Cái được so sánh là những thực thể vô tri vô giác

Một phần của tài liệu Quan niệm của người việt về quan hệ gia đình trong ca dao từ bình diện tri nhận (Trang 40 - 46)

Trong số các sự vật, hình ảnh được lựa chọn làm cái được so sánh, thực thể vô tri vô giác được sử dụng nhiều nhất trong kiểu câu so sánh A như B (với 100 lần chiếm tỉ lệ 70.92%).

* Cái được so sánh là những thực thể kém giá trị hoặc vô dụng:

Để thể hiện tình cảnh của những người phụ nữ khi đã có chồng, tác giả dân gian so sánh:

Có chồng như cá ở ao

Đào ao thả cá là một trong những tập quán canh tác của người dân nước Việt.

là loại động vật sống ở môi trường nước, thường bơi lội, di chuyển tự do, không giới hạn không gian sống. Ao là chỗ người dân đào sâu xuống đất để giữ nước nuôi cá.“Cá ở ao” bị giới hạn bởi không gian nhỏ hẹp, không được tự do di chuyển như ở sông, ở biển. Dựa vào kinh nghiệm thực tế đó, tác giả dân gian liên tưởng đến tình cảnh người phụ nữ có chồng, bởi trong xã hội phong kiến xưa, người phụ nữ bị ràng buộc bởi “tam tòng tứ đức”. Lấy chồng, người phụ nữ phải theo chồng, theo “thói nhà chồng” chứ không còn được sống tự do theo “thói cũ”.

Vậy nên, khi người chồng có ý phụ phàng, người vợ chỉ có thể nhẹ nhàng nhắc nhở:

Chàng ơi phụ thiếp làm vầy Thiếp như cơm nguội đỡ thay đói lòng.

Việt Nam là một nước nông nghiệp. Đời sống nông dân dựa vào sản xuất lúa nước. Văn hoá lúa nước tính chất thực vật (mà cốt lõi là cây lúa) in dấu ấn đậm nét trong đời sống hàng ngày của người dân. Cơm trở thành món ăn chính trong bữa ăn của mỗi gia đình người Việt. Cơm nguội là phần cơm thừa lại sau bữa ăn chính. Khi no, người ta thường không màng đến phần cơm này. Nhưng nó lại có ý nghĩa lót dạ khi đói. Tự ví mình như cơm nguội, người phụ nữ Việt vừa tỏ ra khiêm tốn khi nói về mình lại vừa tỏ ra khéo léo khi nhắc nhở chồng.

Thân phận của người phụ nữ sau hôn nhân, đặc biệt là của người phụ nữ làm lẽ còn được biểu đạt qua các vật dụng trong đời sống hàng ngày:

- Thân em làm tốt làm lành Lấy chồng làm lẽ như giành thủng trôn

- Thân em đi lấy chồng chung Khác nào như cái bung xung chịu đòn

Giành là đồ đựng đan khít bằng tre, nứa, đáy phẳng, thành cao. Ở nước ta thời xưa, đây là một vật dụng quen thuộc dùng để đựng các sản phẩm nông nghiệp. Khi giành đã thủng trôn, người ta có thể vứt bỏ hoặc tuỳ ý sử dụng không đúng với chức năng của nó. Bung xung là vật để đỡ tên đạn khi ra trận ngày xưa; thường dùng để ví người chịu đỡ đòn thay cho người khác. Từ những kinh nghiệm đó, tác giả dân gian đã ví người phụ nữ làm lẽ với “giành thủng trôn”, “cái bung xung chịu đòn”. Đó là thân phận của biết bao người phụ nữ trong xã hội trọng nam khinh nữ, trong xã hội “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”.

Những sự vật, hình ảnh gần gũi trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày đã trở thành những hình ảnh có ý nghĩa trong việc thể hiện cách nhìn, quan niệm của tác giả dân gian về quan hệ gia đình. Để thể hiện vai trò của cha mẹ trong cuộc đời con, tác giả dân gian ví von:

Có cha, có mẹ thì hơn

Không cha, không mẹ như đờn đứt dây

Đờn (đàn) là loại nhạc khí thường có dây hoặc bàn phím để phát ra tiếng nhạc (trước đây thường là đàn có dây). Đờn đã đứt dây, đờn không còn giá trị, không thể gọi là nhạc khí. Cũng như đờn đứt dây, con không cha, không mẹ, con khó có thể khôn lớn, trưởng thành. Hình ảnh “đờn đứt dây” giúp ta tri nhận cụ thể hơn về tình cảnh của những đứa con mồ côi, không nơi nương tựa.

Như vậy, để diễn tả những cảnh ngộ khó khăn, không may trong cuộc đời con người: con mồ côi cha mẹ, người con gái lấy phải người chồng bê tha, vô dụng, người phụ nữ phải chịu cảnh tù túng, ràng buộc bởi quan hệ hôn nhân, người phụ nữ làm lẽ, tác giả dân gian đã khéo léo mượn những sự vật kém giá trị, không có giá trị để so sánh giúp cho tri nhận trở nên cụ thể, sinh động. Kiểu vật mẫu ví này thường xuất hiện trong những lời ca than thân.

* Cái được so sánh là những thực thể đẹp, quý, có giá trị:

Bên cạnh những câu ca dao sử dụng vật mẫu ví là những thực thể vô dụng, thấp kém về giá trị, ca dao còn sử dụng rất nhiều những sự vật, hình ảnh đẹp, quý, có giá trị làm vật mẫu ví để biểu đạt cách nhìn, cách đánh giá của mình đối với những vấn đề đặt ra trong quan hệ gia đình.

Để diễn tả sự hoà hợp giữa hai cá thể trong quan hệ lứa đôi, tác giả dân gian so sánh:

Thiếp đứng gần chàng như vàng mười nén Chàng đứng gần thiếp như chén trà tiên Anh thương em, anh chẳng dám thị thiềng

Ẩn cây nấp bóng đợi quyền mẹ cha.

Vàng mười nén hay chén trà tiên đều là những hình ảnh gợi vẻ đẹp toàn thiện, toàn mĩ, hoàn hảo. Vẻ đẹp đó không phải là vẻ đẹp của riêng thiếp hay riêng chàng mà là vẻ đẹp có được nhờ sự kết hợp, sự tương xứng giữa hai người.

Hạnh phúc của người phụ nữ Việt tuỳ thuộc rất nhiều vào người đàn ông mà họ lấy làm chồng. Vậy nên, dân gian quan niệm:

Gái ngoan lấy được chồng khôn Như lọ vàng cốm để chôn đầu giường

Trong xã hội xưa, khi đời sống của người dân còn đói nghèo, thiếu thốn thì lọ vàng cốm thực sự là món đồ quý giá. Từ kinh nghiệm thực tế đó, tác giả dân gian đã tri nhận một cách sáng tạo sự việc người con gái lấy được chồng khôn với lọ vàng cốm.

Sử dụng những sự vật gần gũi trong đời sống làm phương tiện tri nhận quan hệ vợ chồng, tác giả dân gian thường quan tâm đến sự hoà hợp trong cuộc sống vợ chồng:

- Đôi ta như cánh hoa đào Vợ đây chồng đấy ai nào kém ai?

Đôi ta như bông hoa nhài Vợ đây chồng đấy kém ai trên đời?

- Ở sao như lụa đừng phai (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tình chồng nghĩa vợ nhớ hoài không quên

Hoa đào cánh nhỏ, có màu hồng đào, là loại hoa đẹp nhất của mùa xuân. Hoa nhài cánh nhỏ, màu trắng, có hương thơm quyến rũ. Lụa là loại vải đẹp, không bị phai màu bởi thời gian. Hoa đào, hoa nhài hay lụa vì vậy đều là

những sự vật đẹp, quý, đặc biệt có ý nghĩa về mặt tinh thần. Từ những sự vật đẹp, quý ấy, tác giả dân gian dùng làm phương tiện để biểu đạt sự tương xứng, hoà hợp giữa “đôi ta” và sự thuỷ chung của “tình chồng nghĩa vợ”.

Để thể hiện hình ảnh người mẹ già trong cảm nhận của người con, ca dao cũng viện đến những hình ảnh, sự vật quen thuộc được lấy từ thiên nhiên, từ thế giới thực vật:

Mẹ già như quả đò ho

Dẫu rằng héo hắt thơm tho đủ mùi.

Quả đò ho với đặc điểm “dẫu rằng héo hắt thơm tho đủ mùi” được lấy làm vật mẫu ví để ngợi ca vẻ đẹp, tấm lòng người mẹ. Quả đò ho dù héo thì mùi thơm của nó vẫn không hề nhạt phai. Người mẹ dù có già nua đi chăng nữa cũng vẫn mãi đẹp trong lòng con bởi tấm lòng, bởi nghĩa tình mà mẹ trao con. Mượn quả đò ho để nói về tấm lòng người mẹ, tác giả dân gian chú ý đến hương vị, đến vẻ đẹp phẩm chất bên trong của sự vật. Vẻ đẹp ấy bất diệt cùng thời gian.

Như vậy, để diễn tả niềm vui, niềm hạnh phúc trong quan hệ vợ chồng và thái độ yêu quý, trân trọng của con đối với mẹ, tác giả dân gian đã lựa chọn vật mẫu ví là những thực thể đẹp, quý, có giá trị. Kiểu vật mẫu ví này thường xuất hiện trong những câu ca dao có nội dung ngợi ca, khẳng định tình nghĩa vợ chồng, ngợi ca người mẹ.

* Cái được so sánh là những thực thể gợi sự lớn lao, không cùng:

Tìm hiểu những câu ca dao có cấu trúc so sánh A như B (đặc biệt là những câu ca dao nói về quan hệ giữa cha mẹ và con cái), chúng tôi nhận thấy sự xuất hiện với tần số khá lớn của những hình ảnh thiên nhiên : núi, sông, trời, biển.

- Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

- Ơn cha như biển, nghĩa mẹ như trời

Thương mừng ghét sợ không dám trao lời thở than.

Không gian địa hình sinh tồn và phát triển của văn minh nước Việt là miền đồng bằng sông nước tựa núi và tiếp biển. Hơn nữa, lối sống định cư của nền văn minh nông nghiệp khiến người Việt luôn sống hoà hợp với thiên nhiên. Vì những lẽ đó mà hình ảnh thiên nhiên thường được nhắc đến nhiều trong ca dao người Việt. Đặc biệt để biểu đạt công lao, ơn nghĩa của cha mẹ đối với con cái, ca dao thường nói đến các hình ảnh: núi, sông, trời, biển. Tất cả các hình ảnh ấy đều là những hình ảnh thiên nhiên lớn lao, kì vĩ, gợi cảm nhận về sự dài rộng, cao, sâu ở mức khôn cùng. Mượn những hình ảnh ấy, tác giả dân gian đã thể hiện thành công cảm nhận của mình về công ơn trời biển của cha mẹ. Đó là công lao, ơn nghĩa không thể nào đo đếm được. Công lao ấy, ơn nghĩa ấy sánh ngang cùng cái mênh mông của trời đất, vũ trụ. Đó đồng thời cũng là cách bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của con cái đối với cha mẹ.

* Cái được so sánh là những thực thể gợi sự yếu ớt, không bền:

Để thể hiện quan niệm của mình về quan hệ tình cảm giữa vợ chồng, ca dao ví von :

Anh em như thể chân tay Vợ chồng như áo cởi ngay nên lìa.

Quan hệ giữa vợ chồng được ví như chiếc áo “cởi ngay nên lìa”. Chiếc áo dù quen thuộc, dù cần thiết thì cũng chỉ là trang phục, người mặc có thể tuỳ ý thay đổi mà không lưu luyến. Mượn hình ảnh chân tay để nói về quan hệ anh em và hình ảnh áo để nói về quan hệ vợ chồng, tác giả dân gian muốn khẳng định: tình cảm anh em ruột thịt bao giờ cũng sâu sắc, bền vững hơn tình cảm vợ chồng.

Để thể hiện hình ảnh người mẹ già, dân gian so sánh:

Mẹ già như chuối chín cây Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi.

Mượn hình ảnh chuối chín cây để nói về tình cảnh già nua của người mẹ, tác giả dân gian chú ý đến khả năng chịu tác động trước hoàn cảnh của sự vật.

Chuối chín cây rất dễ gãy, rụng dưới tác động của ngoại cảnh. Đặc điểm ấy của sự vật khiến ta nghĩ đến hình ảnh người mẹ già nua trước tác động của hoàn cảnh sống. Nhờ hình ảnh so sánh ấy, câu ca đã thể hiện một cách xúc động hình ảnh người mẹ già cùng sự sống mong manh trong nỗi âu lo, niềm xót xa của con.

Như vậy, tuỳ thuộc vào mục đích biểu đạt mà sự vật được lựa chọn làm vật mẫu ví trong các câu ca dao trên có thể là hình ảnh, sự vật đẹp, quý, có giá trị, có thể là sự vật kém giá trị; có thể là sự vật gợi sự lớn lao không cùng hay sự vật gợi sự yếu ớt, không bền.

Một phần của tài liệu Quan niệm của người việt về quan hệ gia đình trong ca dao từ bình diện tri nhận (Trang 40 - 46)