Giọng điệu cảm thông sâu sắc

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 84 - 88)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2.3. Giọng điệu cảm thông sâu sắc

Là người sống trong nhung lụa, có bổng lộc và chức tước đầy mình, song Nguyễn Gia Thiều không hề kiêu căng, ngạo mạn, không khinh rẻ những kiếp người bất hạnh, đặc biệt là đối với những người phụ nữ “hồng nhan đa truân”. Từ cái nhìn căm phẫn, bi quan về vua chúa trong xã hội phong kiến, ông đã có cái nhìn xót xa, thương cảm về thân phận người phụ nữ. Do đó, ngoài giọng điệu triết lí trữ tình và giọng điệu oán hờn chua chát, Nguyễn Gia

Thiều còn cho chúng ta thấy rõ giọng điệu cảm thông sâu sắc của ông về cuộc sống Thâm khuê vắng ngắt như tờ mà nàng cung nữ đã phải chịu đựng.

Nếu giọng điệu triết lí trữ tình cho ta thấy một Nguyễn Gia Thiều có cái nhìn hư vô, bế tắc về cuộc đời; giọng điệu oán hờn, chua chát cho ta rõ cái thực trạng sa đọa, ăn chơi của vua chúa khiến người cung nữ rơi vào cảnh:

Nơi lạnh lẽo nơi xem gần gặn, thì giọng điệu cảm thông, sâu sắc của ông cho ta nhận ra một Nguyễn Gia Thiều đầy tình người với tấm lòng nhân đạo cao cả.

Nằm trong dòng chảy trào lưu nhân đạo của văn học Việt Nam trung đại cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, Nguyễn Gia Thiều đã lên tiếng đứng về phía người phụ nữ, dành cho họ những tình cảm chân thành. Ông không những đề cao ca ngợi người phụ nữ về sắc đẹp, về tài năng, mà còn thông cảm, chia sẻ với những ngang trái mà họ phải gánh chịu.

Đọc tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, ta thấy: nếu như ở đầu tác phẩm, khi miêu tả vẻ đẹp chân dung cũng như tài năng tột bậc của người cung nữ, nhà văn say sưa ca ngợi nàng với những ngôn từ bay bổng như: vẻ phù dung, nụ hoa, khóe thu ba, câu cẩm tú, nét đan thanh,… để nhằm đi đến khẳng định:

Tài sắc đã vang lừng trong nước, Bướm ong càng xao xác ngoài hiên,

thì khi miêu tả cuộc sống tẻ nhạt của người cung nữ bị nhà vua hắt hủi, ruồng rẫy, Nguyễn Gia Thiều lại có giọng điệu hết sức buồn bã, sâu lắng; và điều này cho thấy Nguyễn Gia Thiều thấu hiểu cặn kẽ hoàn cảnh của người cung nữ.

Để bày tỏ sự cảm thông cho hiện tại của người cung nữ, tác giả dùng những từ: âm thầm, trông ngóng, lạnh ngắt, bẻ nửa, xé đôi, ủ dột, bâng khuâng, vắng ngắt, lạnh lùng, than rầu, tủi sầu, khắc khoải, ngán, thờ ơ, gầy, xơ,…

Để chia sẻ với những thao thức, trăn trở với quá khứ đẹp đẽ Vẻ vưu vật trăm chiều chải chuốt. Lòng quân vương chi chút trên tay tác giả sử dụng các từ: mơ màng, cợt, ghẹo, tả tơi, lấp ló, thơm tho, nỉ non, ấp, ôm, cười,…

Để giãi bày ước mơ về một mái ấm gia đình cơ hàn nhưng giàu tình nghĩa của người cung nữ, Nguyễn Gia Thiều đã lựa chọn những từ: chiêm bao, thanh đạm, cùng nhau, ríu rít,…

Tất cả những từ ngữ trên đều góp phần làm cho giọng điệu của Nguyễn Gia Thiều chất chứa sự cảm thông sâu sắc. Bởi có hiểu rõ hoàn cảnh của người cung nữ, tác giả mới có được một giọng điệu gần gũi và chân tình như thế. Ông đã nói đúng, nói trúng cái “thê lương”, “ủ rũ” của người con gái chết mòn, chết héo trong cung cấm. Đó là cái giọng mà không phải ai cũng có được, cũng không phải gọt dũa mà thành được; mà đó là giọng điệu xuất phát từ trong tim, xuất phát từ tấm lòng của Nguyễn Gia Thiều in hằn lên tác phẩm. Chẳng hạn, khi viết về tình cảnh bỗng một năm một nhạt của nhà vua đối với nàng, Nguyễn Gia Thiều ngậm ngùi: Bỗng không mà hóa ra người vị vong.

Khi nói lên cái thân phận câu chõ của người cung nữ (đi câu cá ở chỗ có nhiều người đang câu, tức là câu ké vào, ý nói cung nữ đã biết rằng kiếp chồng chung với bao nhiêu người khác sẽ phải chịu thân phận dư thừa, ế ẩm), Nguyễn Gia Thiều chua xót:

Ngán thay cái én ba nghìn,

Một cây cù mộc biết chen cành nào.

Khi miêu tả nỗi cô đơn diễn ra đêm đêm, thường trực, Nguyễn Gia Thiều cay đắng:

Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng, Gương loan bẻ nửa dải đồng xé đôi.

Khi nói về vẻ chán chường đứng tủi ngồi sầu, lòng đà khắc khoải, Nguyễn Gia Thiều tê tái:

Hoa này bướm nỡ thờ ơ,

Sự cảm thông của Nguyễn Gia Thiều càng sâu sắc hơn, khi ông tỏ thái độ lên án kẻ cướp đi tuổi trẻ, hạnh phúc của người cung nữ. Ông giận giữ, miệt thị đấng quân vương cá no mồi cũng khó dử lên và thẳng thừng trách cứ:

Đuốc vương giả chí công là thế, Chẳng soi cho đến khóe âm nhai,

Đồng thời ông nguyền rủa:

Khoảnh làm chi bấy chúa xuân, Chơi cho hoa rữa nhị dần lại thôi,

Việc thấu hiểu tâm tư của người cung nữ để tố cáo vua chúa ở Nguyễn Gia Thiều đều không nhằm một mục đích cao đẹp là bênh vực, chở che cho người phụ nữ. Nếu không có một sự hiểu biết đúng đắn giá trị của người phụ nữ, không có trái tim nhân hậu và khối óc thấu hiểu, thông cảm được cuộc đời người cung nữ trong chốn cung cấm, thì tác giả không thể có được khúc ngâm đủ sức làm thổn thức lòng người qua hàng trăm năm sau đó.

Đọc những câu thơ trên, ta có cảm giác Nguyễn Gia Thiều như đã để cảm xúc của mình chảy tràn trên mặt giấy, và ông như đang viết về mình, đang thổ lộ những nỗi niềm sâu kín của mình đúng như Nguyễn Duy Kha nhận xét: “Nguyễn Gia Thiều đã chọn người cung nữ làm nhân vật chính để thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình. Nhà thơ đã viết tác phẩm khi chấm vào mực ông thấy máu của mình trong đó” [19, tr.91].

Có thể khẳng định rằng, với Cung oán ngâm khúc, Ôn Như Hầu đã gieo vào lòng người những âm thanh vần điệu giàu cảm thông và lay động. Mối quan tâm của Nguyễn Gia Thiều đối với thân phận người cung nữ không chỉ là mối quan tâm của một nhà văn đối với đề tài mà là một mối liên hệ máu thịt, thường trực giữa những con người đồng điệu, đúng như ý kiến của Nguyễn Văn Hòe: “tác giả tất nhiên phải sống cảnh ngộ cung phi, chung tâm trạng cung phi, thì mới diễn đạt được thấm thía và cảm động đến thế” [16, tr.134 –

135]. Có thể nói giọng điệu cảm thông là giọng điệu chính mà tác giả dành cho người cung nữ nói riêng, những người phụ nữ nói chung.

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 84 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w