Những đặc điểm nổi bật của thể song thất lục bát trong Cung

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 89)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2.1.Những đặc điểm nổi bật của thể song thất lục bát trong Cung

oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều

a. Tính mẫu mực của thể song thất lục bát trong “Cung oán ngâm khúc”

Cùng với bản dịch Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam trung đại viết theo thể song thất lục bát có thành tựu nghệ thuật lớn lao. Tuy nhiên, tác phẩm Chinh phụ ngâm có vận mệnh nghệ thuật gắn bó giữa nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn với bản dịch chữ Nôm của Đoàn Thị Điểm. Nguyễn Gia Thiều đã thành công khi lựa chọn thể thơ song thất lục bát có khả năng phản ánh nội dung trữ tình ai oán,

bi thương. Vì lẽ đó, Đặng Thanh Lê đã nhận định: “Cung oán ngâm khúc

không thuộc trường hợp mở đường thể loại, cũng không có vị trí “đường gươm thử thách, đường gươm bậc thầy” của bản dịch Chinh phụ ngâm ở thế kỉ XVIII” [19, tr.43 – 44]. Nhưng, “Nguyễn Gia Thiều đã hoàn chỉnh, hoàn thiện vị trí thể loại ở phương diện chức năng thẩm mĩ, đã rộng mở khả năng phản ánh nội dung cuộc sống và đa dạng hóa giá trị biểu đạt của ngôn ngữ thơ ca cổ điển Việt Nam” [19, tr.44].

Có thể nói, Cung oán ngâm khúc là tác phẩm tiêu biểu cho một thể thơ không có trước đây, và sẽ là mẫu mực cho các bài thơ cùng thể loại sau này. Nguyễn Gia Thiều vẫn tuân theo cách luật của thể song thất lục bát, nhưng ít nhiều đã có sự cách tân. Chẳng hạn, theo thể song thất lục bát cũ, có trường hợp vần câu bát ở chữ thứ 4, sau này vần câu bát nhất loạt ở chữ thứ sáu. Vế thứ hai của câu thất đa số có vần lưng ở chữ thứ 3, và thường chủ yếu là bằng, dù có vần ở chữ thứ 5.

Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã có một mô hình khác. Chữ thứ 3 của câu thất đầu không có vần và chủ yếu là trắc:

Ngẫm nhân sự/ thế kia mà nghĩ, Sợi xích thằng chi để vướng chân,

Hiện tượng này không phải ngẫu nhiên, mà cố ý. Tính chất đều đặn trong song thất lục bát đến Nguyễn Gia Thiều được xem là cao nhất, sau này cũng không ai đạt được mức ấy. Trong số 89 câu thất đầu chỉ có hai câu chữ thứ 3 là bằng:

- Duyên đã may, cớ sao lại rủi.

- Đêm năm canh lần nương vách quế.

Bước cách tân này đã đưa cấu trúc của thơ song thất lục bát đạt tới trình độ cổ điển, tạo bước chuyển từ cảm hứng trữ tình sử thi sang cảm hứng trữ tình bi thương. Điều đó khiến cho song thất lục bát trở thành một thể thơ không thể thay thế của thể loại ngâm khúc, như một biểu hiện mẫu mực của sự kết hợp giữa nội dung và hình thức nghệ thuật trong văn học, giúp cho thể loại

ngâm có khả năng chuyển tải được những vấn đề sâu sắc và lớn lao của thời đại.

Với 356 dòng thơ là sự tổng hợp đều đặn, luân phiên của 89 cặp song thất và 89 cặp lục bát đã tạo cho Cung oán ngâm khúc đạt đến độ chuẩn mực về cách gieo vần, phối thanh cũng như cách ngắt nhịp.

Về cách gieo vần, tiếng cuối của câu thất trên bắt vần trắc xuống tiếng thứ 5 của câu thất dưới, tiếng cuối của câu thất dưới bắt vần với tiếng cuối của câu lục, tiếng cuối của câu lục bắt vần với tiếng thứ 6 của câu bát, tiếng cuối của câu bát lại bắt vần với tiếng thứ 3 hoặc tiếng thứ 5 ở câu 7 đầu khổ thơ sau. Mỗi khổ thơ có một vần trắc và 3 vần bằng, câu lục chỉ có vần chân, 3 câu kia vừa có vần chân vừa có vần lưng.

Về phối thanh, các tiếng thứ 3, thứ 5 và thứ 7 của câu thất trên phải lần lượt là các thanh điệu: trắc – bằng – trắc (do vậy được gọi là câu thất trắc), các tiếng ở vị trí tương ứng trong câu thất dưới (còn gọi là câu thất bằng) thì theo thứ tự ngược lại: bằng – trắc – bằng, câu lục và câu bát phối thanh đúng theo thể lục bát. Một câu song thất lục bát có tới 7 chữ mang vần, lại có đủ các kiểu vần: vần trắc, vần bằng, vần lưng và vần chân, tạo nên sự giao hưởng âm vận, dồi dào nhạc điệu, rất thích hợp để ngâm vịnh. Cách ngắt nhịp trong Cung oán ngâm khúc là 3/4 đối với hai dòng thất, 3/3 đối với dòng lục và 4/4 đối với dòng bát:

Kìa điểu thú / là loài vạn vật,

T B T

Dẫu vô tri / cũng bắt đèo bòng,

B T B

Có âm dương / có vợ chồng,

B T B

Dẫu từ thiên địa / cũng vòng phu thê.

B T B B

Cách ngắt nhịp này được tuân thủ từ đầu cho đến cuối khúc ngâm mà không hề thay đổi. Sự cân xứng trong cách tạo nhịp của hai dòng lục bát đã làm nên nhịp thơ dàn trải khác với sự dồn nén ở hai dòng thất trên. Nó như lời kể, lời tâm sự, nhưng cũng đầy sự ai oán của một thân phận, một kiếp người.

Vì thế cách gieo vần, ngắt nhịp này có khả năng diễn tả tâm trạng của con người.

Có thể khẳng định rằng, Nguyễn Gia Thiều là người đóng góp vào việc hoàn thiện thể song thất lục bát và do đó góp phần quan trọng vào việc xác lập vị trí của thể thơ này trong qúa trình phát triển thơ ca trữ tình, cũng như trong lịch sử văn học Việt Nam. Vẫn tôn trọng cách luật thơ song thất lục bát, nhưng do cá tính chọn chữ, đặt câu của Nguyễn Gia Thiều thường mạnh mẽ, cho nên ông viết những cặp câu thơ bảy chữ thường sắc bén, còn cặp câu thơ sáu tám lại nhẹ nhàng, chắc chắn; và như cái bệ đỡ, với phần câu đối ý vừa chỉnh, vừa tự nhiên làm cho câu thơ trong Cung oán ngâm khúc có một dung mạo khỏe khoắn, linh động.

Mặt khác, trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều gọt dũa câu chữ có khi đến mức cầu kỳ, hình ảnh lại cô đọng, tinh tế, cùng với cách gieo vần tự nhiên, làm cho khổ thơ nhiều lúc đạt đến độ có thể tách thành làm một bài tứ tuyệt trọn vẹn và đặc sắc:

Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm, Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon,

Cùng nhau một giấc hoành môn, Lau nhau ríu rít cò con cũng tình!

Sự kết hợp giữa dòng song thất và dòng lục bát là một phát hiện độc đáo của thơ ca Việt Nam. Từ đó tạo ra thể song thất lục bát có giọng điệu đặc trưng dân tộc. Nếu thể lục bát mạnh về khả năng tự sự, thì song thất lục bát với cấu trúc đặc biệt, lại thiên về diễn tả nội tâm nhân vật trữ tình. Nguyễn Gia Thiều đã nắm bắt được điều này, cho nên câu thơ của ông giàu giá trị biểu cảm, nổi bật âm điệu buồn, nhưng sang trọng, quí phái. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Có thể nói, Nguyễn Gia Thiều đã kế thừa Đoàn Thị Điểm trong việc khai thác triệt để thế mạnh của thể thơ song thất lục bát. Ông đã phát huy sức sáng tạo của thể thơ này với âm điệu đều đều, bằng lặng để diễn tả những tâm trạng buồn, đứng yên, tĩnh lặng của ngâm khúc.

Đặc biệt, Nguyễn Gia Thiều đã chú ý đến từ ngữ, đến chi tiết, và đồng thời ông cũng rất chú ý đến tiết tấu, đến nhạc điệu, đến cấu trúc chung của bài thơ. Ở đây, dường như sự thông thạo về âm nhạc và kiến trúc của tác giả cũng góp phần đắc lực vào sự thành công của tác phẩm này. Đọc Cung oán ngâm khúc, có thể độc giả chưa hiểu hết cái ý tứ của nhà thơ, nhưng dễ bị lôi cuốn bởi nhạc điệu và những tiết tấu của câu thơ trong tác phẩm này.

Tóm lại, Nguyễn Gia Thiều không chỉ đóng góp vào việc hoàn chỉnh, ổn định cách luật của thể thơ song thất lục bát, mà còn sáng tạo rộng mở khả năng phản ánh cuộc sống với nội dung cảm hứng có màu sắc triết lí. Bên cạnh đó, Nguyễn Gia Thiều đã đưa ngôn ngữ văn hóa dân tộc đến một “bến bờ mới” trong khả năng biểu đạt phong phú của ngôn ngữ thơ ca.

b. Phép điệp trong Cung oán ngâm khúc

Điệp ngữ là biện pháp lặp lại một, hay nhiều lần những từ, ngữ trong tác phẩm văn học nhằm mục đích mở rộng nghĩa, gây ấn tượng mạnh, hoặc gợi ra những xúc cảm trong lòng người đọc, người nghe.

Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã sử dụng phép điệp từ, điệp ngữ khá nhiều và có những từ được điệp lại rất nhiều lần. Chẳng hạn như điệp từ mình, lòng, khóc, ai, càng, muốn, buồn, lại, mà, buồn vì, nguyệt hoa, bây giờ đã,… Những từ, cụm từ nói trên được trở đi trở lại trong nhiều câu thơ Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, nhằm làm nổi rõ cảnh sống của người cung nữ ở chốn thâm khuê vắng lặng. Nếu điệp từ “mình” khắc sâu nỗi thương cảm, bế tắc không lối thoát của nhân vật, điệp từ “khóc” nói lên nỗi sầu bi, ai oán cho số phận, thì điệp từ “ai”, điệp từ “buồn” là tiếng kêu hoảng hốt, đau xót giống như một câu hỏi day dứt và điệp từ “lại” thể hiện sự đơn côi luôn tiếp diễn, thường trực.

Những điệp từ trên được Nguyễn Gia Thiều vận dụng rất linh hoạt. Có khi điệp từ trong từng câu thơ:

Hôn hoàng thôi lại hoàng hôn,

Có khi điệp từ giữa hai câu thơ:

Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng?

Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn?

Có khi điệp từ trong cấu trúc cả một đoạn thơ. Chẳng hạn, đoạn từ dòng thơ 245 đến dòng thơ 252; đoạn từ dòng thơ 253 đến dòng thơ 260; đoạn từ dòng thơ 269 đến dòng thơ 276; đoạn từ dòng thơ 277 đến dòng thơ 284 đã có những dòng thơ được lặp lại về cấu trúc rất giống nhau. Cụ thể:

Đoạn từ dòng thơ 245 đến dòng thơ 252:

Nào lối dạo vườn hoa năm ngoái, Đóa hồng đào hái buổi còn xanh, Trên gác phượng, dưới lầu oanh, Gối du tiên hãy rành rành song song. Bây giờ đã ra lòng rẻ rúng,

Để thân này cỏ úng tơ mành, Đông quân sao khéo bất tình,

Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân.

Cấu trúc này được lặp lại ở đoạn kế tiếp (từ dòng thơ 253 đến dòng thơ 260):

Nào lúc tựa lầu Tần hôm nọ, Cành liễu mành bẻ thuở đương tơ, Khi trướng ngọc, lúc rèm ngà, Mảnh xuân y vẫn sờ sờ dấu phong. Bây giờ đã ra lòng ruồng rẫy, Để thân này nước chảy hoa trôi, Hóa công sao khéo trêu ngươi, Bóng đèn tà nguyệt dử mùi kí sinh.

Có thể nói điệp từ đóng góp một phần không nhỏ để làm nổi bật nội dung của tác phẩm cũng như tạo ra nhịp điệu cho câu thơ song thất lục bát. Sử

dụng biện pháp điệp từ một cách điêu luyện và triệt để, Nguyễn Gia Thiều nhằm nhấn mạnh tâm trạng cô đơn, nỗi mong chờ và niềm khao khát hạnh phúc cháy bỏng của người cung nữ. Tuy không phong phú bằng biện pháp điệp từ trong Chinh phụ ngâm, nhưng không thể phủ nhận rằng sử dụng biện pháp điệp từ trong Cung oán ngâm khúc là một trong những điều góp phần làm nên thành công về nghệ thuật ngôn từ của Nguyễn Gia Thiều.

c. Phép đối trong Cung oán ngâm khúc

Đối là một biện pháp tu từ trong đó người ta đặt trong cùng một chuỗi cú đoạn âm thanh, những khái niệm, những hình ảnh, ý nghĩa đối lập nhau được diễn tả bằng những đơn vị lời nói khác nhau.

Trong Cung oán ngâm khúc, biện pháp đối được thể hiện rất cân xứng, chặt chẽ với tỉ lệ cao. Qua khảo sát, trong 60 trường hợp đối, chỉ có 2 trường hợp tiểu đối ở dòng lục (Trên gác phượng, dưới cầm canh. Khi trướng ngọc lúc rèm ngà). Số còn lại chủ yếu đối ở cặp song thất. (Cụ thể, trong 89 cặp câu thất có 29 cặp đối thơ, 3 cặp đối phú).

Như chúng ta đều biết, thể thơ song thất lục bát là một thể thơ có khả năng tạo ra sự cân đối. Hai câu thất có thể đối nhau thành một cặp, câu lục và câu bát, mỗi câu có thể chia đôi thành hai vế đối nhau. Nhưng, thông thường để tránh nặng nề, ít khi người ta dùng một lối đối nghiêm khắc như vậy. Trong

Cung oán ngâm khúc nhà thơ không chỉ triệt để sử dụng lối đối, mà còn tạo ra những yếu tố để gây ấn tượng đối mạnh mẽ, như từ Việt đối với từ Việt, từ Hán đối với từ Hán, loại từ nào đối với loại từ ấy, khổ trên đối với khổ dưới, rồi mấy khổ liền đối với nhau,…

Chẳng hạn đoạn từ dòng thơ 77 đến dòng thơ 92 (từ dòng thơ Đền vũ tạ nhện giăng cửa mốc cho đến dòng thơ Mờ mờ nhân ảnhnhư người đi đêm), thì không những từng khổ một có đối, mà tám dòng thơ của hai khổ thơ trên lại

còn đối với tám dòng thơ của hai khổ dưới,… Thậm chí, trong tác phẩm này, các hình thức đối chồng chất lên nhau, trong đối lại có đối:

Khi ấp mận/ôm đào gác nguyệt, Lúc cười sương/cợt tuyết đền phong, (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nguyễn Gia Thiều đã khéo léo trong việc sử dụng biện pháp đối ở phần đầu tác phẩm khi nói về vẻ đẹp lộng lẫy, đài các của nàng cung nữ hòa với vẻ đẹp tài năng thành một hình tượng người phụ nữ “tài sắc vẹn toàn”. Đây là một trong những điểm ưu việt của nghệ thuật đối trong sáng tác của ông:

Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn, Lửng lơ trời nhạn ngẩn ngơ sa.

Về sau, khi diễn tả tâm trạng nàng cung nữ bị nhà vua ruồng bỏ, thì các vế đối trong Cung oán ngâm khúc được tác giả sử dụng ít hơn. Đây được xem là một lối kết cấu đăng đối hết sức chặt chẽ. Tính chất đối cân trong câu lục, câu bát,

đối chọi trong câu song thất là một điều kiện thuận lợi để đưa vào câu thơ

Cung oán ngâm khúc các hình ảnh ước lệ, các từ ngữ có tính chất gợi tả, gợi cảm sâu sắc và mỗi từ ngữ xuất hiện đều hòa hợp với dòng tâm tư của nhân vật. Có thể nói việc Nguyễn Gia Thiều sử dụng đa dạng hình thức đối trong

Cung oán ngâm khúc khiến nhịp điệu của thể thơ được tác giả vận dụng phong phú và việc diễn tả nội tâm nhân vật trữ tình cũng sâu sắc hơn.

Nhìn chung có thể thấy, Nguyễn Gia Thiều khi sử dụng thể song thất lục bát là đã khai thác một thuận lợi về cấu trúc của thể thơ này là rất phù hợp với cấu trúc của nghệ thuật quí tộc, nghệ thuật phong kiến; đó là tính cân đối, đối xứng để tạo ra vẻ đẹp hài hòa của thi phẩm. Nhờ đã sử dụng triệt để khả năng đối xứng của thể thơ song thất lục bát ông đã diễn đạt thành công tâm trạng nhân vật trữ tình với những diễn biến phức tạp như nó vốn có trong Cung oán ngâm khúc.

Như vậy, phép đối là một bước phát triển của nghệ thuật; đi từ tiếng nói mộc mạc sang lĩnh vực của cái đẹp ý thức. Hình thức đối xứng tạo cho nhịp

thơ trang trọng, đem lại cái đẹp nhịp nhàng, cân đối cho câu thơ. Vì thế, tính chất cân đối là một trong những đặc trưng của thể ngâm khúc.

c. Từ láy trong Cung oán ngâm khúc

Từ láy là một trong những phương tiện diễn đạt quan trọng có vị trí đặc biệt trong sáng tác thơ ca, nhằm tạo nên sự hài hòa về âm, về nghĩa và có giá trị tượng trưng. Nguyễn Gia Thiều là một trong những nhà thơ rất thành công khi đưa các từ láy vào câu thơ song thất lục bát ở tác phẩm Cung oán ngâm khúc.

Theo Nguyễn Thúy Hồng, “Nguyễn Gia Thiều dùng khá nhiều từ láy trong tác phẩm (94 từ)” [20, tr.147]. Phần lớn các từ láy được tác giả sử dụng đứng sau các danh từ, làm chức năng vị ngữ, hay định ngữ: gió vàng hiu hắt, gương nga lồ lộ, trẻ tạo hóa đành hanh, tiếng thánh thót, giọng nỉ non, bướm ong xao xác, nguyệt gác mơ màng, đồ mi trập trùng,... Đây là cách dùng

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 89)