b, Cái được so sánh là những thực thể có quan hệ khăng khít, có khả năng tương tác với nhau để tạo giá trị cho nhau
3.3.2.1. Người phụ nữ Việt Nam với bổn phận làm vợ, làm mẹ
Người vợ, người mẹ là hai thế hệ thiên chức của người phụ nữ. Trong vai trò của người tạo nên và giữ gìn nét đẹp của văn hoá gia đình, người phụ nữ Việt Nam đã làm tròn những thiên chức cao quý ấy.
a, Người vợ
Trong xã hội Việt Nam xưa, mối quan hệ chủ yếu của người phụ nữ khi đã có chồng là quan hệ giữa họ với chồng và gia đình chồng.
* Thương yêu, quan tâm chăm sóc chồng
Khi đã xây dựng gia đình, thành đôi thành lứa, người phụ nữ Việt Nam luôn yêu thương, quý trọng chồng:
Đạp xe nước chảy lên đồng
Bao nhiêu nước chảy thương chồng bấy nhiêu.
Tình thương ấy không chỉ được thể hiện bằng lời, bằng cảm xúc đơn thuần. Nó được thể hiện qua những cử chỉ, những việc làm thể hiện sự quan tâm, chăm sóc:
Ai kêu ai hú bên sông
Tôi đương nấu nướng cho chồng tôi ăn.
Vì chồng, vì thiên chức của người vợ hiền, người phụ nữ Việt sẵn sàng từ chối mọi cuộc vui, mọi lời mời gọi để làm tròn nhiệm vụ của một bà nội trợ đảm đang.
Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất của chồng, người vợ còn mong muốn làm chỗ dựa tinh thần cho chồng:
Chàng ơi chớ bực sầu tư Khi xưa có mẹ bây chừ có em.
Luôn mong muốn vui buồn cùng chồng, người vợ sẵn sàng theo chồng trong mọi nơi, mọi lúc:
Có chồng thì phải theo chồng Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải theo.
Dù buồn vui, sướng khổ, người phụ nữ Việt Nam vẫn một lòng chung thuỷ.
* Gánh vác việc gia đình
Lo lắng quan tâm chồng, người phụ nữ Việt cũng là người có trách nhiệm lo toan mọi công việc nhà chồng, thay chồng phụng dưỡng cha mẹ, việc hiếu hỉ, thay chồng lo việc nhà cửa, ruộng vườn…
Có con phải khổ vì con
Có chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.
Trong xã hội xưa, người con trai thường chú trọng việc học hành, thi cử, làm tròn nghĩa vụ đối với xã hội. Công việc gia đình vì vậy mà phó thác cho người vợ hiền. Khi chồng bận việc quân vương, người vợ vui vẻ cáng đáng công việc gia đình mà không chút than thân, trách phận :
Anh ơi! Phải lính thì đi Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi
Tháng chạp là tiết trồng khoai Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
Tháng ba cày bở ruộng ra Tháng tư gieo mạ thuận hoà mọi nơi
Tháng năm gặt hái vừa rồi Trời đổ mưa xuống nước trôi đầy đồng
Anh ơi! Giữ lấy việc công Để em cày cấy mặc lòng em đây. * Khuyến khích chồng, giúp chồng làm việc xã hội
Hiểu, bằng lòng với vai trò, bổn phận của mình trong gia đình, người vợ luôn cố gắng làm tròn bổn phận ấy. Vất vả với công việc nhà cửa, ruộng đồng, người vợ không vì thế mà than thở, trách phiền chồng. Trái lại, họ vui vẻ chu toàn với thiên chức của mình để chồng chú tâm lập nghiệp:
Khuyên anh đọc sách ngâm thơ Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.
Hiểu công việc của mình, hiểu nghĩa vụ của chồng nên dù thương chồng, người vợ vẫn khuyến khích chồng lên đường:
Chàng ngó thiếp rưng rưng hột luỵ Thiếp trông chàng lã chã hạt châu Nguyện cùng chứng có đất trời Giúp chàng đi thú cho rồi hạn vua.
Làm một hậu phương vững chắc để chồng toan lo việc nước, việc dân, thiết nghĩ người phụ nữ Việt đã góp công không nhỏ cho sự nghiệp chung.
* Khuyên nhủ, nhắc nhở chồng tu dưỡng và hành động
Với người phụ nữ Việt Nam xưa, hạnh phúc nhất là khi chồng đỗ đạt vinh quy. Vậy nên, họ luôn hi sinh mình, toan lo mọi việc, chỉ mong chồng say mê đèn sách:
Mẹ già đã có thiếp nuôi Trình anh đi học chớ rời sách ra.
Khi người chồng cờ bạc bê tha, người vợ nhẹ nhàng khuyên nhủ:
Anh ơi, cờ bạc thì chừa
Rượu cho anh uống, rượu mua anh đừng.
Trong cuộc sống lứa đôi, có những lúc chồng “có trăng phụ đèn”, “có cam phụ quýt”, người vợ nhẫn nhịn mà thủ thỉ cùng chồng:
Chàng ơi phụ thiếp làm chi Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.
Có khi, họ lên tiếng cảnh tỉnh chồng:
Trắng da là đĩ anh ơi Đen da thật vợ ở đời với anh.
Nhẹ nhàng, mềm mỏng mà hiệu lực lớn lao. Người vợ đã dùng “lạt mềm buộc chặt” để người chồng có thể xa lánh bóng hồng nào đó mà trở về bên người vợ tảo tần, cùng nhau xây đắp hạnh phúc.
* Khéo léo ứng xử, điều hoà các mối quan hệ
Trong cuộc sống gia đình, dù mong muốn “trong ấm ngoài êm” nhưng không khỏi có lúc lời qua tiếng lại. Những lúc ấy, người vợ biết nhẫn nhịn, nhún mình để giữ gìn hoà khí:
Chồng giận thì vợ làm lành Miệng cười hớn hở rằng: Anh giận gì?
Người vợ đã không tiếc nụ cười đùa khiêm tốn để chồng nguôi ngoai cơn giận. Bởi lẽ, họ hiểu rằng:
Chồng giận thì vợ bớt lời Chồng giận vợ giận thì dùi nó quăng.
Lấy chồng, người phụ nữ không chỉ biết mình, biết chồng. Họ toàn tâm toàn ý với gia đình chồng, họ hàng nhà chồng:
Lấy chồng theo thói nhà chồng Bao nhiêu thói cũ trả lòng mẹ cha.
Người phụ nữ Việt còn khéo léo ứng xử thay chồng, làm đẹp lòng chồng:
Cái bống là cái bống bình
Thổi cơm nấu nước một minh mồ côi Rạng ngày có khách đến chơi
Cơm ăn rượu uống cho vui lòng chàng Rạng ngày ăn uống vừa xong
Tay nhấc mâm đồng tay trải chiếu hoa Nhịn miệng đãi khách đường xa
Ấy là của gửi chồng ta ăn đàng. * Giữ gìn gia đạo gia đình mình, danh giá của chồng
Lấy chồng, người vợ một lòng theo chồng:
Em nay khăn khắn một lòng
Muốn cho phu xướng phụ tùng cùng nhau.
Người vợ sẵn sàng hi sinh cá nhân vì hạnh phúc, vì nề nếp gia đình:
Chưa chồng chơi đám chơi đu Chồng rồi chẳng dám ngao du chốn nào.
Đến với hôn nhân, người phụ nữ Việt đã từ cô thôn nữ ưa làm đẹp, thích hội hè, đình đám trở thành người vợ đảm đang, hết lòng phục tùng chồng, an phận thủ duyên. Với họ, tất cả cũng chỉ vì hạnh phúc gia đình, vì danh giá của chồng:
Có chồng thủ phận thủ duyên Trăm con bướm đậu cửa quyền xin lui.
Khiêm nhường mà cao quý biết bao hình ảnh người vợ Việt Nam trong vai trò người xây tổ ấm!
b, Người mẹ
Lấy chồng, các cô gái Việt trở thành những người lo công việc nhà chồng. Khi có con, họ mang thêm bổn phận làm mẹ. Ở vai trò nào, người phụ nữ Việt Nam cũng chu toàn thiên chức của mình. Làm một người mẹ, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam lại càng ngời sáng hơn với tấm lòng bao dung, đức hi sinh nhẫn nhịn âm thầm.
* Cưu mang, sinh đẻ
Cưu mang con, sinh con là thiên chức của bao người phụ nữ trên thế gian. Nhưng khi thực hiện cái thiên chức rất chung ấy, ta vẫn thấy cái tình cái nghĩa và phong tục riêng của người Việt:
Công cha trượng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.
...Kể từ mẹ mới thụ thai Biết bao khí huyết mẹ bù cho con
Đến ngày hình thể vẹn tròn Ví như vượt biển trèo non nặng nề
Kiêng ăn kiêng ngủ ê chề Đã e chín tháng còn e mười ngày
Kể từ hoa nở liền tay
Bao giờ mẹ đó con đây mới mừng.
Trong thời gian “chín trăng có lẻ” ấy, mẹ đã truyền cho con hơi sức, dòng máu của mình để mang đến cho con sự sống. Trong thời gian ấy, mẹ phải kiêng khem, gìn giữ theo phong tục dân gian. Chỉ khi “mẹ đó con đây”, người mẹ mới thực sự hết âu lo. Đó là cái Tình, cái Nghĩa sâu sắc của biết bao bà mẹ Việt.
* Nuôi dạy con
Sinh con là thiên chức. Nuôi con là trách nhiệm. Người phụ nữ Việt Nam nuôi con, chăm con không chỉ vì trách nhiệm, nghĩa vụ phải làm. Họ nuôi con bằng tất cả tấm lòng thương quý, bằng tất cả sự vỗ về, gần gũi, yêu thương. Biết bao thế hệ người con đất Việt đã lớn lên từ dòng sữa ngọt ngào và lời ru êm đềm của mẹ :
- Có con đi chẳng kịp người Mắc cho con bú, mắc cười với con.
- Gió mùa thu mẹ ru con ngủ Chăn thiện đường ấp ủ cả năm canh.
Vì con, mẹ chấp nhận thua thiệt với người. Bởi với mẹ, con là tài sản quý giá nhất. Không niềm vui nào bằng niềm vui được gần con, chứng kiến con lớn lên từng ngày. Mẹ không quản ngày đêm, không quản ngại vất vả để chăm sóc, nuôi nấng con :
...Chốn lạnh ướt để cho mẹ ngủ Nơi ấm êm mẹ ủ con nằm
Ôm con mẹ chịu khổ tâm lo phiền Khi con ốm sốt chẳng yên
Con phiền có một mẹ phiền bằng hai Ngọn đèn chong chóng canh dài
N ghĩ thua nghĩ được có ai ngỏ cùng…
Lời ca gợi nhắc ta về với không gian của những mái nhà tranh ở làng quê Việt Nam xưa. Nơi những mái nhà tranh vách đất ấy, bao bà mẹ lặng lẽ nuôi con, lặng lẽ làm tròn bổn phận của mình. Cuộc sống còn bao đói nghèo, thiếu thốn. Cơm không đủ ăn. Áo không đủ mặc. Mái nhà tranh không đủ để che nắng, che mưa. Bao bà mẹ đã gánh trọn vất vả, khó khăn về mình để nhường lại cho con những gì tốt đẹp nhất. Mẹ luôn gần con, dồn hết tâm sức vì con, lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, dõi theo con từng bước trưởng thành. Xúc động biết bao là hình ảnh người mẹ vẫn in đậm trong tâm trí của con:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.
Nuôi con, người mẹ còn góp phần không nhỏ trong việc dạy dỗ con nên người. Tâm hồn con được bồi đắp, lớn dần lên từ những lời ru thiết tha của mẹ.
* Gây dựng tương lai cho con
Luôn gần gũi, chăm sóc con, người mẹ nhận về mình trách nhiệm lớn lao – trách nhiệm gây dựng cho con :
Có con gây dựng cho con
Có chồng gánh vác nước non nhà chồng.
Đáng quý biết bao là những lo toan của người mẹ khi con gái trưởng thành:
...Mẹ sắm cho con cái yếm nhuộm nhất phẩm hồng Thắt lưng đũi tím, bộ nhẫn đồng đeo tay
Con gái lớn ơi, mẹ bảo đây này: “Học buôn học bán cho tày người ta Xin con đừng học thói chua ngoa Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười Dầu no dầu đói cho tươi
Khoan ăn bớt ngủ là người lo toan Phòng khi dóng góp việc làng
Đồng tiền bát gạo lo toan cho chồng Sau là họ mạc cũng không chê cười Con ơi nhớ bấy nhiêu lời”.
Đã từng trải qua thiên chức làm vợ, người mẹ không chỉ lo sắm sửa cho con ít tư trang làm “của hồi môn” mà còn trao lại cho con hành trang cần thiết để con tự tin đến với hôn nhân. Đó là cách sống, cách đối nhân xử thế khi “xuất giá tòng phu”.