Chỉ ra tính lợi ích của các nội dung học tập

Một phần của tài liệu Một số biện pháp bồi dưỡng hứng thú học tập môn tiếng việt cho học sinh lớp 4 các trường tiểu học huyện trảng bàng tỉnh tây ninh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 56 - 59)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.2.1. Chỉ ra tính lợi ích của các nội dung học tập

Để kích thích sự nỗ lực học tập của HS, trong quá trình dạy học, GV phải cho HS thấy được lợi ích của các nội dung học tập theo cách riêng của mình. Tác dụng của việc HS thấy được lợi ích của các nội dung học tập là sự cố gắng, bền bỉ và sự hứng thú của HS trong quá trình triển khai nội dung học tập.

GV cần giúp cho HS nhận ra lợi ích của việc học phân môn Luyện từ và câu, cũng như lợi ích của các nội dung cụ thể trong các bài học, mỗi tiết học.

Chẳng hạn, bài “Cấu tạo của tiếng” (Tiếng Việt 4, tập I. trang 6) nội dung quan trọng cần nắm là sơ đồ cấu tạo của tiếng và giải thích: mỗi tiếng gồm có ba bộ phận: âm đầu – vần – thanh. Có tiếng không có âm đầu, bộ phận vần và thanh bắt buộc phải có mặt. Thanh ngang không được đánh dấu khi viết, còn các thanh khác đều được đánh dấu ở phía trên hoặc phía dưới âm chính của vần.

Lợi ích của bài này là nắm bộ phận vần của tiếng nói chung và vần trong thơ nói riêng và hiểu thế nào là những tiếng bắt vần với nhau trong thơ. Ngoài ra, bài học này giúp các em mở rông vốn từ, biết cách dùng từ, biết nói thành câu gãy gọn.

Có thể khơi gợi hứng thú cho HS qua việc tổ chức cho HS giải câu đố: Để nguyên lấp lánh trên trời

Bớt đầu, thành chỗ cá bới hằng ngày

(Là chữ gì?)

Đối với bài “Từ ghép và từ láy”, nội dung quan trọng cần nắm là: Nắm được hai cách chính cấu tạo từ phức của tiếng Việt: ghép những tiếng có nghĩa lại với nhau (từ ghép); phối hợp những tiếng có âm hay vần (hoặc cả âm đầu và vần) giống nhau (từ láy). Bước đầu biết vận dụng kiến thức đã học để phân biệt từ ghép với từ láy, tìm được các từ ghép và từ láy đơn giản, tập đặt câu với các từ đó.

Biết được lợi ích của từ ghép từ láy để tìm từ tượng thanh, tượng hình khi làm văn.

Bài “Câu hỏi và dấu chấm hỏi” thì nội dung quan trọng cần nắm là: HS hiểu tác dụng của câu hỏi, nhận biết hai dấu hiệu chính của câu hỏi là từ nghi vấn nhưng không dùng để hỏi và dấu chấm hỏi. Xác định được câu hỏi trong văn bản, đặt được câu hỏi thông thường.

Chú ý những câu hỏi có từ nghi vấn nhưng không dùng để hỏi hoặc dùng để hỏi chính mình.

2.2.2.2.Tạo ngữ liệu thú vị

Trong dạy học Tiếng Việt, việc lựa chọn và đưa ngữ liệu thích hợp vào bài học để qua đó truyền thụ kiến thức và củng cố bài học là rất quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của HS. Do đó, trong quá trình thiết kế bài giảng, GV phải sưu tầm, lựa chọn những ngữ liệu thích hợp với đối tượng HS để đưa vào bài học.

Ngữ liệu thú vị rất quan trọng đối với HS tiểu học vì nó có sức lôi cuốn làm cho HS hào hứng, vui thích. Đối với GV, trong dạy học mà tạo được cho HS những yếu tố này thì nội dung dạy học đạt kết quả tốt.

Xét một cách đơn giản nhất, một bài tập có hai bộ phận: phần lệnh và ngữ liệu. Sự thú vị (nhiều khi cũng là chỗ khó) của một bài tập có thể nằm ở phần lệnh (yêu cầu của bài tập) hoặc phần ngữ liệu.

Trong bài tập Luyện từ và câu, sự thú vị của phần lệnh thường được thể hiện ở yêu cầu giải thích, yêu cầu nêu nghĩa, chỉ ra các thế đối lập về nghĩa, yêu cầu chỉ ra sự tương hợp giữa hình thức ngữ pháp và nghĩa.

Ngữ liệu thú vị cho bài tập Luyện từ và câu là những trường hợp phản ánh sự thú vị của ngôn ngữ; tính võ đoán, tính có lí do, tính năng sản của tiếng Việt, tính đơn lập, hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa, gần nghĩa, đa từ loại, đồng âm cú pháp.

Để chỉ ra tính thú vị của bài tập, cần đặt nó trong thế đối lập với một bài tập khác. Tính thú vị của phần lệnh của đề bài cảm thụ văn học và tập làm văn thể hiện ở cách diễn đạt giàu hình ảnh và cảm xúc, khơi gợi được vốn sống, cảm xúc của HS, tạo điều kiện cho các em nói, viết có sáng tạo.

Ngữ liệu của một bài tập cảm thụ văn học được xem là thú vị là những đoạn văn có từ dùng mang đặc trưng văn thơ, nổi bật là các biện pháp tu từ mang lại hiệu quả cao.

Ngữ liệu thú vị trong sách giáo khoa thường là những câu thơ, câu văn, đoạn văn, đoạn thơ có chứa hiện tượng ngôn ngữ cần tìm hiểu (ở một số bài, phần ngữ liệu này được tích hợp ở những bài tập đọc vừa học).

Trong môn Luyện từ và câu, tuỳ từng đề bài mà GV lựa chọn ngữ liệu thú vị để gây hứng thú cho HS. Chẳng hạn, bài “Trung thực – Tự trọng” (Tiếng Việt 4, tập I, trang 49), ở bài tập 4: “Có thể dùng những thành ngữ, tục ngữ nào dưới đây để nói về tính trung thực hoặc về lòng tự trọng?”

a.Thẳng như ruột ngựa. b.Giấy rách phải giữ lấy lề.

c.Thuốc đắng dã tật.

d.Cây ngay không sợ chết đứng. e.Đói cho sạch, rách cho thơm.

Một ví dụ khác, bài “Danh từ chung và danh từ riêng” (Tiếng Việt 4, tập I, trang 58), ở bài tập 2, GV tạo hứng thú cho HS bằng cách yêu cầu HS “viết họ và tên ba bạn nam, ba bạn nữ trong lớp em. Họ và tên các bạn ấy là danh từ chung hay danh từ riêng? Vì sao ?”. Ngữ liệu sinh động, gắn liền với thực tế vừa giúp HS dễ tiếp thu bài học vừa hấp dẫn, lôi cuốn các em tham gia vào hoạt động học tập.

Bài 5: Em hiểu các thành ngữ dưới đây như thế nào ? Cầu được ước thấy.

Ước sao được vậy. Ước của trái mùa.

Đứng núi này trông núi nọ.

(Tiếng Việt 4 tập I trang 88).

GV tạo hứng thú cho HS bằng cách yêu cầu HS tìm hiểu nghĩa của các thành ngữ, ngữ liệu trong thành ngữ là cách nói ngắn gọn có vần có điệu, gắn liền với thực tế cuộc sống, những kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày về những ước mơ hiện thực và mơ ước viễn vông.

Cầu được ước thấy, ước sao được vậy: đạt dược điều mình mơ ước

Ước của trái mùa: muốn những điều trái với lẻ thường.

Đứng núi này trông núi nọ: không bằng lòng với cái hiện đang có, lại mơ tưởng tới cái khác chưa phải của mình.

Tóm lại, khi giảng dạy, GV tạo ngữ liệu thú vị cho bài tập dạng này nhằm tạo điều kiện tổ chức các trò thi đố, tìm nhanh, tìm hiểu từ… Mục đích dạy từ và câu ở tiểu học không chỉ giúp HS nhận diện các đơn vị từ câu mà điều quan trọng là giúp các em sử dụng từ, câu đúng và đặc biệt hướng tới việc sử dụng hay.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp bồi dưỡng hứng thú học tập môn tiếng việt cho học sinh lớp 4 các trường tiểu học huyện trảng bàng tỉnh tây ninh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w