B. NỘI DUNG
4.2.1. Một số giải pháp mang tính định hướng chung
Các giá trị truyền thống là động lực không nhỏ, góp phần vào việc tạo nên sự ổn định, công bằng và phát triển của xã hội các tộc người. Thực tế chỉ ra khi xã hội tiến sang một giai đoạn mới thì các giá trị truyền thống tùy điều kiện mà có thể là sức đẩy hoặc là sức cản. Chính vì lẽ đó, việc tìm ra được những giải pháp thích hợp, giải quyết một cách khoa học, biện chứng mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của phong tục tập quán, lễ hội trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá hôm nay có một ý nghĩa hết sức to lớn và hết sức cần thiết. Đây cũng chính là nội dung giữ gìn, tôn tạo, làm phong phú và đa dạng hơn bản sắc văn hoá dân tộc trên con đường phát triển.
Trên cơ sở những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đề ra về việc “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, trên cơ sở tìm hiểu về thực trạng các phong tục tập quán, lễ hội của người Ca Dong ở Bắc Trà My, bước đầu xin đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng chung đối với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá của của người Ca Dong ở Bắc Trà My nói riêng, các dân tộc ở Quảng Nam nói chung trong giai đoạn hiện nay như sau:
- Thứ nhất: hội nhập văn hóa, đa dạng văn hóa là một xu thế mang tính
phổ biến trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, hội nhập văn hóa phải đi cùng với việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, phải xuất
phát từ lợi ích của người dân, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và phải tôn trọng ý kiến của người dân. Hơn thế nữa, phải thống nhất quan điểm khi cho rằng: bảo tồn văn hóa truyền thống không có nghĩa là phục cổ. Bảo tồn nghĩa là phải “gạn đục khơi trong”, giữ gìn, bảo lưu những vốn quý mà ông cha đã tích lũy được qua cuộc sống, lao động, chiến đấu của hàng ngàn năm trước đó, là phải bảo vệ cho được những giá trị văn hóa tích cực, cốt lõi, đưa những giá trị văn hóa đó sống trở lại với mỗi người dân, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của từng tộc người và của cả cộng đồng dân tộc thống nhất. Bảo tồn không có nghĩa cố chấp, trung thành tuyệt đối với cái cũ. Bảo tồn còn là việc đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa khác, làm phong phú cho bản thân và tạo ra những điều kiện phát triển cao hơn.
- Thứ hai: phải xem việc bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống của
dân tộc là một quá trình lâu dài, không ít những khó khăn trở ngại. Quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống gắn bó một cách mật thiết, chặt chẽ với việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phải xem việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc là sự nghiệp cách mạng của tất cả mọi người, không phân biệt trình độ, thành phần, tôn giáo, dân tộc,… Thực tế cho thấy sự tham gia đông đảo, rộng khắp của người dân vào quá trình này là nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đó có nghĩa trước mắt và trong một thời gian dài nữa phải đào tạo cho được một đội ngũ cán bộ, những người làm công tác văn hóa văn nghệ đông đảo, phải tuyên truyền, giáo dục, phổ biến một cách sâu rộng cho quần chúng nhân dân hiểu rõ và tự nguyện tham gia vào quá trình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vào cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, làng thôn văn hóa, một cuộc vận động mang tính cách mạng của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng hiện nay. Tất nhiên, muốn làm được điều đó và đồng thời với nó là việc phải tạo ra được những điều kiện cần thiết
(nhân lực, vật lực, tài lực, kỹ thuật - công nghệ…) nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhất là phải nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho tất cả mọi người dân.
- Thứ ba: tăng cường công tác nghiên cứu về phong tục tập quán, lễ hội
nhằm tìm ra những cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy đối với các di sản này. Trong bảo tồn, phát huy cần thận trọng, khách quan, không chủ quan nóng vội hay chậm chạp, chần chừ,…Phục hồi các vốn cổ là cần thiết nhưng mỗi khi chưa có đủ điều kiện để phục hồi thì phải xem xét, tìm hiểu một cách nghiêm túc. Muốn vậy nhiệm vụ trước mắt phải đẩy mạnh công tác sưu tầm, tư liệu hóa các phong tục tập quán, lễ hội thông qua việc ghi chép, mô tả, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, bồi dưỡng nhân chứng,… Điều này đối với các dân tộc thiểu số càng trở nên vô cùng cấp bách và cần kíp.
- Thứ tư: xây dựng, phát triển kinh tế kết hợp với việc bảo tồn và phát
huy văn hóa truyền thống cũng có ý nghĩa là kiên quyết đấu tranh để loại bỏ những yếu tố lạc hậu, lỗi thời trong phong tục tập quán, lễ hội của các dân tộc ở Quảng Nam. Điều đó cũng chính là việc trong các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm, xây dựng các cơ sở hạ tầng,… phải lồng ghép, phải chú ý tới nội dung bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.