1.3.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển các hình thức giáo dụccộng đồng cộng đồng
- Ngay từ khi mới thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến vấn đề “giáo dục cho mọi người” và “mọi người cho giáo dục”. Trong phiên họp đầu tiên (ngày 03/9/1945) của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” [10, 8]. Người đặt ra 3 nhiệm vụ cách mạng trước mắt của Chính phủ là: Chống nạn đói, nạn thất học, nạn ngoại xâm và coi chống giặc dốt cũng quan trọng như chống giặc đói và giặc ngoại xâm.
Bởi vậy, chỉ 6 ngày sau khi đọc Bản “Tuyên ngôn độc lập”, ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành ba sắc lệnh về chống nạn thất học:
Sắc lệnh số 17, về việc thành lập Nha Bình dân học vụ trong toàn nước Việt Nam để trông nom việc học tập của dân chúng.
Sắc lệnh số 19, về việc thành lập những lớp bình dân buổi tối cho nông dân và thợ thuyền.
Sắc lệnh số 20, công bố việc học chữ Quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người và hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.
Đến tháng 10/1945, trong “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học”, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam cần phải hiểu biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ”. [10, 36].
Tư tưởng “Giáo dục cho mọi người” còn được Hồ Chí Minh thể hiện rõ khi Người trả lời báo chí tháng 01/1946: “ Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành”.[10, 161].
- Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ kêu gọi mọi người học tập, mà còn kêu gọi mọi người học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Đây chính là một tư tưởng tiến bộ đi trước thời đại của Người.
Trong bức thư gởi Quân nhân học báo (tháng 4/1946), Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn… Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ ngừng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ càng thấy phải học thêm”… [11, 489].
Đối với nhân dân, Bác khuyên “Học hành là vô cùng, học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt”. [10, 220].
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về học suốt đời. Năm 1961, khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm ở Nghệ-Tĩnh, Bác đã tâm sự “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải đi học. Công việc cứ tiến mãi, không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm. Một cháu bé bây giờ đã nghe nói đến vệ tinh, biết nghe rađiô. Tôi và các đồng chí hồi đó không biết. Thế mà các cháu bây giờ đã biết. Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt”. [1, 123].
- Muốn cho ai cũng được học hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn dân, của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp về vị trí, vai trò của bình dân học vụ, từ đó động viên toàn xã hội hăng hái tham gia chống nạn thất học. Người đã kêu gọi “Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đọc. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, người ăn người làm chưa biết thì chủ bảo, người giàu có thì mở lớp ở tư gia dạy cho người không biết chữ ở làng xóm láng giềng. Các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp cho tá điền, những người làm của mình”.[10, 309].
Xuất phát từ tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều khẩu hiệu đã được đưa ra như “Dạy bình dân học vụ là yêu nước”, “Giúp đỡ bình dân học vụ là yêu nước”, “Chống mù chữ cũng như chống ngoại xâm”, “Mỗi gia đình là một lớp bình dân học vụ”…Các khẩu hiệu này được viết dán ở trong nhà, ở mặt tường, ở thân cây hoặc được hô vang trong các buổi truyền thanh, trong các đội ngũ diễu hành, các buổi rước đuốc…
Như vậy, nhờ tuyên truyền mạnh mẽ và rầm rộ, cho nên công cuộc chống mù chữ đã được toàn xã hội tham gia. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cá nhân, gia đình đã đứng ra mở lớp bình dân học vụ để dạy chữ cho người chưa biết chữ; giáo viên thì tuyên thệ “Còn trời còn nước còn non. Còn người mù chữ ta còn gắng công”; các cụ già chia nhau đến giờ học thì gọi con cháu, dân làng đi học…Các tổ chức đoàn thể đã tham gia góp sức cùng bình dân học vụ lo việc xóa mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho đoàn viên, hội viên của mình. Có thể nói đây là đặc trưng quan trọng của học tập cộng đồng mà hiện nay chúng ta đang phấn đấu.