Lễ hội trỉa hạt

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 71 - 73)

B. NỘI DUNG

3.1.1.Lễ hội trỉa hạt

Người Ca Dong khởi đầu mùa vụ khi có tiếng sấm đầu mùa. Đó là thời điểm kết thúc những tháng nghỉ ngơi, ăn trâu, dựng vợ, gả chồng, là thời điểm mọi người chuẩn bị bắt tay đánh thức hồn lúa ngủ quên trong kho lúa, gọi hồn các nông cụ trở dậy. Công việc này được tiến hành hầu hết ở các làng của đồng bào Ca Dong.

Trong những lễ thức trồng trọt của người Ca Dong thì vị trí của thần lúa dường như là duy nhất. Theo quan niệm của đồng bào hồn lúa thường trú ngụ vào một giống lúa xưa nhất, giống lúa ấy được trồng riêng vào một mãnh lúa thiêng trên rẫy. Từ đó hồn lúa tác động đến mọi cây lúa trồng trên rẫy và được nuôi dưỡng bằng các lễ vật của gia đình trong suốt quá trình canh tác. Vì thế cây lúa, hạt lúa được nương nhẹ, không được làm đau đớn bởi các công cụ bằng sắt. Bà chủ nóc tự tay trồng, săn sóc và tuốt lúa mang về, dùng vào lễ cơm mới trong dịp tuốt lúa, số còn lại được giữ trong một chỗ đặc biệt. Từ đó, hồn lúa ngủ hoài trong ở kho thóc của các gia đình sau vụ thu hoạch. Khi kết thúc những tháng ăn chơi, vào khoảng tháng tư đồng bào Ca Dong phải làm lễ đưa hồn lúa lên rẫy để trông nôm một mùa vụ mới.

Trước khi làm lễ trỉa lúa, gia đình lên rẫy chọn đám để làm mảnh nương có ý nghĩa thiêng liêng này. Đồng thời những người ở nhà chuẩn bị heo, trầu cau, rượu,… để mang lên rẫy làm lễ đón rước thần lúa. Khi tiến hành lễ trỉa hạt lúa dân làng kéo nhau thành từng đoàn người lên rẫy mang theo các lễ vật hiến tế. Sau khi chủ làng khấn vái cầu mong thần lúa và các vị thần linh phù hộ cho hạt lúa nhanh nảy mầm, mùa màng xanh tốt, mùa sau đạt năng suất cao hơn vụ trước thì dân làng cùng nhau nhảy quanh luống nương được chọn làm nơi hồn lúa trú ngụ, họ vừa khiêng con vật hiến sinh vừa nhảy theo nhịp điệu của cồng chiêng. Đi đầu là người đàn ông trung niên đeo chiếc trống trước bụng vừa vỗ trống vừa múa. Bằng động tác nhanh gọn, vừa múa vừa nhún nhanh, những cú nhãy vọt gấp, người múa thể hiện tính nóng nảy, mạnh mẽ của thần sấm nên dân làng đặt tên là ông trống. Sau ông trống là dàn chiêng mỗi chàng trai một cái chiêng cũng vừa đánh vừa nhún nhảy theo nhịp. khi âm thanh của tiếng chiêng trống vang lên thì các thiếu nữ cũng bắt đầu nhảy múa mang một vẻ thiết thực: người giống như trỉa lúa, người giống như làm cỏ có người hai tay múa giống như đang tuốt lúa. Tiếng trống, tiếng chiêng càng vang lên sôi nổi thì người múa càng dẻo dai, lúc đó mọi người như quên đi hiện tại cuộc sống. Họ lặp đi lặp lại những động tác ấy theo vòng tròn và ngược chiều kim đồng hồ. Sự hoà quyện của chiêng - trống - vũ điệu đem lại sự phấn khởi cho đồng bào. Đến khi người múa như hoà quyện với nhau thì người đàn bà, chủ lễ tức là bà chủ nóc bắt đầu thực hiện công việc thiêng liêng của mình là chọc lỗ và bỏ lúa xuống (tức là bắt đầu trỉa lúa). Đó là người đàn bà kinh nghiệm trong cuộc sống, ăn mặc khác thường trên đầu cắm các nhánh bông lau - tượng trưng cho lúa. Sau khi trỉa xong, đồng bào tiến hành rào rẫy lại. Khoảnh đất lúa thiêng là nơi hồn lúa trú ngụ trong suốt một mùa rẫy. Cây gậy chọc xong được dựng lại đó để bảo vệ hồn lúa. Lúa giống được để vào một chiếc gùi dưới chân một cây nêu và trên ngọn có cắm

bông lau tượng trưng cho cây lúa. Khi hạt giống lúa thiêng nhú mầm ra lá non thì đó là lúc chọc lỗ trỉa hạt chính thức trên đám rẫy.

Lễ hội trỉa hạt là lễ hội văn hoá cổ truyền mang đậm nét đặc trưng của các tộc người thiểu số ở Trường Sơn - Tây Nguyên, góp phần làm nên tính độc đáo trong sắc thái lễ hội của đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My nói riêng và lễ hội của các dân tộc ở Việt Nam nói chung; thể hiện tính cộng đồng trong sự cộng hưởng về hội mùa và cầu phúc.

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 71 - 73)