- Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng cách mời chuyên gia bồi dưỡng tại đơn vị.
2.4.3. Công tác đánh giá, phân loại giáo viên
Việc đánh giá, xếp loại giáo viên THPT trong quận 11 thực hiện theo hướng dẫn số 660/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn đánh giá, xếp loại giáo viên trung học theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT. Đánh giá giáo viên thực hiện hai lần trong một năm học, lần thứ nhất vào cuối học kỳ I và lần thứ hai vào cuối học kỳ II. Tổ chức đánh giá thực hiện theo ba bước. Bước thứ nhất giáo viên tự đánh giá, cho điểm. Đối chiếu với chuẩn, mỗi giáo viên tự đánh giá và ghi điểm đạt được ở từng tiêu chí vào Phiếu giáo viên tự đánh giá. Bước thứ hai tổ chuyên môn đánh giá, xếp loại. Căn cứ vào kết quả tự đánh giá của giáo viên, tổ trưởng chuyên môn tổng hợp kết quả xếp loại giáo viên của tổ vào Phiếu tổng hơ ̣p xếp loa ̣i giáo viên của tổ. Bước thứ ba Hội đồng thi đua xem xét kết quả tự đánh giá của mỗi giáo viên (Phiếu giáo viên tự đánh giá) và kết quả đánh giá xếp loại của tổ chuyên môn để đưa ra quyết định đánh giá, xếp loại về từng giáo viên trong trường. Hiệu trưởng công bố công khai kết quả đánh giá, xếp loại đến tập thể giáo viên và báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên bằng văn bản. Trong quá trình đánh giá xếp loại, giáo viên có quyền trình bày ý kiến của mình, nhưng phải chấp hành ý kiến kết luận của Hiệu trưởng.
Ngoài việc đánh giá giáo viên định kỳ hai lần trong một năm học nói trên, trong công tác quản lý, Hiệu trưởng có thể tham khảo thêm nhiều kênh khác để đánh giá giáo viên.
Tại trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Ban giám hiệu thường tổ chức “Diễn đàn lắng nghe học sinh nói” để qua đó học sinh phát biểu tâm tư nguyện vọng của các em trong quá trình học tập, sinh hoạt tại nhà trường. Thông qua hình thức trao đổi trực tiếp, các em nêu lên những khó khăn, thuận lợi trong quá trình học tập, Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng và các tổ trưởng
chuyên môn trả lời, giải đáp thắc mắc cho các em. Qua diễn đàn, Hiệu trưởng trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa nắm được nhiều thông tin về tinh thần, thái độ giảng dạy của giáo viên.
Tại trường THPT Nguyễn Hiền, Ban giám hiệu kết hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phòng Tư vấn học đường trong nhà trường để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, qua đó nắm bắt tình hình giảng dạy của giáo viên.
Trường THPT Trần Quang Khải có thế mạnh về công nghệ thông tin, Ban Giám hiệu khai thác thông tin trên forum trong trang web của nhà trường. Một kênh thông tin quan trọng là Hiệu trưởng thường căn cứ vào tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình trong các kỳ thi làm thước đo để đánh giá giáo viên dạy giỏi hay dạy chưa giỏi.
Kết quả của việc đánh giá giáo viên bằng điểm số trung bình của học sinh tạo nên tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT trên địa bàn quận 11 rất cao, cụ thể tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm học 2010 – 2011 của trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa là 99,67%, trường THPT Nguyễn Hiền là 99,85%, THPT Trần Quang Khải là 97,41%.