a, Người chồng
3.3.2.3. Con cái và bổn phận đối với cha mẹ
Trong gia đình người Việt, giữa cha mẹ và con cái có quan hệ khăng khít về tình và nghĩa. Sinh ra, lớn lên, trưởng thành nhờ nghĩa cù lao của cha mẹ, những người con nước Việt đã làm tròn bổn phận của mình, góp phần gìn giữ vẻ đẹp văn hoá, đạo lí truyền thống : ‘‘uống nước nhớ nguồn’’, ‘‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây’’.
* Vâng lời, hiếu kính với cha mẹ :
Trong mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, chữ hiếu luôn được đặt lên hàng đầu. Đó là trách nhiệm, bổn phận của người làm con.
Trong quan niệm của người dân đất Việt thuở xưa, chữ hiếu trước hết được thể hiện ở thái độ biết vâng lời, nghe lời cha mẹ. Dân gian quan niệm :
Cá không ăn muối cá ươn Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Ngay trong chuyện hôn nhân - việc hệ trọng của cả đời người, việc quyết định tương lai, hạnh phúc, con cái cũng phải tuân theo sự sắp đặt của cha mẹ :
Thuyền em lựa bến cắm sào Em chờ phụ mẫu định nơi nào sẽ hay.
Với người Việt, vâng lời cha mẹ trở thành chuẩn mực trong ứng xử, trở thành thước đo quan trọng của chữ hiếu. Điều đó nhiều khi được đề cao quá mức :
Mẹ cha là biển là trời
Nói sao hay vậy đâu dám cãi lời mẹ cha.
Không chỉ được thể hiện ở thái độ vâng lời, chữ hiếu còn được thể hiện ở thái độ biết ơn, ý thức báo đáp công ơn của cha mẹ :
Ân cha nghĩa mẹ nặng trìu Ra công báo đáp ít nhiều phận con.
Ý thức ấy được hiện thực hoá bằng những hành động, việc làm cụ thể :
Đói lòng ăn hạt chà là
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa.
Với con cái, chữ hiếu bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu:
Bông ngâu rụng xuống cội ngâu Em còn phụ mẫu dám đâu tư tình.
Người con không làm tròn chữ hiếu bị chê trách, phê phán :
Sống thì con chẳng cho ăn Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi. * Làm chỗ dựa cho cha mẹ khi cha mẹ về già :
Lúc còn nhỏ dại, người con được cha mẹ nuôi dạy, chăm chút hàng ngày. Lúc tuổi xế chiều, người ông, người bà, các bậc sinh thành lại trông chờ vào con cháu. Vậy nên tục ngữ có câu : “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Quan niệm, tâm lí đó cũng được thể hiện qua câu ca dao :
Tam tòng sách hãy còn ghi Bé nương cha mẹ, già thì theo con.
Theo quan niệm của người Việt, con trai có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già :
Ngồi buồn thương mẹ nhớ cha Gối loan ai đỡ kỉ trà ai nâng.
- Mẹ già trao lại anh trai Phận em là gái một hai theo chồng.
Tuy vậy, khi con gái đến tuổi trưởng thành, cha mẹ vẫn muốn con lấy chồng “gần mẹ gần cha”, bởi :
Có con mà gả chồng gần Có bát canh cần nó cũng mang cho
Hoài con mà gả chồng xa Trước là mất giỗ sau là mất con..
Mong muốn con gần gũi để cậy nhờ khi về già là tâm lí chung của những người làm cha, làm mẹ.
* Điều hoà quan hệ giữa vợ hoặc chồng với cha mẹ :
Trong xã hội phong kiến, người con gái sau khi kết hôn sẽ theo chồng, về sống với gia đình chồng. Trong hoàn cảnh đó, người con gái gặp phải không ít những khó khăn khi phải bỏ thói cũ để theo ‘‘thói nhà chồng’’. Người chồng biết nhẹ nhàng nhắc nhở vợ để trong ấm ngoài êm:
Mẹ già dữ lắm em ơi
Khoan ăn bớt ngủ mà nuôi mẹ già.
Trách nhiệm dưỡng nuôi cha mẹ là bổn phận của cả con trai lẫn con gái, dù rằng, người con gái phải theo chồng, chăm sóc cha mẹ chồng. Không thể ở gần chăm sóc cha mẹ cũng không thể đòi hỏi ở người chồng trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ mình, người con gái nhẹ nhàng nhắc nhở chồng :
Phụ mẫu thiếp cũng như phụ mẫu chàng Hai bên phụ mẫu tạc bốn chữ vàng để thờ chung.
Mỗi người Việt Nam khi xây dựng gia đình có nhiều điều chung cùng chia sẻ và gánh vác, trong đó có bổn phận phụng dưỡng phụ mẫu của cả hai bên. Đó là trách nhiệm, là bổn phận của người làm con, làm rể, làm dâu. Đây là nét đẹp đáng trân trọng của người Việt Nam.
Tiểu kết
1. Từ vựng là loại tín hiệu điển hình, là nơi tiếp nhận, lưu giữ, tàng trữ nội dung thông tin, mã hoá thực tại vào chất liệu ngôn từ. Các trường từ vựng ngữ nghĩa về quan hệ gia đình phản ánh quan niệm của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ về nội dung đó.
2. Trường từ vựng ngữ nghĩa về quan hệ vợ chồng trong ca dao người Việt xác định:
- Trường từ vựng biểu đạt ý niệm đôi cặp có tần số xuất hiện khá lớn, và khá điển hình; cách sử dụng từ ngữ thể hiện ý niệm này cũng hết sức phong phú và đa dạng. Điều đó cho thấy tài năng của tác giả dân gian trong việc phản ánh hiện thực và thể hiện quan niệm của mình đối với hiện thực.
- Đối với người Việt, thành đôi thành cặp là khát khao, là nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Trai gái đến với nhau để yên bề gia thất, để cùng nhau thực hiện chức năng, bổn phận của mỗi con người. Với mong muốn đó, khi đã thành đôi lứa, người Việt luôn có ý thức cảm thông, sẻ chia cho nhau, hi sinh vì nhau để giữ gìn hạnh phúc. Đặc biệt, người phụ nữ Việt Nam luôn thương yêu, quý trọng chồng, giúp chồng làm việc gia đình và xã hội, khéo léo ứng xử thay chồng mà điều hoà các mối quan hệ...
3. Trường từ vựng phản ánh quan hệ giữa cha mẹ và con cái (cha mẹ đối với con cái và con cái đối với cha mẹ) có nhiều đặc trưng:
- Sự xuất hiện với tần số khá lớn của một số nhóm từ ngữ có cùng ý nghĩa biểu đạt mối quan hệ qua lại, khăng khít giữa cha mẹ và con cái: nhóm vị từ biểu đạt tình cảm (thương, nhớ, trách…); nhóm từ phản ánh công lao của cha mẹ đối với con cái (công, ơn, nghĩa...); nhóm từ ngữ thể hiện bổn phận của con cái đối với cha mẹ (hiếu, đền ơn, đền công, đền bồi, trả nghĩa, trả thảo…).
- Các trường nghĩa đó phản ánh tình cảm giữa cha mẹ và con cái là tình cảm thiêng liêng, có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của mỗi người.
- Trong quan niệm của người Việt, cha mẹ là những người có công lao rất lớn trong việc sinh, nuôi, dạy dỗ con khôn lớn, trưởng thành. Trong đó, vai trò của người mẹ thực sự được đề cao. Mẹ là người luôn gần con, chăm lo, vun vén cho con bằng tất cả tình thương, lòng vị tha, đức hi sinh cao cả. Vai trò của người cha không được đề cập nhiều trong ca dao nhưng qua một số câu ca ngắn gọn, ca dao cũng đã khẳng định được vai trò to lớn của người cha trong việc dạy con.
- Trong tâm thức của người Việt, con cái phải có bổn phận làm tròn chữ hiếu với cha mẹ. Điều đó có thể được thể hiện qua thái độ vâng lời, hiếu kính với cha mẹ, ở sự ghi nhận và đền đáp công lao của cha mẹ bằng những việc làm thiết thực.
4. Các trường từ vựng ngữ nghĩa trong ca dao về quan hệ gia đình cũng xác định: Trong tâm thức của người Việt, Tình luôn đi liền với Nghĩa. Đó cũng chính là một trong những nét đẹp của văn hoá gia đình Việt, của lối sống Việt : sống giàu tình nặng nghĩa. Vẻ đẹp truyền thống ấy đã được hình thành tự bao đời nay và vẫn tiếp tục được bảo lưu, gìn giữ trong từng mái nhà và trong mỗi cá nhân của cộng đồng văn hoá Việt.
KẾT LUẬN
Ca dao - sản phẩm tinh thần của dân tộc - là nơi phản ánh, lưu giữ kinh nghiệm của dân tộc ở nhiều địa phương, của nhiều tầng lớp người và qua nhiều thời kì lịch sử. Chính vì thế, ca dao nói riêng, ngôn ngữ nói chung cũng là phương tiện thể hiện rõ nét nhất tư duy, nhận thức của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Trong vô vàn các mối quan hệ mà ca dao Việt Nam đề cập đến, quan hệ vợ chồng và quan hệ giữa cha mẹ và con cái được nhắc đến nhiều và để lại nhiều câu ca hay, xúc động lòng người bao thế hệ.
1. Quan niệm của người Việt về quan hệ vợ chồng và quan hệ giữa cha mẹ với con cái được thể hiện qua nhiều phương tiện ngôn ngữ khác nhau, trong đó đáng chú ý là việc sử dụng một số cấu trúc nghĩa biểu hiện và một số trường từ vựng - ngữ nghĩa tiêu biểu. Điều đó cho thấy tài năng của tác giả dân gian trong việc thể hiện quan niệm, nhận thức của mình về quan hệ vợ chồng và quan hệ giữa cha mẹ và con cái đồng thời góp phần giúp người đọc có được sự tri nhận cụ thể, sinh động hơn vấn đề cần biểu đạt.
2. Xét theo cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu ca dao, tác giả dân gian sử dụng nhiều cấu trúc khác nhau trong đó kiểu quan hệ so sánh A như B và quan hệ so sánh A bằng B (trong kiểu câu chỉ quan hệ giữa một thực thể và một thực thể) là những kiểu quan hệ được sử dụng nhiều và giàu giá trị biểu đạt. Việc lựa chọn ý niệm nguồn (cái được so sánh) như thế nào phụ thuộc vào mục đích (cái so sánh) diễn tả của tác giả dân gian. Việc sử dụng linh
hoạt các phương thức so sánh (từ chỉ sự vật, hình ảnh gần gũi trong thiên nhiên, cuộc sống) đã góp phần diễn tả ý niệm đích của tác giả dân gian cho thấy tài năng của tác giả dân gian trong việc biểu đạt quan niệm của mình về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Ở cấp độ từ vựng, có một số trường từ vựng đáng lưu ý: trường từ vựng mang nghĩa đôi - cặp trong ca dao về quan hệ vợ chồng; trường từ vựng chỉ quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Qua các phương tiện ngôn ngữ đó, quan niệm của tác giả dân gian về quan hệ vợ chồng và quan hệ giữa cha mẹ và con cái được thể hiện cụ thể, rõ nét.
3. Tìm hiểu các câu ca dao viết về quan hệ vợ chồng và quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chúng tôi nhận thấy quan niệm của người Việt về các mối quan hệ này được thể hiện qua những nội dung sau:
- Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình người Việt đậm đà trách nhiệm, tình cảm và có tính vững. Họ không chỉ thương yêu nhau mà còn có trách nhiệm với nhau. Trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình Việt không chỉ có Tình mà còn có Nghĩa.
- Với người Việt, thành đôi thành cặp là nhu cầu thiết yếu và cũng là trách nhiệm của trai gái khi đến tuổi trưởng thành. Trai có vợ mới hoàn thiện được mình. Gái có chồng, gái mới tìm được chỗ tựa nương.
- Trong quan hệ vợ chồng, người chồng là trụ cột, người vợ có bổn phận xây dựng tổ ấm, điều hoà các mối quan hệ. Để gia đình hạnh phúc, vợ chồng phải hoà hợp với nhau về hình thức, về tuổi tác đặc biệt là về cuộc sống, về tình nghĩa. Trong quan niệm của người Việt, sự hoà hợp giữa vợ và chồng là nhân tố quan trọng để đảm bảo hạnh phúc gia đình.
- Người Việt đề cao sự thuỷ chung và trách nhiệm, bổn phận xây đắp hạnh phúc. Vợ chồng không chỉ thương yêu nhau mà còn có trách nhiệm với nhau,
cùng nhau làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình đối với con cái, với xã hội.
- Trong quan niệm của người Việt xưa, hạnh phúc của người phụ nữ tuỳ thuộc vào người đàn ông mà họ lấy làm chồng. Khi đã có chồng, người phụ nữ Việt một lòng thuỷ chung, không quản ngại khó khăn để cùng chồng xây đắp hạnh phúc, sẵn sàng hi sinh quyền lợi riêng tư vì chồng, vì con. Vai trò của người vợ vì vậy được đề cao trong việc duy trì, bảo vệ hạnh phúc gia đình.
- Khi có con cái, những người đàn ông, những người phụ nữ Việt có trách nhiệm nuôi dạy, chăm lo cho con, hi sinh vì con. Người mẹ có bổn phận cưu mang, chăm sóc con, thường gần gũi, gắn bó với con hơn người cha; người mẹ có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần, tình cảm của con cái. Người cha có vai trò quan trọng trong việc dạy con, hình thành nhân cách cho con.
- Con cái có bổn phận làm tròn chữ hiếu đối với cha mẹ. Điều đó được thể hiện ở lòng biết ơn, ở thái độ vâng lời, ở những hành động đền ơn, trả nghĩa. Xã hội đã bao lần đổi thay, biết bao thế hệ đã đi qua nhưng những gì thuộc về giá trị tinh thần truyền thống vẫn như một mạch ngầm chảy mãi trong lòng dân tộc. Nó âm thầm và bền bỉ, lặng lẽ nhưng bất diệt. Đó là quan niệm, là đạo lí của người dân đất Việt. Đó là bản sắc văn hoá Việt. Ca dao đã góp phần không nhỏ trong việc kết nối ngôn ngữ và văn hoá, kết nối hiện tại với quá khứ. Trong vai trò đó, ca dao không chỉ phản ánh, lưu giữ kinh nghiệm của người bình dân thuở trước mà còn là lời khuyên, lời nhắc nhở đối với hiện tại và mai sau.