Những hạn chế

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông quận 11 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 68 - 72)

- Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng cách mời chuyên gia bồi dưỡng tại đơn vị.

2.5.2. Những hạn chế

Mặc dù có được những kết quả đáng khích lệ trong công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên THPT trong quận 11, nhưng bên cạnh đó trong công tác quản lý cũng còn nhiều hạn chế.

2.5.2.1. Hạn chế trong công tác giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng

Thực tế vẫn còn một số giáo viên chưa có ý thức và nhận thức đúng trong việc trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, cũng như chưa thực hiện tốt những chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong học tập chính trị tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 11, giáo viên đi học đông đủ nhưng việc tiếp thu kiến thức và kết quả nhận thức qua các đợt bồi dưỡng chưa được đánh giá. Ban Giám hiệu các trường cũng chỉ ghi nhận số lượng giáo viên đi học chính trị có đầy đủ hay không để đánh giá thi đua, chưa kiểm soát được tình trạng giáo viên chép bài thu hoạch của nhau.

Nhà quản lý chưa tìm ra biện pháp cụ thể để giải quyết số giáo viên không tâm huyết với nghề, sống vụ lợi, không quan tâm tới lợi ích của tập thể, thiếu ý chí vươn lên, vi phạm quy chế chuyên môn như: Không soạn bài đầy đủ, bỏ tiết, đánh giá xếp loại học sinh chưa đúng quy chế, xử lý kỷ luật học sinh không đúng quy trình.

2.5.2.2. Hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ

Một số giáo viên sau khi đi học nâng cao trình độ chuyên môn thì không trở về nơi mình đang công tác. Trước đây động viên nhà giáo rất dễ nhưng bây giờ lại khác, nhất là khi thu nhập không đồng đều. Giáo viên các môn tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa nếu ra ngoài dạy có tiền thù lao cao hơn nên tìm cách giữ chân họ rất khó. Một số giáo viên vẫn có tâm trạng “đứng núi này trông núi nọ” chưa thật sự an tâm khi chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Theo kết quả khảo sát chưa đầy đủ giáo viên chọn nghề đi dạy vì các động cơ sau đây: Thích nghề dạy học 50%, truyền thống gia đình 30%, trường sư phạm miễn học phí 10%, chưa chọn được nghề khác 5%, 5% còn lại có động

cơ ghép từ hai trong ba động cơ trên. Như vậy có thể thấy đại đa số giáo viên có động cơ đúng đắn nhưng còn khoảng 10% có tâm lý chưa gắn bó với nghề. Nhà quản lý chưa chấm dứt tình trạng hiệu quả giờ dạy của một số giáo viên còn thấp, vẫn còn tồn tại việc giáo viên bị học sinh phản ánh trong giảng dạy. Đội ngũ giáo viên một bộ phận còn yếu trong chuyên môn, năng lực giáo dục học sinh, chưa tích cực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chậm tiếp thu kiến thức mới, hiện tượng dạy học theo kiểu đọc chép vẫn còn.

2.5.2.3. Hạn chế trong công tác đánh giá, phân loại giáo viên

Tuy đạt tỷ lệ cao trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các biện pháp kiểm tra, đánh giá cũng có nhiều mặt trái, mang đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Điển hình là cách đánh giá giáo viên thông qua tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình trong các kỳ thi, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT mang đến nhiều mối nguy hại. Nhìn rộng ra toàn xã hội, không phải tình trạng này chỉ xảy ra cá biệt ở các trường phổ thông tại quận 11 thành phố Hồ Chí Minh mà hầu như cả nước. Có một cách hiểu phổ biến và đáng tiếc lại đang được coi là chuẩn mực trong đánh giá giáo dục. Cách hiểu đó cho rằng, chất lượng giáo dục đồng nghĩa với kết quả thi cử. Một biểu hiện rất rõ: Sự quan tâm chủ yếu của các nhà quản lý giáo dục, từ các cấp quản lý hệ thống tới các cấp quản lý nhà trường, tập trung cao nhất vào các kỳ thi để rồi lấy kết quả thi làm thước đo quan trọng nhất cho chất lượng một học sinh, chất lượng giảng dạy của giáo viên, một nhà trường và một địa phương. Chính cách quản lý giáo viên thông qua tỷ lệ học sinh thi đậu tốt nghiệp, giáo viên trong nhà trường phổ thông tìm mọi cách để dạy cho học sinh đậu được tốt nghiệp hoặc đạt tỷ lệ điểm trung bình cao trong các kỳ thi.

Đa số giáo viên đều chọn cách dạy an toàn, dạy đi dạy lại những kiến thức trọng tâm thi cử sao cho các em đi thi đạt được điểm 5. Đối với những giáo viên dạy các môn tự nhiên như toán, lý, hóa họ soạn ra các vấn đề mà Sở, Bộ hay cho thi, tương ứng với mỗi vấn đề là các cách giải quyết cụ thể, học sinh có nhiệm vụ học thuộc cách giải, giáo viên có nhiệm vụ cho nhiều

bài tập tương tự. Thầy và trò cứ miệt mài làm đi làm lại những dạng bài tập đó cho đến khi nhuần nhuyễn. Đối với các môn xã hội thì giáo viên soạn đề cương tóm tắt bài giảng, soạn các bài mẫu, soạn các câu hỏi và câu trả lời, học sinh có nhiệm vụ học thuộc, giáo viên có nhiệm vụ dò bài. Dò từ bài đầu đến bài cuối, có thể dò đi dò lại nhiều lần.

Cách đánh giá giáo viên bằng tỷ lệ điểm thi của học sinh dẫn đến việc giáo viên làm mọi cách để đạt tỷ lệ cao. Ngoài nỗ lực giảng dạy để học sinh nắm được cách làm bài, bỏ công sức để dò bài cho học sinh, họ còn làm nhiều cách để có nhiều học sinh của mình dạy đạt điểm trung bình. Thí dụ đánh dấu bài của học sinh mình một cách tinh vi. Làm dấu bài bằng cách gạch dưới chữ “Bài làm” bây giờ là lộ liễu, dễ bị phát hiện, bây giờ ngược lại giáo viên dạy sao cho khi họ đọc bài thi là biết không phải của học sinh mình. Họ yêu cầu học sinh làm bài theo kiểu riêng, đặc biệt, cầm bài thi này lên đọc là biết không phải là học sinh do mình dạy. Những bài thi ấy họ sẽ chấm chặt chẽ hơn, vì vậy bài thi điểm 4,75 và bài thi điểm 5 bây giờ lại là vấn đề đạo đức chứ không phải chính xác khoa học. Vì bài thi điểm 4,75 là dưới trung bình, là thua tỷ lệ đồng nghiệp.

Với cách dạy học sinh để đi thi, gần như người giáo viên không nghiên cứu một cách nghiêm túc để nâng cao trình độ mà chủ yếu nghiên cứu để đoán dạng đề thi. Thời gian giáo viên tập trung chủ yếu vào đi dạy, dạy ở trường, dạy ở nhà và dạy ở trung tâm luyện thi.

Về phía nhà quản lý, chức năng cũng thay đổi. Công tác quản lý chất lượng giáo viên bây giờ của nhà quản lý rất nhẹ, gần như chỉ còn bước kiểm tra, đánh giá. Có lần thầy Hiệu trưởng một trường phổ thông tâm sự với người viết rằng làm quản lý bây giờ rất dễ, cứ căn cứ vào tỷ lệ điểm thi của học sinh mà đánh giá giáo viên là không ai thắc mắc được. Với cách quản lý như vậy gần như nhà quản lý đẩy công tác bồi dưỡng về phía giáo viên, họ phải tự điều chỉnh để tồn tại.

Công tác quy hoạch cán bộ còn một số hạn chế đó là: Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về công tác này còn yếu, còn có sự nhầm lẫn giữa công tác quy hoạch cán bộ với công tác nhân sự. Sau khi có xác nhận quy hoạch cán bộ, một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ trong quy hoạch. Việc quản lý cán bộ trong quy hoạch có thiếu sót, hàng năm chưa kiểm tra, rà soát lại để kịp thời điều chỉnh phù hợp với thay đổi trong thực tế.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, sự hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ đôi khi chưa chặt chẽ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ có lúc chưa thực hiện đồng bộ với công tác quy hoạch cán bộ; chưa mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ trong quy hoạch. Thực tế cho thấy đội ngũ Ban Giám hiệu tại 03 trường THPT quận 11 người trẻ nhất tính đến năm 2011 cũng đã 46 tuổi. Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác quy hoạch cán bộ chưa kịp thời.

Cơ cấu giáo viên giảng dạy chưa được phân bổ đồng đều. Một số môn thiếu giáo viên nhưng một số môn thừa giáo viên. Những môn thiếu giáo viên là các môn Công nghệ khối 10 và Tin học. Có những môn như Ngữ văn, Tiếng Anh thiếu giáo viên từng giai đoạn do bộ môn này nhiều giáo viên nữ nghỉ hộ sản. Nhưng cũng có những bộ môn thừa giáo viên như bộ môn Toán, Vật lý.

Nguồn tuyển giáo viên chủ yếu do Sở Giáo dục và Đào tạo phân bổ, các trường chưa được phép chủ động trong công tác tuyển dụng. Việc tuyển dụng và phân công giáo viên chủ yếu tập trung vào hướng giải quyết cho những nơi còn thiếu mà chưa xem xét tính phù hợp giữa hoàn cảnh gia đình, nơi cư trú... Vì vậy, một bộ phận giáo viên thường xuyên lo nghĩ, tìm cách xin được thuyên chuyển về gần gia đình, thậm chí chấp nhận bỏ việc, dẫn đến việc tìm nguồn giáo viên thay thế khi có giáo viên xin thuyên chuyển, bỏ việc gặp khó khăn.

Ngoài ra ở các trường đội ngũ thường không đồng đều về năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm. Tại các trường THPT quận 11 năm học 2010 – 2011 vừa qua có 28 giáo viên mới về nhận công tác, lực lượng trẻ chiếm hơn 20%. Bên cạnh những giáo viên lâu năm còn có giáo viên trẻ, mới ra trường có thế mạnh về lòng nhiệt tình, sự năng động nhưng có hạn chế về chuyên môn và nhất là kỹ năng sư phạm vì chưa có kinh nghiệm.

2.5.2.5. Hạn chế trong công tác quản lý cơ sở vật chất và các phương tiện đảm bảo điều kiện làm việc cho giáo viên

Công tác giáo dục nhận thức của giáo viên về việc sử dụng và bảo quản trang thiết bị chưa được nhà trường quan tâm.

Toàn bộ dồ dùng dạy học có được là do mua, chưa có giáo viên nào tự sáng tạo đồ dùng dạy học, dụng cụ thực hành thí nghiệm.

Kế hoạch hoạt động của thư viện chưa được Ban Giám hiệu quan tâm nên hoạt động của thư viện chưa có hiệu quả.

Việc rà soát hệ thống cơ sở vật chất cũng như thiết bị dạy học chưa được thực hiện thường xuyên mà thường là hư cái nào sửa cái đó.

2.5.2.6. Hạn chế trong công tác thực hiện chế độ chính sách và công tác thi đua khen thưởng

Vì các trường còn dành phần lớn kinh phí cho rất nhiều hoạt động khác nên phần kinh phí để chi cho công tác thi đua - khen thưởng còn hạn hẹp. Do đó, tiền thưởng đôi khi chỉ có ý nghĩa tượng trưng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trung học phổ thông quận 11 thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 68 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w