Lễ hội cúng máng nước

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 77 - 81)

B. NỘI DUNG

3.2.1. Lễ hội cúng máng nước

Ở huyện miền núi cao Bắc Trà My, người Ca Dong sống thành từng plơi. Mỗi plơi bao giờ cũng có một máng nước (lang tak) để thực hiện nghi lễ cúng máng nước (xem phụ lục 7). Lễ cúng máng nước là một lễ hội quan trọng của đồng bào Ca Dong. Theo truyền thống người Ca Dong thì tổ tiên là nguồn nước (bến nước) đó. Vì vậy, lễ cúng máng nước ở đây rất được coi trọng.

Mùa thu hoạch xong, sau lễ ăn cơm mới phố biến ở các dân tộc, người Ca Dong chuẩn bị cho những tháng nghỉ ngơi. Bắt đầu, họ tổ chức sửa sang

máng nước và làm lễ cúng máng nước. Đối với người Ca Dong ở huyện Bắc Trà My cũng như Nam Trà My, mùa lễ hội chỉ thực sự bắt đầu khi đã tổ chức lễ cúng máng nước. Mặc dù lễ cúng này không được tổ chức với quy mô lớn và thời gian dài như lễ mừng lúa mới và lễ đâm trâu, tuy nhiên cúng máng nước là một phần không thể thiếu trong lễ hội của đồng bào. Đối với đồng bào, máng nước là một thứ rất quý, nó không chỉ là dụng cụ phục vụ sinh hoạt bình thường, hơn thế nó là vật tượng trưng cho cả làng, sự bình an hay bệnh dịch, sự no đủ hay nghèo đói, nó là nơi linh thiêng biểu hiện cho sự thịnh vượng và thống nhất của làng. Bởi thế cúng máng nước luôn là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng mang nhiều ý nghĩa: cầu xin cuộc sống hạnh phúc, sức khoẻ và củng cố đoàn kết cộng đồng. Ngoài những nghi lễ cúng tế Yàng, thần linh, ông bà, tổ tiên,… ăn uống, vui chơi tại nhà của chủ làng, người Ca Dong còn tổ chức ăn uống, vui chơi riêng ở từng gia đình, từng nóc.

Để có những lễ vật cần thiết dâng lên cúng Yàng, ông bà, tổ tiên, thần linh, hội đồng già làng phân công cho từng bộ phận dân làng, hoặc từng nóc vào rừng săn bắt chim, thú rừng và hái nhặt các loại rau, quả rừng, ốc, cua, cá ở các khe suối nhưng không được dùng ná hay bẫy thò (nắck) [36; 106]. Tục lệ này còn thấy ở các cư dân Môn - Khơme ở miền Bắc. Mục đích là diễn lại cuộc sống hái lượm, săn bắt thuở xa xưa của tổ tiên. Vì trong thời gian diễn ra lễ cúng máng nước, mọi người đều kiêng đi rẫy, đi rừng săn bắn, đi suối đánh cá, không ai được ra khỏi làng, khách khứa cũng không được đến chơi và đặc biệt trống chiêng phải được gióng lên liên hồi không nghỉ [7; 57]. Có thể đây cũng là hình thức thể hiện sự tôn trọng, chung sống hoà bình của con người nơi núi rừng này với thiên nhiên, cuộc sống quanh họ trong những giây phút thiêng liêng của cộng đồng.

Thông thường lễ cúng máng nước diễn ra trong 3 ngày, 3 đêm dưới sự điều khiển của chủ làng. Trước lễ phải chủ làng huy động mọi người trong

làng sửa sang lại máng nước, dọn dẹp sạch sẽ những nơi có máng nước đi qua, nhất là ở đầu nguồn nước. Đây là lễ cúng máng nước lớn theo chu kỳ 5 năm một lần. Trong lễ cúng, cồng chiêng được đánh thông suốt. Bởi một đặc điểm chung của các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My nói riêng thì cồng chiêng không những đã trở thành vật thiêng liêng trong các gia đình - một nhạc cụ được gắn chặt với nhưng nghi thức cúng tế trong đời sống văn hoá tinh thần của họ mà còn là phương tiện để trao truyền thông tin, tập hợp cộng đồng:

“Ơ các con! Hãy đánh lên cho tiếng chiêng bay tới chín tầng trời, lọt qua sàn tới tận bảy tầng đất, cho lan qua phía Tây tới người Lào buôn voi, vọng sang phía Đông lọt tai người Kinh buôn muối. Báo cho mọi người nhà Đam San có việc” (Trường ca Đam San).

Trong ngày đầu, mọi người vẫn tiếp tục sửa sang lại máng nước, trong khi chủ làng cử ra 6 người chia làm hai nhóm để lo việc cúng bái do thầy cúng đảm trách. Một lễ cúng được thực hiện theo đường dẫn nước, thầy cúng tay cầm chén rượu vừa đi vừa lẩm nhẩm khấn vái những câu đại ý như: xoa đuổi những điều không may, các thứ ô uế không được lại gần máng nước,… Một lễ cúng được thực hiện tiếp theo tại bến nước có sự tham gia của chủ làng. Trong khi chủ làng làm lễ, thầy cúng sẽ làm phép trừ tà đuổi ma khỏi bến nước, lễ vật bao gồm: các con vật sống (lợn hoặc gà) và một chén rượu lớn. Trước tiên, vị chủ làng khuyên nhủ, gởi gắm con vật hiến tế, mong muốn nó sẽ đem lại sinh khí cho làng, sau đó mới đem cắt tiết. Máu của nó được hoà vào rượu để cúng. Cúng xong ông đem chén rượu đó đổ vào máng nước cầu mong cho nước về thật nhiều, cho dân làng no ấm khoẻ mạnh. Máu con vật hiến sinh sẽ theo thần Nước chảy xuống tận cuối máng nước ở plơi. Nơi đó những người ở nhà đã đợi sẵn để đón thần Nước. Lúc này, mọi người trong làng lấy nước đó dùng sẽ trừ được mọi bệnh tật, thần Nước sẽ phù hộ cho dòng nước mãi tinh khiết, trong sạch, cho bát cơm dẻo, bát canh ngọt và cho

tâm hồn con người luôn thanh thản. Bởi người Ca Dong tin rằng lúc này sinh khí của thần núi, thần đất và vật hiến tế sẽ truyền vào cho mọi người. Cuối ngày, cả làng kéo về nhà chủ làng nấu cơm mới và uống rượu cần.

Sang ngày thứ hai, lễ cúng được thực hiện ở từng nóc nhà (gia đình). Để báo hiệu cho mọi người biết lúc này trong làng đang có lễ cấm đi lại, ở mọi ngã đường trong làng đều buộc dây treo bông gòn hay lông gà ở giữa đường đi. Có lẽ theo quan niệm của đồng bào, bông gòn tượng trưng cho dòng suối mát tinh khiết, còn lông gà là một dấu hiệu riêng của đồng bào không thể thiếu trong lễ cúng máng nước.

Ngày thứ ba, cả làng thực hiện một lễ cúng chung. Lễ vật chỉ gồm một chén rượu và một con gà trống tơ chưa gáy. Cúng xong, mọi người đi tháo dỡ những vật báo cử ở các ngã đường sau đó tập trung nhau tại nhà chủ làng (vì ở người Ca Dong không có nhà Rông) cùng với những thứ mang theo như: rượu, cơm lam,… Theo tập tục, mỗi gia đình, mỗi nóc có bao nhiêu thành viên thì phải có chừng ấy ống cơm lam, rượu mang đến để chung vui trong hội này. Vào thời điểm này, bếp lửa nhà chủ làng luôn đỏ bập bùng. Đợi cho mọi người đông đủ chủ làng chúc cho mọi người được khoẻ mạnh, mùa màng năm tới bội thu, gia đình không ốm đau bệnh tật,… “lời cầu chúc của ông đi từng nóc nhà, đến từng công cụ lao động, các vũ khí săn bắn, cho đến các chồng gia súc” [24; 292]. Sau khi đã thực hiện những nghi thức, tín ngưỡng đặc biệt theo đúng truyền thống của cộng đồng Ca Dong, đồng bào cùng nhau ăn uống, ca hát, nhảy múa,…

Lễ cúng máng nước khép lại bằng cuộc vui kéo dài đến sáng. Đêm đó, trai gái Ca Dong tha hồ trò chuyện, hát đối, giao duyên, tìm hiểu nhau, còn những người lớn tuổi thì có dịp quây quần hát cho nhau nghe, kể lại cho con cháu nguồn gốc tổ tiên, ông bà. Tất cả những luật tục quan trọng được nhắc lại như là những lời khuyên có tính răn đe với mọi thành viên trong làng

nhưng thật chí tình, nhằm giúp thế hệ trẻ biết để tuân thủ mà giữ gìn mình, bảo vệ, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, cộng đồng làng, nóc.

Lễ hội cúng máng nước của người Ca Dong là sự kết hợp hài hoà giữa cuộc sống đời thường và thế giới tâm linh, là một biểu tượng sinh động của tín niệm vạn vật hữu linh, giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào. Mở ra khoảng thời gian nông nhàn cho mùa lễ hội của năm, trước khi bước vào vụ mùa mới. Lễ cúng máng nước trong vai trò là điểm nối giữa chu kỳ sản xuất và mùa lễ hội, vừa có ý nghĩa giúp cho người dân quên đi những khó khăn vất vả hay hưởng trọn niềm vui một vụ mùa bội thu đã qua, vừa hướng con người tới những ước vọng, niềm vui, sức sống mới của một mùa lễ hội đang chờ đón họ.

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w