b, Cái được so sánh là những thực thể có quan hệ khăng khít, có khả năng tương tác với nhau để tạo giá trị cho nhau
3.2.1. Các vị từ tình cảm
Bên cạnh tình cảm vợ chồng, tình cảm giữa cha mẹ và con cái được thể hiện nhiều và diễn đạt phong phú trong ca dao về gia đình. Quan hệ tình cảm ấy được thể hiện qua vô vàn những cung bậc, sắc thái: có yêu thương, gắn bó, có hờn trách bởi những sai lầm, có nỗi đau bởi tình cảnh chia xa…
Trong muôn vàn những cung bậc tình cảm, cảm xúc mà ca dao diễn tả về quan hệ gia đình, thương, nhớ, trách được nhắc đến khá nhiều. Các từ như
thương, nhớ, trách được tác giả Cao Xuân Hạo gọi là những vị từ song trị
trong kiểu câu chỉ trạng thái. Cũng theo tác giả, những câu chỉ trạng thái tâm lí, những tình cảm như trên có hai diễn tố, trong đó diễn tố thứ nhất là kẻ mang hay thể nghiệm tình cảm được vị từ biểu thị gọi là nghiệm thể (experiencer) và diễn tố thứ hai là đối tượng gây nên tình cảm đó (tác giả gọi là đối thể). Như vậy khi tìm hiểu các trạng thái tâm lí góp phần biểu hiện quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong ca dao, cần thiết phải xác định được : Ai
(nghiệm thể) thương, nhớ, trách ai (đối thể)? Và tại sao đối thể (B) lại khiến nghiệm thể (A) thương, nhớ, trách ?
Khảo sát 374 câu ca dao về quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chúng tôi nhận thấy có 44 lần xuất hiện từ “thương”:
- Chim kêu ải Bắc non Tần
Nửa phần thương mẹ nửa phần thương em. - Lăm le muốn nhảy qua mương Nhảy thời đặng đó, còn thương mẹ già.
Theo từ điển tiếng Việt, ‘‘thương’’ có nghĩa là: ‘‘1. Có tình cảm gắn bó và thường tỏ ra quan tâm săn sóc ; 2. Yêu ; 3. Cảm thấy đau đớn, xót xa trong lòng trước cảnh ngộ không may nào đó” [40, 975].
Xem xét các câu ca dao nói đến ‘‘thương’’, chúng tôi nhận thấy các câu ca dao này đề cập đến ‘‘thương’’ ở nghĩa thứ nhất và nghĩa thứ ba trong định nghĩa nêu trên. Những câu ca dao này có cấu tạo : A thương B, trong đó A là chủ thể của tình cảm ‘‘thương’’, B là đối tượng tác động làm nảy sinh tình cảm ấy ở A. Trong những câu ca dao này, có khi A là cha mẹ, B là con cái và ngược lại (cha mẹ thương con và con thương cha mẹ).
Trước hết đó là tình thương mà cha mẹ dành cho con cái :
Thương ai bằng nỗi thương con Nhớ ai bằng nỗi gái son nhớ chồng.
Tình thương ấy lớn dần lên cùng thời gian gần gũi, chăm sóc, cùng những cử chỉ âu yếm, vỗ về, cùng những nỗi lo toan cho cuộc sống của con. Khi con cái còn trong vòng tay cha mẹ, tình thương mà cha mẹ dành cho con được thể hiện ở khát khao gần gũi, ở những cử chỉ quan tâm, săn sóc. Trong cảnh ngộ khó khăn, vất vả, tình thương ấy được thể hiện ở nỗi xót xa, thương cảm:
Thương con tần tảo sớm hôm Cơm đùm chéo áo, cháo đùm lá môn.
Khi con cái đã yên bề gia thất, cha mẹ không thể nào chăm sóc, nuôi nấng con nhưng cha mẹ vẫn mãi dõi theo những bước đi của con trong cuộc đời. Trong những câu ca dao nói đến “thương”, tình thương của con cái đối với cha mẹ được nhắc đến nhiều hơn. Lớn lên trong sự chở che, nuôi nấng, trong tình thương bao la của cha mẹ, những tình cảm đầu tiên mà con có thể cảm nhận được không gì khác hơn là tình cảm mà cha mẹ đã dành tặng cho con. Và xúc cảm đầu tiên nảy nở ở con cũng không gì khác hơn là những xúc cảm mà con dành cho những người cha người mẹ. Trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách, tình thương ấy càng lớn hơn bao giờ hết:
Lênh đênh nửa nước nửa dầu
Nửa thương cha mẹ, nửa sầu căn duyên.
Khi hoàn cảnh sống đổi thay, nhiều quan hệ tình cảm khác được hình thành thì tình cảm đối với cha mẹ cũng vẫn giữ một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của con:
Mười phần thương mẹ ở nhà
Chín phần thương bậu còn là ngây thơ.
Đọc câu ca dao, người đọc có thể cảm nhận một cách sâu sắc tình cảm của đứa con trai xa quê khi nghĩ về người mẹ. “Mười phần” gợi nghĩ về một tình cảm trọn vẹn, không gì so sánh được. Tình thương ấy lớn hơn bất kì một tình thương nào khác.
Để diễn tả niềm thương, nỗi nhớ trong tình yêu lứa đôi, ca dao cũng thường viện đến tình thương của con cái đối với cha mẹ:
Thương cha thương mẹ có hồi
Thương anh lúc đứng lúc ngồi cũng thương.
Những câu ca ấy không nhằm mục đích bày tỏ tình cảm của con cái đối với cha mẹ mà nhằm mục đích bày tỏ tình cảm trai gái. Thế nhưng, chính trong cách mượn tình thương cha, mẹ để so sánh với tình cảm lứa đôi (dù để
khẳng định mãnh lực của tình yêu) thì ta vẫn nhận ra rằng tình thương mà con dành cho cha mẹ thực sự trở thành một quan hệ tình cảm không thể nào thiếu vắng trong đời sống tinh thần của con. Tình thương ấy xuất phát từ sự ý thức sâu sắc của con cái về tình cảm mà cha mẹ đã dành cho con:
Thương thay chín chữ cù lao Tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình.
Bên cạnh tình thương, ca dao còn hay nhắc đến nỗi nhớ. Khảo sát các câu ca dao nói về quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chúng tôi thấy có 27 lần từ “nhớ” được nhắc đến một cách trực tiếp:
Ra đi chân thẳng cẳng dùi
Bâng khuâng nhớ mẹ ngậm ngùi nhớ cha.
“Nhớ” có nghĩa là: “1. Giữ lại trong trí điều đã cảm biết, nhận biết để rồi sau đó có thể tái hiện lại được; 2. Tái hiện ra trong trí điều trước đó đã từng được cảm biết, nhận biết; 3. Nghĩ đến với tình cảm tha thiết muốn được gặp, được thấy người hay cảnh thân thiết nào đó hiện đang ở cách xa” [40,724]. Tìm hiểu các câu ca dao có nhắc đến “nhớ”, chúng tôi nhận thấy các câu ca dao này tập trung nói đến “nhớ” với nét nghĩa 2 và nét nghĩa 3 trong định nghĩa nêu trên. Những câu ca dao này có cấu tạo A nhớ B, trong đó A là chủ thể của tình cảm “nhớ”, B là đối tượng và cũng là tác nhân làm nảy sinh tình cảm ấy ở A. Trong những câu ca dao này, A là con và B là cha, mẹ (con nhớ cha, mẹ).
Cha mẹ có công sinh thành, nuôi nấng, dưỡng dục con, luôn quan tâm lo lắng cho con. Tình cảm ấy, công lao ấy của cha mẹ khiến con không thể nào quên:
Chữ xuất giá tòng phu phải lẽ Gái có chồng bỏ mẹ quạnh hiu Bớ anh ơi!
Em nhớ khi thơ bé nâng niu
Ngày nay xuất giá bỏ liều mẹ cha.
Không thể gần gũi, chăm sóc cha mẹ, người con gái chỉ biết tâm sự cùng chồng những mong chồng có thể thấu hiểu, sẻ chia. Tâm sự cùng chồng, bao kí ức lại hiện về trong tâm trí người con gái cùng bao ân tình mà cha mẹ đã dành trọn cho con. Con đã trải qua thuở ấu thơ đáng nhớ cùng những cử chỉ săn sóc, âu yếm, nâng niu của cha mẹ. Kỉ niệm ấu thơ trỗi dậy càng khơi sâu nỗi ân hận, day dứt trong thực tại.
Lớn lên trong vòng tay cha mẹ, trải qua bao tháng ngày gần gũi, lòng con không thôi nhớ nhung trong mỗi lúc ra đi. Nỗi nhớ ấy khi bâng khuâng man mác, khi ngậm ngùi, sâu lắng. Nỗi nhớ làm cho con người xơ cứng trong hoạt động thể xác, nhớ gắn với bâng khuâng:
Ra đi chân thẳng cẳng dùi
Bâng khuâng nhớ mẹ ngậm ngùi nhớ cha.
Nỗi nhớ ấy thường gắn liền với nỗi đau vì hoàn cảnh chia li, cách trở. Đó có thể là nỗi nhớ, niềm đau của người con gái khi đã lấy chồng luôn nghĩ về mẹ mà không thể trở về bên mẹ:
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau.
Đó có thể là nỗi nhớ, niềm đau của đứa con xa khi nghĩ về người cha già hoà cùng khát khao gặp gỡ:
Trông lên thấy đạo cha già
Lòng con tưởng nhớ xót xa rầu rầu Xa cha lòng những quặn đau
Biết ngày nào mới cùng nhau quây quần.
Trong quan niệm của người Việt về quan hệ giữa cha mẹ và con cái: “Bé nương cha mẹ, già thì theo con”. Khi con còn thơ bé, cha đã chăm sóc, dạy dỗ
con khôn lớn, trưởng thành. Nay cha già, con lại chẳng thể gần gũi, chăm sóc. Nỗi nhớ về người cha già trong tình cảnh chia li vì vậy gắn liền với nỗi buồn, niềm đau và khát khao, mong mỏi thiết tha được gần gũi, được gặp lại bóng hình cha sau bao xa cách.
Thương và nhớ dù có những nét nghĩa khác nhau nhưng chúng đều chỉ những quá trình tình cảm, quá trình có tác động qua lại giữa hai thực thể sống. Đó là những từ có khả năng diễn tả tình cảm gắn bó tha thiết giữa con người và con người. Đó là những tình cảm được nảy sinh nhờ quá trình sống gần gũi, quan tâm lẫn nhau. Hơn nữa, tình cảm của con cái đối với cha mẹ thực sự được thức nhận một cách sâu sắc, đầy đủ trong hoàn cảnh chia xa. Vậy nên trong ca dao viết về tình cảm giữa con cái với cha mẹ, tình thương thường đi liền nỗi nhớ:
Thương mẹ nhớ cha như kim châm vào dạ Nghĩ đến chừng nào luỵ hạ tuôn rơi.
Trong hoàn cảnh chia li, cách biệt, lòng con vẫn luôn nghĩ về cha, về mẹ trong nỗi nhớ, niềm thương và cả những âu lo, trăn trở không yên.
Bên cạnh những câu ca dao nói về tình cảm yêu thương, gắn bó, còn có khá nhiều lời ca là những lời than trách. Trong 374 lời ca dao về quan hệ giữa cha mẹ và con cái, có 21 lần nói đến từ “trách” :
- Trách lòng cha mẹ vụng toan Bông búp chẳng bán để tàn ai mua.
- Trách ai đặng cá quên nơm Đặng chim bẻ ná, quên ơn sinh thành.
Trách có nghĩa là “tỏ lời không bằng lòng về người có quan hệ gần gũi nào đó, cho là đã có hành vi, thái độ không đúng, không hay, không tốt đối với mình hoặc có liên quan đến mình” [40, 1020]. Trong những câu ca dao có nhắc đến động từ trách, chủ thể của hành động “trách” có khi là cha, mẹ (cha,
mẹ trách con) cũng có khi là con (con trách cha mẹ). Tuy nhiên nếu hiểu trách theo định nghĩa nêu trên thì chủ thể của hành động trách lại không phải là người quyết định hành động mà trước hết là bởi người tiếp nhận hành động, bởi “những hành vi, thái độ không đúng, không hay, không tốt” của đối tượng đối với chủ thể. Nói cách khác, chính thái độ, hành vi không tốt của con là nguyên nhân làm nảy sinh thái độ “không bằng lòng” ở cha, mẹ và ngược lại.
Đó là lời trách của cha mẹ đối với con vì con vong ân bạc nghĩa :
Trách ai đặng cá quên nơm
Đặng chim bẻ ná, quên ơn sinh thành.
Mượn cách nói “đặng cá quên nơm, đặng chim bẻ ná”, tác giả dân gian giúp người đọc tri nhận một cách cụ thể, sinh động về những việc làm vong ân bội nghĩa “quên ơn sinh thành” của con cái trong quan hệ với cha mẹ.
Chủ thể của những lời trách trong ca dao về quan hệ cha mẹ và con cái chủ yếu là người con, đặc biệt là những người con gái đã đến tuổi trưởng thành. Trong xã hội phong kiến, người con gái không có quyền quyết định tương lai, hạnh phúc của mình. Hạnh phúc của họ gần như được phó thác cho số phận, cho việc “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Vì lẽ đó, bao tình yêu tan vỡ. Vì lẽ đó, bao người con gái phải ngậm ngùi xót xa vì không thể giữ trọn lời thề thủy chung cùng người mình thương:
Thiếp đây không phải con người lòng chim dạ cá Trách tấm lòng thầy mẹ bán gả đôi nơi
Trăm năm thề thốt nặng lời
Thiếp xin lấy con dao vàng tự vẫn giữa trời phen ni.
Người con gái trong tình cảnh bị ép gả không thể làm gì để bảo vệ hạnh phúc, bảo vệ tình yêu mà chỉ có thể cất lời than trách cha mẹ nỡ “cầm duyên con” mà “bán gả đôi nơi”. Người con gái không thể nào đổi thay cảnh ngộ, có phản ứng đi chăng nữa thì cũng là bất lực, bế tắc mà thôi.
Nắm quyền quyết định tương lai, hạnh phúc của con, trong chuyện hôn nhân của con, nhiều khi cha mẹ cũng mắc phải những sai lầm khi chọn cho con người bạn đồng hành:
Trách cha trách mẹ em lầm Cho nên em phải khóc thầm hôm mai
Trách chàng chẳng dám trách ai Trách chàng chê nụ hoa nhài không thơm.
Cũng có khi, người con gái tỏ thái độ không bằng lòng với cha mẹ vì cha mẹ không khéo léo trong việc sắp đặt chuyện hôn nhân khiến có khi con rơi vào tình cảnh phận hẩm duyên ôi:
Trách lòng cha mẹ vụng toan Bông búp chẳng bán để tàn ai mua.
Nhân vật trữ tình - người con gái, trong những câu ca dao trên, mỗi người có một cảnh ngộ khác nhau, tỏ lời không bằng lòng với cha mẹ vì những lí do khác nhau nhưng chung quy đều liên quan đến hủ tục hôn nhân trong xã hội phong kiến Việt Nam xưa - hủ tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Như vậy, nội dung lời trách dù hướng tới cha mẹ nhưng thực chất là tỏ thái độ không bằng lòng đối với quan niệm sống, đối với hủ tục của xã hội.
Tuy nhiên dù có trách móc, hờn giận nhưng chúng ta vẫn nhận ra rằng, tình yêu thương là nốt nhạc chủ đạo trong tình cảm giữa con cái và cha mẹ.