Luận đề về cách mạng và việc cải cách xã hội

Một phần của tài liệu Tính luận đề trong tiểu thuyết của nhất linh trong thời trước cách mạng (Trang 64 - 70)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.2 Luận đề về cách mạng và việc cải cách xã hội

Cuối những năm 30, sự phát triển của chủ nghĩa phát xít ở Đức, Ý, Nhật là bóng ma khủng khiếp đe doạ thế giới, không khí chiến tranh uy hiếp, các nước Đông Dương lo sợ trước sức mạnh của quân đội Nhật muốn làm chủ châu Á. Ở Việt Nam, mọi người đều lo cho tương lai đất nước. Bộ máy tuyên truyền của Nhật tung ra thuyết “Đại Đông Á”, “Châu Á của người châu Á” làm cho không ít người ôm mộng giải phóng xứ sở, nghĩ rằng có thể dựa vào quân đội thiên hoàng để giành lại độc lập. Dân tộc ta, nhất là những trí thức yêu nước đều ý thức được thế giới đang đứng trước một cuộc xáo trộn, một thử thách chưa từng có. Tình thế này có lợi cho Việt Nam nếu thanh niên ta kiên quyết hướng tới một lý tưởng yêu nước giải phóng dân tộc. Trên sách báo công khai thời đó thường thấy bộc lộ những khát vọng thầm kín, những cuộc ra đi của người khách chinh phu để đền nợ nước, để thực hiện chí lớn.

Đôi bạn khá tiêu biểu cho bước chuyển tiếp của nhiều thanh niên thời đó, từ giấc mơ hạnh phúc cá nhân đến giấc mơ ra đi tìm lý tưởng. Mong muốn một xã hội lý tưởng đã ám ảnh Nhất Linh từ tập truyện ngắn Người quay tơ (1927). Trước thực tại xã hội, Nhất Linh luôn suy ngẫm về bổn phận người trí thức. Với tác phẩm

vào năm 1939. Bùi Xuân Bào khẳng định: “Công lao to lớn của Nhất Linh là cho ra đời một cuốn tiểu thuyết mà chủ đề thật sự là hành động cách mạng bí mật. “Đôi bạn” rất tiêu biểu cho bước chuyển tiếp, đang diễn ra ở nhiều thanh niên, từ giấc mơ về hạnh phúc cá nhân đến sự ưa thích hành động của anh hùng. Tuy nhiên, ta hãy thấy rằng bước chuyển này chỉ thay thế một xu hướng lãng mạn bằng một xu hướng lãng mạn khác: vì công tác chính trị, như được nhận định trong tiểu thuyết, rốt cuộc chỉ là cánh cửa bỏ ngỏ để phiêu lưu và một phương tiện hứng khởi cá nhân… Sự miêu tả tâm lý đó trong Đôi bạn hoàn toàn nằm trong tuyến của khuynh hướng cách mạng nổi dậy, tạo thành cái nền của khí chất nhà văn” [2, 350].

Luận đề về cách mạng được Nhất Linh thể hiện trong Đôi bạn là hoài bão hành động ra đi. Các bạn của Dũng như Thái, Tạo… đã ra đi. Thái là người cách mạng quen với hiểm nguy, gần gũi với Dũng nhất về tính cách. Nhiều lần Thái sang Tàu, nhiều lần bị tù tội và lần nào cũng vượt ngục thoát. Thái hành động như là một sự cần thiết mà ngay trong các chuyện phiêu lưu nguy hiểm nhất cũng khiến anh không thoả mãn hoàn toàn. Khi nào nghĩ đến Thái, Dũng nghĩ về cuộc đời chìm nổi của anh ta, con người không trông mong gì ở cuộc sống, “không tin ở việc mình làm, nhưng luôn luôn hành động để chiến thắng nỗi thất vọng đè nặng lên mình” [47, 139].

Một người bạn khác của Dũng là Tạo, vì hoàn cảnh xô đẩy đi làm “cách mạng” đã bền bỉ hoạt động trong cảnh cùng khổ, thản nhiên vui vẻ trước cái chết. Nhưng đồng thời Tạo viết cho Dũng: “Tôi không sợ chết đâu… Tôi không buồn gì cả, hình như lúc này tôi thấy đất mát lắm..” [47, 134]. Tạo tin ở việc của mình và đã chọn đời mình vào việc ấy. Hàng loạt các bạn của Dũng từ Thái đến Tạo, Vương, Xuân, Minh đến Cận, Trúc, Hà,… đều không bằng lòng với xã hội đương thời, đều muốn “thoát ly” cuộc sống tù túng, đơn điệu về tinh thần. Họ ít nhiều băn khoăn về lý tưởng, ước mơ hành động lên đường.

Dũng luôn muốn noi gương các bạn, đấu tranh bản thân, Dũng quả quyết ra đi, rởi bỏ cảnh an nhàn, ly biệt người yêu, cũng là can đảm. Khát vọng ra đi luôn ám ảnh tâm trí Dũng, nó hiện hình bằng hình ảnh “con bướm bay vút lên trời xanh” lúc Dũng phải đứng tế lễ trong buổi mừng thọ bà nội, nó là “cánh bướm in trên nền trời tựa như cánh một con bướm khổng lồ” chợt xuất hiện trên bến đò. Cuối cùng là hình ảnh “con bướm thoát khỏi tổ kén tối tăm bay lên nhẹ nhàng trong ánh sáng mặt trời. Qua nhiều chuyến đi, Dũng ý thức sâu sắc về cuộc sống trống rỗng tinh thần. Dẫn thân vào cuộc sống phiêu lưu đầy trắc trở, gian khổ, hiểm nguy. Quyết định của Dũng có thể là liều lĩnh, không thực tế nhưng sau bao nhiêu day dứt, băn khoăn, tìm kiếm, tất yếu Dũng phải hành động như vậy.

Những người khách chinh phu xuất hiện trong tiểu thuyết của Nhất Linh có ấp ủ một tinh thần dân tộc cải lương yếu ớt. Đó là tâm trạng của một lớp thanh niên sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thất bại. Người anh hùng chiến bại trong cuộc đời đã biến thành người anh hùng trong mộng tưởng. Dũng đã đoạn tuyệt với hạnh phúc gia đình, sống cuộc đời phiêu dạt khắp bốn phương trời nhằm theo đuổi một lý tưởng là làm thay đổi hiện tình của dân quê, hiện tình của đất nước. Một buổi chiều mùa đông, ngồi uống cốc rượu tiễn năm ở đồn điền người bạn thân, trong một tòa nhà gạch sang trọng trên đồi cao, nhìn xuống cánh đồng sương phủ mờ mờ “ Dũng vẫn thầy mình là một người dân và càng cảm thấy cái thu man mác được hòa vào đám dân không tên tuổi, sống cái đời của họ sống, mong ước như họ mong ước, khác nào một cây cỏ lẫn trong muôn ngàn cây cỏ ngoài nội”. Chiều hôm ấy “ Dũng như cảm thấy tâm hồn của đất nước, mà biểu hiện cho đất nước ấy không phải là những bậc vua chúa danh nhân, chính là đám dân hèn không tên tuổi. Dân là nước. Yêu nước chính là yêu chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân...”. Dũng tin vào công việc mà chàng đang theo đuổi không mệt mỏi, tin vào sự thay đổi, tin ở sự tiến bộ. Dũng có một số chi tiết gần

với cuộc đời một nhà cách mạng bị xử đày ra công đảo, những tâm sự của Dũng, Thái, Trúc (trong Đôi bạn, Đoạn tuyệt) cũng là tâm sự thầm kín của Nhất Linh.

Bên cạnh luận đề về cách mạng là luận đề về cải cách xã hội. Phải cải cách vì xã hội chưa hợp lý bởi còn những cô Loan bị cha mẹ gả bán. Ngay từ phút về bái tổ tiên nhà chồng, Loan đã làm tất cả những mong xoá được những hủ tục, đòi quyền bình đẳng… Nhưng dễ gì một cô gái mới như Loan có thể tạo ra một hoàn cảnh hợp với quan niệm của mình giữa xã hội còn đầy rẫy lề thói lỗi thời ấy.

Quan niệm về cuộc đời, về hiếu hạnh giữa lớp người cũ và lớp người mới cũng đã có cách biệt: “Phân bày phải trái với bố mẹ không phải là bất hiếu như ý con tưởng” [48, 23].

- Thưa me, con xin lỗi đã làm cho me phải phiền lòng. Nhưng còn hơn để mẹ phải buồn khổ mãi mãi. Nếu con không cắp sách đi học, con sẽ nghe lời me là một cái lệnh không trái được, con sẽ như mọi người khác bị ép uổng, rồi liều mình tự tử. Đó mới là bất hiếu. Chứ nói rõ để cho me biết chỉ làm phiền lòng me chốc lát mà thôi. Thầy me giận con vì thầy me không thể tưởng được rằng làm phận con lại dám cả gan trái lời bố mẹ. Con cho thế mới là phải đạo [48, 39]. Qua tác phẩm của mình, Nhất Linh đặt lại vấn đề chữ hiếu không phải không có ý nghĩa.

Đọc Đôi bạn, ta không thể trách ông Tuần về trách nhiệm làm cha. Ông đã lo lắng hết mình cho con, nhưng vì ông không hiểu con. Ông chỉ cần con ông làm quan, lấy vợ đẹp, sống cuộc đời ổn định như ông. Nếu ai vượt ra ngoài cái khuôn đúc sẵn ấy không chỉ mình ông mà tất cả những người như ông đều xếp vào loại “du đãng”, “chơi bời lêu lổng”. Một cô gái trẻ như Hiền (Đôi bạn) vì chỉ có quẩn quanh ở nhà nên phải “mở to mắt” nhìn em và rất ư ngạc nhiên khi nghe đứa em ruột thịt của mình nói: “Tôi có tự do của tôi” [48, 308]. Cái tự do ấy quả là lạc lõng giữa xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến như xã hội Việt Nam vào những năm tiền bán thế kỷ XX.

Và con người càng hiểu biết thì càng có những trăn trở với chính mình giữa cuộc đời sôi động. Trương (Bướm trắng) khi được bác sỹ cho biết anh bị bệnh lao, anh rất lo sợ, bởi đó là một trong tứ chứng nan y lúc bấy giờ. Cái chết như lưỡi gươm treo lơ lửng nơi cổ anh. Cùng thời gian ấy, Liên - người yêu của Trương - chết vì bệnh lao, nên Trương đã không còn chút hy vọng, chút hứng thú nào với cuộc sống: “Phải, mình cần gì nữa. Chắc chắn là sẽ chết thì còn cần quái gì”. Và “chàng như thấy thấm vào người tất cả nỗi buồn đìu hiu của thế gian ... Chàng không muốn về nhà vì chàng không sao đủ can đảm đề về nhà lúc này: Về nhà đối với chàng hình như chỉ nằm để đợi cái chết đến” [50, 39].

Đọc Bướm trắng, ta thấy được một chàng Trương ham học - ham học đến độ bạn bè phải trách: “Anh ấy mới thực sự là đã sống, biết sống, sống đầy đủ, chứ anh thì chỉ biết học, cặm cụi học, thế thôi. À, mà sao lần này tôi không gặp anh đi học”. Nếu Trương không biết mình chỉ còn sống được chưa đầy một năm thì với sự chăm học như bạn bè đã trách, Trương sẽ đạt được những điều mà bản thân, gia đình, xã hội mong muốn, chớ nào cố ý muốn sống liều, sống buông thả đâu. “Trước khi vào nhà xăm, Trương đưa mắt nhìn hai bên như sợ người quen trông thấy”, nhưng cái chết cứ luôn ám ảnh Trương, thậm chí có lúc chàng có ý định tự tử: “Trương cố tưởng tượng ra lúc mình uống thuốc phiện, dấm thanh và nằm đợi cái chết đến. Chàng chắc cũng chẳng khác gì bây giờ, chỉ khác một đằng chết ngay, một đằng chết còn lâu mới đến” [50, 63]. Trong giấc ngủ, cái chết cũng quấy rầy Trương: “Hình như nàng mặc áo tang, đội mấn, tóc bỏ xoã, đi theo sau một chiếc áo quan và chính chàng lại nằm trong chiếc áo quan ấy, người chàng liệm toàn vải trắng” [50, 73]. Từ sự ám ảnh ấy, Trương nghĩ đến toàn những chuyện bậy bạ, nào thấy người yêu hắt hủi mình, nào nghĩ đến chuyện giết người, đến cách tự tử… Nếu có cơn vui nào đến thì Trương nghĩ: “Chắc lại là cơn vui của bệnh lao nó đến đấy thôi!” [50, 63].

Trương thụt két hãng buôn, lấy tiền đi đánh cá ngựa và chơi bời, chấp nhận chuyện tù tội cũng là cái liều của người sắp chết nghĩ quẩn: “Sống gấp, hay sống không gấp, đằng nào cũng tệ như đằng nào, cái cách tốt hơn là nhồi một viên đạn nhỏ vào trong sọ. Tách một cái, thế là xong. Ngọt như mía lùi”.

Khi biết mình có tội, Trương không chỉ chờ đợi người ta đến bắt mình. Anh đến tận nơi trình diện: “Trương nhận thấy mình không sợ gì ngồi tù lắm. Có phần chàng lại ngầm thích vì có cái cảm tưởng rằng từ nay chàng không phải sống, không phải bận tâm sống nữa”.

Nhất Linh qua nhân vật Trương và mượn Trương để nói lên cuộc sống hiện tại của lớp thanh niên: “Tôi vì yếu một phần, một phần nữa vì tiền, vì chơi bời liều lĩnh. Liều gần như dại dột. Chẳng cứ gì một ai. Anh ở Pháp về không biết, chứ thanh niên Việt Nam, một thanh niên không lý tưởng, chưa sống đã già cỗi như sắp chết, biết mình sắp chết nên không còn chống lại làm gì nữa, buông xuôi tay mặc cho trôi đến đâu thì đến. Không cưỡng lại nữa ắt là cái truỵ lạc sẽ tiến mau lắm (…) Anh nào nhiều tiền thì đâm ra chời bời văng mạng vẫn sang trọng đấy, vẫn sang trọng đấy, vẫn được người ta kính trọng đấy, nhưng thực ra mục nát lắm rồi [50, 185].

Vấn đề cải cách xã hội của Nhất Linh đã đề ra, đã làm cần phải tiếp tục bởi vẫn còn những chị Nhung giam cầm trong goá bụa, những bà Phán Lợi tàn ác mà không biết, những bà Thương dửng dưng bóc lột dân quê,… còn những người trẻ buồn rười rượi - trước tàu lá rụng, hạt sương sa. Còn những cảnh tối tăm, những nơi bùn lầy nước đọng, những “xã hội quê bao giờ cũng khốn nạn, cũng nghèo xơ xác như bây giờ”, những người nhà quê nhem nhuốc ngồi bệt xuống đất, bên những đống rác hôi hám, hàng bán lèo tèo mấy thứ quà văt bẩn thỉu, đầy cát bụi…”.

Trong tiểu thuyết của Nhất Linh, có nhân vật đã thấy chế độ cũ nhiều cái chưa hợp lý, xung đột với người thân, muốn hành động để cho đời của mình và đời

kẻ khác có thể đẹp đẽ hơn, tươi sáng hơn. Dũng ngậm ngùi thú nhận: “Trong gia đình không ai làm việc gì mà ai cũng sang trọng”, và thở than với bạn: “Tôi chỉ thấy sự giàu sang của tôi, của cả nhà tôi như một cái nhục” [47, 25].

Quan niệm của tác giả được Dũng tỏ bày trong “Đoạn tuyệt”: “Tôi tin ở sự tiến bộ. Ta có thể làm cho họ hơn lên được. Có lẽ họ đã quá quen với cái khổ lắm rồi, nên họ không biết khổ nữa, hay họ có biết cũng không tỏ ra được… Ta phải diễn ra cho họ và những sự ta mong ước cho họ, ta phải làm cho họ mong ước như ta. Tôi vẫn hằng ngày mong ước dân quê đỡ phải chịu hà hiếp, ức bách. Ta phải tin rằng sự ao ước ấy có thể thành sự thực và làm cho dân quê cũng mong ước một cách tha thiết như ta”.

Như vậy, muốn cải cách xã hội phải làm cho nông dân có học thức hiểu biết, không để cho họ “sống mãi trong đêm tối vì không ai soi sáng họ, dạy họ biết một cách sống khác”. Vì vậy Nhất Linh cùng với nhóm Tự lực văn đoàn đã công khai tuyên bố đường lối cải lương tư sản: “ Chúng tôi có tư tưởng cải cách xã hội một cách êm thấm trong phạm vi luật pháp. Chúng tôi tin rằng công việc tối quan trọng của ta, của thanh niên trí thức là nâng cao trình độ của bình dân”.

Một phần của tài liệu Tính luận đề trong tiểu thuyết của nhất linh trong thời trước cách mạng (Trang 64 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w