Nguyên tắc bám sát mục tiêu dạy học và mục tiêu môn học

Một phần của tài liệu Sử dụng ngữ liệu trong dạy học tiếng việt lớp 9 ở các trường trung học cơ sở huyện vĩnh cửu tỉnh đồng nai luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 37 - 38)

Bám sát mục tiêu là nguyên tắc đầu tiên đảm bảo tính hiệu quả của việc bồi dưỡng năng lực sử dụng tiếng Việt trong dạy học. Mục tiêu hàng đầu của việc dạy học tiếng Việt trong nhà trường là: “Thứ nhất, hình thành và rèn luyện cho HS năng lực sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ với bốn kỹ năng cơ bản: nghe, viết, nói, đọc, viết qua đó mà rèn luyện tư duy. Thứ hai, giúp các em có những hiểu biết nhất định (tối thiểu) về hệ thống tri thức tiếng Việt và ngôn ngữ để sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thành thạo, có ý thức. Thứ ba, giúp học sinh biết yêu quý tiếng Việt, có ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát triển tiếng Việt; góp phần hình thành nhân cách và bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm…” (Đỗ Ngọc Thống) [41, tr. 60].

Vì thế, khi dạy học môn Văn nói chung và Tiếng Việt nói riêng, người giáo viên phải trả lời được hàng loạt các câu hỏi: tại sao phải sử dụng ngữ liệu này? Sử dụng ngữ liệu này để làm gì? Nó đóng vai trò gì trong việc cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy, trí tuệ cho các em? Ngữ liệu có phát huy được tính sáng tạo, tính tích cực và tạo được hứng thú trong quá trình học tập của các em hay không? Trả lời được các câu hỏi trên là người giáo viên đã thực hiện được mục tiêu dạy học. Bởi vì, nếu ngữ liệu được lựa chọn một cách công phu, kĩ càng và hấp dẫn thì sẽ phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập cũng như tạo được không khí hứng khởi cho giờ học.

Mục tiêu dạy học tiếng Việt cũng được cụ thể hóa ở từng cấp học, bài học, tiết học cụ thể. Phần đầu mỗi bài học trong sách giáo khoa đều có ghi mục tiêu cần đạt. Chẳng hạn Sách Giáo khoa 9, tập 1 nêu mục tiêu cần đạt của bài “Thuật ngữ” là “nắm được khái niệm và những đặc điểm cơ bản của thuật ngữ;

từ đó nâng cao năng lực sử dụng thuật ngữ, đặc biệt trong các văn bản khoa học, công nghệ.”. Giáo án của bất kỳ giáo viên nào cũng ghi rõ ba mục tiêu bài học (kết quả cần đạt), đó là: kiến thức, kỹ năng, thái độ (tư tưởng). Đây là mục tiêu cần đạt của bài Thuật ngữ trong giáo án của một giáo viên: 1. Khái niệm thuật ngữ; Những đặc điểm của thuật ngữ. 2. Tìm hiểu ý nghĩa của thuật ngữ trong từ điển. Sử dụng thuật ngữ trong quá trình đọc hiểu và tạo lập văn bản khoa học, công nghệ. 3. Có ý thức vận dụng thuật ngữ trong nói và viết. Tuy nhiên mục tiêu dạy học cũng còn phụ thuộc vào đối tượng.

Như vậy bám sát mục tiêu là nguyên tắc đầu tiên đảm bảo tính hiệu quả trong dạy học của tất cả các môn học chứ không riêng dạy học phần Tiếng Việt. Có xác định được mục tiêu của môn học, bài học thì giáo viên mới định hướng được trọng tâm bài học và xây dựng các hoạt động trong tiết cụ thể.

Một phần của tài liệu Sử dụng ngữ liệu trong dạy học tiếng việt lớp 9 ở các trường trung học cơ sở huyện vĩnh cửu tỉnh đồng nai luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 37 - 38)