Nhóm các giải pháp về sử dụng đội ngũ

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông quận 11 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 89 - 93)

- Sử dụng đội ngũ hợp lý, phát huy được nội lực của mỗi cá nhân và tập thể.

3.2.2.Nhóm các giải pháp về sử dụng đội ngũ

3.2.2.1. Tăng cường quản lý chuyên môn, nghiệp vụ

Mục đích của giải pháp

Tăng cường quản lý chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên nhằm mục tiêu nâng cao năng lực truyền thụ kiến thức từng giáo viên, điều chỉnh các hoạt động giáo dục trong nhà trường đúng định hướng của Sở Giáo dục, Bộ Giáo dục.

Nội dung và giải pháp quản lý

- Tổ chức thực hiện tốt các chế định giáo dục; hưởng ứng và tham gia tích cực các cuộc vận động, các phong trào thi đua dạy tốt do ngành phát động.

-Chỉ đạo tổ trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch giảng dạy của từng tổ cụ thể, chi tiết, đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Phân công giảng dạy khoa học, hợp lý, phát huy được nội lực của từng giáo viên.

- Xây dựng thời khóa biểu của nhà trường đảm bảo hoạt động của học sinh và giáo viên trong suốt tuần lễ và trong mỗi ngày một cách nhịp nhàng, đúng đắn về mặt sư phạm. Cách sắp xếp thời khóa biểu cần quan tâm đến quỹ thời gian của giáo viên đồng thời phân phối hợp lý các môn học tạo điều kiện để học sinh tiếp thu tốt bài học.

- Tăng cường kiểm tra giờ dạy trên lớp của giáo viên bằng nhiều hình thức như dự giờ định kỳ, đột xuất, kiểm tra việc thực hiện phân phối chương trình.

- Thực hiện nghiêm túc các loại hồ sơ sổ sách và quy định việc kiểm tra đánh giá học sinh.

- Cơ cấu lớp học hợp lý, sắp xếp sĩ số, trình độ học sinh các lớp tương đối đồng đều.

Những điều kiện đảm bảo để thực hiện giải pháp có hiệu quả

- Mỗi thành viên trong nhà trường phấn thực hiện tốt kế hoạch đã đặt ra trong từng năm học.

- Rà soát lại các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở, ngành về việc sử dụng đội ngũ giáo viên.

- Các cơ quan hữu trách phải cung cấp các văn bản Luật và dưới Luật kịp thời và chính xác.

3.2.2.2. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá

Mục đích của giải pháp

Đánh giá đúng năng lực sư phạm của giáo viên, khẳng định những mặt đã làm được, phát huy ưu điểm và tư vấn những biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động giảng dạy của đội ngũ nhà giáo.

Nội dung và giải pháp quản lý

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá giáo viên theo từng chuyên đề, kèm theo danh sách giáo viên được kiểm tra và thời gian kiểm tra cụ thể. “Hiệu trưởng cần xây dựng các chuẩn đánh giá mới, trong đó cần đổi mới các tiêu chí đánh giá theo hướng đổi mới phương pháp dạy học. Chẳng hạn xây dựng chuẩn đánh giá giờ dạy cho từng môn học” [19, tr. 596].

- Triển khai các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác thanh kiểm tra đến tập thể giáo viên.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua dự giờ, kiểm tra giờ dạy trên lớp của giáo viên. Hiệu trưởng cần căn cứ vào kế hoạch giảng dạy của trường để kiểm tra các bộ môn, thậm chí từng giáo viên, kiểm tra giáo viên thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất, báo trước hoặc không báo trước. Thông qua kiểm tra, đánh giá được thực chất hoạt động giảng dạy của giáo viên, từ đó động viên khuyến khích, điều chỉnh kịp thời những vấn đề bất hợp lý.

- Khắc phục tình trạng đánh dấu bài thi của học sinh tinh vi bằng cách thống nhất giáo án chung, tổ chức coi thi, chấm thi nghiêm túc, tăng cường công tác thanh tra chấm thi, yêu cầu tổ trưởng chấm thi kiểm tra lại 5% tổng số bài thi đã chấm của từng giáo viên. Kiểm tra trình độ nhận thức của học sinh bằng hình thức kiểm tra tập trung, đề thi do nhà trường biên soạn.

Những điều kiện đảm bảo để thực hiện giải pháp có hiệu quả

Trước hết cần xây dựng kế hoạch kiểm tra trong cả năm học để cán bộ, giáo viên trong toàn trường biết và thực hiện. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Giám hiệu nhà trường với các tổ, nhóm chuyên môn trong quá trình kiểm

tra, đánh giá, đưa việc thực hiện các quy chế thành các tiêu chí thi đua của từng giáo viên trong năm học. Việc kiểm tra, đánh giá phải được dựa vào các chuẩn mục đã quy định, được công khai và được quán triệt đến mọi người. Khi kiểm tra nhà trường cần đo lường đối chiếu từng giáo viên với nhau. Kết quả kiểm tra, đánh giá được làm cơ sở để thực hiện việc khen thưởng hoặc khắc phục những thiếu sót.

Nhà quản lý phải nắm vững 3 nguyên tắc cơ bản của công tác kiểm tra đó là: Xây dựng thực hiện, đánh giá thực hiện có so sánh với chuẩn, điều chỉnh nếu có sai lệch.

3.2.2.3. Xây dựng, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác của các cấp quản lý trong nhà trường

Mục đích của giải pháp

- Xây dựng được một bộ máy lãnh đạo trong nhà trường vừa có tài, vừa có tâm, vừa có tầm nhìn xa trông rộng.

- Đổi mới công tác quản lý, không chỉ dựa trên quản lý hành chính mà còn dựa trên hiệu quả công việc.

Nội dung và giải pháp quản lý

- Hoàn thiện bộ máy tổ chức, rà soát, quy định rõ các chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận.

- Tăng cường phân cấp quản lý cho các bộ phận nhằm phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm.

- Đảm bảo công tác phối hợp tốt giữa các bộ phận trong nhà trường để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

- Phát huy vai trò sinh hoạt của các tổ, nhóm chuyên môn trong nhà trường.

Những điều kiện đảm bảo để thực hiện giải pháp có hiệu quả

- Quy chế dân chủ được triển khai sâu rộng trong trường học.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông quận 11 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 89 - 93)