Một cái tôi bất mãn, chán chường trước thực tại

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 61 - 66)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2.3.Một cái tôi bất mãn, chán chường trước thực tại

Khi hoài cảm quá khứ, Nguyễn Gia Thiều tỏ ra nuối tiếc và hụt hẫng. Càng hụt hẫng, nuối tiếc bao nhiêu, ông càng chạnh lòng, buồn tủi trước hiện thực bấy nhiêu. Từ đây, một cái tôi bất mãn, chán chường trước thực tại đã được phô bày, diễn trải lòng mình một cách chân thực nhất. Đó là “cái tôi” của Nguyễn Gia Thiều được thể hiện qua tâm trạng của người cung nữ bị thất sủng.

Tự biết mình là một trang tuyệt thế giai nhân, hơn đời về các món cầm, kì, thi, họa, người cung nữ đã có lúc tỏ vẻ cao ngạo về bản thân mình. Cũng từ lúc này, cuộc đời nàng rẽ sang một hướng khác. Nàng được tuyển vào làm cung nữ trong cung cấm. Thời kì đầu, khi nhan sắc còn mặn mà, nàng còn được vua yêu dấu. Nhưng rồi, dần dần cái cảnh: Cái đêm hôm ấy đêm gì. Bóng dương lồng bóng trà mi trập trùng không còn nữa. Cuộc đời người cung nữ lâm vào cảnh:

Nguồn cơn kia ai tát mà vơi, Suy di đâu biết cơ trời,

Bỗng không mà hóa ra người vị vong.

Một tình cảnh thật vô lý: chồng không chết mà người cung nữ sống như một người góa bụa. Phải chăng, vì ở nàng, hạnh phúc đích thực của vợ chồng không bao giờ được hưởng? Câu thơ ngậm ngùi, phẫn uất, có sức tố cáo chế độ hơn cả ở chốn công môn. Do vậy, chúng ta mới hiểu vì sao ngay từ những câu thơ đầu tiên, Nguyễn Gia Thiều đã xây dựng, người cung nữ bất mãn chán chường trước số phận:

Oan chi những khách tiêu phòng, Mà xui phận bạc nằm trong má đào.

Hay:

Vì đâu nên nỗi dở dang?

Nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình.

Ở đây, ta thấy như có sự đồng cảm giữa hai tác giả Nguyễn Gia Thiều và Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Thúy Kiều cũng kêu lên:

Phận sao phận bạc như vôi và nàng đã thảng thốt: Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Chính trong hoàn cảnh: Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải. Ngán trăm chiều, bước lại ngẩn ngơ, người cung nữ lại càng thấm thía hơn nỗi đau: Bóng dương bên ấy, đứng trông bên này. Nàng nhìn cảnh vật mà thấy đâu đâu cũng ẩn chứa sự chia ly. Căn phòng hạnh phúc, chiếc gương ngày nào soi bóng cặp uyên ương, giải đồng kết nghĩa phu thê,… tất cả giờ đây đều trong thế lẻ loi, đơn độc:

Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng, Gương loan bẻ nửa dải đồng xé đôi.

Cung nữ nhắc đến gương loan, dải đồng là muốn nhắc đến tình trạng bi thiết của bản thân mình. Hình ảnh hiện ra trước mắt làm cho nàng thấm thía nỗi cô

đơn của bản thân và cảm thấy rùng rợn, sợ hãi. Đến lúc này nàng quay về với lòng mình:

Chiều ủ dột giấc mai trưa sớm, Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ,

Cung nữ vốn thông minh là thế, hoạt bát là thế, mà nay cảnh sống cô đơn đã làm nàng tàn tạ, héo hon, chẳng muốn làm gì cả.

Cung nữ lại ngắm nhìn những kỉ vật tình yêu và nhận ra rằng chúng đã bị bỏ rơi từ lâu, kể từ khi nhà vua không ghé thăm nàng nữa. Cái liễn trà có in hình con chim phượng đã lên rêu, vì lâu không được đem dùng, vết xe ngày nào nay cỏ đã mọc đầy, vì lâu ngày nhà vua không ghé thăm:

Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ, Dấu sương xa bám cỏ quanh co,

Cảnh như khoét sâu vào nỗi cô đơn của con người, càng khiến con người cảm thấy xót xa cho chính mình. Trong nỗi cô đơn, tê tái ấy, hình ảnh gối chăn chiếm lĩnh tâm hồn người cung nữ:

Lầu Tần chiều nhạt, vẻ thu,

Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông.

Tuy nhiên, hình ảnh ấy cũng nhằm gợi nỗi cô đơn. Hình ảnh gối chăn được nhắc đến không gợi niềm hạnh phúc, nhưng lại cho thấy khát vọng hạnh phúc, ái ân của nàng cung nữ rất mãnh liệt. Ở đây, nàng như bắt gặp tâm trạng của người chinh phụ có chồng đi chinh chiến. Trong nỗi cô đơn, nhớ thương chồng, người chinh phụ cũng nhắc tới hình ảnh chiếu chăn với biết bao tủi hờn, đợi chờ, thao thức:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió, Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn,

(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn, dịch giả Đoàn Thị Điểm) Như vậy, điều sâu kín nhất trong nỗi cô đơn của hai người phụ nữ vẫn là khát khao hạnh phúc ái ân. Cả người cung nữ cũng như người chinh phụ đều trải qua những giây phút cô đơn, tuyệt vọng, đã từng rỏ rất nhiều nước mắt.

Giờ đây nàng không còn có thể khóc được nữa. Những giọt nước mắt đã cạn kiệt, nhưng nỗi đau khổ còn kéo dài và tăng lên gấp bội. Nàng cung nữ còn đau khổ hơn người chinh phụ rất nhiều, bởi nàng không có gia đình, không có người thân ở bên. Hạnh phúc của bản thân lại bị chính kẻ đã từng mặn nồng, ân ái với mình tước đoạt. Trong nỗi cô đơn đến cùng cực ấy, đã rất nhiều đêm cung nữ thao thức, ngồi đếm thời gian. Và ba chữ đêm năm canh được nàng nhắc đến rất nhiều lần:

- Đêm năm canh, lần nương vách quế.

- Đêm năm canh, trông ngóng lần lần.

- Đêm năm canh, tiếng lắng: chuông rền.

Mỗi lần nhắc đến đêm năm canh là mỗi lần nàng buông tiếng thở dài. Cung nữ nhắc đến thời gian như để diễn tả sự nhàm chán trong cuộc sống. Qua đó, nàng cũng muốn bộc bạch về một cuộc đời buồn tẻ, cô đơn, với sự vô vọng đang diễn ra đằng đẵng theo thời gian và dàn trải triền miên trong lòng mình. Nếu người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm khi cô đơn thì thờ ơ với cả những việc nữ công gia chánh mà nàng thường yêu thích:

Từ nữ công phụ xảo đều nguôi, Biếng cầm kim biếng đưa thoi, (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Oanh đôi thẹn dệt bướm đôi ngại thùa.

Và còn thờ ơ với cả việc điểm trang:

Mặt biếng tô miệng càng biếng nói,

Thì nàng cung nữ trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều cũng rơi vào tâm trạng chán chường, thất vọng:

Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ, Mắt buồn trông bên cửa nghiêm lâu, Một mình đứng tủi, ngồi sầu, Đã than với nguyệt lại rầu với hoa.

Giống như cảm nhận của nàng Kiều: Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, với người cung nữ, khi tình đã mất thì tuyệt nhiên không thể có một cảnh nào vui:

Tình buồn, cảnh lại vô duyên,

Tình trong cảnh ấy cảnh bên tình này.

Nỗi tuyệt vọng cứ dâng lên, rồi nhấn chìm người cung nữ, để nàng chết dần, chết mòn trong sự tàn tạ, héo hon. Đau khổ và bi kịch nhất là khi nàng rơi vào ảo tưởng:

Khi trận gió lung lay cành bích, Nghe rì rầm tiếng mách ngoài xa, Mơ hồ nghĩ tiếng xe ra,

Đốt phong hương hả mà hơ áo tàn.

hoặc:

Khi bóng thỏ chênh vênh trước nóc, Nghe vang lừng tiếng giục bên tai, Đè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi,

Nghiêng bình phấn mốc mà dồi má deo. Nhưng đó chỉ là:

Ai ngờ tiếng dế ran ri rỉ, Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng, Vắng tanh nào thấy văn mòng,

Hơi thê lương lạnh ngắt song phi huỳnh.

Và:

Ai ngờ tiếng quyên kêu ra rả,

Điệu thương xuân khóc ả sương khuê,

Có lẽ vì quá mong đợi, cho nên tâm hồn nàng đã bị rơi vào trạng thái hoang tưởng. Nghe tiếng dế ran trong đêm mà ngỡ là tiếng xe của nhà vua ngự giá, nghe tiếng quyên kêu mà tưởng rằng có tiếng đứa hầu nhỏ mang tin thúc giục nàng sửa soạn đón vua. Trong thấp thỏm đợi chờ, nàng như bàng hoàng thức

tỉnh để chờ đón một hi vọng mong manh. Lúc ấy, nàng vui mừng biết bao nhiêu, hạnh phúc biết bao nhiêu. Nàng vội chỉnh sửa sắc đẹp để đón tiếp nhà vua tới. Để rồi, khi nhận ra đó không phải là sự thực, nàng càng tuyệt vọng. Hạnh phúc trong giây lát vụt khỏi tầm tay khiến nàng thêm hụt hẫng.

Cuối tác phẩm, khi những khao khát vẫn không thể đạt được, cung nữ lại quay ra oán trách bõ già (người hầu cận nhà vua) sao không đem chuyện của nàng ra mà tâu với vua: Bõ già tỏ nỗi xưa sau. Chẳng đem nỗi ấy mà tâu Ngự cùng.

Nhưng rồi, dù có hoài niệm hay than vãn đến đâu, cuộc sống của nàng vẫn là cỏ úng tơ mành, nước chảy hoa trôi. Cho nên, có lúc nàng đã nghĩ nếu không làm chủ được số mệnh, thì chỉ còn cách phó mặc buông xuôi cho số phận:

Thôi thôi ngảnh mặt làm thinh, Thử xem con tạo gieo mình nơi nao.

Ở đây, ta như bắt gặp suy nghĩ của nàng Kiều khi chung đụng cùng Sở Khanh ở lầu xanh Tú Bà:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân, Thử xem con tạo xoay vần đến đâu.

Tất cả sự day dứt, sự phản kháng có phần mạnh mẽ, hay cả sự trách móc oán hờn,… đều nói lên cái bất mãn, chán chường trước thực tại của người cung nữ. Sự bất mãn chán chường này một lần nữa nhằm mỉa mai tố cáo đấng quân vương đã xem tình yêu, hạnh phúc là rẻ rúng, thừa thãi.

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 61 - 66)