6. Bố cục của luận văn
1.2.2. Cơ sở thực hiện chính sách truyền bá Anh ngữ ở Ấn Độ
1.2.2.1. Cơ sở đề ra
Với các giai đoạn khác nhau, tiếng Anh đã được truyền bá và phát triển ở Ấn Độ thông qua hàng loạt những chính sách cụ thể phù hợp với mỗi giai đoạn cai trị khác nhau của Công ty Đông Ấn và sau đó là chính phủ thực dân mà đứng đầu là Nữ hoàng Elizabeth.
Chính sách đầu tiên được soạn thảo bởi Charles Grant vào năm 1792, với những nội dung được truyền bá đầu tiên bằng tiếng Anh ở Ấn Độ là giáo lý đạo Kitô nhưng cũng thông qua đó phổ biến những kiến thức về thành tựu văn hoá, kinh tế và xã hội của cộng đồng. Theo Grant, tiếng Anh và nền giáo dục phương Tây chinh phục Hindu giáo nhưng cuối cùng nhằm mục đích về thương mại và chính trị. Vì thế ông ta đã đề nghị chính phủ Anh đẩy mạnh hơn nữa việc giới thiệu tiếng Anh ở Ấn Độ. Quan điểm này đã thể hiện trong Tuyên bố đổi mới (The charter Renewal) được ban hành năm 1813. Theo đó, pháp luật Anh đã công nhận nghĩa vụ và quyền hạn của Công ty trong việc truyền bá những kiến thức cho người Ấn, và lực lượng được tín nhiệm không chỉ là các nhà truyền giáo nữa mà còn có các nhà phương Đông học người Anh. Công ty đã sử dụng các nhà truyền đạo như là “thế lực đại diện để làm bất cứ những gì phải làm trong khi Công ty thì say đắm với thương mại còn Chính phủ thì tham vọng bành trướng đế chế” [71].
Kế hoạch thứ hai mang tên “The Minute” được Huân tước Macaulay - thành viên thứ nhất của Hội đồng quản trị của Toàn quyền và giám đốc của Uỷ ban truyền bá công cộng, thông qua vào ngày 2 tháng 2 năm 1835. Nó được xem như là “Bản Tuyên ngôn của giáo dục tiếng Anh ở Ấn Độ”. Kế hoạch này được toàn quyền Huân tuớc William Bentinck công nhận vào ngày 7 tháng 3 năm 1835. Macaulay đã tấn công một cách mạnh mẽ vào hệ thống kiến thức và văn hoá, vào ngôn ngữ và văn học, vào cả tôn giáo của người Ấn. Từ đó truyền bá văn hoá, cũng trên các mặt: ngôn ngữ, văn học và tôn giáo. Theo ông, đó là “trung tâm về mặt văn hoá của Đế chế và sự bành trướng thương mại của Công ty” [84; tr.32].
Sau W.Bentinck, Huân tước Auckland, làm toàn quyền Ấn từ năm 1836 đến năm 1842. Ông tiếp tục đi theo “lối đi” của Macaulay. Tiếng Anh và nền giáo dục bằng tiếng Anh tiếp tục được củng cố đến năm 1850 với phong trào nói tiếng Anh phát triển ở một số nơi. Năm 1853, Công ty Đông Ấn Anh đã ra
bản Hiến chương mới trước khi nghị viện Anh có sự thay đổi. Năm 1854, Charles Wood, sau này được biết đến là Huân tước Halfax, đã ra một thông báo quan trọng, văn kiện này thỉnh thoảng vẫn được gọi là “Đại Hiến chương” của giáo dục tiếng Anh ở Ấn Độ. Đây là sự trình bày chính sách đầu tiên của Chính phủ Anh và EIC về giáo dục. Lý luận của Wood khác hơn rất nhiều so với “The Minute” của Macaulay, nó đưa ra những cơ sở có sức thuyết phục để những chính sách giáo dục của Anh được chấp nhận ở Ấn Độ.
Đặc biệt đến thời kỳ tiếp quản của Nữ hoàng, dưới sự cai trị của các Phó vương Ấn Độ, chính sách phát triển ngôn ngữ được cụ thể hơn qua hàng loạt bài phát biểu về vấn đề cơ hội tìm kiếm việc làm năm 1901, thành lập các trường đại học vào năm 1902, và đáng chú ý là bản Nghị quyết về giáo dục của chính phủ Huân tước Curzon vào năm 1904 về độ tuổi và điều kiện để có thể được học tiếng Anh.
Năm 1913, với sự cố vấn của Gokhale, Chính phủ đã ra tiếp một Nghị quyết mới về giáo dục. Văn bản này tiếp tục khẳng định vị trí của giáo dục Anh ngữ khi hạn chế việc truyền bá thổ ngữ. Những chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi để tiếng Anh ngày một phát triển ở Ấn độ và dần trở thành quốc ngữ của dân tộc này.
Như vậy, với hàng loạt những chính sách được đề ra của thực dân Anh ở Ấn Độ nhằn thực hiện mục đích biến Ấn Độ thành một “Đế chế Anh ngữ”. Tuy nhiên nếu những chính sách này chỉ được đưa ra trên lý thuyết mà không được tiến hành một cách kiên quyết trong thực tế, cũng như không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân Ấn Độ thì kết quả đạt được cũng chỉ là những con số không đáng kể.
1.2.2.2. Cơ sở thực hiện
Ấn Độ trước khi thực dân châu Âu xâm nhập đã hình thành nền văn hoá đặc sắc với những ngôn ngữ dân tộc phong phú và đa dạng. Theo dòng chảy của lịch sử, cùng với sự xâm nhập của các thế lực ngoại bang, ở tiểu lục
địa này đã xuất hiện các loại ngôn ngữ mà sự tồn tại và phát triển của nó còn tuỳ thuộc vào sự đồng thuận của văn hóa bản địa.
Tiếng Anh đã xuất hiện ở đây với những từ ngữ và khái niệm mới. Những khái niệm đó đã trở nên phổ biến khi người Anh thiết lập được ách cai trị thực dân lên thuộc địa Ấn Độ. “Những người Ấn Độ trẻ tuổi dường như bị lôi cuốn bởi quan điểm mới, chủng tộc mới. Họ nghĩ rằng đây là thời kỳ văn hoá phục hưng ở Ấn Độ. Họ đổ xô tới các lớp học tiếng Anh, bắt đầu viết thơ, văn và các bài nghiên cứu bằng tiếng Anh và báo chí xuất bản cho họ” [71]. Một số đã thông thạo tiếng Anh và hiểu sâu sắc văn học Anh, điều mà “thậm chí không thể có được ở châu Âu”. Báo chí tiếng Anh đã được xuất bản từ năm 1780 đến 1795 ở Calcutta, Madras và Bombay và đến thời điểm này chúng cũng khuyến khích người Ấn viết tiếng Anh.
Rất nhiều người dân Ấn có yêu cầu về việc học Anh ngữ và tiếp nhận nền giáo dục Anh. Giai cấp cầm quyền có “đủ khôn ngoan để khuyến khích họ”. “Yêu cầu và sự mở rộng tự nhiên”, như cách nói của một nhà sử học Ấn.
Sự mở rộng ở mức cao nhất các trường Anh ngữ cho thấy tiếng Anh đã được người Ấn yêu thích và tiếp nhận. Báo, tạp chí, sách, xuất bản phẩm bằng tiếng Anh, được mang đến từ Anh quốc đã phổ biến trong cộng đồng người bản xứ. “Người Ấn trẻ bắt đầu thích thú mọi thứ liên quan đến nước Anh và châu Âu; họ đến nước Anh vì mục đích giáo dục và thương mại hoặc đơn giản chỉ vì tò mò” [71].
Tiếng Anh được dạy đầu tiên của thuộc địa Anh là tại Ấn Độ, thậm chí ở chính nước Anh cũng chưa được giảng dạy. Anh ngữ lần đầu tiên được đề cập đến như là một môn học ở Anh vào năm 1828. Vào thời kỳ này, ở Anh, học văn nghĩa là học một số quyển sách vĩ đại bằng ngôn ngữ kinh điển Hy Lạp và Latinh.
Các chính sách cụ thể lần lượt ra đời, nhưng nó không chỉ dừng lại ở lý thuyết nó đã được thực hiện trong thực tế. Bản nghị quyết đã trở thành chính sách thực hiện của Chính phủ. Sau 1902, nhiều trường đã thay đổi đúng như
quy định, chỉ dạy Anh ngữ khi học sinh được 13 tuổi, từ cấp giáo dục trung học trở lên. Nhiều trường bắt buộc học sinh bắt đầu học thổ ngữ vào năm 8 hoặc 9 tuổi, trước khi tiếp nhận ngoại ngữ. Chính sách này đã thúc đẩy sự phát triển các ngôn ngữ dân tộc ở Ấn, ở các cấp tiểu học, cơ sở, cấp giữa tiểu học và trung học.
Một cơ sở thực tế thuận tiện cho sự phát triển của Anh ngữ nữa là các cuộc chiến tranh. Chiến tranh, không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu mà còn ảnh hưởng cả vấn đề ngôn ngữ. Tiếng Anh trở thành một “hiện tượng ngôn ngữ toàn cầu”. Binh lính nói tiếng Anh ở khắp thế giới và như là kết quả của sự ảnh hưởng toàn cầu, tiếng Anh đã có những biến đổi. Ở Ấn Độ, có nhiều loại Anh ngữ kết hợp với Ấn ngữ như Cantonment English, Butler English, Bearer English và Bazaar English, tất cả là kết quả của sự ảnh hưởng từ quân đội, đặc biệt từ những vùng đóng quân.
Như vậy, với chính sách đúng đắn và có sự điều chỉnh kịp thời và hợp lý qua các thời kỳ của thực dân Anh, cùng với sự quyết tâm thực hiện một cách triệt để trong thực tế. Cũng như sự tiếp nhận nhiệt tình từ phía người dân Ấn Độ, những điều kiện khách quan thuận lợi đã trở thành những cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn cho chính sách phát triển ngôn ngữ của tiếng Anh ở Ấn Độ.