6. Cấu trúc của luận văn
2.3.1 Điểm gần gũi
Tính luận đề là một đặc điểm nổi bật trong nhiều sáng tác văn chương giai đoạn 1930 – 1945, nhất là văn chương Tự lực văn đoàn. Khi so sánh tính luận đề trong tiểu thuyết Nhất Linh trước cách mạng với tính luận đề trong tiểu thuyết của một số nhà văn cùng thời chúng ta không thể không nhắc đến Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam. Điểm gần gũi về tính luận đề trong tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng và một số nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn là các tác giả thường đặt các nhân vật (thường là nữ) vào một tình huống éo le: những cô gái mới, thông minh, có nhan sắc lại bị rơi vào một đại gia đình phong kiến, cổ hủ. Những cô Mai,
cô Loan, vì thế phải đấu tranh quyết liệt với các bà mẹ chồng, với những ông chồng nhu nhược để bảo vệ cho nhân phẩm, cho giá trị cá nhân. Nhiều khi họ không giữ được hạnh phúc riêng nhưng họ vẫn không lùi bước. Những nhân vật này luôn ý thức rất cao về những quyền chính đáng của mình. Loan (Đoạn tuyệt) đã phản kháng với gia đình chồng ngay ngày đầu tiên (đá đổ cái hoả lò, ngồi ngang chồng để làm lễ tơ hồng, đêm tân hôn chua xót nghĩ phận mình là thân phận của gái giang hồ. Cô tâm sự với bạn: “Họ không thể hiều được rằng em có quyền tự lập thân em. Cái quyền làm người của em, người ta không kể đến”. Cô quan niệm một cách rất tự nhiên: “Việc gì mà phải mất hết hy vọng. Mẹ chồng ác thì đi chỗ khác mà ở, chồng ghét thì càng nên đi. Trước tòa cô hô hào chị em muốn sống có hạnh phúc thì phải “sống một đời riêng, tự lập, tránh sự chung sống với bố mẹ, họ hàng như nhà chồng…”. Còn cô Mai (Nửa chừng xuân – Khái Hưng) chấp nhận không có chồng còn hơn làm lẽ, bởi vì “Nhà tôi không có mã lấy lẽ”. Cô Hồng (Thoát ly) luôn trêu tức mụ gì ghẻ độc ác để chứng tỏ mọi quyền tự do và đã bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của tình yêu. Những xung đột ấy thực chất là những xung đột giữa cá nhân với xã hội truyền thống. Con người cá nhân phải khẳng định trong sự đấu tranh chống lễ giáo phong kiến cổ hủ, giả dối và tàn ác.
Tính luận đề trong tiểu thuyết của Nhất Linh và một số nhà văn cùng thời có những điểm chung nữa là đã thể hiện một cách nhìn, một quan niệm nhất quán, đó là khẳng định một cách mạnh mẽ vị trí vai trò của con người cá nhân. Con người cá nhân trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn ở thời kỳ đầu còn rất nhiều yếu tố tích cực, tiến bộ, cái tôi cá nhân còn gần gũi với đạo đức nhân dân. Càng về sau, nó càng trở nên cực đoan và quá trớn. Tuyết trong Đời mưa gió là một nhân vật nổi loạn. Là còn của một gia đình giàu có, không được tự do lựa chọn trong tình yêu nên Tuyết bỏ nhà đi theo trai. Là một cô gái có nhan sắc, Tuyết có nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời nhưng cô đã không làm như thế.
Ảnh hưởng của sách báo lãng mạn, lối sống phóng đãng tự do đã đẩy Tuyết vào cuộc đời mưa gió. Khác với những nhân vật như Tám Bính (Bỉ vỏ), Lan Huệ (Tối ba mươi), Huyền (Làm đĩ), Tuyết dường như không có băn khoăn về cuộc đời ô nhục của mình, trái lại cô tỏ ra say sưa, thích thú với cuộc sống ấy, một cuộc sống không tình, không cảm, chỉ coi lại thú ở đời như một vị thuốc trường sinh”, còn tình yêu là “sự gặp gỡ của hai xác thịt”. Vì thế Tuyết coi gia đình như cái lồng giam hãm tự do, muốn tự do thì phải từ bỏ gia đình, sống như cánh chim phiêu bạt, chán cảnh sống này lại tìm sang cảnh sống khác. Đó rõ ràng là một lối sống cá nhân cực đoan, muốn rũ bỏ trách nhiệm xã hội. Có người cho rằng tính cách nhân vật Tuyết không thực. Logic tâm lý của Tuyết là logic nội tại của một tính cách lãng mạn với cá tính riêng, triết lý sống riêng, nhiều khi thoát ly cảnh ngộ. Đồng thời nó cũng có ý nghĩa như một lời dự báo về một hiện tượng xã hội: lối sống vị kỷ, phóng đãng, dẫn thân vô trách nhiệm. Cái tôi cá nhân cực đoan này còn bộc lộ rõ qua Thanh Đức, Bướm trắng…
Con người cá nhân trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn còn tìm những cách khác để khẳng định cái tôi: khẳng định cái tôi trong những tình yêu mang màu sắc mới mẻ, táo bạo. Tình yêu của họ muôn hình muôn vẻ: tình yêu mơ màng dưới bóng tối từ bi phật tổ (Hồn bướm mơ tiên), tình yêu không môn đăng hộ đối (Nửa chừng xuân), tình yêu chỉ để thay đổi cảm giác (Trống mái), tình trái ngược (Chương - Tuyết trong Đời mưa gió), tình “bất chấp” (Lan trong Đẹp, lấy chồng bằng tuổi bố mình…). Ngoài ra, họ còn muốn khẳng định mình trong những dự định cải cách xã hội hoặc trong những hành động vô mục đích (Nam trong Đẹp,
Cảnh trong Thanh Đức).
Gánh hàng hoa là cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà Nhất Linh viết chung với Khái Hưng. Trong cuốn tiểu thuyết này, đồng tác giả đã đưa ra hai hạng người phụ nữ đáng chú ý của thời bấy giờ: Liên – cô gái quê sinh ra, lớn lên và theo cái nghề truyền thống của gia đình, của làng xóm: trồng hoa và bán hoa; Nhung và Mạc là
hai cô gái tự quyết định cuộc đời mình, bất chấp lời dị nghị của mọi người, vui và sống với cuộc đời của mình dù đó là cuộc đời của gái giang hồ.
Khi xây dựng nhân vật Liên, đồng tác giả khẳng định một cách đầy đủ thú vị những giá trị truyền thống của dân tộc và cho thấy để đổi mới xã hội, trước mắt là đổi mới con người, mà đổi mới con người cũng chẳng phải dễ dàng. Nhất Linh - Khái Hưng mượn tâm lý của Nhung và Mạc - hai cô gái giang hồ - để nói lên một nét hiện thực của đời sống sau hàng nửa thế kỷ ảnh hưởng nền văn hoá phương Tây, những cô gái giang hồ được các tác giả …của thế hệ mới, cụ thể trong những tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng cho là “những cô gái mới” biết mình là ai và tồn tại như thế nào giữa cuộc đời tăm tối ấy. Họ làm đĩ không phải vì họ thích làm đĩ, mà vì chế độ đại gia đình chèn ép họ, đối xử với họ còn tệ hơn con vật. Dĩ nhiên chưa hẳn là vậy, nhưng Khái Hưng, Nhất Linh tạo ra chi tiết ấy để cho thấy các thủ tục lỗi thời: “chồng chúa vợ tôi”, “trai năm thê bảy thiếp”… đã cáo chung.
Gấp sách lại, ta thấy những Thuý , Tuyết, Lan, Yến, Xuyến, Nhung, Mạc ... nói chung những cô gái giang hồ qua ngòi bút Khái Hưng, Nhất Linh có nhiều điểm đáng thương hơn đáng ghét. Và qua đó ta cũng phần nào thấy được thân phận con người, nhất là người phụ nữ Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám.
Chống lễ giáo phong kiến và đề cao đạo tự do cá nhân là một trong những luận đề chính của tiểu thuyết Nhất Linh và một số nhà văn cùng thời. Đó là sự khẳng định ý thức cá nhân bằng việc phủ định những ràng buộc phong kiến trong cuộc xung đột của cá nhân với xã hội truyền thống được thể hiện trong các tác phẩm của họ. Năm 1941, Dương Quảng Hàm cho xuất bản cuốn Việt Nam văn học sử yếu làm sách giáo khoa cho bậc trung học, ông dành bốn trang cho Tự lực văn đoàn để trình bày tóm lược tổ chức, tôn chỉ, các văn gia và tác phẩm chính. Về văn gia, ông chỉ nêu hai tác giả Nhất Linh và Khái Hưng và chỉ nhận xét bốn tác phẩm:
Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Hồn bướm mơ tiên và Nửa chừng xuân. Tính luận đề trong các tác phẩm của Nhất Linh và Khái Hưng là mũi nhọn tiến công mạnh mẽ và có
hiệu quả vào dinh luỹ của đại gia đình phong kiến, khẳng định quyền tự do hôn nhân của lớp thanh niên trí thức đang được phát triển về quyền sống và ý thức cá nhân.
Thực ra, từ trước ý thức cá nhân đã xuất hiện trong lớp nhà nho tài tử, phóng khoáng. Đó là loại nho sỹ quý trọng tài, tình, sắc đẹp hơn phúc ấm, công danh… Họ sáng tác ra những khúc ngâm chan chứa tình cảm, những truyện nôm ca tụng tình yêu… Nhưng những hiện thực đó chỉ tồn tại trong khát vọng tự do và mộng ảo. Trong thực tế lễ giáo phong kiến tồn tại bao đời, bám rễ rất sâu vào ý thức của nhiều thế hệ trong thời đại phong kiến, vẫn còn là lực cản đối với sự phát triển của ý thức cá nhân, trở thành chướng ngại vật của cuộc hành trình tiến đến vương quốc tự do của tình yêu. Điều này đã được phản ánh trong Tố tâm của Hoàng Ngọc Phách. Kế thừa truyền thống nhân văn của những nhà văn tiền bối, Nhất Linh và một số nhà văn cùng thời tiếp tục gương cao ngọn cờ đấu tranh nhằm chống lễ giáo, giải phóng con người, nhất là phụ nữ ra khỏi sự ràng buộc của lễ giáo và chế độ đại gia đình phong kiến. Đó là Loan (Đoạn tuyệt) đã phản kháng gia đình chồng ngay ngày đầu tiên về nhà chồng; Mai (Nửa chừng xuân) chấp nhận không có chồng còn hơn làm lẽ; Hồng (Thoát ly) bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của tình yêu.
Hoàng Đạo cũng là cây bút chủ chốt của Tự lục văn đoàn. Là người có trí thức, tư duy năng động, cập nhật với những vấn đề thời cuộc nên có thể xem ông là người phát ngôn bảo vệ và phát triển cho các hoạt động của Tự lực văn đoàn. Tiểu thuyết Con đường sáng của Hoàng Đạo cũng là một tiểu thuyết luận đề. Nó là câu chuyện trực tiếp của Duy, một thanh niên có học nhưng ham chơi và ngày càng dẫn sâu vào chuỗi ngày sống vô nghĩa. Do bản năng gốc của con người chưa bị tàn phá nên Duy muốn tìm cách thoát ra khỏi vòng vây của những cám dỗ: “Duy nghĩ đến bao nhiêu bạn của chàng quằn quại ở trong vòng trụy lạc không thoát ra, khác nào như những con thiêu thân sa vào mạng nhện, càng giẫy giụa cánh càng xác xơ và vướng chặt thêm”. Và Duy đã tìm đến một con đường giải
thoát, đó là về với làng quê. Với cuộc đời riêng, Duy đã mong ước và có được mối tình đẹp với Thơ, một cô gái nông thôn trong trắng, ngây thơ. Con đường sáng vừa là con đường riêng mà cũng là con đường mà Duy mong ước xây dựng một sự nghiệp. Sự đối lập giữa làng quê và thành thị vẫn là vấn đề quen thuộc đặt ra trong giai đoạn này. Thành thị có sức hấp dẫn riêng của nơi đô hội thu hút làng quê về công việc, nơi vui chơi và chính thành thị trong nhiều trường hợp đã lôi cuốn nhiều người dân quê vào vòng khốn đốn. Còn sức hấp dẫn của làng quê tuy có cơ sở, nhưng thường mang nhiều tính lãng mạn của một số người do hoàn cảnh riêng muốn trốn tránh thành thị và xây mộng tưởng của mình. Duy thuộc trường hợp đó.
Điều mà nhân vật Duy có thể mang đến cho người đọc, nhất là lớp trẻ những đau đớn, thậm chí xót xa của những kẻ đi tìm lý tưởng sống, cố thoát khỏi vũng bùn tủi nhục. Duy dằn vặt, giày vò với bản thân, đấu tranh với cái xấu. Có những ý nghĩ chân tình của tuổi trẻ được bộc lộ và ghi nhận.
Như vậy, tính luận đề trong tiểu thuyết của Nhất Linh và một số nhà văn cùng thời có những điểm gần gũi qua nội dung chống lễ giáo phong kiến và đề cao tự do cá nhân. Đó chính là một phương diện tích cực trong nội dung tiểu thuyết Tự lực văn đoàn và cũng là phương diện tích cực tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đóng góp cho nền văn hoá, văn học của dân tộc.