Sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc Pháp và mục đích truyền bá

Một phần của tài liệu Nghiên cứu so sánh chính sách truyền bá ngôn ngữ của thực dân anh ở ấn độ và thực dân pháp ở việt nam luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 65 - 69)

6. Bố cục của luận văn

2.2.1.Sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc Pháp và mục đích truyền bá

bá văn hóa Pháp vào thuộc địa

2.2.1.1. Sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc Pháp

Từ thế kỷ XV - XVII, lịch sử thế giới đã chuyển sang lấy châu Âu làm trung tâm với những biến đổi đáng chú ý: Thứ nhất là cuộc đại phát kiến địa lý, thứ hai là cuộc cách mạng tinh thần “phong trào văn hóa Phục hưng”, thứ ba là cải cách tôn giáo cùng với chiến tranh nông dân Đức trở thành hai trào lưu tôn giáo xã hội quyết liệt nhất. Hệ quả của nó là sự xuất hiện “ba làn sóng ở giai đoạn tiếp sau: thứ nhất, là cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra lực lượng sản suất nhiều hơn và đồ sộ hơn, thứ hai là sự tiếp nối phong trào Phục hưng bằng những cuộc cách mạng trên lĩnh vực trí tuệ, tinh thần, thứ ba là cuộc cách mạng chính trị xã hội đánh dấu sự thay thế hình thái kinh tế xã hội phong kiến bằng hình thái kinh tế, xã hội tư bản chủ nghĩa mà mở đầu là cuộc cách mạng tư sản Hà Lan, tư sản Anh. Thị trường thế giới được hình thành, thúc đẩy các nhân tố khác phát triển ở châu Âu, đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của các công ty hàng hải, là phương tiện hữu hiệu cho quá trình tìm kiếm và xâm lược thuộc của các nước tư bản trong giai đoạn tích lũy tư bản nguyên thủy.

Cũng là một nước châu Âu hùng mạnh nằm trong sự chuyển mình chung đó, nước Pháp dưới các triều đại Vua Herri và Louis đã có những thay đổi lớn trên tất cả các phương diện, vừa mang đặc điểm chung khu vực, vừa có những nét riêng biệt từ quá trình vận động nội tại.

Sau khi Vua Louis XIII qua đời vào năm 1643, Louis XIV kế vị và từ đây mở ra chương mới trong lịch sử nước Pháp. “Vua mặt trời” Louis XIV là mẫu hình của nhà nước chuyên chế, có quân đội mạnh, kỷ luật cao, tiềm lực quân sự vào loại bậc nhất châu Âu; kinh tế phát triển, giao thông, xuất khẩu

và công nghiệp mở rộng… Về chính sách tôn giáo, thời kỳ này nước Pháp thực hiện “một ông vua, một niềm tin” sức mạnh chính trị hơn niềm tin tôn giáo, chủ trương Pháp giáo mạnh mẽ [12; tr16].

Hơn thế, lúc bấy giờ dưới thời Vua Louis XIV nước Pháp được coi là tiêu biểu nhất cho chế độ chuyên chế, phương cách cai trị và chuyên chế kiểu Pháp đã lan sang khắp châu Âu. Các nước như Tây Ban Nha, Nga, Phổ, Áo đều dựa trên hình mẫu Pháp để xây dựng Nhà nước của mình. Việc xác lập chế độ Nhà nước Trung ương tập quyền ở Anh, Pháp cũng tác động đến sự ra đời của chủ nghĩa trọng thương. “Để thiết lập và củng cố quốc gia đòi hỏi triều đình phải chi ra nhiều tiền. Thực tế tăng thuế không phải là giải pháp khôn ngoan và hiệu quả nhất. Do vậy, ngoại thương là giải pháp hỗ trợ tích cực nhất. Cả trong thời bình và thời chiến ngoại thương đều cung cấp nguồn tài chính đầy tiềm năng. Tại những thời điểm khẩn cấp, đó là nguồn vay với lãi thấp và dễ dàng hơn cả” [12; tr17].

Trong bối cảnh kinh tế xã hội lúc bấy giờ, một nhận thức mới về vai trò thương nghiệp ở Tây Âu đã hình thành, đó chính là sự phát triển của chủ nghĩa trọng kim, chủ nghĩa trọng thương. Với sự ra đời lý thuyết kinh tế mới này, một mặt nó là sự tiếp nối của chính sách Bullionisn, mặt khác trong thời đại mới nó cũng là sự phủ định lý thuyết kinh tế đó và coi tiền tệ là tài sản thực sự của một quốc gia, là nguồn gốc của của cải.

Ngoài những luận đề kinh tế sơ khai, vốn đã được biết đến trong giới nghiên cứu lịch sử kinh tế - cơ sở điều kiện cho việc ra đời các công ty hàng hải lớn ở thời kỳ này. Ở Pháp, chủ trương mở rộng thương mại biển và bành trướng về kinh tế đã hình thành từ thời A.E.Richelieu. Năm 1824, Rechelieu đã cho thành lập Hội đồng Hàng hải (Conseil de Marine) với nhiệm vụ ban đầu là kết hợp giữa đi biển và thương mại… rồi dần khuyến khích thành lập các công ty thương mại giống như các công ty của Hà Lan và Anh quốc. Có lẽ đây là lần đầu tiên dưới thời Richelieu, nước Pháp đã tiến hành một loạt các

hoạt động nhằm tăng cường thương mại biển. “Cũng như ở các nước châu Âu khác, từ đầu thế kỷ XVII Pháp đã thành lập các công ty hàng hải” [12, tr.19] một trong những con đường tối ưu phục vụ cho quá trình khám phá và xâm chiếm thuộc địa.

Trong bối cảnh mới, đến thời của J.B.Colbert Pháp chủ trương mở rộng thương mại biển và bành trướng về kinh tế để chinh phục các thị trường trên khắp thế giới cũng như bảo vệ hoạt động trong nước và thu lợi nhuận cao nhất, đồng thời để cạnh tranh Coblert cho thành lập các công ty thương mại và hàng hải vào hai thập niên 60 - 80 với quy mô ngày càng lớn, mang trong nó tham vọng tràn trề của Coblert: Công ty Tây Ấn thành lập 1662, hoạt động chủ yếu ở châu Mĩ và châu Phi; Công ty Đông Ấn, Công ty phương Bắc thành lập 1660, hoạt động ở Ban Tích, Nga… Công ty Đông Ấn Pháp thành lập và hoạt động ở vùng Ấn Độ Dương và Viễn Đông đã dựa theo mô hình của Công ty Đông Ấn Anh thành lập năm 1600 và Công ty Đông Ấn Hà Lan năm 1602… với sự tham gia hùn vốn của giới quý tộc. Là kết quả hoạt động của người Pháp ở hải ngoại đã thành lập nên những thuộc địa đầu tiên của Pháp, bao gồm những thương điếm ở hải ngoại thuộc vùng Saint Louis - Senegal Pondichery và các thuộc địa đông dân cư đang trong quá trình khai thác, buôn bán ở thế kỷ XVII như Louisane, Nouvelle - France ở Canada, các đảo Antilles. Trong nhận thức của Colbert thì những thương điếm ở hải ngoại tạo ra sự giàu có và sức mạnh của Nhà nước mà nó mang đến đây. Vì vậy, phải tìm mọi cách để thiết lập được các thương điếm ở khắp mọi nơi. Còn thuộc địa đối với Pháp lúc này, một mặt như một “đại thị trường bên trong” đáp ứng nhu cầu, mục tiêu kinh tế; mặt khác các cơ sở của thuộc địa không chỉ mang lại sự giàu có cho nước Pháp mà bổn phận của những nước “văn minh” là phải “khai hóa”, “đồng hóa”, cũng như để cạnh tranh với các nước châu Âu khác.

Thế nhưng, kết quả việc buôn bán của Công ty đã không đem lại như mong đợi của Colbert. Trong quá trình xâm nhập của Pháp vào Viễn Đông,

vai trò kinh tế của Công ty Đông Ấn (CIO) cũng rất hạn chế. Trong thời kỳ đầu, CIO đồng hành cùng Hội truyền giáo nước ngoài (MEP) và gắn bó tương hỗ với thừa sai của Hội ở đây. Mặt khác, ở giai đoạn này nước Pháp có sự biến đổi lớn khi chế độ thần quyền bao trùm cả châu Âu thời trung cổ, đã cũng có những thay đổi để phù hợp với tình hình phát triển của châu Âu trong thời kỳ mới. Đạo Thiên chúa, tông giáo lớn nhất của châu Âu đã chuyển từ chế độ Bảo trợ sang chế độ Tông tòa và thành lập Thánh bộ truyền giáo đức tin để truyền bá tôn giáo này ra khắp thế giới. Và Hội truyền giáo nước ngoài Pari (MEP) chính thức hình thành vào năm 1663 - 1664. Vào tháng 7 năm 1660, Giám mục Lambert de la Motte đã đại diện Tông tòa lãnh trách nhiệm sang Viễn Đông, cùng với Thừa sai Jacques de Bourger và F.Deydier. Họ chủ yếu hoạt động ở Xiêm, Giám mục Lambert cũng có đến Đại Việt vài lần nhưng thời gian các ông lưu lại và truyền giáo ở đây không nhiều.

Như vậy, với những chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, sự phát triển kinh tế xã hội, cải cách tôn giáo ở châu Âu thời kỳ hậu phát kiến địa lý; chủ nghĩa tư bản phương Tây đã nhanh chóng kéo cả thế giới vào cơn lốc thông qua giao thương, truyền giáo và thực dân hóa. Quá trình thực dân hóa của chủ nghĩa tư bản phương Tây gắn liền với quá trình xâm chiếm và bóc lột thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mĩ Latinh. Lúc bấy giờ, sau Anh “hệ thống thuộc địa của Pháp tuy đứng thứ hai thế giới về diện tích và dân số, nhưng chủ yếu phân bố ở châu Á, Phi” [7; tr.311].

2.2.1.2. Mục đích truyền bá văn hóa Pháp vào thuộc địa

Đối với Pháp, sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa thực dân bị tác động nhiều bởi sự xáo trộn chính trị, từ trước cách mạng Pháp cho đến Đế chế thứ hai dưới thời của Napoleon III (1852 - 1870) và sau đó dưới thời nền Cộng hoà thứ ba (1870 - 1940). Chính sách thuộc địa của Đế chế Pháp cũng được thực thi trong những thay đổi đó nhằm khôi phục lại uy quyền của Đế chế Pháp đã một thời bành trướng khắp cả lục địa châu Âu. Đặc biệt, sau những thất bại

của Napoleon Bonaparte, người Pháp muốn giành lại vị trí đó ở châu Á và châu Phi. Mục đích truyền thống của Đế chế Pháp (có từ thời Napoleon I) là “truyền bá những giá trị dân chủ của cuộc cách mạng năm 1789. Chính sách thực dân cơ bản của người Pháp là nhằm đồng hoá thuộc địa (assimilation), thông qua truyền bá giáo dục văn hóa và ngôn ngữ Pháp” [68; tr.229].

Đối với các thuộc địa Pháp, các yếu tố được du nhập từ chính quốc mạnh nhất là tư tưởng dính kết tự nhiên về quyền lợi của chúng cả ở thuộc địa và chính quốc, sự can thiệp của thực dân thậm chí còn mạnh hơn sự can thiệp của tri thức xã hội bản địa. Như chúng ta đã biết, từ sau cuộc Đại cách mạng tư sản Pháp năm 1789, văn hoá tiến bộ của nước Pháp lan toả khắp châu Âu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu so sánh chính sách truyền bá ngôn ngữ của thực dân anh ở ấn độ và thực dân pháp ở việt nam luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 65 - 69)