Ý thức xã hội là phạm trù của triết học duy vật biện chứng về xã hội dùn để chỉ mặt tinh thần của đời sống xã hội. Nó bao gồm những quan điểm, tư tưởng cùng những
tình cảm, tâm trạng, truyền thống ..., nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn phát triển nhất định.
Cần phải thấy rõ sự khác nhau giữa ý thức xã hội với ý thức cá nhân. Y thức cá nhân cũng phản ánh tồn tại xã hội nhưnưg nó không mang tính xã hội, bởi không phải bao giờ nó cũng thể hiện quan điểm tư tưởng, tình cảm phổ biến của cộng đồng xã hội.
Y thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội ở những hình thái khác nhau. Tùy góc độ xem xét ta có thể phân ý thức xã hội thành các dạng sau:
Ý thức xã hội thông thường và ý thức xã hội lý luận.
Ý thức thông thường là những tri thức, những quan niệm của con người hình thành một cách trực tiếp trong hoạt động thực tiễn hàng ngày chưa được hệ thống, khái quát hóa. Tuy chưa có tính hệ thống, tính khoa học nhưng ý thức xã hội thông thường phản ánh một cách trực tiếp và tươi nguyên hiện thực cuộc sống, nó là tiền đề quan trọng cho sự hình thành các lý thuyết khoa học.
Ý thức lý luận là những tư tưởng, quan điểm được hệ thống hóa, khái quát hóa thành các học thuyết xã hội, được trình bày dưới dạng những khái niệm, phạm trù, quy luật. Chính thế nó có khả năng phản ánh hiện thực khách quan một cách khái quát, sâu sắc và chính xác, vạch ra mối quan hệ bản chất của các sự vật, hiện tượng. Ý thức khoa học, nghệ thuật, triết học, chính trị đạo đức v.v. là ý thức lý luận.
Tâm lý xã hội và hệ tư tưởng.
Tâm lý xã hội bao gồm toàn bộ tình cảm, ước muốn, thói quen, tập quán ... của con người, của một bộ phận xã hội hoặc của toàn xã hội hình thành dưới ảnh hưởng trực tiếp của đời sống hàng ngày của họ và phản ánh đời sống đó.
Tâm lý xã hội có các đặc điểm: Phản ánh một cách trực tiếp đời sống hàng ngày của con người; Là sự phản ánh có tính tự phát chỉ ghi lại những mặt bề ngoài của tồn tại xã hội; Mang tính kinh nghiệm, còn đan xen giữa yếu tố trí tuệ với tình cảm chưa thể hiện được về mặt lý luận, không vạch rõ được bản chất mối quan hệ giữa người với người. Tuy nhiên, nó có vai trò quan trọng trong sự phát triển của ý thức xã hội.
Hệ tư tưởng là hệ thống những quan điểm, tư tưởng (chính trị, triết học, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo), kết quả của sự khái quát hóa những kinh nghiệm xã hội. Nó là trình độ cao của ý thức xã hội, được hình thành khi con người nhận thức sâu sắc hơn về những điều kiện sinh hoạt vật chất của mình.
Hệ tư tưởng có đặc điểm: Có khả năng đi sâu vào bản chất các mối quan hệ xã hội; Nó là sư nhận thức lý luận về tồn tại xã hội, và được hình thành một cách tự giác bởi các nhà tư tưởng của những giai cấp nhất định và được truyền bá trong xã hội. Hệ tư tưởng có hai loại khoa học và không khoa học; Với tư cách là một bộ phận của ý thức xã hội, hệ tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khoa học.
Tâm lý xã hội và hệ tư tưởng tuy là hai trình độ, hai phương thức phản ánh khác nhau của ý thức xã hội, nhưng chúng có mối quan hệ với nhau: Đều có nguồn gốc chung là tồn tại xã hội và cùng phản ánh một tồn tại xã hội; Tâm lý xã hội có thể tạo điều kiện thuận lợi hoặc gây khó khăn cho sự hình thành và truyền bá hệ tư tưởng, bởi nó có thể làm phong phú sinh động hệ tư tưởng, làm cho hệ tư tưởng bớt xơ cứng. Ngược lại hệ tư tưởng làm gia tăng yếu tố trí tuệ cho tâm lý xã hội, thúc đẩy tâm lý xã hội phát triển theo hướng đúng đắn lành mạnh, có lợi cho tiến bộ xã hội hoặc cũng có thể kích thích những yếu tố tiêu cực của tâm lý xã hội phát triển.
Tuy nhiên, hệ tư tưởng không ra đời trực tiếp từ tâm lý xã hội và không là biểu hiện trực tiếp của tâm lý xã hội.
Tính giai cấp của ý thức xã hội.
Trong xã hội có giai cấp, các giai cấp khác nhau có những điều kiện sinh hoạt vật chất khác nhau, lợi ích và địa vị khác nhau nên ý thức xã hội của các giai cấp có nội dung và hình thức phát triển khác nhau hoặc đối lập nhau.
Tính giai cấp của ý thức xã hội biểu hiện ở tâm lý xã hội cũng như hệ tư tưởng. Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân, ngọn cờ giải phóng của quần chúng nhân dân bị áp bức bóc lột.
Khẳng định tính giai cấp của ý thức xã hội, chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng khẳng định ý thức của các giai cấp có sự tác động lẫn nhau. Trong xã hội có giai cấp đối kháng, cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân thường có một bộ phận trong giai cấp thống trị từ bỏ giai cấp xuất thân của mình chuyển sang hàng ngũ giai cấp cách mạng, thậm chí có một số người còn trở thành nhà tư tưởng của giai cấp cách mạng.
Ý thức xã hội không chỉ mang tính giai cấp mà còn mang những đặc điểm ý thức cá nhân và phản ánh những điều kiện sinh hoạt chung của dân tộc mang truyền thống dân tộc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.