Phong tục tập quán trong cộng đồng làng, nóc

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 51 - 53)

B. NỘI DUNG

2.3.1.Phong tục tập quán trong cộng đồng làng, nóc

Plơi của người Ca Dong ở huyện Bắc Trà My tương đương với đơn vị làng của người Việt, là đơn vị tổ chức xã hội cơ bản, là những công xã láng giềng nguyên thuỷ hiện còn phổ biến dẫu có thay đổi chút ít theo cách tổ chức làng hiện nay, hoặc trước đó trong thời nhà Nguyễn có thực thi một số chính sách như lập nên các các sách, các man,… nhưng thực tế thì các đơn vị xã hội cơ bản là plơi hay nóc của người Ca Dong vẫn theo kiểu tự quản là chính.

Tên làng hay tên nóc được đặt theo tên người có uy tín đứng đầu như nóc ông Sách, nóc ông Nót,… hay được đặt theo tên con sông, con suối chảy qua làng. Mỗi làng phân định bằng con suối, cánh rừng, tảng đá lớn, đỉnh núi, … làng có nguồn nước chung, khu rừng nghĩa địa, vùng núi săn bắn, ngôi nhà sinh hoạt chung,… Tất cả những thứ đó được xem là sở hữu chung của cộng đồng làng, ai cũng có quyền sử dụng. Các gia đình thoả thuận với nhau về phạm vi nương rẫy của mình muốn khai phá và phạm vi đó thuộc gia đình quản lý trên cơ sở sự quản lý của làng. Người dân trong làng đều có quyền tự do săn bắn, đánh cá, hái lượm trong làng mình, trừ khu vực rừng đầu nguồn và bãi chăn nuôi. Như vậy chúng ta thấy đây là tài sản có tính chất chiếm hữu công xã trong khi việc sử dụng mang tính chất cá thể. Trong làng, một tập quán trong cách cư trú là các gia đình thành viên (các nóc, các bếp ) đều ở kề cận nhau để tối lửa, tắt đèn có nhau, có miếng thịt thú rừng gọi nhau uống rượu, có con thú dữ vào làng gọi nhau, đánh nhau,… [13; 60].

“Người Ca Dong chưa có sự phân hoá giai cấp” [34; 195]. Nên người đầu làng chỉ là người có uy tín được các trưởng nóc hay trưởng các gia đình

cử ra. Đối với người Ca Dong ở Bắc Trà My, vai trò của chủ làng rất quan trọng, thậm chí dân làng Ca Dong xem ông giống như một vị thần linh. Bởi vì trong nhiều hoạt động của làng, của gia đình như làm nhà, phát rẫy, trỉa lúa, thu hoạch lúa, ăn tết mùa,… lúc nào người già làng vẫn là người tiến hành trước, khoảng một hoặc hai ngày sau người dân mới bắt đầu việc của gia đình (như khi trỉa lúa người chủ làng trỉa đầu tiên, người dân trong làng cùng đi trỉa lúa cho người chủ làng và hôm sau mới dám đi trỉa cho gia đình mình). Bên cạnh đó người chủ làng cũng có quyền lợi, nghĩa vụ như dân làng. Tuy nhiên, phần lớn người chủ làng bên cạnh tự thân mình lo toan cuộc sống của gia đình mình thì vẫn thường được dân làng dành cho sự ưu ái hơn trong việc giúp sức, giúp công khai phá đất đai, làm rẫy, dựng nhà,… nên thông thường người chủ làng có nhiều của cải, ưu thế phát triển sản xuất.

Người Ca Dong cho rằng, nếu làng xử sự đúng đắn, giữ gìn tục lệ nghiêm minh thì được thần linh phù hộ. Nếu làng làm việc gì đó không phải thì sẽ bị thần linh trừng phạt và biểu hiện của sự trừng phạt đó là sự mất mùa, dịch bệnh,… Hiện tượng không tốt đó xảy ra, trách nhiệm tất do toàn làng, nhưng người có trách nhiệm lớn nhất là chủ làng. Nên khi có hạn hán, mất mùa,… người chủ làng phải đứng ra cúng cầu xin các thần linh buông tha. Nếu đã cúng, năm sau lại mất mùa thì cách giải quyết độc nhất là thay người chủ làng. Dân làng họp cúng xin các thần linh và cử một chủ làng khác lên thay. Để cử vị chủ làng mới, người Ca Dong cũng dùng tục lệ thử ốc như trong lập làng.

Mặc dù chưa có những luật tục thành văn nhưng đã có tập tục truyền miệng từ đời này sang đời khác làm tiêu chuẩn cho những quan hệ xã hội, như: con gái có chồng một năm sau ngày cưới mới được có con, nếu vi phạm bị đuổi ra khỏi làng. Tội chữa hoang càng nặng hơn, bị phạt nặng lại còn bị đuổi vào rừng sâu.

Đối với dân làng, tội nặng nhất chưa phải là tội chết mà là tội bị đuổi ra khỏi cộng đồng và lúc sống cũng như lúc chết, linh hồn sẽ bị hắt hủi, bơ vơ không nơi nương tựa. Trong plơi các thành viên phải sống ngay thực, không dối trá lừa lọc, phải đùm bọc giúp đỡ nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Nếu người nào vi phạm những quy định trên sẽ bị cả làng ghét bỏ và đuổi ra khỏi làng. Chính vì vậy mà những của cải quý giá như chiêng, ché, trâu, bò,… trong làng không bao giờ bị mất. Đây là điểm đáng quý nhất ở đồng bào Ca Dong.

Trong một plơi cũng có người giàu, người nghèo, nhưng người giàu không phải do bóc lột mà là do lao động mà có. Sự tích luỹ của cải của người giàu thường là những vật mang tính phi sản xuất như: chiêng, ché, nồi đồng, … Người giàu muốn được danh giá trọng vọng phải tổ chức ăn uống linh đình để khao làng, có nhiều cồng chiêng để phô bày.

Tinh thần tương trợ trong làng, nóc rất tự nguyện và chân thực. Mọi người sống với nhau phải tương thân tương ái. Chẳng hạn khi săn được thú rừng, mọi người trong làng đều được chia phần. Hay khi gia đình nào tổ chức lễ đâm trâu thì các gia đình trong làng ai có cái gì (gạo, trầu cau, chè,…) và nhất là công sức để giúp đỡ. Khách đến chơi đều được đón tiếp ân cần nồng hậu, dù là khách mà chủ làng có trách nhiệm đón tiếp hay khách riêng của một nhà, người dân làng đều coi có nhiệm vụ góp vui và giúp đỡ chủ làng với những món ăn ngon, ché rượu quý để mời khách. Dù đồng bào còn nghèo khó nhưng họ không bao giờ để cho khách bụng đói mà ra về, họ làm điều này với một tâm trạng vui vẻ, thoả mái. Đây cũng là tục lệ tốt đẹp từ bao đời nay của người Ca Dong.

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 51 - 53)