1.2.4.1. Chất lượng
Có nhiều cách định nghĩa chất lượng, xin đưa ra một số định nghĩa chất lượng như sau:
- Theo “Từ điển Tiếng Việt của nhà xuất bản Khoa học xã hội”: Chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của người, sự vật hoặc sự việc.
- Chất lượng là sự phù hợp (tương thích) với mục đích (JuRao – 1976). Với định nghĩa này, chất lượng không có ý nghĩa gì nếu không gắn với mục đích của sản phẩm hay dịch vụ đó. Chất lượng phải được đánh giá bởi mức độ mà sản phẩm hay dịch vụ đáp ứng được mục đích đã tuyên bố của nó.
- Chất lượng là sự đáp ứng được những đòi hỏi (Rosby – 1976). - Chất lượng là một phạm trù triết học biểu thị những thuộc tính bản chất của sự vật, chỉ rõ nó là cái gì, tính ổn định tương đối của sự vật để phân biệt nó với các sự vật khác.
Từ những quan điểm trên, để hiểu một cách đầy đủ, chất lượng là đặc tính khách quan của sự vật, được thể hiện ra bên ngoài qua các thuộc tính. Chất lượng là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một khối đông người cùng chức năng nghề nghiệp.
Tuy nhiên những định nghĩa trên đây còn mang tính chất chung, khi xác định chất lượng của một vật, một hiện tượng nào đấy cần phải căn cứ vào mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nó để cụ thể hóa những định nghĩa chung chung ấy vào điều kiện cụ thể [20, tr. 151].
1.2.4.2. Chất lượng đội ngũ giáo viên
Trong lĩnh vực giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên với sản phẩm đặc trưng là con người có thể hiểu là các phẩm chất, giá trị nhân cách và năng lực sống và hòa nhập đời sống xã hội, giá trị sức lao động, năng lực hành nghề của đội ngũ giáo viên, được tổng hợp từ phẩm chất và năng lực của mỗi người giáo viên tương ứng với mục tiêu đào tạo của từng bậc học, ngành học
trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chất lượng đội ngũ giáo viên được chủ yếu thể hiện bởi 5 yếu tố sau:
- Phẩm chất, đạo đức tư tưởng tốt. - Trình độ chuyên môn.
- Nghiệp vụ sư phạm. - Cơ cấu đội ngũ giáo viên. - Số lượng đội ngũ giáo viên.
Nếu xét từ góc độ tập thể đội ngũ giáo viên, chất lượng được thể hiện ở việc: - Đạt chuẩn (số lượng và chất lượng)
- Đồng bộ về cơ cấu tổ chức - Đạt hiệu quả trong công tác
Nếu xét từ góc độ cá nhân (trong đội ngũ) thì chất lượng thể hiện ở việc: - Trình độ chuyên môn: Đó là trình độ đào tạo, bằng cấp đào tạo, năng lực hoàn thành nhiệm vụ.
- Trình độ nghiệp vụ sư phạm: Đó là năng lực giảng dạy các môn chuyên ngành của mình, năng lực giáo dục, năng lực hoạt động xã hội.
- Phẩm chất, đạo đức tư tưởng tốt: Đó là có hoài bão, sự say mê nghiên cứu học tập để cải tiến nghề dạy, có lý tưởng XHCN, có tác phong, lối sống trong sạch giản dị.
Nếu nghiên cứu chất lượng và giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên với quan điểm từng cá nhân thì chất lượng thể hiện ở hiệu quả đào tạo mà kết quả học tập của học sinh, khả năng chuyên môn nghiệp vụ của người giáo viên tương lai là tiêu chí để đánh giá chất lượng giáo dục của đội ngũ giáo viên nhà trường.
Nếu xem xét giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên với quan điểm tập thể thì chất lượng đó được thể hiện ở số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường hay chưa, từ đó đề ra chiến lược đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Như vậy nếu nghiên cứu chất lượng và giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thì phải đề cập đến cả hai phương diện, vừa cá nhân vừa tập thể. Có như vậy mới đánh giá đúng thực trạng và đề ra được giải pháp nâng cao chất lượng cho toàn bộ đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 15-6-2004 của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nêu rõ mục tiêu: “xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo; thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [2, tr. 2].