Trong 5 năm qua công tác GD&ĐT luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, ngành GD&ĐT có nhiều cố gắng thực hiện Nghị quyết 24/NQ-HU về lãnh đạo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo giai đoạn 2005-2010 của Huyện uỷ. Quy mô trường lớp ổn định và phát triển bao gồm 21 trường Mầm non, 24 trường Tiểu học, 19 trường THCS, 5 trường THPT, 1 Trung tâm GDTX, 18 Trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Công tác phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS đạt vững chắc, phổ cập giáo dục bậc trung học được triển khai tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, chất lượng thi học sinh giỏi được giữ vững, hàng năm được xếp trong tốp đầu của tỉnh, điểm thi vào các trường THPT cao hơn mặt bằng của tỉnh, học sinh thi đỗ vào các trường Cao đẳng và Đại học hàng năm đạt tỷ lệ cao, nhiều em đạt điểm thủ khoa, á khoa, điểm giỏi, từ 663 em /năm trong năm 2005 lên 1362 em /năm ở năm 2010, trong đó đỗ vào đại học là 733 em. Tỷ lệ học sinh xếp loại đạo đức khá tốt tăng cao, không có học sinh nghiện hút và vi phạm các tệ nạn xã
hội. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên được triển khai tích cực. Trình độ đào tạo được nâng cao, 100% cán bộ quản lý đạt trình độ cao đẳng, đại học, giáo viên có trình độ trên chuẩn ở MN đạt 87,6%. Tiểu học đạt 86,8%, THCS đạt 59,1%, 4 cán bộ quản lý đang theo học thạc sĩ. Việc đổi mới phương pháp dạy học được quan tâm chỉ đạo tích cực ở cả 3 ngành học, nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi xuất sắc cấp tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học triển khai mạnh mẽ ở 3 ngành học được Sở Giáo dục & Đào tạo Bắc Ninh thừa nhận là đơn vị dẫn đầu của tỉnh. Cơ sở vật chất trang thiết bị trường học tiếp tục được tăng cường theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá. Trong 5 năm có 12 trường mầm non, 9 trường THCS, 24 trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, 10 trường Tiểu học đạt chuẩn mức 2, có 6 trường được công nhận là trường đạt danh hiệu “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng từ 70,7% năm 2005 lên 85,1% năm 2010, các nhà trường tích cực đầu tư máy vi tính, máy chiếu đa năng, nối mạng internet, mở trang website, ứng dụng các phần mềm, tích cực xây dựng phòng học chức năng, phòng học bộ môn. Công tác quản lý được đổi mới, cán bộ quản lý được bồi dưỡng về tư duy quản lý giáo dục trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu thế hoà nhập, bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, năng lực tham mưu, xây dựng và tổ chức điều hành kế hoạch, năng lực quản lý tự chủ về biên chế và tài chính theo tinh thần Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác xã hội hoá được triển khai sâu rộng. Tích cực phối hợp với Hội khuyến học trong việc xây dựng gia đình, dòng họ, cơ quan khuyến học, khuyến tài. Huy động các nguồn vốn đóng góp để tu bổ, sửa chữa xây dựng trường học, phát huy sự đóng góp của nhân dân thông qua các Hội cha mẹ học sinh, Hội khuyến học, Hội cựu giáo chức, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ, các ban ngành đoàn thể,… trong việc giáo dục học sinh, trong việc quản lý nhà trường.
đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên giáo dục và đào tạo còn có những khó khăn, bất cập.
Về chất lượng giáo dục toàn diện vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các trường đạt chất lượng cao và những trường đạt chất lượng thấp, chất lượng giáo dục mầm non còn hạn chế do quy mô phát triển, do lớp ghép còn nhiều, cơ sở vật chất lại thiếu lại phân tán nhiều khu; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy đã có sự tăng tiến song so với yêu cầu giáo dục, so với mặt bằng chung vẫn còn bất cập. Đội ngũ cán bộ giáo viên tuy đã được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn nhưng điểm xuất phát thấp, năng lực tổ chức, điều hành hạn chế, một số bộ phận trách nhiệm, nhiệt tình chưa cao.
( Nguồn từ Phòng GD&ĐT Thuận Thành 27/12/2010)