II. Các giải pháp nhằm nâng cao hoạt động đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.
2. Biện pháp vi mô phát triển bảo hộ bản quyền nhãn hiệu.
2.4. Doanh nghiệp nên sớm nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Thế giới đang tiến tới một thị trường chung không biên giới. Các doanh nghiệp ra sức cố gắng xác định vị trí của mình trên thị trường thế giới. Nếu trước đây doanh nghiệp chỉ cần nghĩ đến việc xây dựng nhãn hiệu hàng hoá trên một thị trường cụ thể, thì ngày nay trước xu hướng phát triển kinh tế thế giới nhãn hiệu toàn cầu đã là một đòi hỏi cấp thiết. Các công ty như Coca- cola, Microsoft, Mercedes, Sony, Toyota…sẽ không phải nghĩ gì đến tên nhãn
của mình khi xâm nhập vào bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Nhãn hiệu này đã thực sự trở nên quen thuộc với mọi người trên thế giới. Họ đã khắc phục được tất cả khó khăn về sự khác biệt văn hoá của các thị trường khác nhau trên thế giới. Kết quả là giá trị thương hiệu của các nhãn hiệu hiệu này lên đến hàng chục tỷ USD. Như vậy thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của việc xây dựng chiến lược nhãn hiệu toàn cầu.
Cái gì tạo nên thành công của một chiến lược nhãn hiệu toàn cầu? Có lẽ yếu tố đầu tiên phải nghĩ đến, đó là chính chất lượng hàng hoá có thoả mãn những tiêu chuẩn quốc tế hay không, thứ đến là những yêu cầu của nhãn hiệu ấy có đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế hay không, rồi mới đến sự tác động của chiến lược quảng cáo khuyếch trương nhãn hiệu. Thật không đơn giản khi muốn xây dựng thành công một nhãn hiệu quốc tế. Doanh nghiệp phải cân đối nguồn lực tài chính của mình, và chắc chắn công việc này đòi hỏi một thời gian tương đối dài.
Việt Nam mới bắt đầu nền kinh tế thị trường trong một thời gian ngắn, nên doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế gặp không ít khó khăn về kinh nghiệp kinh doanh, về năng lực quản lý, về công nghệ…đặc biệt là về tài chính. Nhưng không phải chỉ nghĩ đến bất lợi mà quyên đi mục tiêu chính của chúng ta là hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng những bước đi chiến lược cho mình. Việt Nam cũng có những công ty làm ăn có hiệu quả và rất có tiềm năng. Một trong những gương mặt xuất sắc nhất của doanh nghiệp Việt Nam là hãng cà fê Trung Nguyên. Hiện nay, Trung Nguyên đang thực hiện dự án cải tổ hệ thống nhượng quyền thương hiệu và quốc tế hoá thương hiệu Trung Nguyên. Theo đó, Trung Nguyên sẽ thực hiện cải tổ theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo hình ảnh riêng cho thương hiệu của mình. Tiêu chuẩn mới được Trung Nguyên đưa ra là ngoài nguyên liệu, hương liệu, cách bài trí cho đến phục vụ đều nhất loạt như nhau cả trong và ngoài nước, phong cách Tây Nguyên sẽ là ý tưởng chủ đạo, sự khác nhau duy nhất giữa các quán cà fê Trung Nguyên chỉ là địa điểm mà thôi.
Tóm lại, Doanh nghiệp Việt Nam nên nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sức cạnh tranh sản phẩm lên tầm cỡ quốc tế, thực hiện toàn cầu hoá nhãn hiệu sản phẩm của mình…Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.