II. Các giải pháp nhằm nâng cao hoạt động đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.
1. Các giải pháp vĩ mô.
1.2. Hoàn thiện cơ cấu thực thi hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Việc bảo hộ bản quyền phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền. Để thực hiện tốt công tác bảo hộ bản quyền nhãn hiệu sản phẩm, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp cụ thể cho chính công việc của mình, làm sao phát huy được một cách tốt nhất quyền hạn của mình để thực hiện được các vai trò của mình.
Cục Sở hữu công nghiệp là cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp bằng cách cấp văn bằng, thay đổi văn bằng (đình chỉ, huỷ bỏ, chuyển giao, gia hạn), phối hợp với cơ quan nhà
nước khác thực hiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà nước, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Điều 13 Nghị định 12/CP-ND quy định Cơ quan sở hữu công nghiệp chỉ có ý kiến về hành vi xâm phạm theo yêu cầu của các Cơ quan thực thi (giám định). Trong giai đoạn hiện nay do hiểu biết còn nhiều hạn chế của các cơ quan thực thi cũng như tính chất phức tạp của các nghiệp vụ về nhãn hiệu hàng hoá là đòi hỏi khách quan để các Cơ quan này cùng phối hợp với Cơ quan sở hữu công nghiệp trong việc cung cấp thông tin và chia sẻ kiến thức.
Cơ quan sở hữu công nghiệp địa phương là cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp địa phương có chức năng can thiệp vào các vụ vi phạm sở hữu công nghiệp để giúp cơ quan trung ương giải quyết vụ án.
Cơ quan đăng ký chất lượng sản phẩm thực hiện thủ tục đăng ký chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc nước ngoài trong đó bao gồm cả việc gắn nhãn sản phẩm. Việc bắt buộc đăng ký chất lượng sản phẩm lên nhãn cho phép truy tìm nhà sản xuất nhanh nhất, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chủ sở hữu.
Cơ quan hải quan kiểm hoá hàng hoá xuất nhập khẩu có nhiệm vụ chứng minh tính hợp pháp nhãn hiệu hàng hoá đó trong sản xuất tại việt nam và nhập khẩu vào trong nước hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Để hoàn thành nhiệm vụ phức tạp này, Hải quan cần chú trọng những vấn đề sau.
(1) Xây dựng bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ tại cơ quan Tổng cục Hải quan cũng như tại các Hải quan địa phương với trách nhiệm cụ thể và các thẩm quyền cần thiết. Hệ thống các bộ phận chuyên trách này cần được trang bị các thiết bị thông tin đảm bảo thông tin nhanh chóng, kịp thời trong nội bộ cũng như với các cơ quan chuyên trách như Cục sở hữu công nghiệp, các Sở khoa học, công nghệ và môi trường. Ngoài ra, hệ thống các bộ phận chuyên trách này còn cần phải có một cơ sở dữ liệu đảm bảo cho việc theo dõi, so sánh việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá có nhãn hiệu đã đăng ký và đã có yêu cầu Hải quan bảo hộ
(2) Đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao và nhận thức đúng đắn về vấn đề bảo hộ bản quyền nhãn hiệu.
(3) Thiết lập các quan hệ công tác chặt chẽ với các cơ quan khác trong hệ thống sở hữu trí tuệ, đặc biệt với Cục sở hữu công nghiệp.
(4) Xây dựng cơ chế yêu cầu bảo hộ bao gồm cả bảo hộ theo yêu cầu dài hạn và yêu cầu đối với từng vụ việc cụ thể và thiết lập các quan hệ công tác thiết thực với các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ giúp cho việc xây dựng và vận hành cơ quan chuyên trách về sở hữu trí tuệ của Hải quan có hiệu quả nhất
(5) Hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ được kinh nghiệm của Hải quan các nước trong vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ bản quyền nhãn hiệu hàng hoá nói riêng.
Quản lý thị trường là lực lượng chuyên trách từ trung ương tới địa phương được quyền yêu cầu số liệu, tài liệu, tình hình liên quan tới vấn đề vi phạm. Kiểm tra hiện trường nơi sản xuất, cất giấu hàng hoá, tang vật vi phạm, lập biên bản vi phạm, áp dụng các đề nghị ngăn chặn theo thẩm quyền (NĐ 10-CP ngày 23/1/1995). Kết hợp chặt chẽ công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với công tác chống buôn lậu, trong đó chống buôn lậu qua biên giới các mặt hàng giả, kể cả bao bì, nhãn mác, linh kiện, phụ tùng giả. Với chức năng quản lý đó góp phần ngăn chặn xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Lực lượng Quản lý thị trường phải tích cực nâng cấp năng lực, trình độ kiến thức chuyên môn để thực thi một cách có hiệu quả hơn quyền sở hữu trí tuệ. Việc thống nhất quy trình kiểm tra, xử lý hàng vi phạm sở hữu công nghiệp trong toàn lực lượng cũng rất cần thiết.
Cảnh sát kinh tế có chức năng điều tra giúp sở hữu công nghiệp thu thập thông tin, chứng cứ và xác định người vi phạm trong trường hợp chủ sở hữu không thu thập được chứng cứ trên thị trường. Sự can thiệp kịp thời của cảnh sát kinh tế ngăn chặn việc vi phạm nhãn hiệu tại Việt Nam.
Toà án nhân dân đóng vai trò rất lớn trong việc ngăn chặn và răn đe các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Vai trò này chưa được phát huy đầy đủ. Rất ít các tranh chấp về sở hữu công nghiệp được đưa ra xét xử ở toà án. Có thể do nguyên nhân tâm lý ngại ra toà của các doanh nghiệp Việt Nam, và do việc thụ lý vụ án thường tốn nhiều thời gian hơn. Các chủ sở hữu ở Việt Nam thường giới hạn ở yêu cầu chấm dứt tình trạng xâm phạm mà không yêu cầu bồi thường thiệt hại nên việc xử lý hành chính có vẻ có hiệu quả hơn. Mặc dù vậy, việc can thiệp của toà án cũng là rất cần thiết, đã đến lúc nên thay thế yêu cầu bằng mệnh lệnh của cơ quan có thẩm quyền đòi hỏi phải chấm dứt tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Toà án Nhân dân tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong việc trao đổi thông tin, giám định chuyên ngành. Trước hết là Cục sở hữu công nghiệp và các Sở khoa học, Công nghệ và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm tạo điều kiện cho Toà án Nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.