Phong tục tập quán trong hoạt động kinh tế lâm nghiệp

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 33 - 39)

B. NỘI DUNG

2.1.2. Phong tục tập quán trong hoạt động kinh tế lâm nghiệp

* Nghề trồng quế

Cây quế có vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Ca Dong, nó là một “cây thiêng”, nhưng đồng thời cũng rất gần gũi với đồng bào trong cuộc sống (xem phụ lục 2). Quế là một đặc sản quý “Trà My cao sơn ngọc quế” [4; 185] và là một nguồn lợi lớn, vì thế từ xưa đã luôn bị bọn phong kiến thống trị cũng như bọn thực dân đế quốc nhòm ngó tới. Sách “Đại Nam nhất

thống chí” đời Nguyễn, phần chép về tỉnh Quảng Nam cho biết “dân vùng

này mỗi năm phải nộp ba thanh quế thượng hạng” [22; 437]. Thời chính quyền Sài Gòn, vợ chồng Ngô Đình Nhu đã cho mở một con đường xuyên núi Răng Cưa nối liền hai huyện Trà My (Quảng Nam), sang Trà Bồng (Quảng Ngãi) để khai thác quế nhưng bị thất bại thảm hại [25; 189].

Thông thường cứ khoảng tháng 5 dương lịch, khi công việc trỉa lúa đã vãn, người dân bắt đầu vào rừng lượm hạt quế về ươm giống rồi đem trồng. Một sự quan tâm lớn của đồng bào đối với cây quế trong thời gian còn non là chống sâu bệnh phá hoại. Khi phát hiện có sâu, đồng bào thường báo cho nhau biết chặt cành sâu và dùng tay bắt sâu cho quế. Đồng thời tổ chức lễ cúng chim trừ sâu quế. Đấy là một loại chim có ích và trừ sâu quế rất hiệu quả. Lễ vật trong lễ cúng này chỉ gồm một con gà nhỏ, một chén rượu nhạt đặt dưới gốc quế bị sâu, chủ trì buổi lễ là người chủ làng. Lời nhắc nhủ như sau: “Hỡi chim trừ sâu quế của núi rừng! Hỡi thần linh! Làng tôi có con gà

nhỏ, chén rượu nhạt cùng mời chim, mời các thần linh về ăn, ôi các thần! Hãy để cho quế tôi được tốt. Hãy về đây hàng trăm con, về kín cả trời và ăn hết loài sâu ác đã làm hư hỏng rẫy quế chúng tôi!...” [4; 190]. Khi quế đến tuổi lột vỏ, đồng bào bắt đầu đi thu hoạch, để vào cái chòi ở ngoài rẫy và chờ ngày đem trao đổi hay bán. Theo phong tục, người Ca Dong không mang quế vào nhà, phụ nữ có tháng, có mang không được đi ngang vườn quế. Trước kia, mỗi nhà có một chòi chứa quế (như kiểu chòi lúa) dựng cạnh vườn quế, có khi cách nhà ở một hai ngày đường. Nơi đây đồng bào có đặt bàn thờ các thần linh để nhờ thần linh trông nom, chăm sóc quế.

Nhìn chung, trồng quế vốn là một nghề có truyền thống từ lâu đời ở vùng đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My gắn với nhiều nghi thức nghi lễ để bảo vệ cho cây quế phát triển xanh tốt. Nhờ quế mà họ sắm được trâu, bò, chiêng, ché, công cụ sản xuất, đồ may mặc, muối mắm,… Đây là một sự ưu đãi của thiên nhiên dành cho đồng bào, nhưng đó cũng là kết quả của quá trình lao động của con người nơi đây.

* Săn bắt, hái lượm, đánh cá

♦ Săn bắn: Vũ khí săn bắn của đồng bào có nhiều loại như: súng kíp, ná, bẫy thú,… Bẫy thì vô cùng phong phú, thích hợp với nhiều loại thú, chim khác nhau nhưng phổ biến là dùng con mồi, dùng thức ăn để nhử thú. Những loại vũ khí này tuyệt đối những người đàn bà trong gia đình không được cầm đến. Có thể đồng bào cho rằng phụ nữ chỉ biết việc nương rẫy: tỉa lúa, trồng rau,… còn công việc săn bắn họ không hề biết đến, đây lại là những vũ khí nguy hiểm không cẩn thận sẽ bị đâm trúng. Hoặc cũng có thể là một sự kiêng kỵ của đồng bào, người phụ nữ không được sờ vào dụng cụ đi săn của đàn ông, nếu không sẽ mang đến điều không may, và người đàn ông sẽ không săn được con thú nào.

Công việc đi săn là của người đàn ông trong các gia đình, những thanh niên khoẻ mạnh, thông hiểu địa bàn rừng núi. Hoạt động săn bắt là hoạt động

diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhất vào mùa giáp vụ, mùa đông, lúc nông nhàn (tháng 8, 9, 10), khi trên rẫy hoa màu bắt đầu nẩy hạt. Trong hoạt động săn bắn, đồng bào rất chú trọng đến kinh nghiệm, nhất là đối với hình thức săn tập thể. Hình thức truyền thống này huy động nhiều người tham gia, đòi hỏi tính tổ chức cao và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng với công năng của từng loại vũ khí. Trước hết, phải họp làng bàn bạc, tổ chức cúng tế, sau đó cử người có kinh nghiệm, giỏi phán đoán đi thám thính. Sau khi nhận được tình hình chủ làng sẽ quyết định số người tham gia, vũ khí nên dùng, cách bố trí mai phục theo địa hình dốc hay bằng.

Khi săn được một con thú lớn như heo rừng, hưu, gấu,…

đồng bào tổ chức lễ cúng tạ ơn các vị thần rừng, thần núi,… đã cho dân làng có được cái ăn. Theo đồng bào, một năm nếu được mùa thì sẽ săn được khoảng 20 con thú. Khi săn được con thú, đồng bào lấy sọ và sừng của thú đem buộc trên một cái cây dành riêng để treo đầu thú nằm dọc trên nóc nhà, phía trên bếp lửa lớn khi họ đã làm lễ cúng tạ ơn và xin được treo lên. Trên mỗi đầu thú có đánh dấu kí hiệu bằng than để biết được đó là con thú thứ mấy (như con thú thứ hai thì có 2 gạch). Theo họ đó là bằng chứng để con ma biết được khi cho săn được con thú họ đã làm lễ cúng tạ ơn rồi và con ma đó sẽ không bắt bẻ nữa. Chỉ trong trường hợp sửa nhà mới hoặc phải dời nhà đi nơi khác, không có điều kiện mang theo thì họ mới mang đầu thú đem bỏ sâu trong rừng. Vì sợ bỏ gần quanh nhà, con cháu đi lại lỡ giẫm phải thì thần linh sẽ quở phạt, gia đình sẽ không săn được thú nữa. Khi lấy đầu thú xuống họ cũng phải lấy gà cúng xin mới được mang xuống đem đi bỏ. Đồng bào treo đầu tất cả các con thú, trừ đầu con dúi12 và con mang13.

Hiện nay, do diện tích rừng bị thu hẹp, các thú rừng trở nên khan hiếm nên hoạt động săn bắn có giảm. Nhưng do nhu cầu kinh tế, trong đồng bào Ca 12 Theo truyền thuyết, con dúi là nguyên nhân khiến anh em người Ca Dong phải bất đồng, li tán.

Dong vẫn còn một số hộ gia đình đi rừng săn bắn, đặt bẫy, hay lùng bắt các loài động vật quý hiếm.

♦ Hái lượm: Núi rừng Bắc Trà My có nhiều loài rau rừng, trái cây rừng, cua ốc,… đặc biệt quen thuộc với đồng bào là rau ranh, rau môn dốc. Song vào mùa mưa hái rau thường bị ngứa rát và nhiều vắt… nên người Ca Dong thường đi hái rau nhặt quả vào mùa nắng. Công việc này thường do phụ nữ, trẻ em tiến hành khi đi làm rẫy, đi nhặt củi hay đi đường. Rau xanh, ốc đá được hái lượm từ rừng suối là món ăn không biết ngán của người Ca Dong. Bên cạnh đó, rau ranh nấu với gạo nếp giã nhuyễn, môn dốc là món canh giải rượu không bao giờ thiếu trong các dịp lễ tết của đồng bào. Ở người Ca Dong, đồng bào thường đi bẻ đót vào khoảng cuối tháng một, lúc này đót không quá già cũng không quá non, lấy mật ong vào khoảng thời gian hoa rừng nở rộ, cây cối đâm hoa kết trái nên ong thường cho nhiều mật, hái măng quanh năm nhưng tốt nhất là trước mùa mưa bão,… Ngoài những quy định mang tính kỹ thuật là những quy định mang tính tâm linh. Cũng giống như người Cơtu, người Ca Dong quan niệm đất rừng cây cối đều có hơi thở và sự sống, cung như đó là những gì thuộc về thần linh, cho nên muốn chặt cây, săn thú đều phải làm lễ cáo với Yàng (thần linh). Lễ vật cúng thường chỉ là một con gà. Đối với các loại cây bị sét đánh hay có hình dạng quái dị thì không được động đến. Nếu không sẽ bị thần linh trách phạt.

♦ Đánh cá:

“Ai về nhắn với nậu nguồn

Mít non gửi xuống cá chuồn gởi lên”

Hình như cá chuồn (và các nguồn cá biển khác) chỉ được đưa lên ở các nguồn khác. Chứ không phải là nguồn Trà My (cũ). Trên thực tế, xưa kia các loại thực phẩm mà người miền xuôi đưa lên vùng người Ca Dong chỉ có muối

mà hầu như không có cá biển. Có lẽ vì người Ca Dong ở quá xa trong đại ngàn. Tuy không có cá biển, nhưng hằng ngày trong các bữa ăn, dịp lễ tết của đồng bào không khi nào vắng mặt các loại cá rô, cá niên,… từ sông suối.

Sinh sống giữa rừng núi trùng điệp mà xen kẽ vào đó là những khe suối, sông, nơi tụ họp của nhiều loài tôm, cá, cua,… đã trở thành những món ăn phổ thông nhất của đồng bào. Tuy nhiên, người Ca Dong coi sông suối là nơi trú ngụ của thần nước. Vì vậy không được làm bẩn nguồn nước như vứt rác, xác súc vật xuống sông, nơi cúng thần nước. Đồng bào quy định, chỉ đánh bắt cá bằng đơm, lao, đó. Họ tin rằng nếu dùng các chất độc hại sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, thần nước sẽ tức giận mà xua cá đi hết. Trường hợp có lễ hội cộng đồng, đồng bào được phép dùng thuốc làm từ cây rừng nhưng phải được sự đồng ý của làng. Hàng năm cộng đồng làng tổ chức lễ cúng thần nước, thần suối. Vật phẩm cúng gồm gà, xôi, sau đó chủ làng xin keo nếu thần đồng ý thì mọi người mới được xuống nước đánh cá. Khi bắt được nhiều cá, nhất là loài cá to như cá Chình thì đồng bào làm lễ cúng tạ ơn thần linh. Thường công việc đánh cá chỉ do người đàn ông đảm nhận.

Nhìn chung, nghề đánh cá là nghề thứ yếu, tuy không được nhiều nhưng góp phần cải thiện và làm phong phú thêm bữa ăn hàng ngày của đồng bào.

* Nghề thủ công

♦ Đan lát: Ngoài hoạt động nông nghiệp người Ca Dong ở Bắc Trà My còn tiến hành một số nghề thủ công như: đan lát, rèn dụng cụ,… chủ yếu để phục vụ dụng cụ cho gia đình, một phần đem trao đổi mua bán. Để có được kinh nghiệm trong công việc này ngoài việc kế thừa của ông cha người Ca Dong còn tiếp thu những yếu tố mới, học hỏi từ những tộc người xung quanh.

Trong những ngày không quá bận rộn việc rừng rẫy, độ vào khoảng tháng 6 đến tháng 8 âm lịch người Ca Dong thưòng ở nhà tranh thủ đan lát chuẩn bị cho một mùa vụ thu hoạch mới. Sản phẩm của nghề đan khá phong

phú như: mẹt, rổ rá, dụng cụ đánh bắt tôm cá,… Trong đó có những sản phẩm đồng bào không được phép dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà chỉ dùng trong các dịp lễ, theo lời kể của bà Trần Thị Sữa (thôn 4, Trà Bui) người Ca Dong chỉ dùng cái têu (gùi nhỏ) trong dịp đi tuốt lúa thiêng, ngoài ra không được phép dùng trong các hoạt động khác.

♦ Rèn công cụ: Trong cuốn “Văn hoá truyền thống của người Cor” của tác giả Cao Chư có nói: “Hầu hết những công cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt, vũ khí phòng vệ, như rìu rựa, dao, giáo mác, gươm kiếm,… đều phải mua. Người Cor ở vùng cao thường mua từ người Ca Dong hay Xơ Đăng. Xưa kia người Xơ Đăng hay Ca Dong có nghề nấu quặng và rèn đúc công cụ sắt khá phát triển, có chất lượng cao” [6; 161]. Chứng tỏ nghề rèn đúc công cụ của người Ca Dong rất phát triển, chất lượng, với nhiều loại sản phẩm khác nhau: dao, rựa, lưỡi rìu “Công cụ bằng sắt do nhóm Ca Dong nói riêng và dân tộc Xơ Đăng nói chung luyện rèn rất sắc bén, không bị rỉ, da luôn giữ được màu trắng đục” [6; 161].

Trong sách còn có đoạn viết: “Rất tiếc rằng ngày nay nghề này đã không được bảo tồn” [6; 162]. Ngày nay, đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My chỉ rèn những công cụ chủ yếu phục vụ cho cuộc sống lao động của họ bằng quặng sắt mua từ các vùng khác. Rèn công cụ là công việc của người đàn ông Ca Dong, họ không cho phép phụ nữ tham gia công việc này, họ quan niệm người phụ nữ sờ vào thì công cụ sẽ không còn sắc bén nữa.

♦ Dệt vải: Bên cạnh đan lát là nghề thủ công chủ yếu, đồng bào Ca Dong xưa kia còn biết dệt vải để may khố. Trong chuyện cổ của dân tộc Co có chuyện về cây thần kể rằng: “Thuở xưa, có một cây thần của thần Mặt Trời quanh năm xanh tốt. Một lần nọ, cây tự nhiên héo khô. Các dân tộc đến đó cũng lấy phép. Người Xơ Đăng láng giềng đến sớm nhất hái được những bông hoa về thêu váy sặc sỡ. Kế đó người Ca Dong đến chậm hơn một chút, lấy được cái lá dệt ra tấm vải làm khố. Người Co đến muộn, cây hầu như chỉ

còn lại trơ thân” [16; 141]. Người Co giải thích vì thế mà: “Ngày nay người Xơ Đăng biết thêu thùa rất đẹp, người Ca Dong biết dệt vải” [12; 141]. Như vậy chứng tỏ xưa kia người Ca Dong có nghề dệt vải. Ngày nay, đồng bào Ca Dong ở Bắc Trà My không tự dệt vải nữa mà mua trang phục từ các tộc người người xung quanh như Xê Đăng, Kinh,...

Nhìn chung, các nghề thủ công của đồng bào Ca Dong có tính chất khép kín, bí truyền, tự cung tự cấp. Cũng như người Ca Dong ở Hiệp Đức, người Ca Dong ở Bắc Trà My các sản phẩm thủ công làm ra không bao giờ tính đến giá thành thời gian. Vì vậy không có hiện tượng làm dối trá sản phẩm để mua lợi nhuận. Đó là truyền thống của cha ông, cũng là tiêu chuẩn để đánh giá mặt đạo đức, nhân cách của con người. Khi phát hiện có người nào trong làng làm dối trá sản phẩm mà đem ra trao đổi thì làng sẽ có biện pháp xử lý thích đáng.

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w