Cái so sánh có điều kiện bổ sung xuất hiện trong kiểu câu biểu thị quan hệ ngang bằng A như B nhưng trong những câu ca dao này, yếu tố A có giá trị tương đương với yếu tố B chỉ khi A có điều kiện đi kèm. Cái so sánh trong những câu ca dao này được biểu đạt bằng các danh từ chỉ con người hoặc các thành viên trong gia đình có hoặc không có thành viên đi kèm: con có/ không có cha, mẹ; vợ chồng có/không có con; trai có/ không có vợ/ lấy được vợ; gái có/ không có chồng/ lấy được chồng. Điều kiện bổ sung đi kèm các yếu tố đó có vai trò quan trọng, quyết định giá trị của yếu tố mà nó bổ sung. Nội dung của các câu ca dao này hướng tới việc thể hiện sự đánh giá về vai trò, tầm quan trọng của thành viên đi kèm (xuất hiện ở điều kiện bổ sung) đối với A.
Để thể hiện quan niệm của người Việt về vai trò của hôn nhân trong cuộc sống của mỗi cá nhân, ca dao sử dụng cấu trúc: A có/ không có vợ (chồng), lấy được vợ hiền(chồng khôn) như B. Trong đó, A có thể được biểu đạt bằng trai, làm trai, gái ngoan, thân em :
- Trai không vợ như chợ không đình Mưa giông một trộ biết ghé mình vào đâu.
- Thân em làm tốt làm lành Lấy chồng làm lẽ như giành thủng trôn.
Đặc biệt trong các câu ca dao sử dụng kiểu cấu trúc này, xuất hiện nhiều câu ca dao khuyết thiếu yếu tố A (kiểu câu: có chồng, lấy chồng...như B):
- Có chồng như chạc vấn do Như khuy mắc nút, như đò thả neo.
- Đêm nằm nghĩ lại mà coi
Lấy chồng hay chữ như soi gương vàng.
Ở các câu ca trên, yếu tố A không xuất hiện nhưng có thể được hiểu là gái.
Tần số xuất hiện của những câu ca này góp phần nói lên rằng trong xã hội Việt Nam xưa, người Việt rất quan tâm đến chuyện hôn nhân đặc biệt là thân phận, cuộc đời người con gái sau hôn nhân.
Để nói về vai trò quan trọng của cha mẹ trong cuộc đời của con cái, ca dao sử dụng cấu trúc A có/không có cha, mẹ như B, trong đó A có thể được biểu đạt bằng con, con người hoặc khuyết thiếu A (cũng được hiểu như con người). Chẳng hạn, yếu tố A được biểu đạt bằng con (Con có/không có cha, mẹ như B):
Con có cha như nhà có nóc Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.
Yếu tố A được biểu đạt bằng con người (Con người có/không có cha mẹ như B) như trong câu ca dao:
Con người có bố, có ông Như cây có cội, như sông có nguồn.
Có những câu ca dao khuyết yếu tố A (Có/không có cha, mẹ như B):
Có cha, có mẹ thì hơn
Không cha, không mẹ như đờn đứt dây.
Ta thấy trong những câu ca trên, A chỉ có giá trị như B khi và chỉ khi A có điều kiện đi kèm (tức A có/không có thành viên đi kèm). Qua cấu trúc so sánh này, ta thấy, với người Việt, quan hệ gia đình thực sự trở thành một quan
hệ tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp trong đó giữa các thành viên trong gia đình luôn có quan hệ tình cảm khăng khít, bền chặt. Mỗi một thành viên trong gia đình Việt chỉ có thể có được niềm vui, hạnh phúc, chỉ có thể thực hiện được vai trò, bổn phận của họ trong gia đình khi được đặt trong quan hệ với thành viên khác: con chỉ có thể hạnh phúc khi có cha, mẹ và ngược lại; vợ (chồng) chỉ có thể thực hiện được chức năng, bổn phận của mình trong gia đình khi có đôi, có cặp, khi giữa họ có được sự hoà hợp.
2.2.2.2. Quan hệ gia đình xét từ bình diện cái được so sánh
Khảo sát các câu ca dao có cấu trúc so sánh A như B, chúng tôi nhận thấy để làm rõ cái trừu tượng (cái so sánh A), tác giả dân gian thường đặt chúng trong quan hệ so sánh với những cái cụ thể (cái được so sánh B). Thông thường, B là những cái đã biết, đã quen thuộc. Vì vậy, để hiểu cái cần so sánh A, chúng ta cần thiết phải tìm hiểu những cái được so sánh B. Do khuôn khổ của đề tài và tần số xuất hiện của các sự vật được dùng làm phương tiện biểu đạt sự tri nhận của tác giả dân gian về quan hệ gia đình, ở phần này, chúng tôi chỉ tìm hiểu cái được so sánh B được biểu đạt qua: vật thể vô tri, vô giác; vật thể có quan hệ khăng khít, có khả năng tương tác với nhau để tạo gia trị cho nhau; vật thể có ý thức, có linh hồn.