Quan hệ đồng nhất giữa một thực thể với một thực thể (có những đặc trưng nào đó giống như nhau giữa thực thể so sánh và thực thể được so sánh) bao gồm các loại: (1) A là B, (2) A đồng nhất với B, (3) A không phải là B.
(1). Quan hệ A là B là kiểu quan hệ giữa một thực thể với một thực thể dựa trên sự liên tưởng giống nhau giữa cái so sánh và cái được so sánh. Trong ca dao về quan hệ gia đình (quan hệ vợ chồng và quan hệ giữa cha mẹ và con
cái), kiểu quan hệ này xuất hiện 27 lần chiếm tỉ lệ 9.64%. Kiểu quan hệ so sánh này sử dụng từ là để biểu đạt quan hệ là chủ yếu :
- Chữ rằng quân tử tạo đoan Vợ chồng là nghĩa đá vàng trăm năm.
- Mẹ cha là biển là trời
Nói sao hay vậy đâu dám cãi lời mẹ cha.
(2). Quan hệ A không phải B được sử dụng 3 lần chiếm tỉ lệ 1.07%. Kiểu quan hệ này sử dụng các từ so sánh chẳng như, chả như :
Thế gian một vợ một chồng Chẳng như vua bếp hai ông một bà.
(3). Quan hệ A đồng nhất với B chỉ xuất hiện 2 lần chiếm tỉ lệ 0.71% trong ca dao về quan hệ vợ chồng và quan hệ cha mẹ - con cái. Kiểu quan hệ này được thể hiện qua cặp từ so sánh bao nhiêu - bấy nhiêu :
Qua đồng ghé nón thăm đồng
Đồng bao nhiêu lúa thương chồng bấy nhiêu.
Qua việc khảo sát và phân loại các kiểu quan hệ giữa hai thực thể, chúng tôi nhận thấy tác giả dân gian đã sử dụng hai mối quan hệ cơ bản : quan hệ so sánh và quan hệ đồng nhất. Khi sử dụng các kiểu quan hệ ấy, các tác giả dân gian đã khéo léo lựa chọn nhiều từ so sánh khác nhau để thể hiện mối quan hệ giữa hai thực thể. Nhờ vậy các tác giả dân gian đã tạo nên những câu ca dao bình dị mà giàu sức gợi, mộc mạc mà vẫn giàu giá trị biểu cảm, dễ hiểu mà vẫn ý nhị, sâu lắng.
Trong 612 bài ca dao về quan hệ vợ chồng và 374 bài ca dao về quan hệ giữa cha mẹ và con cái, có 230 bài ca dao sử dụng phương thức so sánh và 280 lần tác giả dân gian sử dụng so sánh ý niệm. Kết quả thống kê, phân loại số liệu được trình bày ở Bảng I.
1 A như B 141 50.36 A bằng B 36 12.86 2 A kém B 11 3.93 A hơn B 8 2.86 3 A/B 47 16.78 4 A khác B 5 1.79 5 A đồng nhất với B 2 0.71 6 A là B 27 9.64 A không phải là B 3 1.07 Tổng 280 100
Bảng I: Các kiểu quan hệ so sánh trong ca dao về quan hệ gia đình
Qua bảng thống kê trên ta thấy ca dao về quan hệ gia đình (quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con cái) sử dụng so sánh với tần số cao, kiểu loại phong phú. Trong đó có ba mối quan hệ so sánh thường gặp: A như B, A hơn B, A kém B. Mỗi một dạng quan hệ ấy lại có những biến thể riêng với cách sử dụng các từ so sánh khác nhau. Tuy nhiên, dạng so sánh A như B và A bằng B là hai dạng so sánh có tần số xuất hiện lớn, được sử dụng biến hoá linh hoạt và đạt được nhiều giá trị biểu đạt nhất trong các dạng so sánh. Vì lí do đó, trong đề tài này, chúng tôi tập trung vào việc tìm hiểu các biểu hiện và ý nghĩa biểu đạt của dạng so sánh A như B và A bằng B.