B. NỘI DUNG
4.2.2. Các giải pháp cụ thể
* Đối với phong tục tập quán
Phong tục tập quán của người Ca Dong ở Bắc Trà My vừa mang cái riêng của một vùng đất, vừa mang cái chung của một quốc gia thống nhất. Cái chung trong phong tục tập quán của người Ca Dong ở Bắc Trà My chính là những gì mà ông cha đã đúc rút được qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển. Điều đó được thể hiện ở những thói quen, lễ nghi giống nhau hay chỉ là những khác biệt nhỏ trong sản xuất, trong quan hệ đối xử, trong tang ma, hôn nhân, … Cái riêng trong phong tục tập quán của Ca Dong ở Bắc Trà My là do
những yếu tố tự nhiên, lịch sử, xã hội quy định. Xuất phát từ hiện thực chung riêng này nên các giải pháp đưa ra nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị phong tục tập quán ở người Ca Dong phải là những hành động khác nhau nhưng nằm trong khuôn khổ chung của dân tộc Việt Nam. Điều đó có nghĩa công việc bảo tồn và phát huy tác dụng của phong tục tập quán trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở người Ca Dong hôm nay là một công việc hết sức thiết thực và cấp bách, một công việc cần phải có sự chọn lọc và cân nhắc kỹ lưỡng.
Phong tục tập quán là sản phẩm tinh thần của con người. Trong phong tục tập quán của người Ca Dong có rất nhiều phong tục tập quán hay, mang tính tích cực, nhưng cũng có không ít phong tục tập quán mang tính tiêu cực, ở xã hội này thì phù hợp nhưng sang xã hội khác thì cản trở, lỗi thời,… Đồng bào là chủ nhân sáng tạo ra phong tục tập quán nhưng đồng thời cũng là chủ sở hữu, chủ tiếp thu hay tổ chức thực hiện, giữ gìn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải tích cực tuyên truyền, phổ biến những phong tục tập quán tốt đẹp mang giá trị nhân văn cao,… một cách sâu rộng trong người dân, làm cho nhân dân hiểu những phong tục tập quán của đồng bào là một di sản văn hoá truyền thống tinh thần quý giá, phong phú và đa dạng, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Nếu mất đi những di sản này, hoặc bị đồng hoá thì không còn bản sắc tộc người Ca Dong . Mà không còn bản sắc tộc người thì sẽ không còn người Ca Dong nữa. Từ việc ý thức được như thế, họ mới chủ động tham gia một cách tự nguyện vào quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp của phong tục tập quán. Bởi vì, chỉ có dựa vào dân và thực hiện phương châm xã hội hóa trong mọi công việc, chúng ta mới làm tốt, thực hiện được chủ trương “giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc”. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian, phải tiến hành tìm hiểu, sưu tầm, giới thiệu, quảng bá,… bằng nhiều con đường, nhiều
phương tiện khác nhau những nét đẹp trong phong tục tập quán mà cha ông họ đã để lại.
Giải pháp cụ thể về việc bảo tồn và phát huy giá trị phong tục tập quán trước hết các nhà quản lý, các nhà làm chính sách trong tỉnh, trong huyện cần quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực này. Đồng thời các cấp lãnh đạo trong huyện phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, phải thể hiện cụ thể trong nghị quyết của Đảng bộ, nghị quyết của HĐND các cấp, phải thể hiện trong chương trình hành động của cơ quan, đơn vị, mặt trận, đoàn thể, phải bố trí kinh phí thoả đáng để chăm sóc cho công việc bảo tồn và phát huy giá trị phong tục tập quán của người Ca Dong.
Việc trao truyền những giá trị tốt đẹp trong phong tục tập quán cũng là một nhiệm vụ cấp bách cần được tiến hành nhanh chóng. Nhiều người Ca Dong thực sự lo sợ trước nguy cơ những giá trị trong phong tục tập quán của họ bị mai một một cách nhanh chóng. Bởi những người am hiểu về phong tục tập quán của người Ca Dong hiện nay không nhiều. Bởi vậy, ngành văn hoá - thông tin, văn học nghệ thuật, ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam và huyện Bắc Trà My là những ngành cần phải đi tiên phong trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy những giá trị của phong tục tập quán của các dân tộc trên đất Quảng Nam nói chung, của người Ca Dong ở Bắc Trà My nói riêng. Cần đưa vào các cấp học phổ thông, chính khoá và ngoại khoá về lịch sử, văn hoá truyền thống của địa phương như: lịch sử hình thành tộc người, nguồn gốc dân cư, những bài dân ca, điệu chiêng, những nhạc cụ truyền thống,… Cần thường xuyên tổ chức các hội diễn văn nghệ quần chúng, trong đó khuyến khích các bài dân ca cổ, khuyến khích biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc,… Hướng đến việc trao truyền là hướng đến những mục tiêu trả lại những giá trị phong tục tập quán của cộng đồng, bởi không ai khác hơn, chính cộng đồng mới là người gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị này một cách bền vững nhất.
Đồng thời, phải có những giải pháp nhằm bảo tồn trong trạng thái tỉnh. Đó là: tiếp tục khảo sát, đánh giá trữ lượng của phong tục tập quán của người
Ca Dong ở Bắc Trà My, trên cơ sở đó có kế hoạch sưu tầm, ghi chép (quay phim, chụp ảnh, ghi vào sổ…). Những tài liệu sưu tầm, ghi chép cần phải được xử lý nhanh chóng, hiệu quả, theo đúng trình tự khoa học, chặt chẽ và lưu giữ ở những nơi có điều kiện lưu giữ tốt. Cần tạo điều kiện về thời gian, phương tiện, trang bị cho người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, thành lập các tổ chuyên môn chuyên sưu tầm phong tục tập quán Ca Dong. Thường xuyên mở lớp cho các cán bộ nghiên cứu, hoặc những người yêu mến công việc này ở địa phương.
Hiện nay ở Việt Nam nói chung, ở các làng, nóc của người Ca Dong ở Bắc Trà My nói đang tích cực hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “gia đình
văn hóa”, “làng thôn văn hóa”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã có
Chỉ thị 04/CT-TV quán triệt và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện cuộc vận động lớn của Đảng trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Có thể nói, việc thực hiện chủ trương xây dựng “gia đình văn hóa”, “làng thôn văn hóa” ở vùng đồng bào Ca Dong nói riêng, ở Việt Nam nói chung đã góp phần to lớn vào việc làm thay đổi diện mạo đời sống văn hóa ở cơ sở hôm nay. Đi cùng với cuộc vận động đó, nhiều hủ tục trong phong tục tập quán đã từng bước đẩy lùi như việc dùng bùa chú để chữa bệnh, việc tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày, thực hiện nhiều nghi lễ phiền toái trong đình đám, tang ma, trong quan hệ gia đình, dòng họ, xã hội,… cũng đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng trẻ hóa và đề cao vai trò người phụ nữ. Sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ đã từng bước được khắc phục… Đồng thời qua cuộc vân động xây dựng “gia đình văn hóa”, “làng - thôn văn hóa” cũng đã xuất hiện nhiều biểu hiện tốt đẹp của đời sống văn hóa mới. Đó chính là những điển hình phối hợp, giúp nhau xóa đói giảm nghèo làm kinh tế, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân trong việc bê tông hóa giao thông lên các vùng sâu xa, hẻo lánh của đồng bào, vận động người dân chấp hành pháp luật, chủ trương kế hoạch hoá gia đình, phòng chống dịch bệnh, giữ vững trật tự an ninh,…
Tất cả nhưng nội dung, giải pháp trên cũng chính là những nội dung giải pháp của việc bảo tồn và phát huy các giá trị cao đẹp của phong tục tập quán của người Ca Dong ở Bắc Trà My hiện nay. Thiết nghĩ, những vấn đề được đặt ra trên cần được quan tâm đúng mức và chỉ có như vậy may ra công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị phong tục tập của người Ca Dong mới đạt được những kết quả tốt nhất, hiệu quả nhất.
* Đối với lễ hội
Lễ hội là môi trường sinh hoạt văn hóa - xã hội lành mạnh. Đến với lễ hội là đến với những hoạt động vui chơi, giải trí, là cơ hội để con người giao lưu văn hóa, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, củng cố thắt chặt tình cảm giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng, làng xóm, quê hương. Môi trường lễ hội là môi trường tốt cho việc bảo tồn các sắc thái văn hóa truyền thống trước mọi thay đổi, biến động, nhất là những thay đổi, biến động như hiện nay. Vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của lễ hội đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My hiện nay là phải tổ chức lễ hội sao cho vừa thể hiện được truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông, của vùng đất, vừa phù hợp với xu thế của thời đại, làm cho lễ hội thực sự góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng Ca Dong ở Bắc Trà My nói riêng, ở Việt Nam nói chung.
Để đạt được điều đó, thiết nghĩ việc tổ chức lễ hội của người Ca Dong cần được định hướng theo phương châm người dân là người tổ chức, tham gia và cũng là người hưởng thụ các giá trị lễ hội. Điều đó có nghĩa là Đảng và chính quyền địa phương phải thông qua các tổ chức quần chúng của người Ca Dong để định hướng tổ chức lễ hội các làng, các nóc sao cho phù hợp với những gì mà lễ hội vốn có, phù hợp với sở nguyện của người dân. Hết sức tránh “hành chính hóa” lễ hội, biến lễ hội thành công việc Nhà nước ở địa phương, còn người dân thì đứng ngoài lễ hội, xem lễ hội như không phải của mình. Trách nhiệm của những nhà hoạch định, nhà quản lý và triển khai thực hiện là phải có sự nghiên cứu, xây dựng mô hình phù hợp với quy mô và nội
dung lễ hội, phải xác định cho được lễ hội nào cần bảo tồn và tổ chức thường xuyên theo định kỳ, lễ hội nào cần được phát huy nhân rộng.
Trong khi tiến hành tổ chức lễ hội, một vấn đề đặt ra là phải giải quyết phần lễ như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Phần lễ là phần nghi thức của các lễ hội. Nhưng nó lại gắn bó chặt chẽ với yếu tố tâm linh, làm nên tính trang trọng, huyền bí, lôi cuốn,… của các lễ hội. Chính vì thế hiện nay, nếu cứ quá cứng nhắc trung thành với nghi thức cũ sẽ làm cho lễ hội kéo dài, rườm rà, nhàm chán, nặng về hình thức, còn nếu cứ quá cải biến thì sẽ mang tính áp đặt hoặc làm biến dạng các nghi lễ truyền thống. Thực tế đã chỉ ra: có không ít lễ hội của người Ca Dong nếu lược bỏ, cải biến phần lễ thì tế lễ đó giảm bớt rất nhiều về mặt ý nghĩa (lễ hiến sinh trâu, lễ cầu mùa…). Theo chúng tôi, trong các lễ hội phần nghi thức, phần tế vẫn phải được duy trì, nhưng cần tổ chức ngắn gọn, giảm bớt các thủ tục. Đặc biệt sau phần lễ (dù trong các lễ hội nhỏ), khi điều kiện kinh phí cho phép cần chú trọng nhiều đến việc tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian và hiện đại.
Các trò chơi dân gian trong lễ hội của người Ca Dong ở Bắc Trà My là những di sản văn hóa đã có từ lâu đời. Đó là những trò chơi được tổ chức trong ngôi nhà sàn truyền thống, trên các bãi đất rộng của làng,… Những trò chơi mang lại niềm vui cho nhiều người trong lễ hội của người Ca Dong như: trò ném cơm trong lễ nhảy cơm, hát giao duyên, đấu võ, kéo co,… Các trò chơi đó cần phải được sưu tầm, nghiên cứu một cách đầy đủ, hệ thống, khuyến khích người dân, đặc biệt là lớp trẻ tham gia vào các nội dung này. Hơn thế nữa các trò chơi dân gian cần phải được tổ chức sao cho phù hợp với từng loại hội, phù hợp với kỷ năng kỷ xảo của từng làng, nóc, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các trò chơi truyền thống với các trò chơi hiện đại để tránh trùng lặp, đơn điệu, tạo nên nét độc đáo cho các lễ hội. Các trò chơi hiện đại bao gồm việc thi giọng hát hay, thi người khỏe, thi văn nghệ quần chúng,… Muốn vậy phần hội (phần vui chơi trong các lễ hội) phải được cân đối với
phần lễ ( phần nghi thức về mặt thời gian). Trong các lễ hội không nên quá chú trọng tới phần lễ mà xem nhẹ phần hội, hay ngược lại. Bên cạnh đó cũng không nên khôi phục những trò chơi nặng nề về ăn thua, thiếu thẩm mỹ hoặc có hại cho sức khỏe của người dân. Khi tổ chức các trò chơi cũng cần có giải thưởng (dù là nhỏ) để động viên người chơi. Các giải thưởng nên khuyến khích cá nhân, tập thể đóng góp. Có như vậy phần hội mới trở nên hào hứng, lôi cuốn được người tham gia cũng như người xem. Trong phần cầu an, cầu chúc, cầu mùa màng bội thu, thời tiết thuận hòa,… cần phải hướng tới mục tiêu xã hội mang tính khái quát, hiện đại hơn như cầu cho con em trong làng học giỏi, chăm ngoan, đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nghĩa vụ,…
Văn tế trong phần lễ cũng là một vấn đề cần được lưu ý. Bởi vì, qua các bài văn tế, lớp con cháu sẽ có điều kiện ôn lại lịch sử hào hùng của cha ông, nhắc nhở các thế hệ hôm nay phải noi gương những người đi trước, những người có công tạo lập và bảo vệ làng. Có điều đứng trước tình hình hiện nay, phần lớn lớp trẻ Ca Dong chỉ biết tiếng phổ thông vì thế các bài văn tế cần được dịch ra tiếng phổ thông để mọi người đều hiểu, trang phục trong lễ hội của những người chủ trì cần thống nhất mặc theo trang phục truyền thống, tránh kiểu trang phục “nửa tây, nửa ta”. Điều này sẽ làm cho lễ hội thêm phần trang trọng, uy nghiêm, sống lại không khí của thời kỳ xa xưa.
Như vậy, định hướng bảo tồn và phát huy tác dụng lễ hội của người Ca Dong ở Bắc Trà My hiện nay không chỉ là tăng cường công tác sưu tầm, phục hồi vốn cổ, mà bên cạnh việc bảo tồn cần phải phát huy tác dụng giáo dục của nó vì mục đích phát triển cho hôm nay và cho cả ngày mai. Vấn đề đặt ra là phải làm giàu thêm trên những cái gì đã có của lễ hội, phải làm sao cho giá trị của lễ hội thấm sâu vào từng con người và cả cộng đồng. Điều đó cũng có nghĩa việc bảo tồn và phát huy tác dụng của lễ hội ở người Ca Dong không nên chỉ dừng lại ở những yêu cầu trước mắt, mà phải tính đến yêu cầu lâu dài trong sự phát triển đi lên của địa phương và của đất nước trong tương lai, phải
là việc làm của từng người, từng nhà, từng làng, từng ngành, từng cấp và của tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Trong đó vai trò của ngành văn hóa - thông tin phải làm vai trò tham mưu cho các cấp bộ Đảng và chính quyền địa phương có định hướng cụ thể, rõ ràng đối với từng việc, từng lễ hội.
Tóm lại, bảo tồn và phát huy tác dụng của phong tục tập quán, lễ hội của người Ca Dong ở Bắc Trà My không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nâng cao đoàn kết cộng đồng, củng cố tình làng nghĩa xóm, tích cực góp phần vào việc xây dựng làng văn hóa,… Chính vì lẽ đó, cần phải khơi dậy niềm tự hào, động viên sự tham gia tích cực của đồng bào Ca Dong, bởi chỉ có chính họ mới giúp chúng ta làm tốt công tác bảo tồn, bảo tàng và củng cố, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc một cách hiệu quả và vững bền nhất.