Lễ hội ăn trâu huê

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 84 - 91)

B. NỘI DUNG

3.2.3. Lễ hội ăn trâu huê

Khác với người Kinh, đối với người Ca Dong con trâu không được đồng bào coi là “đầu cơ nghiệp”, là lực lượng sản xuất quan trọng cung cấp sức kéo. Bởi, trên một địa hình đất đai canh tác cao và dốc không cho phép sử dụng sức kéo một cách thông dụng. Nhưng không phải thế mà hình ảnh con trâu trở nên mờ nhạt trong đời sống và tình cảm của đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My, ngược lại nó lại có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào. Đối với đồng bào, trâu là một vật nuôi quen thuộc, gắn liền với những sinh hoạt tín ngưỡng, là vật hiến sinh mang nhiều ý nghĩa. Từ ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, gắn liền với sự no ấm, lễ đâm trâu trở thành nghi lễ cầu an, yếu tố góp nên sự yên vui, cũng như làm tan đi sự nguy biến trong cuộc sống của làng bản. Bởi thế, hàng năm dù được mùa hay mất mùa, bình an hay dịch bệnh,… đồng bào đều tổ chức đâm trâu. Có thể nói, lễ

hội đâm trâu ngày càng có ý nghĩa và trở thành một sinh hoạt văn hoá có tính cộng đồng mang nhiều ước vọng “cốt lõi của lễ nghi nông nghiệp qua lễ hiến sinh này chính là đi tìm kiếm và giải quyết vấn đề cái đói, cái ăn, sự sung túc, sự bình an” [24; 284].

Cộng đồng tộc người Ca Dong ở miền núi Bắc Trà My có lễ đâm trâu với các dạng thức đâm trâu: Đâm trâu để cúng thần nhằm cầu mong thần linh phù hộ cho tai qua nạn khỏi, hết đau ốm (nếu như gia đình gặp phải điều đó); đâm trâu để chia của cho người chết; đâm trâu để tạ ơn thần linh phù hộ cho gia đình, làng xóm yên bình, được mùa, no đủ,… Trong các dạng thức đâm trâu này thì hai dạng thức trước chỉ mang yếu tố tín ngưỡng, không có hoặc ít có hành động hội, còn dạng thức thứ ba mới mang hành động hội. Trong dạng thức thứ ba cũng có hai loại khác nhau: lễ hội ăn đâm trâu của làng và lễ hội đâm trâu của gia đình. Tuy nhiên, dù của làng hay gia đình thì hình thức của các lễ hội đâm trâu cơ bản là giống nhau. Nhưng phổ biến hơn cả là lễ đâm trâu của gia đình với hai loại: đâm trâu lá và đâm trâu huê. Trong hai hình thức đâm trâu trên thì lễ “đâm trâu huê” bao giờ cũng được tổ chức quy mô, nhiều lễ nghi phức tạp hơn “đâm trâu lá”. Dưới đây là những mô tả về lễ hội đâm trâu huê của đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My.

Các già làng Ca Dong, Xơ Đăng vẫn thường kể lại cho con cháu nghe về nguồn gốc tục đâm trâu (ăn trâu) như sau: Ngày xưa ông trời sai trâu mang hạt giống xuống hạ giới phân phát cho con người để cày cấy, nhưng đến trần gian trâu ở lại vùng đồng bằng và phân phát hết hạt giống nên người miền Thượng không có lúa để gieo trỉa, gây ra đối kém. Vì thế, hằng năm (được mùa hay mất mùa) người Ca Dong, Xơ Đăng, Cơ Tu tổ chức lễ đâm trâu để trả thù và lấy đó làm vật hiến tế, tạ ơn trời đất cùng các loài ma quỷ, thần linh đã cho một mùa lúa đầy gùi, đầy kho [24; 284].

Đồng bào Ca Dong thường tổ chức lễ hội ăn trâu vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 Âm lịch, tức vào khoảng thời gian bắt đầu mùa rẫy mới. Lễ hội

ăn trâu huê của đồng bào Ca Dong là lễ hội kéo dài trong nhiều ngày với nhiều giai đoạn khác nhau: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn tổ chức, giai đoạn kết thúc.

* Giai đoạn chuẩn bị

Là một lễ hội lớn nên giai đoạn chuẩn bị của lễ hội rất quan trọng và cần thiết, đòi hỏi nhiều công sức, tiền của và thời gian. Trong lễ ăn trâu nhất thiết phải có cây nêu.

Chuẩn bị cột đâm trâu: Trong lễ hội ăn trâu, cây nêu (cột đâm trâu) trở thành trung tâm diễn ra các lễ hội chung của cộng đồng làng. Trong quan niệm của người Ca Dong ở Bắc Trà My cũng như ở Quảng Ngãi “cây nêu là nơi ở của thần Trook (ông Trời) khi thần được con người mời về lúc sáng sớm, chứng kiến lễ ăn trâu và nhận lấy lễ vật hiến tế của con người” [31; 78]. Vì vậy đồng bào rất coi trong việc chuẩn bị cây nêu, điều này thể hiện ở thời gian chuẩn bị khoảng một tháng với sự tham gia của những thợ thủ công điêu luyện để đẻo cây, khắc nổi hình các loại sinh vật, chạm trổ các loại hoa văn, … Bằng phương pháp mô phỏng họ đã tưởng tượng ra một thế giới sống động gồm các vị thần linh và ma quỷ. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị cây nêu của người Ca Dong không dài như người Co, người Co phải mất hàng tháng trời với khoảng 200 công. Cây nêu của người Ca Dong tuy không nhiều hoạ tiết như cây nêu của người Co, nhưng lại cao hơn, khoảng 20 - 25m, nhiều tầng, trên thân lại chạm khắc nhiều hình ảnh của các loại động vật núi rừng như chim, khỉ, hưu, nai,… Các loại hình hoa văn hình que, hình nón,… đủ màu sắc như những con vật sống thực sự. Thông thường khi nhìn vào cây nêu trong buổi lễ ăn trâu với sự trang trí kỳ công của những hình vẽ, người ta có thể đánh giá được lễ ăn trâu này to hay nhỏ, là sang trọng hay bình thường. Vị trí để dựng cây nêu phải rộng, trong khu vực diễn ra lễ hội ăn trâu.

Đã gọi là lễ hội ăn trâu thì trâu là vật hiến tế chính, ngày trước người Ca Dong ở Bắc Trà My thường thả rong trâu trong rừng. Đến ngày mở hội ăn

trâu phải vào rừng chọn và lùa trâu về. Đây là công việc vất vả nên cần phải do những người đàn ông khoẻ mạnh đảm nhận. Trâu hiến tế thường là trâu đực. Người ta quan niệm trâu lớn, ngắn, có sừng to và cong đều là trâu đẹp. Trước khi dắt trâu về phải làm lễ cúng cáo ông bà, trời đất. Người ta cột trâu ở gần nhà gia chủ, làm lễ đuổi tà ma rồi mới dựng chuồng. Lễ thức diễn ra ngay tại chỗ đất dự định làm chuồng. Trâu được nhốt trong chuồng nuôi vỗ béo như cỏ, đót xanh. Từ khi trâu về không được dắt trâu ra khỏi chuồng. Trâu là vật hiến tế chính đấng tối cao (thần Trook), cũng là thực phẩm dùng trong lễ hội.

* Giai đoạn tổ chức

Thời gian tổ chức lễ hội ăn trâu có khác nhau. Lễ ăn trâu huê (lễ tạ ơn các thần ma, thần Yang đã phù hộ cho được mùa, đồng thời cũng là lễ cầu xin thần, ma phù hộ cho mùa rẫy sau) thường tổ chức từ 8 - 12 ngày. Sáu ngày đầu là chuẩn bị rượu cần, hoàn thiện cây nêu, đào lỗ dựng nêu, giã gạo, chặt nứa, đi mời bà con thân thuộc, làng bản,… Cuối ngày thứ sáu bắt đầu làm lễ cúng trong nhà.

Ngày chính lễ mở vào ngày thứ bảy. Buổi sáng thầy cúng và những người trong gia đình làm lễ cúng nguồn nước, cúng đầu ngõ, cúng ngã ba,… Buổi trưa, làm lễ khai rượu cần. Buổi chiều, sau khi làm lễ uống rượu phép, khai chiêng dùng trong lễ ăn trâu, là lễ dựng nêu và vô trâu. Lễ thức cúng chỉ một con gà, qua hai vòng cúng sống và cúng chín. Để xin dựng nêu, chủ lễ cúng trong nhà rồi ra chỗ đặt cây nêu, nơi dân làng chuẩn bị bị lắp ráp. Sau khi ráp các bộ phận gốc, thân, ngọn nêu xong, người ta tròng vào cái vòng buộc trâu rồi dựng nêu, đưa chân nêu vào lỗ cột. Ông chủ lễ cùng lẩm nhầm hát cúng thần. Trong lễ cúng cây nêu, người Ca Dong còn thực hiện nghi lễ chui qua vòng nài trâu (cầu sức khoẻ). Khi thầy cúng khấn vái các vị thần cầu mong sức khoẻ cho gia đình thì các thành viên trong gia đình, từ già đến trẻ, ăn mặc các loại y phục truyền thống lần lượt chui qua vòng nài trâu. Sau lễ

thức này người ta bắt đầu làm nghi thức vào trâu. Mọi người đều tham gia, có lẽ lễ này xuất phát từ việc vô trâu bao giờ cũng cực nhọc, nặng nề và có phần nguy hiểm nữa. Sau lễ thức này, người làng kéo nhau ra chuồng trâu, nối dây rừng to dài kéo trâu đến chân nêu, để cột trâu vào cột , đồng bào đem một cái xiềng bằng mây hình số 8 quấn vào cổ trâu nối liền với một vòng tròn bằng may quanh cột. Khi trâu được buộc vào gốc nêu cũng đồng thời tiếng trống, tiếng thanh la cùng với tiếng hú vang lên làm rung động cả núi rừng trùng điệp, báo hiệu lễ vào trâu đã xong, mời mọi người tham gia hội cacheo (xem phụ lục 8). Ngày vui bắt đầu từ giây phút này. Hội cacheo bắt đầu khi thầy cúng, các thành viên trong gia đình cùng những người đánh chiêng đi vòng quanh cây nêu 7 vòng theo chiều ngược kim đồng hồ để ra mắt các thần. Tất cả mọi người trong làng đều có quyền tham gia hội cacheo sau đó. Họ vừa uống rượu, vừa chơi chiêng và múa hát quanh cây nêu, đặc biệt là hát những bài kể công lao con trâu trong việc hy sinh để hiến tế thần linh. Đến giữa đêm, thanh niên nam nữ bắt đầu tản đi nơi khác tâm sự.

Vào sáng ngày thứ tám, là ngày chính thức diễn ra lễ đâm trâu. Từ khoảng 4 giờ sáng, bà con dân làng đã tụ tập về nhà gia chủ dự lễ, hát cacheo để dâng lên các lễ vật hiến tế cho thần. Tất cả đều ăn mặc chỉnh tề với những chiếc váy, chiếc khố còn thơm mùi vải. Vị gia chủ ăn mặc đẹp đi vòng cột và con trâu. Sau vị gia chủ là 6 người đánh chiêng, trống, tiếp theo là đội múa nữ mặc những bộ trang phục truyền thống sặc sở. Khi chủ nhà cúng xong thức ăn được dọn ra, mọi người quây quần vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Khoảng 7, 8 giờ sáng, chủ lễ đi xuống cây nêu với các lễ vật gà, rượu, dao cữ18,… để thực hiện nghi thức đâm trâu. Những trai làng khoẻ mạnh đều tập trung ra sân để hổ trợ. Chủ lễ lấy chén nước đổ lên đầu trâu, lẩm nhẩm gọi hồn rồi huơ huơ cây cỏ đá lần lượt lên đầu con cháu và dân làng, lên đầu trâu và khấn vái, 18 Dao cữ là con dao đã đem cúng trình thần linh và người Ca Dong sẽ dùng con dao đó đâm nhát đầu tiên

rồi tự tay mình cầm dao đâm nhác đầu tiên, tiếp đến là hàng chục mũi giáo mác của các thanh niên trong làng tiếp tục đâm con trâu cho đến khi nó ngã xuống. Cũng như người Co, người Ca Dong quan niệm nếu con trâu quay đầu về phía ngôi nhà gia đình đứng ra tổ chức lễ ăn trâu thì đó là điềm lành. Sau khi đâm trâu xong gia đình làm heo lớn để cúng trong nhà, làm gà cúng ngoài ngõ. Thịt trâu, thịt heo sẽ được chế biến hành thức ăn. Người Ca Dong cũng lấy mỗi bộ phận của con trâu, con heo, con gà để cúng thần, cầu mong sự tái sinh. Các cung đoạn cúng tế, chiêu đãi họ hàng, khách xa,… tiếp theo trong lễ hội ăn trâu của người Ca Dong cũng giống như người Co. Và suốt ngày thứ tám, tất cả mọi người cùng ăn uống, múa hát, đánh chiêng, chơi các nhạc cụ truyền thống.

Sang ngày thứ chín, người ta tổ chức cúng đầu trâu. Mọi người tụ tập trong nhà chủ lễ. Lễ vật cúng có thịt, tim, gan, lòng trâu, các loại bánh đặt lên cái mâm to giữa nhà, ché rượu cần, chủ lễ tiến hành cúng và mọi người cùng tham gia. Người ta đi vòng quanh đầu trâu rồi đi rồi đi ra vòng quanh cây nêu ngoài sân ba vòng, đánh chiêng và hát cacheo, sau đó nấu nướng đầu trâu để ăn.

Sang ngày thứ mười là ngày làm lễ cho phép đội chiêng về nhà, lễ vật gồm bánh, rượu, gạo,… những người tham gia ăn trâu đi phát rẫy phép cho gia đình tổ chức lễ ăn trâu.

* Giai đoạn kết thúc

Ngày thứ mười một được coi là ngày kết thúc, nhưng trong lễ thức không phân định rạch ròi như vậy. Gia chủ làm lễ tiễn hồn, cúng một con gà đen, cúng sống rồi cúng chín. Chủ lễ đem lễ vật ra cúng ở cây nêu rồi quét dọn sạch sẽ, sau đó dân làng theo gia chủ vào cúng chín. Cúng xong chủ nhà chia cho mọi người ít thịt trâu mang về. Coi như chia đều sự may mắn với gia chủ. Sang ngày thứ 12, tất cả mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường.

Có thể nói lễ hội ăn trâu huê là lễ hội lớn nhất của của người Ca Dong ở Bắc Trà My. Lễ hội ăn trâu huê tốn kém, mất thời gian, điều đó đã rõ. Cảnh đâm trâu có thể khiến cảm giác hơi rợn người. Tuy nhiên yếu tố nổi trội của lễ hội này là giúp giải toả tâm linh, góp phần cũng cố mối quan hệ làng, nóc. Nó hội tụ và lưu truyền, lan toả nhiều tinh hoa văn hoá vốn tích luỹ từ bao đời, như nghệ thuật tạo hình cây nêu, nghệ thuật diễn xướng với chiêng và nhảy múa, nghệ thuật ẩm thực với những món ăn đậm chất nguyên sơ của núi rừng, với một sự phối kết, phô diễn một cách đặc sắc đáng kinh ngạc.

* * *

Trong vòng quay của chu kỳ nông lịch, người Ca Dong phải thực hiện nhiều lễ hội, từ lúc thực hiện lễ hội ăn trâu huê đến lễ hội trỉa hạt,… và lễ hội ăn Tết là một chu kỳ khép kín, chặt chẽ. Thông qua những lễ hội này, thoạt tiên, ta thấy có nhiều yếu tố mê tín, nhưng thật ra lại không quá sức nặng nề, và đó cũng chỉ là một sự tôn vinh hạt lúa trong điều kiện tự nhiên bấp bênh, vì thời tiết, thú dữ,… mà suy cho cùng là sự tôn vinh con người. Mặt khác trong quá trình thực hiện các lễ hội, những giá trị văn hoá truyền thống đựơc gìn giữ và lưu truyền trong cộng đồng.

CHƯƠNG 4

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP VỀ VẤN ĐỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ PHONG TỤC TẬP QUÁN VÀ LỄ HỘI CỦA

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 84 - 91)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w