B. NỘI DUNG
2.3.2. Phong tục tập quán trong dòng họ, gia đình
* Dòng họ
“Hiện tượng không có tên gọi là một dấu hiệu tộc người chung cho nhiều cư dân Môn - Khơme ở Bắc Tây Nguyên - Bắc Trường Sơn bao gồm người Co, Hrê, Bana, Xơ Đăng, Ca Dong,…” [26; 197]. Ở đồng bào Ca Dong
huyện Bắc Trà My chúng ta không hề thấy có tổ chức xã hội nào tồn tại, không thấy có một tên gọi chung như kiểu tên gọi của người Việt, cho dù những người có cùng quan hệ thân tộc. Ở một số nơi, trước kia có họ Đinh vốn do phong kiến Việt đặt cho, và từ khi tiếp xúc với cách mạng, đồng bào có phong trào lấy các họ Lê, Lý, Trần, Nguyễn,… và đặc biệt là lấy họ Hồ của Bác Hồ như Hồ Văn Dinh, Hồ Thị Dôn, Hồ Văn Siêng,… Song các tên họ này chỉ dùng chủ yếu trên giấy tờ, còn trong đời sống hằng ngày, để tránh nhầm lẫn đồng bào vẫn giữ tập quán cũ gọi tên người kèm theo tên plơi, nơi họ sinh trưởng hay cư trú.
Như vậy, làng của người Ca Dong ở Bắc Trà My cũng giống như các cư dân miền núi Quảng Nam mang dáng dấp công xã láng giềng. Ở đó tập hợp các thành viên có và không có liên hệ huyết thống. Mỗi làng đều gồm một số dòng họ và nhóm họ hàng, trong đó có thấy một vài họ đông người hơn. Hiện tượng trong một làng gồm một hoặc chủ yếu gồm những người chung dòng máu đã lùi vào quá khứ rất xa. Tuy nhiên, những quan hệ dòng họ vẫn được duy trì khá mạnh mẽ. “Mặc dù nay không còn thấy phân bố cư trú trong làng tạo thành từng khoảnh tương ứng với từng nhóm gia đình thân thuộc như ở vùng người Ê Đê, Mnông trước kia trên Tây Nguyên” [14; 70], nhưng quan hệ gắn bó, đùm bọc trong sinh hoạt của từng nhóm họ hàng có chung mối liên hệ về dòng máu của người Ca Dong vẫn được duy trì chặt chẽ bởi những phong tục tập quán có từ lâu đời trong mỗi người. Trong dòng họ, người Ca Dong vẫn luôn duy trì sự cố kết chặt chẽ và rất nghiêm khắc. Mọi thành viên trong họ phải tuân thủ theo những quy định của họ đặt ra, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt nặng, hình thức nặng nhất là khai trừ khỏi dòng họ. Trong họ có sự phân biệt rõ ràng kẻ trên người dưới. Người đứng đầu dòng họ luôn có tiếng nói quan trọng nhất, mọi thành viên trong họ phải nghe theo. Với người Ca Dong, một người trong họ bị xúc phạm là cả họ đứng ra bảo vệ
hay trong họ có người đau ốm, chết chóc thì cả họ đứng ra góp sức cũng như vật chất để lo tang lễ.
Vấn đề hôn nhân trong họ cũng được quy định rõ ràng cả bên dòng họ cha lẫn mẹ, ít nhất cách nhau 4 đời mới được lấy nhau. Nếu vi phạm, lấy nhau trước thời điểm quy định thì cả hai người sẽ bị dòng họ và làng xử phạt nặng nề, ngoài ra còn bị đuổi ra khỏi làng vào rừng sâu mà sống (từ 2 đến 3 năm), khi nào có con có cháu, mới được về làng. Bên cạnh đó, tập tục cũng cho phép kết hôn các dòng họ, các nhóm họ hàng với nhau, điều này có tác dụng tạo nên liên kết họ hàng nhiều chiều bởi quan hệ huyết thống và quan hệ thông gia cùng phát triển chằng chéo hoà quyện vào nhau trong quan hệ cộng đồng làng nóc. Vì thế ở người Ca Dong cũng như người Cor, Cơ Tu, “đều có thể thấy tất cả dân làng là bà con họ hàng xa hay gần với nhau, hoặc do hôn nhân, hoặc về huyết thống” [14; 70]. Trên cơ sở đó, mối liên kết dòng họ được củng cố khắng khít, bền chặt hơn. Những người trong họ cũng thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau, giúp đỡ nhau khi thiếu thốn, chia cho nhau khi có chút dư dã, như một con gà, một gùi lúa hay một miếng thịt trâu,…
Có thể nói, tinh thần tương trợ hữu ái của những người trong dòng họ của người Ca Dong là rất cao. Cùng với đó là những quy định ràng buộc, nhưng những quan hệ đó chỉ nhằm duy trì sự đùm bọc che chở lẫn nhau giữa những người trong họ để cùng nhau sống tốt hơn.
* Gia đình
“Điều thấy trước mắt hiện nay là ở vùng Ca Dong ở Quảng Nam nói chung, huyện Bắc Trà My nói riêng là sự tồn tại các đại gia đình và tiểu gia đình. Những gia đình lớn và gia đình nhỏ cùng cư trú trong một nóc nhà cụ thể” [34; 198]. Nghĩa là trong một plơi của người Ca Dong gồm nhiều nóc nhà và trong đó là bộ phận cư trú của một hoặc nhiều cặp vợ chồng và con cái cùng chung huyết thống. Và trong xã hội người Ca Dong đại gia đình phụ quyền vẫn còn phổ biến và tiểu gia đình đang trên con đường hình thành và
phát triển. Quan hệ trong gia đình được duy trì bền vững bởi những phong tục tập quán từ bao đời nay của đồng bào.
Chủ nhà dài là người già làng được cả làng kính trọng, ông tham gia vào hội đồng già làng với tư cách là người đại diện cho gia đình, nhận việc của làng về bàn lại cho các gia đình cùng thực hiện. Ông có trách nhiệm điều khiển những thành viên trong gia đình tham gia sản xuất, thực hiện nghĩa vụ của làng khi có chiến tranh,… Người chủ nóc mất đi thì con hay em ruột của ông lên thay thế nhưng phải được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình. Các thành viên trong gia đình tuyệt đối phục tùng và tôn trọng đối với người chủ gia đình. Họ có nghĩa vụ tuân theo sự sai bảo của ông, bởi họ tin rằng người chủ gia đình bao giờ cũng là người cầm cân nảy mực.
Điều khiển công việc nhà dài còn có vợ của người chủ nhà, bà được phân công trông nom việc nội trợ, phân phối lương thực cho cả nhà (xem phụ lục 6). Trong mỗi ngôi nhà dài mang tính chất đại gia đình, mỗi cặp vợ chồng đều có gian riêng để làm nơi ngủ và đặt bếp cho mình. Công cụ sản xuất và đồ dùng gia đình được cất đặt đúng chỗ. Mọi người không được tị nạnh hay so bì hơn thua.
Những thành viên trong đại gia đình quan hệ với nhau trên cơ sở không những về huyết thống, về chung điểm cư trú mà còn về sở hữu kinh tế. Mọi thành viên đều có trách nhiệm sản xuất ra của cải vật chất cho gia đình, cùng lao động trên nương rẫy của mình. Sản phẩm làm ra mọi người cùng hưởng chung. Lương thực để trong kho chung và được sử dụng, phân phối theo sự chỉ đạo của bà chủ gia đình. Thóc được phân phối từ kho cho từng hộ tuỳ theo số nhân khẩu. Thực phẩm do từng hộ tự túc, trừ khi có thịt thú hay gia súc, gia cầm thì phải chia đều. Bà chủ thu xếp lương thực, thực phẩm hàng ngày dự trữ lại một phần để dùng cho việc cưới xin, ma chay, cúng bái hay đóng góp với plơi. Ở đồng bào Ca Dong tài sản trong gia đình là của chung mọi người có quyền hưởng. Khi trong gia đình có người về nhà chồng
hoặc nhà vợ đều được chia tài sản, “thông thường, những người đã ra ở riêng chỉ được chia chén bát. Con nào ở lại với bố mẹ được chia chiêng ché, đồng la, những cái mà người Ca Dong cho là quý nhất” [34; 198].
Trong các tiểu gia đình, chế độ phụ quyền được thể hiện rõ nét. Biểu hiện rõ nhất của chế độ phụ quyền là việc là việc khẳng định vai trò của người đàn ông trong gia đình và việc coi trọng con trai, nhất là con trai trưởng. Trong quan hệ vợ chồng, người đàn ông có quyền quyết định mọi công việc trong sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng, hôn nhân, phân chia tài sản cho con cái, dựng cây cột chính trong ngôi nhà sàn mới, người đàn ông cũng là người gánh vác những công việc nặng nhọc, như làm nhà, phát rẫy,… Trong gia đình, việc tổ chức cúng tế cũng là do người đàn ông đảm nhiệm, thậm chí trong đám tang việc đi chôn người chết là việc của người đàn ông, đàn bà không bao giờ được phép đi cùng. Có thể người Ca Dong cho rằng phụ nữ là những người yếu đuối, dễ bị con ma bắt đi nên rất kiêng cử sự có mặt của họ. Và cũng chính người đàn ông mới được quyền tham gia các công việc quan trọng của plơi, của nóc mà người phụ nữ không bao giờ được phép như được tham gia vào hội đồng già làng, được làm chủ làng. Tất nhiên, những công việc khác như trao đổi, mua bán người đàn ông vẫn tôn trọng ý kiến của vợ, họ cùng nhau bàn bạc rồi mới đi đến quyết định chung. Nhưng trong trao đổi có một cái mà người đàn bà không bao giờ được phép bàn bạc như, đó là cồng chiêng. Cồng chiêng được coi là vật thiêng của gia đình và của cả cộng đồng, bởi vậy đồng bào rất kiêng cử trong vấn đề này. Mặc dầu về biểu hiện, người đàn ông có vị trí quyết định trong gia đình và cả xã hội, nhưng vai trò của người phụ nữ cũng rất quan trọng. Họ được trực tiếp tham gia các hình thức tín ngưỡng, lễ hội của cộng đồng, không chỉ đóng vai trò là người nội trợ mà còn tham gia các hoạt động giao tiếp với thần linh, tổ tiên như: phụ nữ chính là người rước hồn lúa lên rẫy và tự tay trỉa những hạt lúa giống đó, đến kỳ thu hoạch họ cũng chính là người bắc cầu, rước hồn lúa về nhà và tự tay làm lễ
cúng để đưa hồn lúa lên nơi trú ngụ. Hay trong các lễ hội ăn trâu, lễ cúng cơm mới họ cũng được khấn thần linh (trừ việc không được làm thầy cúng). Nói chung, mặc dầu quan hệ trong gia đình người Ca Dong đã chuyển sang chế độ phụ hệ nhưng thực tế dấu vết của chế độ song hệ vẫn còn, nhờ đó quan hệ vợ chồng phổ biến vẫn là quan hệ bình đẳng, về cơ bản người phụ nữ vẫn được tôn trọng.
Theo phong tục tập quán xưa nay của đồng bào trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái thì cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng, dạy dỗ, trao truyền các giá trị văn hoá tộc người cho con cái như người cha dạy cho con chơi trống, cồng chiêng còn mẹ thì dạy con hát các làn điệu dân ca như cacheo15, hát dới16, cùng dạy con cách thức săn bắn, hái lượm,… mang truyền thống của tộc người. Cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc, lo lắng chu toàn từng lễ thức trong chu kỳ vòng đời của người con, từ lúc sinh nở đến khi trưởng thành, ra riêng, … Khi đã có gia đình riêng, nếu người con gái ấy trở về nhà cha mẹ đẻ thì cũng phải chịu những kiêng cử không khác gì người ngoài gia đình, như không được đun nấu ở bếp lửa thiêng của gia đình trong buồn cử, không được vào nhà nếu nhà cắm lá báo hiệu đang kiêng cử,… Đây là điều thường thấy trong nhiều gia đình của các dân tộc ở Bắc Trà My, đặc biệt là người Cor.
Nhìn chung, trong gia đình của đồng bào Ca Dong còn tồn tại nhiều tàn dư của giai đoạn cuối thời kỳ công xã nguyên thuỷ, bước vào xã hội có giai cấp. Ngày nay nam nữ bình quyền, vai trò của người chồng và người vợ có thay đổi lớn. Trong chiều hướng đi lên, nhiều hủ tục vốn lạc hậu của đồng bào dần dần xoá bỏ, xây dựng tổ chức gia đình kiểu mới, phù hợp với thời đại chung của lịch sử.