Thực trạng vi phạm bảo hộ bản quyền nhãn hiệu sản phẩm.

Một phần của tài liệu NHỮNG GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC BẢO HỘ NHÃN HIỆU SẢN PHẨM TRONG MARKETING QUỐC TẾ (Trang 51 - 56)

II. Thực trạng hoạt động bảo hộ bản quyền nhãn hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam trên các khu vực thị

1.2. Thực trạng vi phạm bảo hộ bản quyền nhãn hiệu sản phẩm.

Đánh giá về thực trạng bản quyền nhãn hiệu sản phẩm hàng hoá trên thị trường Việt Nam, một doanh nhân, nhà nghiên cứu kinh tế học người Mỹ đã nói rằng: “Trên thị trường Việt Nam, việc vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu sản phẩm xảy ra tràn lan và còn thiếu các biện pháp cưỡng chế thi hành.” Đây có lẽ là lời nhận xét tổng quát nhất về tình hình thị trường Việt Nam. Như trên đã phân tích, tình hình đăng ký nhãn hiệu hàng hoá của Việt Nam đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn, các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được quyền lợi và việc cần thiết phải được pháp luật bảo hộ bản quyền nhãn hiệu

sản phẩm của mình, bởi đây là một tài sản vô hình cực kỳ to lớn đối với nhà kinh doanh. Các đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá của người nước ngoài cũng tăng lên nhanh chóng, điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin và lạc quan vào thị trường Việt Nam. Một thị trường khá thuân lợi về sức mua, về giá nhân công, lao động và giá thành sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại rất nhiều những vấn đề cần phải được quan tâm trên thị trường này. Bỏ qua những tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khác, chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề xâm phạm bản quyền nhãn hiệu hàng hoá, hiện tượng đang có tính thời sự kinh tế trong những năm gần đây ở Việt Nam. Chúng ta có thể chia thành hai loại hình xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá là hành vi vô tình và hành vi cố ý.

Hành vi vô tình là hiện tượng nhà sản xuất không biết nhãn hiệu hàng hoá đã được đăng ký độc quyền sử dụng, nên đã vô tình sử dụng yếu tố mang tính đặc trưng hay yếu tố có thể gây nhầm lẫn giữa nhãn hiệu hàng hoá đã được bảo hộ và nhãn hiệu của mình và không biết đấy là hiện tượng vi phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Hoặc việc các nhà kinh doanh khi muốn thiết kế, vay mượn những nét hay, độc đáo trong nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng vào nhãn hiệu của họ. Đây là những hiện tượng mà người vi phạm hoàn toàn vô tình, trường hợp này việc giải quyết cũng rất đơn giản, chỉ cần chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá sản phẩm có yêu cầu người kinh doanh không được phép tiếp tục sử dụng nhãn hiệu ấy nữa. Nhưng rất tiếc sự vô tình trong kinh doanh thường rất ít khi xảy ra. Thương trường cạnh tranh gay gắt, ít ai không để ý đến các đối thủ cạnh tranh của mình, quan sát và học tập những thế mạnh của đối thủ để đề ra hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp mình. Đó là con đường kinh doanh lành mạnh. Nhưng cũng không ít trường hợp các nhà kinh doanh lợi dụng vào uy tín thanh danh của người khác nhằm phục vụ lợi cho mình. Họ cố tình xâm phạm quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá của doanh nghiệp khác. Có thể chia ra làm nhiều trường hợp, họ có thể làm giả, làm nhái hàng hoá và bê nguyên xi nhãn hiệu hàng hoá của người khác, hoặc

hiện tượng ăn cắp những nét độc đáo, riêng biệt trong nhãn hiệu hàng hoá của người khác cho nhãn hiệu hàng hoá của mình hay họ có thể sử dụng cách đặt nhãn hiệu hàng hoá tương tự để có thể gây cho người tiêu dùng sự nhầm lẫn.

Việc làm hàng giả, hàng nhái đang rất phổ biến trên thị trường Việt Nam, đặc biệt nó xảy ra với hầu hết các loại mặt hàng từ cao cấp đến bình dân, từ hàng xa xỉ đến hàng tiêu dùng thiết yếu, như vậy quy mô của nó là rất lớn. Việc làm giả, làm nhái hàng hoá đơn giản hơn rất nhiều so với hàng thật, nó được sản xuất từ những nguyên liệu rẻ tiền, kém chất lượng, không đảm bảo theo bất kỳ một tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng nào. Do đó, giá sản xuất rất rẻ thậm chí chỉ bằng một phần nhỏ so với giá sản xuất mặt hàng tốt trên thị trường. Bên cạnh đó, họ không mất một đồng nào cho việc quảng cáo, khuyếch trương tên tuổi sản phẩm doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng. Những mặt hàng hay bị nhái là những mặt hàng có nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Một điều đáng lưu ý là hàng giả, hàng nhái có thể gây nên những hiểm hoạ khó lường cho người sử dụng. Điển hình cho vấn đề này là hàng giả các chất tẩy rửa. Trong khi loại thuốc xịt gây tác hại gián tiếp đến các bộ phận sâu bên trong cơ thể con người thì các chất tẩy rửa như nước rửa chén bát, gạch men, rửa kính…lại chứa hoá chất độc hại ảnh hưởng đến làn da bên ngoài khi sử dụng chúng. Bất kể một loại chất tẩy rửa nào cũng bao gồm một số thành phần chính như: CDE (chất tạo bọt); las (chất tẩy); lsopropyl Alchol (chất khử bẩn)… thêm nữa một số chất độn, phụ gia để tạo ra đặc điểm mùi vị, trong, đậm đặc. Theo lời chuyên gia hoá chất thì các sản phẩm chất này đều gây hại đến da tay người sử dụng, nhiều hay ít phụ thuộc vào việc pha chế của nhà sản xuất. Trên thị trường bán rất nhiều hàng giả, nhái mang nhãn mác nổi tiếng như Mỹ hảo, Sunply…Đa số các cơ sở sản xuất này chỉ lấy những hoá chất trôi nổi sử dụng công thức pha chế vô tội vạ… và bán ra thị trường với giá rẻ hơn. Nhiều người tiêu dùng mua phải những chất này về sử dụng vì cứ ngỡ mình mua hàng thật. Nhưng đâu có biết “tiền mất tật mang”…

Trên đây mới chỉ là một trong số những ví dụ minh hoạ về các mặt hàng giả, còn có rất nhiều hình thức xâm phạm bản quyền nhãn hiệu sản phẩm khác nữa đang diễn ra ngày một trên thị trường Việt Nam. Mới đây, Công ty Vifon Acecook đã được Cục sở hữu công nghiệp cấp Văn bằng độc quyền kiểu dáng ngày 25/5/2002 cho sản phẩm mì ăn liền “Lẩu thái”. Thế nhưng chỉ sau 3 tháng công ty đã phải chứng kiến sự ra đời sản phẩm mì lẩu thái của công ty CPTP Thiên Hương. Theo kết luận của Cục Sở hữu công nghiệp: “Các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng bao bì Mì lẩu thái của công ty Thiên Hương gồm bát mì trong có 2 con tôm nổi bật ở trung tâm mặt trước, 2 dải hoa văn trang trí chạy dọc 2 mép gói bao đều không khác biệt cơ bản so với kiểu dáng của Công ty VIFON Acecook”. Công ty CPTP Thiên Hương không chỉ sao chép mình mặt trước bao bì mà còn sao chép cả mặt sau của bao gói với đầy đủ thành phần “bảng dinh dưỡng” Mì lẩu thái của công ty VIFON Acecook. Đây là một hiện tượng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá của người khác một cách khá táo bạo. Mặc dù Công ty VIFON Acecook đã có thông báo đến công ty Thiên Hương về sự vi phạm này, nhưng việc làm thiện chí này hầu như không có hiệu quả gì. Công ty Thiên Hương trả lời rằng công ty VIFON mới chỉ nộp đơn xin cấp Văn bằng chứ chưa có Văn bằng thực sự do Cục Sở hữu công nghiệp cấp nên đây không phải là một hiện tượng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp và vẫn tiếp tục kinh doanh mặt hàng này ở tất cả các đại lý của mình. Nhưng theo Nghị định 6/NĐ-CP ngày 1/2/2001 thì ngay sau khi đơn hợp lệ được chấp nhận thì công ty VIFON đương nhiên đã được bảo hộ tạm thời đối với mẫu bao bì xin đăng ký. Việc làm của công ty Thiên Hương thể hiện sự coi thường luật pháp.

Hay có thể kể đến hiện tượng thương hiệu nhựa CHINHUEL bị làm nhái. Gần đây trên thị trường Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh xuất hiện một số cơ sở đã mua phụ kiện từ nơi sản xuất khác để lắp ráp thành phẩm cửa tấm, cửa xốp nhựa…sau đó dán nhãn mác CHINHUEL. Những sản phẩm này đều có chất lượng màu sắc kém sản phẩm của chính hãng. Công ty nhựa

CHINHUEL đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường đến tận nơi kiểm tra chất lượng và thu hồi những sản phẩm được làm nhái.

Vụ việc “vi phạm quyền sở hữu công nghiệp” của công ty Sơn NIPPON đang là vấn đề sôi nổi. Sự việc xảy ra khi trên thị trường có cùng một lúc 2 sản phẩm sơn có tên tương tự nhau là sản phẩm mang nhãn hiệu “Super Maxilite” đã được đăng ký tại Cục Sở hữu công nghiệp của Công ty Impenrical Chemical Industries PLC (ICI) (Anh quốc) và sản phẩm sơn nước “Nippon Paint Super Maxilitex” của công ty sơn Nippon (Singapore) chưa đăng ký bảo hộ. Nhưng sự việc được tranh cãi khá quyết liệt khi Cục sở hữu công nghiệp đưa ra công văn 550/CN kết luận rằng: “Việc sản xuất lưu hành sản phẩm nhãn hiệu như khiếu nại (theo khiếu nại của ICI) là có thật và việc sử dụng nhãn hiệu đó không được sự đồng ý của công ty Imperical Chemical Industries PLC thì đó là hành vi xâm phạm bản quyền sở hữu của chủ nhãn hiệu được quy định tại Điều 805 Luật Doanh nghiệp”. Nhưng công ty sơn Nippon đã không đồng ý với quyết định của Cục sở hữu công nghiệp vì cho rằng nhãn hiệu “Nippon Paint Super Maxilite và Nlogo” hoàn toàn không có khả năng gây ra nhầm lẫn cho người tiêu dùng với nhãn hiệu của công ty khác và ngược lại. Do đó, Nippon đã khiếu nại lên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ KHCN-MT) về vấn đề này. Tuy nhiên Bộ KHCN-MT đã có quyết định số 2178/QĐ-BKHCNMT không chấp nhận khiếu nại của công ty Sơn Nippon đối với kết luận của Cục sở hữu công nghiệp. Cơ sở để Bộ KHCN- MT xác định hành vi xâm phạm này là Điều 805 Bộ Luật Dân sự và Điều 9, Nghị định 12/1999/NĐ-CP của chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Thanh tra Bộ KHCN-MT cho rằng mặc dù dấu hiệu mà công ty sơn Nippon gắn lên mặt trước của hộp sơn là toàn bộ dấu hiệu “Nippon Paint Super Maxilitex và Nlogo” nhưng dấu hiệu Super Maxilitex đóng vai trò nhãn hiệu được trình bày nổi trội tại mặt trước cùng với nó, nhãn hiệu thùng sơn ghi trên mặt sau (trên phần tính năng, công dụng) chỉ đề “Super Maxilitex”. Do “gắn nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu được

bảo hộ lên bao bì sản phẩm của mình” nên “việc sử dụng nhãn hiệu “Super Maxilitex” trong trình bày phối hợp “Nippon Paint Super Maxilitex và Nlogo” cũng như trình bày độc lập “ Super Maxilitex” trên sản phẩm sơn của Nippon Paint Việt Nam là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của chủ nhãn hiệu hàng hoá đang được bảo hộ”. Thực tế là trên sản phẩm “Nippon Paint Super Maxilitex” của ICI cũng có biểu tượng ICI Paints trên mặt trước thùng sơn. Cả hai biểu tượng “Nlogo” của Sơn Nippon và ICI Paints của công ty ICI đều là nhãn hiệu nổi tiếng và đã được đăng ký bảo hộ. Như vậy, chỉ nhìn hộp sơn nhiều ý kiến cho rằng “Nippon Paint Super Maxilitex” là sản phẩm của công ty sơn Nippon và “Super Maxilite” là của công ty ICI, không thể có chuyện nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá. Đó là chưa kể đến sự khác nhau hoàn toàn về kiểu dáng, hình ảnh, màu sắc, cách trình bày… trên 2 sản phẩm sơn này. Hiện giờ, vụ việc này đã trình lên Thủ tướng Chính phủ, theo Văn bản số 5858/VPCP-KG ngày 30/11/2001 thì Văn phòng chính phủ đã có ý kiến chỉ định Bộ Thương Mại chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết vụ việc này theo quy định của pháp luật.

Trên đây là các ví dụ điển hình về tình hình nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Việt Nam.

Một phần của tài liệu NHỮNG GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC BẢO HỘ NHÃN HIỆU SẢN PHẨM TRONG MARKETING QUỐC TẾ (Trang 51 - 56)