Phong tục tập quán trong dựng nhà, lập làng

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 39 - 43)

B. NỘI DUNG

2.2.1. Phong tục tập quán trong dựng nhà, lập làng

Khi nào người Ca Dong lập làng mới hay chuyển làng mới? Ấy là khi làng nóc cũ đã quá đông, không còn đủ sức dung chứa, người ta tìm chỗ đất khác làm làng mới. Cũng có khi người ta chuyển làng cũ đến làng mới trong trường hợp diễn ra những sự cố mà người ta cảm thấy đó là những điềm gở, ở nán lại không yên, như trong làng gặp hoạn nạn, dịch bệnh, có người chết xấu,… Để lập một plơi mới thay thế cho một plơi cũ vốn thường xuyên gặp phải rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, cho đến nay người Ca Dong ở Bắc Trà My phải trải qua những bước lựa chọn chặt chẽ với sự can thiệp, chứng giám của các thần linh như các đồng tộc Ca Dong ở Hiệp Đức (Quảng Nam), Quảng Ngãi hay nhiều tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên đã từng lựa chọn, dù mỗi nơi có khác chút ít.

Đầu tiên là lựa chọn đất. Công việc này do chủ làng và những người già đại diện cho mỗi gia đình xem xét và quyết định. Vì đây là một công việc

hệ trọng liên quan đến đời sống và sinh mệnh của tất cả thành viên trong làng. Cuộc khảo sát kĩ lưỡng đựơc tiến hành dựa trên kinh nghiệm mà cha ông người Ca Dong đã truyền lại. Trước tiên, phải dựa trên cuộc thương lượng ngầm giữa các vị thần, ma quỷ và cả người trong quá khứ. Kết quả của cuộc thương lượng đó người Ca Dong bao giờ cũng biết lượng sức mình trước sức mạnh của các vị thần mà chọn lấy phần đất ở lưng chừng núi. Vì theo họ, ở phía trên cao hơn (phía đỉnh) là nơi các vị thần trên trời trú ngụ, còn ở dưới thấp hơn là nơi ma quỷ lẩn quẩn. Ở khoảng lưng chừng đó con người được toàn quyền chọn lựa nơi lập làng. Đó là phần đất tương đối bằng phẳng, hơi dốc, quay mặt về phía hướng mặt trời mọc,… là phần đất không dễ gì xảy ra lũ lụt hay sấm sét [31; 33]. Việc chọn đất lập làng của người Ca Dong ở Bắc Trà My gần gũi với cách chọn đất của người Ca Dong ở Hiệp Đức, ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) và có khác chút ít với người Mơ Nâm và các cư dân xung quanh núi Ngọk Linh, bởi ở đây “việc khai thác ruộng nước từ lâu đã trở thành tập quán” [11; 97]. Cũng gắn bó với núi rừng nhưng họ thường chọn nơi cư ngụ thường nhật bên các dòng suối lớn, gần thung lũng để làm ruộng.

Đối với người Ca Dong, đất (ta nẻ) và nước (wing) luôn là những thứ đầu tiên cần thiết với đời sống con người. Vì vậy, khi chọn được khoảnh đất như ý thì người Ca Dong tiếp tục tìm hiểu về nguồn nước uống và sinh hoạt. Nguồn nước nơi lập làng phải dồi dào, trong xanh và tinh khiết, dân làng không phải bắt máng nước dài quá vài chục sải tay. Sau khi đi khảo sát trở về, một cuộc họp dân chủ và bình đẳng có đầy đủ đại diện các gia đình sẽ diễn ra tại plơi cũ dưới sự chủ trì của chủ làng. Mọi người bàn bạc, mổ xẻ những xui xẻo bệnh tật, không thuận lợi trong sản xuất và sinh hoạt của làng cũ. Phân tích những đặc điểm vượt trội của nơi định cư mới. Sau đó người chủ làng sẽ đưa ra chính kiến kết luận nghiêng về số đông, dù trong đó vẫn có một ít người chưa ưng ý, đầy luyến tiếc với làng cũ. Khi có quyết định cuối cùng thì các thành viên trong làng đều phải tự nguyện, quyết tâm thực hiện theo ý chí

chung dưới sự chỉ huy của chủ làng. Sau phiên họp đó, người chủ làng và đại diện các gia đình cùng đến nơi đất mới.

Mảnh đất dành cho người chủ làng sẽ được phát dọn đầu tiên. Nhưng nơi đó có được làm nhà hay không lại phải nhờ vào một vài phép thử nửa mà cha ông họ trao truyền. Dù là những phép thử đơn giản nhưng những phép thử này lại vượt lên trên cả ý chí quyết tâm của cộng đồng. Đặc biệt là “phép thử ốc”. Chủ làng chọn ra một nhóm gồm 3 đến 4 người (có chủ làng) để đi bắt ốc. Việc “mò cua bắt ốc” thường là công việc của phụ nữ, nhưng ở đây chỉ những người đàn ông. Điều này có thể lý giải bởi việc lập làng là việc hệ trọng và chỉ những người đàn ông trong gia đình, những người già có kinh nghiệm và quyết định lập làng phụ thuộc vào họ. Theo quan niệm của đồng bào ốc cúng phải bắt ở nơi nước trong sạnh, cao ráo, không được bắt ở những vùng nước sâu dơ bẩn sẽ không có sự linh thiêng và không thể đại diện cho thần linh cũng như con người, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của làng. Theo quy định, phải bắt 9 con ốc bỏ vào một cái bát có đựng nước ở suối đó. Ở lễ cúng chủ làng sẽ chọn 2 con ốc đặt đối diện nhau trên một chiếc lá dong, ở giữa đặt một cái que để bắt đầu cuộc thử nghiệm. Khi bắt ốc từ dưới suối lên họ chỉ dùng tay nhưng khi bắt ốc từ chén ra lại dùng que vì theo họ, ốc trong chén đã được cúng thần linh rồi nên không được dùng tay, nếu không sẽ có tội với thần linh và ốc sẽ không còn hiệu nghiệm nữa. Đồng bào quan niệm, trong hai con ốc thì một con là đại diện cho các gia đình, một con là đại diện cho ma rừng và để hai con ốc bò ngược chiều nhau. Trong lúc hai con ốc bắt đầu cuộc tranh tài thì dân làng tổ chức lễ cúng xin. Nghi thức cúng do già làng chủ trì. Nội dung chủ yếu của bài cúng đại thể như sau: “Vùng đất này có tốt lành, có màu mỡ hay không? Có được phép làm nhà để sinh sống không…?” (theo lời kể của ông Đinh Văn Nót, thôn 4, Trà Bui). Nếu con ốc đại diện cho gia đình bò nhanh hơn và không bị ngã thì làng đã thắng và được

phép dựng nhà, lập làng tại đây. Còn ngược lại con ốc đại diện cho ma rừng thắng thì dân làng phải đi tìm vùng đất khác để sinh sống.

Người Ca Dong ở Hiệp Đức (Quảng Nam) cũng dựa vào phép thử ốc nhưng có khác chút ít: Khi chọn được vùng đất ưng ý để lập làng, già làng bẽ hai cái que một ngắn một dài và bắt hai con ốc đá ở dưới suối lên để cho chúng bò lên hai que đó. Dựa vào đường bò của ốc đồng bào quyết định việc lập làng cũng như tính tỉ lệ ốc bò để dựng làng [16; 19]. Tức ốc bò lên cao bao nhiêu sẽ dựng làng lên cao bấy nhiêu so với chiều cao của đồi núi. Người Ca Dong ở Quảng Ngãi không thấy thử ốc mà dựa vào nhiều phép thử khác.

Sau khi đã chọn được chỗ đất lập làng, được sự đồng ý của ma rừng và của các vị thần linh khác, họ lên rừng lấy cây gỗ, dây buộc và lá để lợp nhà. Ngôi nhà cũ cũng có thể được tận dụng một số cây gỗ còn tốt để dựng nhà mới, để đỡ tốn công sức đi lấy gỗ mới. Trong trường hợp nhà cũ có người chết xấu thì bỏ hết không tận dụng gì. Kể cả các vật nuôi ở ngôi nhà cũ như heo, gà cũng phải giết sạnh, cúng ông bà ăn uống xong hết mới về nhà mới, không đem con gì theo. Nếu trong nóc có điềm xấu mà phải chuyển đi nơi khác thì phải bằng mọi cách chuyển nhà ngay trong vòng năm đó. Nếu nhà mới là sự cơi nới thêm cho một gia đình thì phần làm thêm này nhẹ nhàng hơn. Nhà chủ làng được dựng trước rồi mới đến nhà của các thành viên trong làng.

Chọn được mảnh đất để làm nhà, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình tay phải cầm nhánh cỏ đá, tay trái cầm bát nước chè đến nơi mảnh đã được chọn làm nhà để bát nước chè xuống giữa mảnh đó và đi vòng quanh bát nước, tay huơ huơ cây cỏ đá, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú để đuổi trừ tà ma. Nhà của người Ca Dong không lợp bằng tranh mà lợp bằng lá tơi (sơnh) được trải đều trên đòn dọc và mèn, bẻ cụp đều xuống và cột chặt lại. Sàn nhà (ner) thường được làm bằng nứa đập dẹp và ghép thành tấm, tiện lợi cho việc sinh hoạt. Tường vách nhà thường được dừng bằng cây lồ ô đập giập. Theo lời kể

của ông Đinh Văn Thái (thôn 2, Trà Bui) “trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ở vùng này có những ngôi nhà sàn được dừng bằng vỏ cây, người dân lấy hai lớp vỏ cây khít lại sát nhau, bên trong cất giữ lúa gạo để ăn và nuôi cách mạng”.

Trong thời gian làm nhà, vợ chồng không được đi rừng đi rừng, đi rẫy, …Vì đồng bào quan niệm sợ ma quỷ theo về nhà phá phách. Đồng bào cũng không trao đổi, mua bán với ai cái gì vì sợ người khác sẽ lấy mất cái may mắn của gia đình. Khi nhà đã làm xong, đồng bào thực hiện lễ cúng tống trừ xui xẻo trong nhà mới. Chủ nhà lấy máu một con gà mái tơ rưới vào bốn góc nhà, vào cột cây rơn14. Đồng bào cho rằng, cột cây rơn trong nhà là nơi trú ngụ của thần linh nên phải cúng để cho ngôi nhà mãi mãi bền vững. Một con gà mái tơ sẽ giúp họ xua đuổi rủi ro, bệnh tật ra khỏi gia đình. Dường như hết lễ thức này người Ca Dong mới tin tưởng rằng phía trước có thể chỉ còn những điều tốt đẹp. Chủ nhà sẽ tổ chức lễ cúng mừng nhà mới. Tuỳ theo khả năng của từng gia đình mà lễ cúng này có trâu, gà hoặc lợn,… Mừng nhà mới là một dịp lễ quan trọng, người ta phải chuẩn bị nhiều lễ vật để cúng và để dâng nóc cùng chung vui. Nếu mừng nhà chung thì cả làng chung góp lễ vật và già làng làm chủ lễ, họ cùng uống rượu cần, cùng ca hát,…

Sự lựa chọn một nơi ở mới quả là lắm gian nan và phức tạp. Tuy thế, theo tập quán từ xưa đến nay, đồng bào buộc phải vượt qua những thử thách ấy trong sự im lặng và chịu đựng tối đa mới yên lòng sống. Việc xây dựng nhà cửa của đồng bào Ca Dong cũng phải trải qua nhiều thủ tục. Nhưng mục đích chính cũng là muốn đem lại sự vững chắc, mát mẽ, đầm ấm và may mắn cho làng, cho ngôi nhà và những người sinh sống.

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w