6. Bố cục của luận văn
3.3. Nhận xét so sánh về quá trình thực hiện và những điều chỉnh trong
dân Pháp ở Việt Nam
Thực dân Anh, Pháp đều là những đế quốc thực dân tiêu biểu trong hệ thống thực dân kiểu cũ, vì vậy trong chính sách cai trị đối với thuộc địa đã có nhiều điểm chung giống nhau. Tương tự, về vấn đề văn hóa, xét ở khía cạnh ngôn ngữ cũng vậy. Mục đích chung của các nước đế quốc đối với thuộc địa của mình đều là: “về văn hoá - xã hội: thực hiện chính sách ngu dân đối với đại đa số quần chúng nhân dân, chỉ đào tạo một bộ phận nhỏ tầng lớp phục vụ cho chính quyền...” [74; 189]. Trong quá trình thực hiện chính sách truyền bá văn hóa ngôn ngữ, chính quyền hai nước thực dân Anh và Pháp bên cạnh những chính sách đã được đề ra thì chúng đã hết sức linh hoạt trong việc điều chỉnh các chính sách đó để nó phù hợp hơn với hoàn cảnh, sự biến đổi trong từng giai đoạn của mỗi nước, cũng như phù hợp hơn với sự phát triển của thời đại. Tuy nhiên, chính sách thực dân của cả Anh và Pháp đều có những điều chỉnh để phù hợp với từng loại thuộc địa, nhằm đạt được những mục đích khác nhau.
Như chúng ta đã biết, chính quyền thực dân Anh ở Ấn Độ là chính quyền cai trị trực tiếp còn Đông Dương thuộc Pháp là xứ bảo hộ. Thêm vào đó, đặc điểm của chủ nghĩa tư bản Anh là sự phát triển mạnh mẽ về thương nghiệp và công nghiệp, còn chủ nghĩa tư bản Pháp tuy cũng có trình độ công thương nghiệp cao song nguồn lời chính của họ lại từ tư bản ngân hàng, và
hoạt động cho vay nặng lãi. Hai lối kinh doanh đó tạo nên hai cách tư duy khác nhau, tầm nhìn khác nhau, do đó chính sách khác nhau.
Trong quá trình thiết lập được nền thống trị thực dân ở Ấn Độ từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX, thực dân Anh luôn có những điều chỉnh về chính sách. Khả năng linh hoạt của người Anh trong việc đối phó với phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ là không thể phủ nhận. Những cải cách, những đạo luật mới luôn được các viên Toàn quyền, sau đó là các Phó vương chú ý. Một mặt, những đạo luật này góp phần củng cố nền thống trị, phục vụ nhu cầu phát triển của chủ nghĩa tư bản chính quốc nhưng mặt khác đó là các biện pháp chống trả, xử lý những phản ứng của người dân thuộc địa, thực sự là những liều thuốc “an thần”, xoa dịu sự căng thẳng trong tinh thần người dân Ấn Độ. Cũng chính vì vậy, Ấn Độ là thuộc địa mà chính sách của Anh có những nhân nhượng nhất, là thuộc địa Anh duy trì được lâu nhất sự thống trị của chủ nghĩa thực dân.
Thực dân Pháp với bản tính bảo thủ vốn có, muốn kìm giữ thuộc địa trong thế phụ thuộc vĩnh viễn, nhằm mục đích khai thác và bóc lột thuộc địa, chứ không hề có ý định xây dựng, nên chúng đã tiến hành chính sách “ngu dân” để dễ bề cai trị; việc truyền bá văn minh và ngôn ngữ Pháp chỉ được thực hiện ở tầng lớp trên của xã hội bản xứ. Lớp trí thức tân học này được đào tạo và trở thành hệ thống tay sai cho chính quyền thực dân, làm công cụ truyền bá tư tưởng nô dịch vào quần chúng nhân dân, chứ không muốn hoặc rất hạn chế trong sự điều chỉnh các chính sách cho hợp lý để cải thiện hoặc xoa dịu sự đấu tranh của nhân dân thuộc địa, hoặc có bị ép buộc điều chỉnh thì chỉ tiến hành một cách nhỏ giọt có tính chất lừa bịp để mở rộng chỗ dựa xã hội. Thỉnh thoảng mới có một vài chính sách và điều chỉnh từ phía chính quyền thuộc địa của thực dân Pháp, tuy nhiên lại không được tiến hành một cách kịp thời và thực hiện không đến nơi, đến chốn. Chính sách mà chúng đề ra chủ yếu là áp đặt mà không quan tâm đến nguyện vọng, cũng như có chút ít
nhân nhượng quyền lợi cho nhân dân thuộc địa. Nền hành chính bảo thủ và quan liêu của Pháp ở Việt Nam hầu như không “mở cửa” cho các trí thức tân học như của thực dân Anh đối với Ấn Độ.
Mặt khác, đặc trưng của dân tộc Ấn Độ là có khả năng thích ứng nhanh với những biến động. Trong suốt chiều dài của lịch sử, đất nước Ấn Độ đã nhiều lần chịu sự đô hộ của các thế lực ngoại bang. Tuy nhiên, người Ấn luôn biết cách để chấp nhận, tiếp nhận và thậm chí là đồng hoá ngược trở lại với các nền văn minh khác. Chính tư bản Anh đã nhận thức được điều đó, đã khai thác được “gót chân Asin” này để đồng hoá dân tộc Ấn Độ. Kế hoạch “The Minute” của Macaulay đã được các thế hệ trẻ tuổi người Ấn tiếp nhận một cách phấn khởi. Họ đua nhau học tiếng Anh thậm chí quên mất rằng, quốc ngữ và những ngôn ngữ bản địa của họ đang bị Anh ngữ nhấn chìm. Thực dân Anh đã thành công trong việc gieo cấy nền văn minh phương Tây lên một nền văn minh truyền thống cổ xưa [73, 182].
Còn dân tộc Việt Nam, cũng là một nước có nền văn hiến lâu đời, truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân. Cũng như Ấn Độ, đất nước Việt Nam lúc bấy giờ cũng là một nước đã từng nhiều lần phải chống trả các cuộc chiến tranh xâm lược của phong kiến phương Bắc. Suốt 1000 năm dưới sự đô hộ và thống trị của nhà Hán với âm mưu “đồng hóa” vẫn không thể thu phục hoàn toàn dân tộc Việt. Truyền thống tự lực tự cường và đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc đã trở thành nét đặc trưng của người dân Việt Nam. Chính vì vậy, nếu như ở Ấn Độ có khả năng thích nghi và đồng hóa trở lại dân tộc xâm lược, để họ ở lại nơi đây cùng hòa nhập với văn hóa Ấn, tạo nên sự đặc sắc cho văn hóa Ấn Độ. Thì ở Việt Nam, với ý thức dân tộc cùng những phong tục, tập quán có từ xa xưa cũng như sự bảo thủ ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Ngay từ buổi đầu, dân tộc Việt đã có ý thức bảo vệ và chống lại ý định “đồng hóa” của thực dân Pháp. Ở đây, cần khẳng định một điều rằng: người Việt Nam không khó khăn trong
việc tiếp thu những giá trị văn hóa từ bên ngoài, nhưng sự tiếp thu đó phải có chọn lọc và trên tinh thần tự nguyện, không có sự ép buộc. Thế nên, đứng trước sự áp đặt có phần bảo thủ của thực dân Pháp, cũng như những điều chỉnh không hợp lý và có những hạn chế trong chính sách văn hóa ở Việt Nam, đã chưa khích lệ sự phát triển ở thuộc địa; do đó đã không nhận được sự hợp tác từ nhân dân ta để tạo ra môi trường thuận lợi cho quá trình khai thác và bóc lột của họ. Vì vậy, các chính sách đề ra đa phần đều thất bại, càng về sau càng không nhận được sự ủng hộ của nhân dân thuộc địa. Thế mới có ý kiến cho rằng: các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa của Pháp có phần mạnh mẽ và triệt để hơn các thuộc địa của Anh. Và cũng chính vì vậy mà trong chính sách “ra đi để ở lại” của thực dân Anh với ý đồ của chủ nghĩa thực dân mới vẫn được các nước thuộc địa cũ của Anh ủng hộ nhiều hơn là các thuộc địa cũ của thực dân Pháp. “Chính sự cứng nhắc, mối ràng buộc quá mạnh mẽ của thực dân Pháp khiến các dân tộc Đông Dương và các thuộc địa khác không thể tin vào “nước mẹ Pháp” và muốn giành độc lập hoàn toàn” [74; tr.194].