II. Các giải pháp nhằm nâng cao hoạt động đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.
2. Biện pháp vi mô phát triển bảo hộ bản quyền nhãn hiệu.
2.1. Khuyến khích doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường trong nước.
trường trong nước.
Một trong những nguyên nhân của xung đột nhãn hiệu hàng hoá Việt Nam trên thị trường trong nước là việc các doanh nghiệp Việt Nam lơ là đăng ký nhãn hiệu hàng hoá ngay trên chính thị trường của mình. Luật Việt Nam quy định việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá căn cứ vào việc đăng ký nhãn hiệu trước chứ không phải là việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá đó trước. Do đó, để bảo vệ thương hiệu hàng hoá của mình doanh nghiệp nên chú ý tới việc đăng ký nhãn hiệu với Cục sở hữu công nghiệp càng sớm càng tốt. Một khi đã xây dựng được cho mình nhãn hiệu hàng hoá thì doanh nghiệp phải bảo vệ nhãn hiệu của mình bằng pháp luật. Nếu doanh nghiệp không đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, thì khi một người khác sử dụng nhãn hiệu này cho sản phẩm của
họ, doanh nghiệp sẽ chẳng thể làm gì để đòi lại nhãn hiệu cho mình. Mặc dù, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, và việc xây dựng một nhãn hiệu hàng hoá rất tốn kém nhưng một khi đã xác định kinh doanh lâu dài, doanh nghiệp vẫn nên đầu tư, xây dựng nhãn hiệu riêng cho chính mình và đăng ký nhãn hiệu ấy với Cơ quan chức năng.
Mặt khác, doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ thương hiệu của mình ngay cả khi đã đăng ký chúng. Doanh nghiệp hãy chú ý tới một số biện pháp:
Doanh nghiệp tổ chức việc theo dõi tình hình mua bán những sản phẩm cùng loại trên thị trường, kịp thời phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng biết những sản phẩm có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời các doanh nghiệp phải chủ động trong việc phối hợp với các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường trong việc tuyên truyền hàng thật, hàng giả; cung cấp mẫu hàng thật, hàng giả; hỗ trợ kinh phí trong đấu tranh chống hàng giả của doanh nghiệp mình.
Theo dõi, phát hiện các chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm, nộp đơn khiếu nại và cung cấp chứng cứ xác thực về hành vi xâm phạm cho các cơ quan có thẩm quyền.
Doanh nghiệp cũng cần lưu trữ đầy đủ bằng chứng sử dụng thương hiệu trong hoạt động thương mại. Khi gặp tình trạng tranh chấp thương hiệu, doanh nghiệp có thể sử dụng các bằng chứng thương hiệu đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi từ trước để giành quyền về mình. Các bằng chứng sử dụng rộng rãi có thể được Cục sở hữu công nghiệp chấp nhận là bằng chứng sử dụng liên tục từ trước, ví như mẫu bao bì có ghi ngày sản xuất từ trước, giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm. Có thể dùng cả kết quả doanh số, mạng lưới đại lý, số lần và chi phí với mẫu quảng cáo trên các phương tiện đại chúng.
Một khuyến cáo khác đối với các doanh nghiệp là doanh nghiệp nên đưa điều khoản về thương hiệu vào tất cả các Hợp đồng đại lý, liên doanh liên kết, thay đổi tổ chức công ty, trong quan hệ công ty mẹ với công ty con. Bởi
hiện nay, tình trạng các đại lý, đối tác liên doanh liên kết lạm dụng, tìm cách nẫng tay trên thương hiêu khá phổ biến. Vì thế việc đưa các điều khoản về vi phạm sử dụng, phạm vi nhượng quyền, cấm đăng ký tại một nước thứ 3, bắt buộc phải thông báo trước và phải được chính chủ chấp nhận trước khi sử dụng thương hiệu trong bất cứ trường hợp nào là cần thiết để ngăn ngừa các hành vi lạm dụng và là bằng chứng khi xảy ra tranh chấp.