a)Khái niệm và kết cấu của hình thái kinh tế-xã hội:
Hình thái kinh tế - xã hội là một phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử dùng để
chỉ xã hội ở từng giai đoạn phát triển lịch sử nhất định, với một kiểu quan hệ sản xuất đặc trưng cho xã hội đó phù hợp với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất và với một kiến trúc thượng tầng tương ứng được xây dựng dựa trên những quan hệ sản xuất đó.
Hình thái kinh tế - xã hội là một xã hội cụ thể có cơ cấu phức tạp, trong đó những mặt cơ bản nhất là lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng cùng những mối quan hệ giữa chúng.
Lực lượng sản xuất là nền tảng vật chất - kỹ thuật của mỗi hình thái kinh tế - xã hội. Xét đến cùng, mọi sự phát triển của lịch sử đều do sự phát triển của lực lượng sản xuất quyết định.
Quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản và quyết định tất cả mọi quan hệ xã hội khác, nó là tiêu chuẩn khách quan để phân biệt các xã hội cụ thể khác nhau. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội có một quan hệ sản xuất đặc trưng tương ứng với một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất.
Những quan hệ sản xuất của một xã hội cụ thể hợp thành cơ sở hạ tầng, trên cơ sở những quan hệ sản xuất đó hình thành nên kiến trúc thượng tầng xã hội mà chức năng xã hội của nó là bảo vệ, duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng sinh ra nó.
Ngoài những mặt cơ bản nói trên, xã hội còn có những quan hệ dân tộc, quan hệ gia đình và các sinh hoạt xã hội khác.