Lớp từ thể hiện bổn phận, nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ

Một phần của tài liệu Quan niệm của người việt về quan hệ gia đình trong ca dao từ bình diện tri nhận (Trang 80 - 83)

b, Cái được so sánh là những thực thể có quan hệ khăng khít, có khả năng tương tác với nhau để tạo giá trị cho nhau

3.2.3. Lớp từ thể hiện bổn phận, nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ

Cha mẹ có công lao hết sức to lớn đối với con cái. Vì vậy, con cái không chỉ hết lòng thương yêu, quý trọng cha mẹ mà còn phải làm tròn bổn phận, nghĩa vụ đối với cha mẹ. Đó là bổn phận đền đáp công ơn của cha mẹ, xem việc thực hiện chữ hiếu, tức “lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ” [40, 439] là bổn phận lớn nhất của con cái. Trong chùm ca dao về quan hệ giữa cha mẹ và con cái có 19 lần nhắc tới chữ hiếu :

Khoan khoan chờ đợi em cùng Em còn hai chữ hiếu trung chưa đền.

Đối với con cái, chữ hiếu được đặt lên hàng đầu. Trong ca dao về quan hệ gia đình, có khi chữ hiếu được nhắc đến một cách trực tiếp, có khi được thể hiện qua các cách sử dụng từ ngữ khác: đền ơn, trả nghĩa, thăm, nuôi, thờ, kính...Chữ hiếu trước hết được thể hiện ở lòng biết ơn sâu sắc của con cái đối với công ơn trời biển của cha mẹ:

Cây kia ăn quả ai trồng

Sông kia uống nước hỏi dòng tự đâu Quân thần hai chữ trên đầu Hiếu trung hai chữ dãi dầu lòng son.

Mượn quy luật của tự nhiên, cuộc sống lao động: để đơm hoa kết qủa, cây phải qua tay người nuôi trồng, chăm bón; sông có nước bởi sông chảy từ nguồn, tác giả dân gian muốn nhắc nhở con cái phải biết ơn, ghi nhớ công lao của cha mẹ bởi cha mẹ là cội nguồn sinh dưỡng của con. Lời nhắc nhở ấy hợp với đạo lí, quan niệm sống của người dân đất Việt: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Biết ơn, nhớ ơn cha mẹ, con cái phải “hết lòng” với cha mẹ :

Thờ cha mẹ ở hết lòng

Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường.

Thực hiện chữ hiếu không chỉ là việc con cái nên làm, cần làm mà thực sự đã trở thành “đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội” [40, tr. 289 – 290].

Lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ được thể hiện ở lòng kính yêu, lòng biết ơn cha mẹ và đặc biệt là những việc làm đền ơn, trả nghĩa. Trong chùm ca dao này có tới 25 lần tác giả dân gian trực tiếp nhắc đến từ đền, trả với các kết hợp từ: đền ơn, đền công, đền bồi, trả nghĩa, trả thảo...:

Khoan khoan chờ đợi em cùng Em còn hai chữ hiếu trung chưa đền.

Đền ơn, đền công có nghĩa là “trả lại cho người khác tương xứng với công của người đó đối với mình” [40, 310]. Trả nghĩa là “đền đáp lại ơn nghĩa” [40, 1019], trong đó đền đáp được hiểu là “tỏ lòng biết ơn bằng việc làm xứng đáng với những gì người khác đã làm cho mình” [40, 310]. Theo định nghĩa này thì các động từ: thăm, nuôi, thờ, kính, báo đáp... cũng được khảo sát theo nghĩa của đền ơn, trả nghĩa.

Với con cái, việc ghi lòng tạc dạ những công ơn trời biển của cha mẹ phải gắn liền với những hành động, việc làm thiết thực. Đó có thể là những việc làm đơn thuần chỉ có giá trị tinh thần : viếng, thăm...cũng có thể là những việc

làm có ý nghĩa trong đời sống vật chất lẫn tinh thần : chăm sóc, phụng dưỡng... Để thể hiện ý thức và việc làm của con cái trong việc đền ơn, trả nghĩa, ca dao về quan hệ giữa cha mẹ và con cái thường hay nhắc đến các từ: thăm, nuôi, thờ, kính. Trong đó, từ “nuôi” (cha, mẹ) xuất hiện 22 lần, thờ và kính thường đi liền nhau với 24 lần và 7 lần xuất hiện từ thăm và từ viếng.

Lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ có khi được thể hiện ở những cử chỉ, việc làm thể hiện sự quan tâm, lo lắng :

Mẹ già ở chốn lều tranh

Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con.

Những trăn trở, nghĩ suy của con cái về bổn phận của mình được biểu đạt một cách phong phú qua ca dao. Nuôi cha, nuôi mẹ là việc làm thiết thực nhất để làm tròn bổn phận. Có biết bao câu ca dao thực sự làm ta xúc động bởi tình cảm và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ :

Đói lòng ăn hạt chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

Trong xã hội phong kiến, trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi về già thuộc về con trai. Vậy nên, đến với hôn nhân, người con trai không ngại ngần mà bộc bạch chân thành cùng người vợ yêu :

Anh lấy em về thờ kính mẹ cha Rồi sau coi sóc cửa nhà cho anh.

Khi vợ và gia đình chồng không thể hoà thuận thì sự lựa chọn của người con trai sẽ là :

Bình phong cẩn ốc xà cừ Vợ hư để vợ đừng từ mẹ cha.

Trong những hoàn cảnh nhất định nào đó, khi không thể điều hoà được quan hệ vợ chồng thì người con trai sẵn sàng hi sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu, sẵn sàng từ bỏ nghĩa tào khang để trọn nghĩa cù lao.

Khác với người con trai, người con gái khi đã lấy chồng thì phải theo chồng. Nhưng không vì thế mà họ có thể phó mặc mẹ cha, hờ hững với trách nhiệm làm con. Trước ngưỡng cửa hôn nhân, hạnh phúc, người con gái vẫn luôn nghĩ đến việc đền ơn, trả nghĩa :

Chàng ơi, ơn thày ba năm cúc dục Nghĩa mẹ chín tháng cù lao

Ai đền ơn cho thiếp mà nhủ thiếp trao ân tình ?

Người con gái chỉ có thể yên tâm trao thân gửi phận mình cho người con trai khi thực sự nhận thấy đó là người không chỉ mang đến cho mình hạnh phúc mà trước hết phải là người có thể cùng mình đền ơn thầy mẹ.

Trong trường từ vựng - ngữ nghĩa về quan hệ giữa cha mẹ và con cái, tác giả dân gian đã sử dụng rất nhiều từ ngữ khác nhau để biểu đạt Tình và Nghĩa. Trong đó, chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện với tần số lớn của các động từ tình cảm: thương, nhớ, trách; các động từ thể hiện bổn phận: đền ơn, trả nghĩa…; các danh từ biểu đạt công lao: công, ơn, nghĩa. Sự xuất hiện với tần số lớn của các từ ngữ này cho thấy quan hệ giữa cha mẹ và con cái là quan hệ tình cảm thiêng liêng, gắn bó, được người Việt trân trọng, đề cao. Qua trường từ vựng thể hiện tình cảm, công lao và bổn phận trong ca dao viết về quan hệ giữa cha mẹ và con cái, người đọc dễ dàng nhận thấy quan niệm của người Việt về mối quan hệ này. Đó cũng chính là một trong những đặc trưng văn hoá của người Việt được biểu đạt qua ca dao.

Một phần của tài liệu Quan niệm của người việt về quan hệ gia đình trong ca dao từ bình diện tri nhận (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w