Phong tục tập quán trong trang phục và sinh hoạt văn hoá cồng

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 43 - 48)

B. NỘI DUNG

2.2.2.Phong tục tập quán trong trang phục và sinh hoạt văn hoá cồng

chiêng

14 Cây rơn là cây cột chính trong nhà, đồng bào quan niệm đây là nơi thần linh về trú ngụ. Vì vậy, khi diễn ra bất kỳ lễ cúng nào trong nhà, mâm cúng phải đặt tại cột cây rơn này.

* Trang phục

Người Ca Dong có sự phân biệt rõ ràng giữa trang phục ngày thường và trang phục lễ hội biểu thị thái độ nghiêm túc, cách ứng xử và tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng trong những sự kiện hệ trọng có liên quan đến đời thường và liên quan đến toàn thể cộng đồng.

Trong cuộc sống đời thường, đàn ông Ca Dong thường đóng khố, ở trần. Có thể nói khố thể hiện khá rõ cách ứng xử, ăn mặc của đồng bào Ca Dong: đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng trong hoạt động săn bắn, đi rừng, làm rẫy, chặt cây, đánh cá,… Chiếc khố là một phần quan trọng trong tập quán ăn mặc của các dân tộc miền núi vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung và người Ca Dong nói riêng. Phụ nữ cũng thường mặc váy cởi trần khi trời nóng bức hay khi lao động trong nhà.

Ngày thường khái niệm ăn mặc đẹp với họ hoàn toàn xa lạ bởi người Ca Dong quanh năm đầu tắt mặt tối “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, nên khi ta nhìn vào trang phục của họ không thấy có gì đặc sắc và ấn tượng. Thế nhưng được đến dự một ngày hội của đồng bào ta không khỏi ngỡ ngàng trước những bộ trang phục của những chàng trai cô gái nơi miền núi cao này (xem phụ lục 3). Bởi họ quan niệm, đây là ngày có mặt đông đủ các vị thần linh, trước các vị thần họ phải chỉnh tề, ăn mặc đẹp thể hiện sự tôn trọng các vị thần linh. Khố lễ của người Ca Dong hình chữ T được quấn ngang thắt lưng qua háng, hai đầu tấm vải thả xuống gần mắt cá chân. Bên cạnh chiếc khố, người Ca Dong khoác lên mình một tấm choàng trong một số nghi thức. Bộ y phục ngày lễ của phụ nữ khá hoàn chỉnh gồm áo chui đầu, không xẻ cổ, ngoài ra họ còn quấn một tấm vải ngang ngực thường chỉ có hai màu là đen và đỏ nhằm mục đích bó ngực. Đồng thời mặc váy, thực chất đó là một tấm vải được quấn quanh thân dưới người mặc. Người Ca Dong luôn dùng màu chàm đen làm màu chủ đạo trên trang phục của mình. Bởi đồng bào quan niệm rằng “màu chàm đen màu của đất, màu đỏ là màu của mặt trời” [7; 63].

Trong các tác phẩm của Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII cũng coi màu chàm và nâu là hai màu y phục phổ biến nhất của dân tộc ta và màu chàm cũng là hình thức thích ứng màu sắc của con người với môi trường núi rừng.

Cũng giống như ở mọi nơi khác, người Ca Dong có tập tục làm cho mình đẹp thêm, duyên dáng thêm bằng cách đeo nhiều đồ trang sức lên người (xem phụ lục 4). Bên cạnh làm đẹp, đeo đồ trang sức cũng là một hình thức tín ngưỡng của con người nơi đây. Người Ca Dong đòi hỏi các đồ trang sức phải nhiều và nặng, kiềng đeo cổ bằng đồng giống như cái gông, nhiều người còn trang trí thêm vuốt hổ hay nanh con heo rừng, những chiếc vòng đôi khi đầy kín cả cánh tay, những chiếc vòng cuốn bằng bạc hay đồng cuốn quanh hai chân, từ mắt cá lên đến bắp chân. Số lượng vòng ở cánh tay, cổ chân không phải để khoe giàu mà là để tạo âm thanh cho vui, để những âm thanh đó vọng đến thần linh trong những điệu nhảy. Phụ nữ thích đeo ở cổ, tay, tai những chiếc kiềng làm bằng hạt cườm với nhiều màu sắc sặc sở tô điểm thêm vẻ đẹp của họ.

Những trang phục đẹp đẽ cùng với những trang sức quý này đồng bào chỉ sử dụng trong dịp lễ hội, nếu họ sử dụng trong ngày thường sẽ bị cộng đồng coi là kiêu ngạo. Quan trọng hơn, những trang phục này mang ý nghĩa tâm linh chỉ được sử dụng trong ngày hội còn ngày thường không được chạm đến, nếu làm sai sẽ bị thần linh trừng phạt bằng cách làm cho người đó thấy luôn mệt mỏi, nhứt đầu, đau bụng,…

* Sinh hoạt văn hoá cồng chiêng `

Nói đến cồng chiêng là nói đến nét đẹp văn hoá của các tộc người Tây Nguyên nói chung và người Ca Dong nói riêng. Nếu như lễ hội là đỉnh điểm hội tụ phô diễn những sắc thái văn hoá có khả năng cộng cảm, cố kết cộng đồng được đánh dấu bằng những ngọn nêu cao vút và đánh dấu bằng lời chiêng trong đêm tối, thì đến lượt mình chiêng thể hiện sức mạnh tập hợp

cộng đồng, chuyển tải và lưu giữ cái thiêng, tạo sự phấn khích, thăng hoa tâm nguyện của con người. Phong tục tập quán của người Ca Dong rất phong phú và đa dạng trên mọi lĩnh vực như: trồng trọt, hôn nhân, tang ma,… và phong tục trong sinh hoạt văn hoá cồng chiêng là một trong những khía cạnh đó.

Chiêng trước hết là phụng sự cho thần, làm vừa lòng thần, giải bày tâm tư nguyện vọng của con người trong các nghi lễ. Vai trò của chiêng rất lớn nên phong tục tập quán trong sử dụng cồng chiêng được quy định nghiêm ngặt và chặt chẽ. Khi diễn tấu, người Ca Dong luôn tuân thủ những luật tục đã được quy định từ xưa và truyền từ đời này sang đời khác. Trước khi diễn tấu cồng chiêng người Ca Dong phải làm lễ trình ông bà, lễ vật là một con gà. Mục đích của việc làm này là gọi mời ông bà về chứng giám và cầu xin ông bà hãy làm cho chiêng vang lên những âm thanh thật chuẩn đủ sức để mời gọi thần linh về nhận lấy lễ vật của đồng bào. Bởi họ quan niệm rằng: “chiêng này trước đây ông bà đã dùng rồi truyền lại cho con cháu nên trước khi đánh chiêng lên phải gọi ông bà về để họ lại được nghe những âm thanh xưa và để ông bà vui lòng vì con cháu vẫn nhớ về họ” [21; 71]. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể đánh chiêng và không phải cuộc cúng thần nào cũng có chiêng. Trong các lễ hội cũng quy định chặt chẽ sử dụng cồng chiêng vào lúc nào?, đối tượng sử dụng là ai? Theo phong tục của ông bà để lại “người Ca Dong một năm chỉ sử dụng cồng chiêng bốn lần vào các dịp: ăn trâu huê, ăn mừng lúa mới, lễ trỉa hạt và cúng kho thóc (tuỳ từng nơi) và người đàn ông được phân công đại diện cộng đồng tiếp xúc với thần linh, tổ chức các nghi lễ, khấn vái nên họ có nhiệm vụ đánh cồng chiêng còn đàn bà con gái chỉ nhảy múa mà thôi” [21; 71]. Nhưng ngày nay, bên cạnh những đội cồng chiêng nam còn xuất hiện những đội cồng chiêng vừa có nam vừa có nữ (xem phụ lục 5). Sỡ dĩ như vậy vì, âm thanh cồng chiêng ai cũng thích, được nghe âm thanh cồng chiêng ai cũng thấy hưng phấn, vui vẻ và quên đi mệt nhọc nên mọi người từ bé đến già, từ đàn ông đến đàn bà đều muốn tự tay mình đánh

lên những âm thanh tuyệt vời này. Vì thế mà ngày nay phụ nữ được phép sử dụng cồng chiêng, nhưng quyền hạn của họ vẫn còn hạn chế, trong ngày lễ họ chỉ được sử dụng cồng chiêng nhỏ và đánh điệu chậm rãi (điệu cacheo). Như vậy, âm nhạc cồng chiêng được tất cả mọi người ưa chuộng nhưng trong lễ hội họ đánh cồng chiêng vào thời gian quy định chứ không hề đánh tuỳ tiện. Chẳng hạn như: trong lễ đâm trâu, lễ hội diễn ra suốt thời gian dài từ 8 - 12 ngày nhưng đến ngày thứ 8 sau khi đã làm xong cây nêu và trâu đã được buộc vào đó thì âm nhạc công chiêng mới nổi lên, địa điểm đánh cồng chiêng trong lễ đâm trâu là quanh cây nêu, trong lễ mừng lúa mới là quanh giàn bếp.

Sau khi sử dụng cồng chiêng trong các nghi lễ, lễ hội xong, đồng bào tạ ơn thần chiêng đã ban cho những âm thanh hay bằng việc cúng gà. Chiêng được xếp gọn gàng vào một góc nhà chứ không treo lên theo phong tục ở một số tộc người khác. Nơi đặt chiêng được xem là trang trọng nhất trong ngôi nhà và không gian này trở thành không gian linh thiêng không thể xâm phạm.

Cồng chiêng là nơi thần linh trú ngụ, là phương tiện để trời đất và con người giao hoà với nhau nên những kiêng kỵ, cấm đoán trong sinh hoạt cồng chiêng cũng rất nhiều. Người Ca Dong có rất nhiều nghi lễ, lễ hội liên quan đến vòng đời của con người như cưới hỏi, tang ma,… nhưng hầu như họ rất kiêng kỵ sử dụng cồng chiêng trong những nghi lễ đó. Họ cho rằng âm thanh cồng chiêng là những âm thanh vui nhộn dùng để làm vui lòng thần linh nên không thể nào sử dụng trong tang lễ, một nơi đầy nước mắt và sự đau buồn. Tuy không đánh cồng chiêng nhưng đồng bào vẫn chia chiêng cho người chết bằng cách chôn chiêng cùng với những của cải dưới mộ nhưng chiêng không để nguyên như vậy mà đập nát ra và gối lên đầu người chết. Họ quan niệm chiêng là đồ quý, để nguyên sẽ bị trộm lấy đi nên mới làm vậy để khỏi bị cắp, để người chết hài lòng. Phong tục không dùng cồng chiêng trong đám ma của người Ca Dong ở Bắc Trà My hoàn toàn khác với nhiều tộc người ở Tây Nguyên, âm thanh cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ liên quan đến vòng

đời của con người, ở tộc người Êđê có những bản nhạc chiêng bỏ mã rất hay mà không phải nơi nào cũng có được. Trong cưới hỏi đồng bào cũng không sử dụng cồng chiêng dù đây cũng là ngày vui của cả làng. Những người già Ca Dong cũng không thể giải thích được nguyên do vì sao chỉ biết rằng đó là quy định của cha ông để lại nên không được làm trái. Ngoài ra người Ca Dong còn nhiều kiêng kỵ khác như: khi lúa bắp đang ở trên rẫy chưa đến ngày thu hoạch thì không được đánh cồng chiêng, đồng bào cho rằng hồn lúa bắp rất thích nghe âm thanh của cồng chiêng nên khi cồng chiêng cất tiếng thì hồn lúa bắp trên rẫy sẽ kéo nhau về nhà và năm đó dân làng sẽ mất mùa, không đủ gạo mà ăn. Hay trong lễ hội ăn trâu, năm đó già làng xin keo được để tổ chức đâm trâu nhưng chẳng may đến ngày đó nhà đâm trâu có người chết thì vẫn tổ chức đâm trâu nhưng không được đánh cồng chiêng,…

Nhìn chung, người Ca Dong luôn quan niệm về thần linh và lo lắng sự trừng phạt của thần linh giáng lên cuộc sống yên bình của họ. Bởi vậy không chỉ riêng trong sinh hoạt văn hoá cồng chiêng mà ở tất cả mọi hoạt động khác họ đều cúng tế thần linh trước và sau khi tiến hành công việc.

Một phần của tài liệu Phong tục tập quán và lễ hội của người ca dong ở huyện bắc trà my tỉnh quảng nam (Trang 43 - 48)