B. NỘI DUNG
3.1.3. Lễ hội mừng lúa mới
Lễ mừng lúa mới của đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My diễn ra vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch hằng năm. Được bắt đầu bằng việc cúng máng nước (ở đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My, một năm có hai lần cúng máng nước: trước thu hoạch lúa và sau khi thu hoạch lúa xong). Chủ làng tổ chức cúng tạ thần linh phù trợ đem lại mùa màng tốt tươi và xin phép thần linh cho dân làng được ăn lúa mới. Các gia đình lên rẫy cúng rước thần lúa về nhà.
Bà chủ nóc (người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình) mang chiếc gùi ở thắt lưng và bắt đầu lên rẫy tuốt “lúa thiêng” bỏ vào gùi mang về. Tùy theo số người trong nhà đông hay ít mà bà chủ nóc tuốt hai hoặc ba gùi lúa trên rẫy. Lễ đưa hồn lúa ở rẫy về kho lúa được tổ chức chu đáo. Khi đầy gùi lúa, người ta không quên ngắt một nhánh lá cỏ đá giắt bên mép gùi, để giữ hồn lúa theo về nhà nếu phải qua suối, người ta căng dây, bắc cầu bằng sợi chỉ trắng để cho hồn lúa đi ở nhưng ngã ba phải cắm cây cỏ đá làm dấu để chỉ đường cho hồn lúa. Trước đó, nơi vị trí nghỉ ngơi của hồn lúa trong kho thóc đã được sửa soạn chu đáo. Người ta nghĩ rằng nếu không giữ được hồn lúa sẽ bị chim,
chuột ăn phá, xói lở đất ở mùa sau. Đồng bào cũng tin rằng hồn lúa sẽ ưu đãi những chủ nhà biết làm đúng các thủ tục đưa hồn lúa lên rẫy vào những ngày đầu chọc trỉa và đón hồn lúa về kho lúa vào những ngày thu hoạch.
Lúa được cõng về, trải trên một chiếc chiếu phơi đặt trên giàn bếp cho khô rồi giã thành gạo để hôm sau nấu cúng. Lễ vật cúng có heo, gà, vịt, nói chung là những loài vật nuôi sẵn trong chuồng, có heo cúng heo, có gà cúng gà, không nhất thiết phải là con vật nào. Đối tượng thần cầu cúng đều là các nữ thần như: thần giữ giống lúa, thần phù hộ cho lúa tốt, thần phù hộ cho lúa hình thành hạt gạo ngon,… Cúng lễ thu hoạch lúa thường trong phạm vi gia đình, mỗi gia đình tổ chức cúng riêng. Nhưng mọi người chỉ cúng sau khi ông chủ nóc đã bắt đầu cúng. Và cứ thế, từ nhà này đến nhà khác mọi người đều bận rộn trong không khí vui vẻ, hồ hởi chuẩn bị cho lúa về kho sau một mùa lao động vất vả.
Nghi thức hiến tế các vật nuôi (heo, gà, vịt), đều như các lễ thức khác, đều phải trải qua hai giai đoạn cúng sống và cúng chết. Cúng sống nếu là heo thì cột heo nằm sẵn ngoài sân, chủ lễ bưng cơi thờ đan bằng tre trong đó đựng chén gạo nhỏ, đốt hương, ra sân khấn vái, dùng dao phép đâm phép con heo, sau đó đưa heo xuống làm thịt và chuẩn bị cúng chín. Nghi thức cúng chín được diễn ra trong nhà. Nếu cúng gà, cúng sống thì họ ngồi ôm con gà sống vái ngay trong nhà, sau đó đưa xuống làm thịt nấu xong thì đưa lên cúng chín. Phẩm vật cúng được bày biện rất chu đáo gồm: đầu heo hoặc gà, lòng heo hoặc lòng gà, thịt rừng, cá sông, chén nước,… Trong mâm cúng không bao giờ thiếu cây cỏ đá và rượu. Cúng lễ xong người chủ lễ bốc ít cơm bỏ lên đầu vợ, con trong nhà, biểu thị sự cảm ơn các thần đã phụ hộ cho lúa tốt, bội thu. Lễ cúng đơn giản nhưng trang nghiêm.
Sau lễ cúng, gia đình mời các bà con xung quanh đến cùng ăn bát cơm mới, chung vui cùng gia đình. Khi có khách đến chủ nhà lấy các thức cúng đãi đằng khách ăn uống thật vui vẻ, lại đem thịt đến biếu bà con trong làng.
Trong buổi lễ này đồng bào còn tổ chức văn nghệ, ca hát biểu thị lòng vui sướng phấn khởi của mình.
Lễ thu hoạch lúa ở đây có ý nghĩa như lễ cúng cáo thần linh đã phù hộ cho mùa màng tươi tốt, bội thu và xin được đưa lúa về. Bởi lúa là một phần rất quan trọng quyết định tới sự đói no, thiếu đủ của mỗi gia đình. Một yếu tố thực tế góp phần làm phát sinh nghi lễ này cũng chính là do để có được số lúa rẫy đó, người Ca Dong đã phải bỏ ra vô vàn công sức với rất nhiều rủi ro. Lễ thu hoạch lúa đơn giản nhưng biểu hiện sự trân trọng đối với thành quả lao động, trân trọng đối với hạt lúa, đúng như người Việt thường nói “hạt lúa là hạt ngọc” vậy.