, tâm linh cùng lên tiếng với ước vọng thầm kín. Cứ như thế, những trạng thái ân hận, hổ thẹn, sợ hãi, bối rối, quả quyết