Sử dụng ngữ liệu để dạy học phần từ vựng

Một phần của tài liệu Sử dụng ngữ liệu trong dạy học tiếng việt lớp 9 ở các trường trung học cơ sở huyện vĩnh cửu tỉnh đồng nai luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 41 - 46)

Từ vựng tiếng Việt là một trong ba thành phần cơ sở của môn Tiếng Việt, bên cạnh ngữ âm và ngữ pháp. Từ vựng tiếng Việt là đối tượng nghiên cứu cơ bản của ngành Từ vựng học tiếng Việt, đồng thời cũng là đối tượng nghiên cứu gián tiếp của các ngành Ngữ pháp học tiếng Việt, Ngữ âm học tiếng Việt, Phong cách học tiếng Việt, Từ điển học tiếng Việt,... Ngành Từ vựng học tiếng Việt nghiên cứu về các khía cạnh của từ vựng tiếng Việt cũng chỉ phát triển mạnh trong giai đoạn gần đây. Trong bất kỳ một ngôn ngữ nào, vai trò của từ vựng cũng hết sức quan trọng. Có thể thấy một ngôn ngữ là một tập hợp của các từ vựng. Không thể hiểu ngôn ngữ mà không hiểu biết từ vựng, hoặc qua các đơn vị từ vựng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ hiểu các đơn vị từ vựng riêng lẻ, độc lập với nhau. Chúng ta chỉ có thể nắm vững được ngôn ngữ thông qua mối quan hệ biện chứng giữa các đơn vị từ vựng. Như vậy việc học từ vựng và rèn luyện kĩ năng sử dụng từ vựng là yếu tố hàng đầu trong việc truyền thụ và tiếp thu một ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Từ vựng là một đơn vị ngôn ngữ nên nó được thể hiện dưới hai hình thức: Lời nói và chữ viết. Muốn sử dụng được ngôn ngữ đó, tức là phải nắm vững hình thức biểu đạt của từ bằng lời nói và chữ viết. Song do có mối liên quan của từ vựng với các yếu tố khác trong ngôn ngữ (ngữ pháp, ngữ âm, ngữ điệu...) hoặc trong tình huống giao tiếp cụ thể, ta thấy từ vựng là các “viên gạch” còn ngữ pháp và các yếu tố ngôn ngữ khác được coi như các “mạch vữa” để xây lên thành một ngôi nhà ngôn ngữ. Năng lực sử dụng ngôn ngữ của một con người cụ thể cũng giống như một lâu đài. Trong đó mỗi từ ngữ như những viên gạch của lâu đài ngôn ngữ ấy. Mỗi viên gạch mang một ý nghĩa riêng và giữ một vị trí, vai trò cụ thể vì thế cần phải

được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Do vậy, dạy từ ngữ trước hết là dạy cho các em biết được quy tắc sử dụng các đơn vị từ vựng. Chúng ta thấy rằng việc dạy từ vựng được bố trí ở tất cả các cấp học, tùy mỗi cấp học mà cung cấp lượng kiến thức phù hợp với trình độ của các em.

Trong chương trình Tiếng Việt THCS và THPT tri thức về từ vựng chiếm thời lượng không nhỏ. Nó đóng một vai trò quan trọng. Từ và ngữ cố định là đơn vị ngôn ngữ với tư cách là hệ thống tín hiệu. Từ là đơn vị hai mặt: mặt biểu hiện và mặt được biểu hiện. Những tri thức về cấu tạo từ tiếng Việt, mối quan hệ giữa chúng và nghĩa của từ là cơ sở khoa học cấu tạo nên nội dung dạy học từ vựng ở chương trình Tiếng Việt THCS và THPT.

Trong sách Ngữ liệu văn học dân gian, tác giả Nguyễn Văn Tứ cho rằng: “Từ là một bộ phận quan trọng của tiếng Việt. Việc nắm vững hệ thống từ ngữ có vai trò quyết định đối với năng lực giao tiếp” [51, tr84]. Sản phẩm của tiếng Việt là hoạt động giao tiếp, học tập. Muốn giao tiếp, tư duy tốt phải nắm vững nghĩa của từ, đó cũng là yêu cầu của dạy học từ vựng. Từ chỗ biết nghĩa để sử dụng trong những hoàn cảnh, tình huống giao tiếp khác nhau. Từ còn có tác dụng giúp các em nhận thức và phân biệt được các nghĩa của chúng. Như chúng ta đã biết tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu ý nghĩa, trong những tình huống khác nhau có thể biểu hiện nghĩa khác nhau. Cùng một từ nhưng có nhiều nghĩa khác nhau như nghĩa gốc, nghĩa chuyển, trong trường hợp này nó mang nghĩa biểu hiện nhưng trong trường hợp khác nó lại mang nghĩa cụ thể. Ta thấy Nguyễn Du là một bậc thiên tài trong việc sử dụng ngôn ngữ, trong Truyện Kiều hơn 100 lần ông dùng từ hoa và mỗi từ mang một ý nghĩa và sắc thái biểu cảm riêng. Có lúc ông dùng: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.” hay là: “Mấy lần cửa đóng then cài

Đầy thềm hoa rụng biết người ở đâu” có khi lại: “Nỗi mình thêm tức nỗi nhà

Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.” nhiều lúc dùng: “Hoa tàn mà lại thêm tươi

Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.”

Từ việc hiểu chính xác nghĩa của từ mà các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái thú vị, cái sâu sắc của ngôn ngữ Việt. Điều đó đã được rất nhiều những nhà nghiên cứu văn học, nhà văn, nhà thơ ca ngợi. “Ví dụ, câu thơ của Nguyễn Du có từ “áy” (cỏ áy bóng tà….). Chữ “áy” ấy, thật tài giỏi đến độ dù ta không hiểu nghĩa, nó cũng hiện lên sự ảm đạm. Cho tới năm trước có dịp đi Thái Bình, về Huyện Thái Ninh, tôi được biết chữ “áy” là tiếng vùng quê đấy. Quê vợ Nguyễn Du ở Thái Bình, Nguyễn Du đã ở lâu đất Thái Bình, “cỏ áy” có nghĩa là cỏ úa vàng. Tiếng “áy” ở Thái Bình đã vào văn chương Truyện Kiều và trở thành tuyệt vời”. (Theo Tô Hoài, Mỗi chữ phải là một hạt ngọc)

Tiếng Việt là một ngôn ngữ đa thanh điệu và giàu ý nghĩa, vì thế dạy từ vựng là quá trình hướng dẫn học sinh khám phá cấu trúc, cách thức hoạt động của từ. Cho nên trong giảng dạy việc lựa chọn ngữ liệu phù hợp cho bài học là hết sức quan trọng và cần thiết. Việc lựa chọn ngữ liệu sẽ đem lại sự thành công cho tiết học. Các em có tiếp thu bài tốt hay không là dựa vào hệ thống ngữ liệu mà người giáo viên lựa chọn, phân tích.

Trong chương trình phân môn Tiếng Việt ở cấp THCS nói chung và sách Ngữ văn 9 nói riêng, hầu như các bài học đều có hệ thống ngữ liệu khá đầy đủ, có thể giúp cho giáo viên và học sinh tiến hành trong một tiết tiếng Việt. Từ lâu trong khi giảng dạy các bài học Tiếng Việt đã có nhiều giáo viên mạnh dạn lấy thêm nhiều ngữ liệu ngoài SGK để cung cấp cho học sinh, nhưng bên cạnh đó có nhiều giáo viên chỉ khai thác ví dụ trong SGK mà thôi. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng giáo viên dạy đã quá lạm dụng các ngữ liệu ngoài SGK mà không khai thác kỹ các ngữ liệu có sẵn trong sách. Nói tới vấn đề này đã có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng các ví dụ trong SGK hầu hết đã được người biên soạn chọn lọc, tiêu biểu, chính xác và khoa học cho nên khi giảng dạy ta chỉ cần khai thác hết các ví dụ trong SGK là đủ kiến thức của bài học... Nhưng cũng có ý kiến khác là, ngoài việc khai thác ví dụ tiêu biểu trong SGK giáo viên cũng cần phải lấy thêm nhiều ngữ liệu phong phú trong cuộc sống hàng ngày để giúp học sinh hiểu sâu hơn, nâng cao hơn kỹ năng sử dụng tiếng Việt vì ví dụ trong

SGK còn ít, chưa phong phú, chưa bám sát vào từng đối tượng học sinh của từng vùng miền mà chỉ mang tính chất chung chung cho mọi đối tượng HS.

Nếu như đối với học sinh các khối 6,7,8 trình độ hiểu biết còn non, khả năng sử dụng Tiếng Việt còn thấp, khi giảng dạy giáo viên nên chú trọng khai thác sâu các ngữ liệu SGK nhưng đối với học sinh khá giỏi và với một số tiết học mà ngữ liệu SGK quá khó hoặc ít thì giáo viên cũng nên lấy thêm các ngữ liệu ngoài SGK để nâng cao dần khả năng sử dụng tiếng Việt cho các em. Nhưng cũng không nên lấy quá nhiều, quá lạm dụng vì như thế đôi khi sẽ làm cho HS thấy rắc rối, sẽ mang lại kết quả ngược.

Ở lớp 9, khả năng tiếp thu và sử dụng tiếng Việt của học sinh đã được nâng cao hơn, hoàn thiện hơn. Trong khi giảng dạy ngoài việc khai thác kỹ và sâu các ngữ liệu trong SGK giúp học sinh nắm vững nội dung bài học, giáo viên cũng nên thường xuyên lấy thêm các ngữ liệu ngoài SGK, các ngữ liệu có trong cuộc sống thường gặp... nhưng yêu cầu giáo viên phải có sự chuẩn bị kỹ càng, các ngữ liệu phải tiêu biểu mang tính giáo dục, có tính mĩ cao... Cụ thể đối với bài học tiếng Việt trong SGK ngữ văn 9 chúng ta có thể kết hợp cả ngữ liệu có trong SGK và các ngữ liệu lấy thêm như sau:

Ví dụ: ở bài Thuật ngữ SGK Ngữ văn 9 tập 1 SGK có đưa ngữ liệu sau:

VD 1: - Nước là chất lỏng không màu, không mùi, có trong sông, hồ, biển,... - Muối là tinh thể trắng, vị mặn, thường được tách từ nước biển, dùng để ăn. VD 2: - Nước là hợp chất của các nguyên tố hi-đrô và ô xi, có công thức H2O. - Muối là hợp chất mà phân tử gồm một hay nhiều nguyên tử kim loại kết hợp với một hay nhiều gốc a-xít.

Bên cạnh những ngữ liệu trong SGK giáo viên cũng có thể đưa thêm những ngữ liệu ngoài SGK để làm phong phú thêm và cũng để cho học sinh nắm rõ hơn về khái niệm thuật ngữ, phân biệt được đâu là thuật ngữ, đâu không phải là thuật ngữ.

Ví dụ 1: Cho các em so sánh nghĩa 2 từ “xuân” sau: Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân (Hồ Chí Minh)

Ví dụ 2: Ngữ liệu cho phần “Tổng kết về từ vựng” về hiện tượng chuyển nghĩa của từ.

Những từ gạch chân trong các câu sau được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? vì sao ?

- Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông Kẻ

cuốc cày mưa nắng ngoài đồng. (Tế Hanh) - Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân (Hồ Chí Minh)

Ví dụ 3: Ngữ liệu cho phần “Tổng kết về từ vựng” về hiện tượng đồng âm, chơi chữ.

Chỉ ra hiện tượng đồng âm, chơi chữ trong ví dụ sau:

- Mồm bò không phải mồm bò mà lại mồm bò - Ruồi đậu mâm xôi đậu, kiến bò đĩa thịt bò - Chị Hươu đi chợ Đồng Nai

Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò.

Ví dụ 4: Ngữ liệu cho phần “Tổng kết về từ vựng” về một số phép tu từ từ vựng (ẩn dụ tu từ)

- Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng - Về thăm nhà Bác làng Sen

Có hàng dâm bụt thắp lên lửa hồng - Thà rằng liều một thân con

Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây.

Các kiến thức về từ ngữ phải được trình bày một cách có hệ thống, phải theo các chủ điểm sao cho giữa các chủ điểm ấy đảm bảo một quan hệ liên tưởng nào đấy. Việc làm giàu vốn từ cho HS cũng phải được thực hiện theo một

hệ thống, chứ không cung cấp lẻ tẻ, cô lập nhau. Những bài học về cấu tạo từ, về hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa, trường từ vựng, ... chính là theo một chủ điểm, một hệ thống để làm giàu thêm vốn từ của HS về cấu tạo, về nghĩa và trường nghĩa. Việc rèn luyện năng lực sử dụng từ ngữ cho HS cũng cần phải lưu ý điều này. Để từ đó các em có thể lựa chọn được những từ ngữ cần thiết, phù hợp đạt hiệu quả cao nhất trong việc tạo ra lời nói của bản thân mình. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chưa bao giờ tiếng Việt đòi hỏi phải bổ sung, sáng tạo nhiều từ ngữ như bây giờ. Trong công cuộc đổi mới, chính sách mở cửa hội nhập quốc tế đang đặt tiếng Việt trong quan hệ tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Hàng loạt hoạt động, các ngành nghề mới xuất hiện đòi hỏi những từ ngữ mới xuất hiện cho phù hợp nên việc tạo từ ngữ mới để bổ sung vào vốn từ ngữ tiếng Việt là hết sức cần thiết để hòa nhập với thế giới. Vì thế dạy học tiếng Việt cũng cần nắm bắt kịp thời với xu thế chung, nhằm trau dồi thêm vốn ngôn ngữ cho HS.

Một phần của tài liệu Sử dụng ngữ liệu trong dạy học tiếng việt lớp 9 ở các trường trung học cơ sở huyện vĩnh cửu tỉnh đồng nai luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 41 - 46)