Ngữ liệu với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và con đường hình thành kỹ năng ngôn ngữ của học sinh THCS

Một phần của tài liệu Sử dụng ngữ liệu trong dạy học tiếng việt lớp 9 ở các trường trung học cơ sở huyện vĩnh cửu tỉnh đồng nai luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 25 - 29)

thành kỹ năng ngôn ngữ của học sinh THCS

1.3.2.1. Ngữ liệu với hứng thú nhận thức của học sinh THCS trong quá trình học tập

Luận ngữ viết: “Biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng say mà học”. Vậy niềm yêu thích say mê chính là động lực thúc đẩy, nuôi dưỡng sự cố gắng, nỗ lực học tập không ngừng của mỗi người. Vì thế với vai trò tổ chức, hướng dẫn và điều khiển quá trình học tập của HS, hơn ai hết việc phải tìm ra nhiều biện pháp để phát huy cao nhất tính tích cực sáng tạo của người học, gây niềm hứng thú say mê học tập ở các em chính là nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi người GV.

Luật Giáo dục, Điều 28 khoản 2 đã ghi: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tích tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của HS; phù hợp với đặc điểm từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS”.

Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lí và giáo viên về biên soạn đề kiểm tra, xây dựng thư viện câu hỏi và bài tập cũng đã viết: “Hoạt động giáo dục chỉ đạt hiệu quả cao khi tạo lập được môi trường sư phạm lành mạnh, bầu không khí thân thiện, phát huy ngày càng cao vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của HS”.

Theo tâm lí học sư phạm, chất lượng nhận thức, học tập tùy thuộc vào những những điều kiện bên ngoài (nội dung tri thức, phong cách giảng dạy của giáo viên, phương pháp và phương tiện dạy học ...) và những điều kiện bên trong (nhu cầu, động cơ, hứng thú học tập, kinh nghiệm, tri thức và trình độ phát triển về kĩ năng...), đặc biệt là thái độ nhận thức, hứng thú học tập. Hứng thú là một đặc trưng của tâm lí con người. Theo A.G.Gôvaliôp, đó là “thái độ đặc thù của cá nhân đối với hiện tượng nào đó, do ý nghĩa của nó trong đời sống và do sự hấp dẫn về mặt tình cảm của nó”. Khi học sinh đã có hứng thú đối với đối tượng thì việc nhận thức, khám phá đối tượng sẽ trở thành một nhu cầu của cá nhân. Đó là cơ sở để chúng ta có thể phát triển hứng thú cho học sinh nhờ những

tác động đến nội dung và phương pháp dạy học. Tuy vậy, cần có quan điểm biện chứng khi xác định khái niệm hứng thú học tập. Đó không đơn thuần chỉ là cái hài, cái vui nhộn một cách hình thức, vô bổ, mà phải là những đặc trưng, phẩm chất thuộc về nội dung học tập, về nhu cầu khám phá của học sinh, về tính thực tiễn, ...

Trong quá trình dạy học tiếng trong nhà trường, việc tạo hứng thú vô cùng quan trọng, như MR. Lơvôv đã khẳng định “cần phải làm cho trẻ học tập có hứng thú, đó là đảm bảo tốt nhất cho tính động cơ trong sự phát triển lời nói của các em”. Tuy nhiên việc xác định, phát triển hứng thú học tập môn Tiếng Việt đối với học sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, ở ngay trong quá trình dạy học hoặc bên ngoài quá trình dạy học. Nắm vững tiếng Việt với tư cách là phương tiện giao tiếp, tư duy, học tập, mong muốn có kết quả cao trong học tập tiếng Việt,.. là nhu cầu của tất cả học sinh. Tuy nhiên không phải học sinh nào cũng có hứng thú học tập môn Tiếng Việt một cách thường xuyên. Do những điều kiện khách quan và chủ quan, do nội dung chương trình dạy học phân môn Tiếng Việt hiện nay còn những chỗ bất cập, nên cả giáo viên và học sinh đều cho rằng đó là một môn học “khô, khó, khổ” .

Theo Từ điển Tiếng Việt – Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2000, “hứng thú là sự ham thích”. Rõ ràng khi có được sự say mê hứng thú, con người sẽ làm việc tự nguyện có hiệu quả hơn, thành công hơn. Hứng thú còn có tác dụng chống lại sự mệt mỏi. HS cũng vậy. Khi có hứng thú, các em sẽ kiên trì làm bài tập, không nản chí trước câu hỏi khó, không những thế còn hăng hái trả lời, nhận xét bổ sung câu trả lời của bạn, chủ động nêu câu hỏi, đưa ra những thắc mắc để các bạn cùng trả lời, thầy cô giải thích thấu đáo. Vì vậy, mỗi thầy cô khi lên lớp, không phải “chăm chăm ôm bài giảng”, quan trọng hơn người thầy cô phải không ngừng tìm tòi nhiều biện pháp hơn nữa để gây hứng thú cho HS, có như vậy mới phát huy được tính tích cực chủ động, độc lập sáng tạo của người HS đúng như định hướng giáo dục hiện nay.

Bất kì một môn học nào cũng cần tạo sự hứng thú trong giờ học và dạy học, môn Tiếng Việt cũng không ngoại lệ. Những ngữ liệu đưa vào bài học

không chỉ đáp ứng yêu cầu tri thức mà còn nhằm gây hứng thú, kích thích động cơ và nhu cầu học tập, tạo ra các tình huống cảm xúc, định hướng được sự chú ý của học sinh. Vì thế việc lựa chọn và sử dụng ngữ liệu nói chung, đặc biệt là các ngữ liệu văn học dân gian đòi hỏi sự công phu, tinh tế mới càng tăng sự hứng thú ở các em. Như chúng ta đã biết, văn học dân gian là những lời ăn tiếng nói hàng ngày rất gần gũi, gắn bó mật thiết với thực tiễn đời sống, đó thường là những tình huống giao tiếp quen thuộc, dễ hiểu, dễ gây ấn tượng và sự chú ý của học sinh. Và thêm một tác dụng khác là với hình thức ngắn gọn, yếu tố gây cười, cách diễn đạt độc đáo,.. Những ngữ liệu ấy góp phần làm cho những tri thức bài học, các khái niệm, qui tắc trừu tượng của tiếng Việt trở nên cụ thể, dễ hiểu, dễ tiếp thu, tạo được hứng thú.

1.3.2.2. Ngữ liệu phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh trung học cơ sở

Ngày nay, với quan điểm dạy học hướng vào người học, thì việc phải hiểu đối tượng mà người thầy đang tác động vào học sinh, là điều vô cùng cần thiết, không chỉ cho công việc dạy học, mà cho cả công tác giáo dục.

Học sinh THCS có tuổi đời ứng với tuổi thiếu niên, do vậy các em còn có tên gọi khác là thiếu niên. Tuổi học sinh THCS là những học sinh từ 11-15 tuổi. Các em đang học từ lớp 6 - 9 ở trường THCS. Đây là thời gian xảy ra rất nhiều các biến đổi ở các mức độ khác nhau trong cơ thể trẻ; sự hình thành nhân cách được hoàn thiện. Lứa tuổi này có một vị trí đặc biệt quan trọng và phức tạp, đây là thời kỳ chuyển từ thời thơ ấu sang tuổi trưởng thành. Sự chuyển tiếp đó tạo nên nội dung cơ bản và sự khác biệt đặc thù về mọi mặt so với các em ở thời kỳ lứa tuổi khác: biểu hiên ở sự phát triển mạnh mẽ nhưng mất cân đối về cơ thể, xuất hiện sự phát dục và hình thành những phẩm chất mới về trí tuệ và đạo đức... Sự xuất hiện những yếu tố mới của sự trưởng thành là do kết quả của sự biến đổi cơ thể, của sự tự ý thức, của các kiểu quan hệ với người lớn với bạn bè và của các dạng hoạt động... Sự phát triển tâm lý ở lứa tuổi này diễn ra không đồng đều về mọi mặt ở giữa các cá nhân trong cùng lứa tuổi. Ở lứa tuổi này, hệ thần kinh vẫn chưa hoàn thiện, tri thức mà các em thu nhận được cũng chưa

nhiều, chưa phong phú, đa dạng. Điều đó quyết định sự tồn tại song song “vừa tính trẻ con vừa tính người lớn”. Những đặc điểm tâm sinh lý đặc trưng ở lứa tuổi thiếu niên được cho thấy, lứa tuổi này, đúng như nhận định của nhiều nhà nghiên cứu trước đây, là lứa tuổi khó dạy, đặc biệt với trẻ nam. Lứa tuổi rất hiếu động thích tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, muốn khẳng định bản thân mình. Quy luật tâm lý học về hoạt động học tập và sự phát triển trí tuệ đã chỉ ra rằng, để giúp các em có thái độ đúng đắn trong học tập cần đảm bảo những yêu cầu sau:

- Tài liệu học tập phải đảm bảo tính khoa học, phải súc tính về nội dung. - Các kiến thức bài học phải gắn liền với cuộc sống của các em, làm cho các em hiểu rõ ý nghĩa của bài học trong thực tế.

- Trình bày bài học phải gây cho học sinh có nhu cầu tìm hiểu bài học đó. - Các văn bản, ngữ liệu đưa ra minh họa cho nội dung bài học phải kích thích hứng thú học tập cho HS.

- Phải giúp các em biết cách học, có phương pháp học tập phù hợp.

Để hình thành tri thức cho học sinh nói chung và tri thức về Tiếng việt nói riêng người GV phải tạo được không khí lớp học và kích thích sự ham học hỏi của HS bằng cách đưa ra những ngữ liệu sinh động như các câu chuyện vui, chuyện hài hước, các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao liên quan đến nội dung bài học sẽ lôi cuốn được sự quan tâm, chú ý của HS. Cũng như mọi người nói chung, thích nghe kể chuyện, thích đọc truyện là một nhu cầu rất lớn. Đây cũng là một đặc điểm tâm lý chung của mọi người thuộc nhiều lứa tuổi chứ không riêng gì học sinh THCS. Nắm được sở thích, tâm lý này của HS, nhiều giáo viên có kinh nghiệm đã biết khéo léo lựa chọn các câu chuyện, chọn cách kể, chọn thời điểm thích hợp và hoàn cảnh để đưa vào giờ học những câu chuyện có tác dụng gây hứng thú nhận thức, hứng thú học tập cho học sinh. Trong giờ học tiếng Việt, giáo viên có thể sử dụng những câu chuyện vui ngôn ngữ, các giai thoại chữ nghĩa để đưa lại hiệu quả cho giờ học. Điều đó giúp cho giờ học nhẹ nhàng hơn, học sinh tiếp nhận kiến thức một cách tự giác, chủ động.

Lứa tuổi học sinh THCS đã có một trình độ nhận thức nhất định nên các em thường say mê với những giai thoại chữ nghĩa, những câu danh ngôn về ngôn ngữ. Những giai thoại đó hấp dẫn học sinh bởi tài năng sáng tạo của con người, bởi sự đa dạng, tinh tế của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Ở nhiều học sinh các em thích sưu tầm, ghi chép lại các câu ca dao, tục ngữ, các câu danh ngôn hay những lời hay, ý đẹp có ý nghĩa trong cuộc sống được người đời truyền tụng. Sức hấp dẫn của những câu danh ngôn, của những lời hay, ý đẹp không chỉ vì những giá trị ngôn ngữ và gái trị văn hóa của chúng mà còn bởi cách diễn đạt, lối tư duy, hình thức thể hiện độc đáo, ấn tượng.

Tóm lại, không thể dạy tiếng Việt mà lại không tuân thủ theo quy luật và đặc điểm tâm lí của học sinh, những quy luật tâm lí trong việc lĩnh hội và sản sinh ra lời nói đã được khoa học tâm lí và tâm lí ngôn ngữ đúc kết. Nắm được tất cả những điều trên, việc sử dụng ngữ liệu không những không tùy tiện, chủ quan mà còn khai thác và phát huy hết những tác dụng của ngữ liệu, hạn chế những yếu tố không phù hợp với tâm lí lứa tuổi. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, linh hoạt, chủ động của học sinh trong quá trình tiếp thu tri thức và rèn luyện kỹ năng năng lực sử dụng tiếng Việt nhằm hoàn thiện nhân cách cho học sinh.

Một phần của tài liệu Sử dụng ngữ liệu trong dạy học tiếng việt lớp 9 ở các trường trung học cơ sở huyện vĩnh cửu tỉnh đồng nai luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 25 - 29)