Tác phẩm Cung oán ngâm khúc

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 27 - 29)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2.2.Tác phẩm Cung oán ngâm khúc

Theo gia phả dòng họ Nguyễn Gia, Nguyễn Gia Thiều là một người am hiểu rất nhiều ngành nghệ thuật. Ông không những hiểu sâu sắc về văn học, sử học, triết học như nhiều nhà văn, nhà thơ cùng thời, mà đặc biệt còn rất tinh thông về âm nhạc, hội họa, trang trí, kiến trúc. Về âm nhạc, ông có các bài ca, bài tán độc đáo như Sơn trung âm, Sở từ điệu. Về hội họa, ông có bức tranh lớn Tống Sơn đồ dâng vua Lê xem được khen thưởng. Còn về kiến trúc và trang trí, ông được chúa Trịnh giao cho trông coi việc xây dựng chiếc tháp ở chùa Tiên Tích và phụ trách việc trang hoàng trong phủ chúa. Tuy nhiên, cái làm nên tên tuổi của Nguyễn Gia Thiều chính là ở lĩnh vực văn học, ngoài 2 tập thơ Ôn Nhưthi tập viết bằng chữ Hán và 2 tập Tây Hồ thi tậpTứ trai thi tập viết bằng chữ Nôm (đã bị thất lạc, chỉ còn sót lại vài bài), thì Cung oán ngâm khúc là tác phẩm đặc sắc nhất của Nguyễn Gia Thiều.

Trong hơn 30 năm sống trong nhung lụa ở phủ chúa, Nguyễn Gia Thiều đã có cái nhìn cận cảnh về cuộc sống của những cung tần mĩ nữ. Đằng sau vẻ đẹp được tuyển chọn vào cung, trực tiếp phục vụ cho những kẻ cầm quyền của giai cấp phong kiến, là những giọt lệ hờn tủi, đắng cay. Mặt khác, đọc trong thế phả ta được biết, Nguyễn Gia Thiều có hai bà cô ruột là cung phi của chúa Trịnh. Một là Thị Dũ làm cung tần của chúa Trịnh Căn. Sau khi Trịnh Căn

mất, bà được về nhà lấy chồng là huyện Bích. Một bà là Thị Hiến làm cung nhân của chúa Trịnh Cương, lúc về già cắt tóc đi tu. Nguyễn Gia Thiều còn có người chị ruột là Nguyễn Thị Cung, suốt đời không lấy chồng, đem tài sắc chôn vùi nơi cửa Phật. Còn em gái là Nguyễn Thị Hiên lấy vua Cảnh Hưng, làm chân quản lí thư ấn. Đến khi Cảnh Hưng mất, bà tự nguyện coi sóc lăng vua đến hết đời. Có thể nói, trong gia đình có người thân phải chịu số phận lẻ loi, lạnh lùng, giam hãm ở chốn tiêu phòng như thế, ngoài xã hội lại đầy rẫy cảnh người phụ nữ bị đày đọa cả thân xác lẫn tâm hồn, đã tạo nguồn cảm hứng cho ông viết nên khúc ngâm này.

Cung oán ngâm khúc là khúc ngâm về nỗi oán hờn của người cung nữ, gồm 356 dòng song thất lục bát, được viết bằng chữ Nôm. Tác phẩm có thể chia làm ba phần:

Phần 1: Trước khi được chọn làm cung phi.

Từ câu 1 – 44: Tài sắc người con gái trước khi vào cung.

Từ câu 45 – 116: Cảm nhận của người cung nữ về cuộc đời bạc bẽo, phù du.

Phần 2: Lúc được tuyển làm cung phi và được nhà vua sủng ái (Từ câu 117 – 192).

Phần 3: Khi bị nhà vua ruồng bỏ.

Từ câu 193 – 288: Nỗi buồn bực khi bị nhà vua ruồng bỏ.

Từ câu 289 – 356: Người cung nữ chán nản, than thân trách phận nhưng vẫn hi vọng có ngày vua sẽ nghĩ lại, và băn khoăn lo lắng liệu lúc ấy mình có giữ được vẻ đẹp nữa hay không.

Qua những dòng thơ song thất lục bát, ta thấy Nguyễn Gia Thiều đã miêu tả những cảm xúc, những diễn biến tâm trạng của người cung nữ sau những tháng ngày ngắn ngủi hạnh phúc bên nhà vua, là một cuộc sống cô đơn, đợi chờ, buồn tủi trước sự đối xử “ghẻ lạnh” của “đấng chí tôn”. Lời than ấy bắt đầu trong một đêm thu lạnh, người cung nữ đau đớn vì cuộc sống cô đơn nơi cung cấm, nàng hồi tưởng lại thời trẻ tuổi hồn nhiên, với ý thức về sắc đẹp

kiêu sa và tài năng vượt bậc của mình. Rồi nàng được tuyển vào cung, người cung nữ kiêu hãnh thuật lại khoảng thời gian hạnh phúc được vua yêu dấu. Nhưng nàng sớm bị ruồng rẫy, lãng quên một cách tàn nhẫn, người cung nữ sống âm thầm với nỗi thất vọng, nuối tiếc “thời vàng son” đã qua, và hi vọng đợi chờ bóng xe vua với một tâm trạng cô đơn buồn tủi. Có khi nàng bật lên những lời oán hận, bất bình về một cuộc đời bế tắc, mòn mỏi nơi cung quế lạnh lẽo.

Khúc ngâm kết thúc với khung cảnh một đêm mưa gió não nùng, người cung nữ quay về mơ màng, khắc khoải chờ ngày vua đoái thương trở lại.

Như vậy, bằng tài năng và sự cảm thương của mình, Nguyễn Gia Thiều đã tạo nên một tác phẩm có giá trị nhân văn rất cao cả. Một mặt, Nguyễn Gia Thiều cảm thông, thương xót cho những bất hạnh mà người cung nữ phải chịu, mặt khác ông lên án tố cáo chế độ cung tần trong xã hội phong kiến đã giam hãm, giết mòn tuổi trẻ, sắc đẹp, tài năng của biết bao nhiêu người phụ nữ. Thông qua tâm trạng ngổn ngang với những lời bộc bạch hết sức chân thật của người cung nữ, Nguyễn Gia Thiều đã khắc họa rõ nét bối cảnh tàn tạ của một kiếp người, đồng thời ông gửi gắm tâm sự của mình trước thời cuộc đảo điên, tan rã.

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 27 - 29)