Lớp từ thể hiện công lao của cha mẹ đối với con cá

Một phần của tài liệu Quan niệm của người việt về quan hệ gia đình trong ca dao từ bình diện tri nhận (Trang 74 - 80)

b, Cái được so sánh là những thực thể có quan hệ khăng khít, có khả năng tương tác với nhau để tạo giá trị cho nhau

3.2.2. Lớp từ thể hiện công lao của cha mẹ đối với con cá

Trong gia đình người Việt, cha mẹ có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng tổ ấm, nuôi dưỡng con cái, điều hoà các mối quan hệ. Vì vậy, ca dao về gia đình thường hay nhắc tới công lao của cha mẹ. Khảo sát các câu ca dao viết về quan hệ gia đình, chúng tôi thấy các từ công, ơn, nghĩa có tần số xuất hiện khá lớn.

- Ân cha nghĩa mẹ nặng trìu

Ra công báo đáp ít nhiều phận con. - Ơn cha ba năm cúc dục

Nghĩa mẹ chín tháng cưu mang Ơn cha đền bạc, nghĩa mẹ đền vàng

Em chưa đền nổi huống chi chàng người dưng.

Theo tác giả từ điển Tiếng Việt, “nghĩa” được hiểu là “1 Điều được coi là hợp lẽ phải, làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội. 2 Quan hệ tình cảm thuỷ chung, phù hợp với những quan niệm đạo đức nhất định” [40, 678]. Theo chúng tôi, từ nghĩa trong những câu ca dao viết về quan hệ gia đình được dùng với nghĩa: “quan hệ tình cảm thuỷ chung, phù hợp với những quan niệm đạo đức nhất định”. Đó là quan hệ tình cảm nảy sinh trong quá trình sống gần gũi, quan tâm, lo lắng cho nhau. Đề cập đến chữ nghĩa, ca dao về gia đình thường nhắc đến quan hệ tình cảm nảy sinh trong thời gian “chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau”:

Công cha trượng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

Với người mẹ, chín tháng cưu mang (mang và giữ gìn cái thai trong bụng) cũng là chín tháng cù lao (vất vả, khó khăn). Trong nhận thức của con, người mẹ có thể chấp nhận bao khó khăn để “cưu mang” con không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì tình cảm. Đó là tình mẫu tử thiêng liêng đã được hình thành, nhen nhóm và lớn dần lên cùng với sự lớn lên của thai nhi và bao nỗi âu lo của mẹ.

Ca dao còn nhắc đến nghĩa sinh thành:

Chim còn mến cội mến cành

Cha mẹ có công sinh con, nuôi nấng, dạy dỗ con nên người. Nghĩa tình mà cha mẹ dành cho con cũng hình thành từ đấy. Vượt qua bao khó khăn, thử thách, tình nghĩa ấy vẫn vững bền, bất biến. Hiểu, cảm tấm lòng ấy, con không thể không nghĩ suy về việc sống sao cho phải đạo làm con.

Cùng với từ nghĩa, từ công được trực tiếp nhắc đến 32 lần, chẳng hạn trong những câu ca:

- Công cha ba năm sinh thành tạo hoá Nghĩa mẹ chín tháng cực khổ cưu mang Hai đứa mình lấy chi đền nghĩa báo ân Lên non gánh đá, xuống xây lăng phụng thờ. - Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây

Công cha cũng trọng, nghĩa thầy cũng sâu.

Khảo sát và tìm hiểu nghĩa của các câu ca dao có chứa từ này, chúng tôi nhận thấy nghĩa của từ “công” được đề cập đến trong các câu ca này là nghĩa của từ công lao, ở nghĩa “công khó nhọc, vất vả” [40, 208] và từ công ơn, tức là “công lao đáng ghi nhớ và biết ơn” [40, 209]:

Lên non mới biết non cao Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.

Chỉ khi có được sự trải nghiệm con mới cảm nhận, thấu hiểu hết “công khó nhọc, vất vả” của mẹ, hiểu hết những gì mà cha mẹ đã làm cho con, vì con. Lời khẳng định công lao cha mẹ của đứa con khi đã trưởng thành, đã trở thành những người làm cha, làm mẹ cũng là lời nhắc nhở đối với bao thế hệ làm con về việc đáp đền công lao ấy, dù rằng :

Mẹ cha trượng quá ngọc vàng Đền bồi sao xiết muôn vàn công ơn.

Công lao của cha mẹ là vô cùng, không thể nào đo đếm được. Đó là công

Một mai con cá hoá rồng Đền ơn cha mẹ bõ công sinh thành.

Công lao ấy có khi được con cái ghi nhận từ những việc làm cụ thể. Đó là công sinh dục (thực hiện chức năng sinh sản), bồng bế:

Công sinh dục bằng công tạo hoá Có cha mẹ sau mới có chồng Em nhớ khi dìu dắt ẵm bồng

Nay em lao khổ não nùng không than.

Sinh con, ẵm bồng con, cha mẹ còn có công (và cũng là trách nhiệm) nuôi con, chăm sóc con:

Chim trời ai dễ đếm lông

Nuôi con, ai dễ kể công tháng ngày.

Con hiểu rằng cha mẹ luôn hết lòng vì con, chỉ mong con lớn lên từng ngày. Nuôi con, chăm bẵm con mà không quản khó khăn, vất vả, gian lao. Nuôi con, chăm con mà không một phút giây tính toán, nghĩ suy. Công lao ấy làm sao đo đếm?! Tấm lòng ấy làm sao đền đáp?!

Từ ơn cũng xuất hiện với tần số khá cao (27 lần), ví như trong những câu ca:

- …Nghĩ đà ơn mẹ nhiều bề Còn như dạy dỗ lại về ơn cha.

- Ơn cha, ngãi mẹ chưa đền Bậu mong ôm gối cuốn mền theo ai.

“Ơn” có nghĩa là “Điều làm cho người nào đó, mang lại lợi ích, sự tốt đẹp, được bản thân người ấy nhận thức như là cần phải đền đáp” [40, 759]. Với nghĩa đó, ơn cha mẹ được nhắc đến trong những câu ca dao viết về quan hệ giữa cha mẹ và con cái chính là những gì mà cha, mẹ đã làm được cho con,

mang lại lợi ích, sự tốt đẹp, được con cái nhận thức như là cần phải đền đáp. Đó là ơn cúc dục (nuôi nấng, dạy dỗ từ thuở bé):

Ơn cha ba năm cúc dục

Nghĩa mẹ chín tháng cưu mang Ơn cha đền bạc, nghĩa mẹ đền vàng

Em chưa đền nổi huống chi chàng người dưng.

Đó là ơn ẵm bồng:

Bao giờ cá lía hoá long Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.

Có khi ơn cha, ơn mẹ được con cái nhận thức một cách rõ ràng:

…Nghĩ đà ơn mẹ nhiều bề Kìa như dạy dỗ lại về ơn cha.

Trong gia đình, người cha, người mẹ có những bổn phận riêng trong việc nuôi dưỡng con cái. Vì vậy cha, mẹ có những việc làm, vai trò khác nhau trong cuộc đời của con. Tuy vậy, tất thảy những gì mà cha mẹ đã làm cho con đều được con cái nhận thức một cách sâu sắc:

Ơn cha ngãi mẹ chưa đền Bậu mong ôm gối cuốn mền theo ai.

Ý thức về những việc làm của cha mẹ luôn gắn liền với ý thức về sự đền đáp. Lời đánh giá, nhận xét của nhân vật trữ tình (người con) về ơn cha mẹ trong những câu ca này đã chứng tỏ sự thấu hiểu, lòng biết ơn sâu sắc của con.

Xem xét các câu ca dao trực tiếp nhắc đến các từ công, ơn, nghĩa, chúng tôi nhận thấy, các từ này dù có những cách kết hợp, cách sử dụng khác nhau nhưng đều mang nét nghĩa chung: nói về những gì mà cha mẹ đã làm cho con, vì con. Vậy nên, dù xuất hiện trong những lời ca khác nhau nhưng nhiều khi không có sự phân biệt giữa công, ơn, nghĩa:

- Một mai con cá hoá rồng Đền ơn cha mẹ bõ công sinh thành.

- Trách ai đặng cá quên nơm Đặng chim bẻ ná, quên ơn sinh thành.

- Chim còn mến cội mến cành

Anh cũng biết cho em còn mến nghĩa sanh thành mẹ cha.

Cùng nói về việc sinh thành (sinh ra, nuôi nấng và dạy dỗ thành người), có khi tác giả dân gian gọi đó là công sinh thành, có khi gọi là ơn sinh thành, có khi lại gọi là nghĩa sanh thành (tức nghĩa sinh thành). Những từ nói về việc làm, công ơn cụ thể được sử dụng kết hợp với các danh từ công, ơn, nghĩa

cũng không nằm ngoài vấn đề sinh thành : hoài thai, cưu mang, dưỡng dục, cúc dục, dạy dỗ...

Chủ thể trữ tình trong các câu ca dao này chủ yếu là con cái nên khi thể hiện nhận thức của mình về công, ơn, nghĩa của cha, mẹ, các câu ca này đồng thời còn mang hàm ý biểu đạt lòng biết ơn của con và ý thức về sự đền đáp.

Như vậy về thực chất, nghĩa của từ nghĩa (ý niệm của con cái về cha mẹ được biểu đạt qua yếu tố từ vựng “nghĩa”) rất gần với nghĩa của các từ công, ơn. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan (thái độ, sự nhìn nhận, đánh giá của con cái) đối với cha, mẹ (qua công, ơn và nghĩa) có sự khác nhau. Công, ơn thể hiện sự đánh giá, nhận thức thiên về lí trí (sự hiểu biết, ghi nhận những việc mà cha mẹ làm cho con gắn liền với ý thức về sự đền đáp). Nghĩa thể hiện sự đánh giá, nhận thức thiên về tình cảm. Qua từ nghĩa, tác giả dân gian không chỉ khẳng định công lao mà quan trọng hơn hướng tới sự ghi nhận, khẳng định, cảm thấu những tình cảm mà cha mẹ đã có, đã dành cho con cái nhờ thời gian gần gũi, gắn bó lâu dài trong cuộc sống gia đình. Đồng thời qua từ này, nhân vật trữ tình cũng thể hiện tình cảm gần gũi, thương quý mà mình dành cho cha, mẹ.

Tìm hiểu các câu ca dao trực tiếp nhắc đến các từ trên, chúng tôi nhận thấy, từ côngơn thường được dùng để nói về người cha còn nghĩa thường được dùng để nói về người mẹ. Thiết nghĩ đó cũng là một minh chứng cho mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và tư duy, văn hoá. Bởi trong gia đình người Việt, người mẹ bao giờ cũng có vai trò quan trọng hơn, bao giờ cũng gần gũi con hơn người cha. Theo đó, con cái bao giờ cũng gần mẹ hơn gần cha, có tình cảm thân thiết hơn với mẹ (dù rằng luôn ghi nhận công lao to lớn của cha).

Một phần của tài liệu Quan niệm của người việt về quan hệ gia đình trong ca dao từ bình diện tri nhận (Trang 74 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w